/Cỏn con một sợi lông mày. Mà đem cột trái đất này vào anh/ Thơ Trần Mạnh Hảo

VIDEO

HỖ TRỢ

QUẢNG CÁO

LỊCH

LIÊN KẾT

văn xuôi

Tác phẩm đạt giải tiểu thuyết lần thứ IV: “Đốt trúc” của Nguyễn Đắc Như

Còn tôi là Nguyên, Hoàng Hữu Nguyên, nghề nghiệp thì ông biết rồi, tù chính trị được trả về quản thúc tại địa phương!

Tác phẩm đạt giải tiểu thuyết lần thứ IV: “Đốt trúc” của Nguyễn Đắc Như



       Cuộc thi tiểu thuyết lần thứ IV (2011 – 2015) của Hội Nhà văn Việt Nam đã kết thúc tốt đẹp. 17 tác phẩm được trao tặng giải thưởng, trong đó có 4 tác phẩm đạt giải B và 13 tác phẩm đạt giải C (không có giải A). Nhiều cuốn tiểu thuyết trong cuộc thi đã gây được sự chú ý của bạn đọc và dư luận xã hội khá sôi nổi. Vanvn.net xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc một số chương thuộc phần 2 trong tác phẩm “Đốt trúc” (tác phẩm đạt giải C) của nhà văn Nguyễn Đắc Như.

Tác phẩm đạt giải tiểu thuyết “Đốt trúc” của Nguyễn Đắc Như

 

PHẦN THỨ HAI:

 

HUỲNH MINH CƯỜNG

 

13. Một ngày ở làng

 

Nghe tiếng đập cổng thình thình ông Nguyên mới choàng tỉnh dậy. Với tay cầm chùm chìa khóa treo tường ông chạy vội ra ngoài. Ánh nắng buổi sớm mai chiếu vào cánh cổng sắt hắt lên khuôn mặt rạng rỡ của cậu bé Thật. Ngay từ xa ông đã nói cười rổn rảng như có ý thanh minh:

- Cả đêm qua không thể nào ngủ được, mãi tới gần sáng mới chợp được một lúc, làm cậu phải đợi lâu quá!

Thật nói vọng vào:

- Mẹ cháu bảo sang dẫn ông đi ra quỹ tín dụng rồi đi chợ sắm Tết.

- Bà với cậu chu đáo quá, mời cậu vào đây một tí rồi ta cùng đi.

Vào nhà, ông Nguyên kiễng chân với chiếc bánh chưng trên ban thờ xuống đưa cho Thật:

- Nhờ cậu khéo tay bóc giúp chứ tôi bây giờ thì chịu, tay cẳng nó cứ như tay lá han ấy, sờ đâu hỏng đấy, chán thế đấy cậu ạ. Cậu biết không, gần hai chục năm nay tôi chưa biết mùi vị bánh chưng nó ra làm sao, giờ được thụ lộc cùng với cậu, thật may mắn cho tôi quá!

Trong khi ông Nguyên còn đang rửa mặt mũi chân tay dưới bếp, thì trên này chỉ một nhoáng Thật đã bóc xong chiếc bánh. Chiếc bánh chưng cỡ đại được những sợi lạt tước mảnh như chỉ tơ cắt thành tám miếng đều tăm tắp, khiến cho tấm bánh nằm ngay ngắn trên chiếc đĩa nhỏ, bốn góc chờm cả ra ngoài mà vẫn vuông như mới được bóc ra.

Vừa ăn bánh ông Nguyên vừa bắt chuyện:

- Năm nay bố mẹ cậu gói chắc nhiều bánh chưng lắm?

- Mẹ cháu bảo Tết này là Tết hoà bình thống nhất, Tết đại thắng bố ở chiến trường ra nên phải ăn một cái Tết thật to. Riêng gạo nếp gói bánh mẹ đong đã ba yến.

- Ba yến! Thế thì được bao nhiêu chiếc?

- Bánh cỡ đại như cái này thì phải bốn lạng gạo một chiếc, nhỡ nhỡ như nhà cháu thì một cân ba chiếc. Ba yến là chín chục ông ạ.

Ông Nguyên tỏ vẻ ngạc nhiên:

- Ba yến gạo nếp, lại còn đỗ, lại còn thịt, chưa kể những thứ khác, chỉ nội một nồi bánh chưng đã biết là Tết to lắm rồi!

Thật kể thêm:

- Nhà cháu cũng bình thường thôi, chỉ đụng có nửa lợn. Nhiều nhà trong làng con cái đi bộ đội trở về đông đủ họ còn chiến cả con cỡ một tạ ấy chứ!

- Thế thì vui phải biết cậu Thật nhỉ?

Nét mặt của Thật bỗng ỉu xìu hẳn xuống:

- Nhưng cháu biết nhiều nhà năm nay lại không ăn Tết.

- Sao lại có chuyện như thế?

- Đấy là những nhà có giấy báo tử ông ạ, riêng trong xóm nhà cháu đã hơn chục nhà rồi. Có nhà một giấy, có nhà như nhà bà Hân đầu năm một giấy báo ông Hân chết giữa năm hai giấy báo anh Chiến và Thắng hy sinh. Bà Hân bảo với mẹ cháu chẳng có lòng dạ nào mà tết với nhất!

Từ đấy cho đến lúc hai người bước chân ra khỏi cổng trường, ông Nguyên không dám gợi thêm chuyện gì nữa.

Thật dẫn ông Nguyên ra đến quỹ tín dụng thì vẫn chưa thấy mở cửa, trong khi đó người từ khắp mọi nẻo đường đổ về chợ cứ nườm nượp như đi trẩy hội. Thật bảo giờ hai ông cháu cứ đi mua sắm một vòng rồi quay về quỹ tín dụng cũng vẫn kịp.

Những năm trước khi đi tù, tiếng là sống độc thân nhưng có người giúp việc nấu nướng giặt giũ, nên có mấy khi ông Nguyên bước chân đến chợ, nhất là chợ quê như thế này thì đây đúng là lần đầu tiên trong đời.

Con đường đất rộng vắt ngang mặt đê xoài về hướng cánh bãi rộng mênh mông ven dòng sông Vải. Đình Sòi nằm trên dải đất một mặt giáp chân đê, một mặt giáp con đường đất. Tiếng là ngoài đê nhưng đình xây dựng rất bề thế, khoáng đạt và thật thuận tiện cho việc hành lễ mỗi khi hội hè đình đám.

Từ mặt đê bước dọc xuôi con đường, điều đập vào mắt gây nên sự chú ý đầu tiên với ông Nguyên là bức tường bao ngôi đình. Bức tường chỉ cao một đầu một với chạy suốt mặt tiền phải già trăm mét, tất cả đều đã được quét vôi trắng sáng từ đỉnh tới chân. Trên mặt tường được vẽ kẻ la liệt những bức tranh hoặc khẩu hiệu với đủ mọi chủ đề. Mé phải cổng chính dẫn vào đình là khẩu hiệu: “Mừng Đảng mừng xuân mừng non sông thu về một mối”, chữ to khỏe tô sơn đỏ rực rỡ có đóng khung cẩn thận. Mé bên trái cổng là bức tranh vẽ bằng sơn đủ màu sắc tươi rói cảnh một chiếc xe tăng cắm cờ đỏ xanh sao vàng đang húc đổ chiếc cổng sắt to tướng của một toà nhà lớn, phía dưới là hàng chữ: “11 giờ 30 ngày 30-4-1975 giải phóng Sài Gòn thống nhất đất nước”. Nhìn bức tranh, nhớ lại lời Cường tối qua ông Nguyên cũng đoán được ra vài phần, nhưng thấy chiếc xe tăng cắm chiếc cờ lạ thì ông chịu không hiểu nổi mới đành phải hỏi:

- Chiếc xe tăng nào mà lại có cái cờ lạ thế này cậu Thật?

Thật không hiểu sao một người già đến thế này mà lại đi hỏi một câu buồn cười là vậy, nên cậu chỉ trả lời qua loa:

- Xe tăng quân giải phóng miền Nam đấy!

Nghe cậu bé giải thích ông Nguyên bỗng nhiên lẩm bẩm những câu như là tự mình nói chuyện với mình:

- Quân giải phóng… xe tăng… cờ đỏ xanh sao vàng… đúng là giải phóng Sài Gòn thống nhất đất nước thật rồi!

Ông đứng lặng hồi lâu trước bức tranh cổ động để cho hai tâm trạng đối ngược nhau lại cùng lúc ùa vào trí não, cái tâm trạng về niềm hân hoan chiến thắng sau cuộc trường chinh vạn dặm của dân tộc và nỗi ai oán riêng mình bị loại khỏi đội ngũ những người tới đích, mà suốt cả đêm qua chúng đã bao phen giằng xé trái tim ông. Tâm trí ông lúc này lại một lần chơi vơi giữa dòng suy tưởng, thì ra công lao của một cá nhân như mình liệu có đáng là một hạt cát trước những chiến công kỳ vĩ nghìn đời của dân tộc hôm nay? Nghĩ về nỗi oan khiên của riêng mình ông tự an ủi, tự cổ chí kim, từ Đông sang Tây bao giờ cũng vậy, trong những nhịp bước đi lên phía trước của mỗi dân tộc, mỗi quốc gia, sự oan khuất thua thiệt của không ít con người trung liệt cũng lại là những chuyện chẳng hiếm hoi gì. Thời gian rồi cứ thế trôi đi, tháng năm sẽ trở thành cũ kỹ, cả lịch sử cũng dần trở thành cũ kỹ khi bụi thời gian ngày một phủ kín lớp tầng. Các thế hệ hậu sinh vọng về quá khứ thường nhìn qua những trang sử chiến thắng lẫy lừng do những người chiến thắng viết nên. Lịch sử thường có khuynh hướng say sưa cất giấu vào lòng mình những vinh quang chiến trận, giống như con người thường mê mải tích cóp vàng bạc châu báu để truyền lại cho hậu duệ tương lai. Và do vậy lịch sử cũng dễ thỏa hiệp và chấp nhận một triết luận cho rằng: Chiến thắng là tất cả, chiến thắng biện minh cho tất cả việc làm trước đó của những người thắng cuộc…

Nếu như không có sự nhắc nhở của Thật, chắc ông Nguyên dễ trở thành bức tượng hóa đá trước mảng tường này.

Tiếp theo bức tranh xe tăng là đến các bức tranh cổ động Công Nông Binh, tranh VAC Vườn Ao Chuồng, bảng thống kê hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch sản xuất năm 1975 của 8 đội sản xuất trong toàn hợp tác xã Song Yên… Rồi các khẩu hiệu “Toàn Đảng toàn dân Song Yên quyết tâm hoàn thành vượt mức toàn diện kế hoạch sản xuất năm 1975 ”, khẩu hiệu: “Vì miền Nam ruột thịt, Song Yên thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người ”…

Chỉ mất mươi phút đi dọc cổng đình ông Nguyên đã nhận ra cái bức tường này nó mới thật giống với một trung tâm thông tin tuyên truyền, mà ý tưởng ban đầu của những người lập ra những trung tâm như thế là làm sao chỉ với những hình ảnh, lời văn và khẩu hiệu ngắn gọn đơn giản nhất, cũng có thể mang đến cho mọi người dân những thông tin thời sự căn bản, cũng như cái hơi thở nóng hổi của đời sống chính trị xã hội đương thời. Nghĩ đến đây ông bỗng thấy chạnh lòng xao xuyến khi nhớ lại cũng khoảng thời điểm này đúng 30 năm trước, với cương vị Thứ trưởng phụ trách công tác Thông tin tuyên truyền của Lâm thời Chính phủ Cách mạng, ông đã hướng dẫn chỉ đạo các địa phương trong toàn quốc những điều như thế, để mãi đến hôm nay sau một cung đường dài quá nửa đời người, ông mới có cơ may được trông thấy nó, nhận ra nó, cái sản phẩm tinh thần của mình, hiện hữu ở một nơi được gọi là xa xôi nhất, nhưng lại là gần với người dân nhất!

Đi hết bức tường bao đình làng, con đường từ đây biến thành con phố kéo dài tới cả trăm mét mà hai bên đã mọc lên hai dẫy cửa hiệu lúp xúp bán đủ trăm thứ bà giằn. Hết dãy phố làng là đến chợ làng.

Vẫn là con đường đất ấy, nhưng hai vệ đường lúc này đã mọc lên hai hàng lều quán cao thấp, rộng hẹp nghiêng ngả đủ kiểu. Không biết ngày dưng thì thế nào chứ hôm nay phiên chợ giáp Tết, nó lại đông vui náo nhiệt giống như một ngày hội chợ thì đúng hơn. Lúc này mới khoảng 8 giờ sáng mà không gian đã ồn ã một thứ âm thanh vang vọng trùm lấp khác biệt, không biết tả như thế nào cho người khác hình dung, mà chỉ có thể duy danh định nghĩa đó là kiểu âm thanh chợ làng. Tất cả các lều quán đã thấy người bán kẻ mua ngồi kín hết cả. Thoạt đầu là các quán hàng ăn uống, mới tạt qua bên ngoài đã thấy mùi thơm nấu nướng ngạt ngào bay ra. Tiếp đến là khu hàng xanh hàng xáo gạo ngô cám bã, từng thúng từng thúng đầy có ngọn, trắng như tuyết, vàng như tơ bầy san sát ra tận mép đường. Kế đến là khu bán hoa quả, gấc đỏ, bưởi vàng, chuối xanh, cà tím, rồi cành đào phai, cành mận trắng… sắc màu tươi rói như một vườn cây quả được trồng ngay giữa chợ. Bên cạnh khu hoa quả là khu tranh ảnh Tết, những bức tranh gà lợn Đông Hồ, tranh Hàng Trống Lý Ngư vọng nguyệt, tranh Ngũ Hổ… được xếp cạnh những bức ảnh bộ đội ta tiến quân vào giải phóng Huế, Đà Nẵng, Sài Gòn… Rồi tiếp nữa là khu bán con giống con má, lợn gà ngan ngỗng chó mèo, mỗi con mỗi giọng trầm bổng như một khúc hát nhiều bè đón mùa xuân sang…

Cứ thế, cứ thế, ông Nguyên đã đi qua tất cả các khu mua bán của đủ các ngành hàng khác nhau, cố len lỏi để bắt kịp thằng cháu Thật giữa đám đông kẻ ngược người xuôi. Trên đường đi, cứ thỉnh thoảng lại có một người nào đấy, có khi là đàn ông, có khi là đàn bà, họ vẫn cứ mải mốt bước những bước đi vội vã nhưng vẫn kịp hỏi Thật một câu rõ to, đại loại: “Cháu Thật đi chợ đấy à, thế bà giáo đâu?”. Và Thật cũng cứ một kiểu vừa đi vừa trả lời, đại thể: “mẹ cháu đang gói bánh ở nhà!”. Rồi ai lại đường nấy! Người đi chợ xung quanh cũng thế, chào nhau hỏi nhau cứ râm ran nhưng cấm thấy ai dừng lại bao giờ, tất cả cứ nhoang nhoáng, linh động, trôi chẩy như một dòng nước vậy. Ông Nguyên lần đầu tiên trong đời được hoà mình trong cái dòng người chuyển động đầy âm thanh, màu sắc và hương sắc đồng quê ấy, lại trong một buổi sáng đẹp trời sửa soạn đón mùa xuân sang như sáng nay, lòng dạ ông bỗng thấy rộn ràng phơi phới lạ thường, và ông cứ mải miết đi, mải miết mơ màng và thưởng ngoạn. Cho đến đoạn cuối cùng là khu giết mổ gia cầm gia súc và bán các loại thực phẩm tươi sống, thấy ông Nguyên chỉ cứ luôn mồm xuýt xoa khen hết thứ này sang thứ khác mà chẳng mua gì, Thật mới có ý giục giã:

- Mẹ cháu dặn là ông mua gì thì đưa cháu cầm đỡ cho không rồi lại lúng túng rơi hết dọc đường.

Ông Nguyên như chợt nhớ ra công việc của mình sáng nay mới ngơ ngác hỏi lại:

- Cậu nói phải đấy, nhưng mà ta biết mua gì bây

giờ nhỉ?

- Mẹ cháu dặn là phải mua mấy ca gạo, chai nước mắm, muối, liễn sành muối dưa, ít bát đĩa môi thìa, nồi đất kho cá, một cân thịt lợn về nấu đông ăn Tết, rồi ít rau xu hào bắp cải với ít dưa cải về muối ăn dần... Ngoài ra ông thấy cần gì thì mua thêm.

- Nhiều thế thì mang làm sao cho hết?

- Thế cho nên phải mua thêm mấy cái rổ rá vừa để rửa rau vo gạo vừa để làm quang treo úp bát đĩa và cất đồ ăn thức uống thay cho cái chạn. Lấy rổ rá ấy mà đi chợ thì tha hồ đựng ông ạ!

- Đúng là không có bà với cậu thì tôi đành chịu chết. Bà với cậu đúng là con cháu ông Bụt trong truyện Tấm Cám xuống giúp tôi đây, phúc đức cho tôi quá!

Theo cách thức hướng dẫn lựa chọn phẩm chất, mặc cả giá mua của Thật, trong vòng nửa tiếng đồng hồ hai ông cháu đã mỗi người một cắp hàng nặng đem về. Ngoài những thứ Thật chọn, ông Nguyên còn mua thêm mấy bức ảnh bộ đội, một phong pháo Tết, hai hộp mứt với mấy gói chè.

Trên đường quay về, lúc đi qua một cửa hàng trên dãy phố ban nãy ông mới đi chậm lại khi thấy từ trong nhà phát ra tiếng hát rất êm ái du dương, nghe thoáng một cái là ông nhận ra ngay đó là loại ca nhạc từ thời trước chiến tranh mà hồi trong tù Toản Trương Chi vẫn hay hát. Ngạc nhiên thoáng chút hoang mang ông mới hỏi Thật:

- Ở đây người ta mở đài địch to thế mà không ai nói gì hả cậu Thật?

- Ông nói đài địch nào cơ?

- Đấy, đài đang hát bài Thuyền viễn xứ của Phạm Duy đấy thôi!

Thật càng lúc càng tỏ vẻ ngạc nhiên về ông lão:

- Làm gì có đài địch nào ở đây hả ông, là máy catxet đấy ông ạ!

Hai người, một già một trẻ cứ thay nhau đẩy sự ngạc nhiên của mình lên một cách khác nhau. Đến đây quả là sự ngạc nhiên ở ông Nguyên đã lên đến đỉnh điểm và nó thể hiện ra mỗi lúc mỗi rõ rệt trên khuôn mặt cũng như trong giọng nói:

- Máy catxet là gì hả cậu?

- Là cái đài bán dẫn t’răngsito có hai phần, phần nghe đài và phần nghe ca nhạc. Kia kìa ông thấy chưa, nó như cái cục gạch nằm trên mặt tủ chè đấy.

Ông Nguyên nhìn theo tay chỉ của Thật để được mục sở thị cái sản phẩm của một nền văn minh mà lúc này ông đang choáng ngợp và không thể tưởng tượng ra nổi. Biết là mình đang tỏ ra quá lố vì đã làm phiền cậu bé, nhưng ông không thể kìm lòng nổi:

- Thế còn đài bán dẫn t’răngsito là cái gì cơ cậu Thật?

- Ông hỏi thế thì cháu cũng chịu. Ông chỉ cần biết đài bán dẫn là để nghe đài, nghe đủ các loại, đài ta đài địch, đài Liên Xô đài Trung Quốc, kể cả đài Mỹ đài Anh… nghe được tất; còn catxet là để nghe ca nhạc, nhạc tây nhạc ta, nhạc vàng nhạc đỏ… cũng nghe được hết, chỉ cần cho băng catxet vào là xong!

Trong thâm tâm ông Nguyên còn định hỏi tiếp vài câu, nhưng tự thấy cái kiến thức của mình nay đã quá cũ kỹ, lạc lõng nên không dám, ông chỉ gật gù để tỏ ra là mình đã vỡ vạc được ra đôi điều, bất giác ông mới buột miệng thành ra điều tự sự:

- Cuộc đời tưởng ngắn hóa ra thật dài, có những khoảnh khắc một ngày bằng cả hai mươi năm!

Hai ông cháu quay về đến quỹ tín dụng thì đã thấy lác đác người ra kẻ vào. Ông Nguyên tiến đến quầy làm thủ tục gửi tiền, cô nhân viên hỏi chứng minh thư để làm thẻ thì ông mới nhớ là mình chẳng có một thứ giấy tờ gì trong người. Lúc ra tù có tờ quyết định thì xã đã giữ. Ông đang còn chưa biết trả lời thế nào thì Thật đứng bên cạnh nói đỡ:

- Chị Mận ơi, ông Nguyên làm ở chỗ mẹ em đấy, chị cứ cho ông ấy gửi, mẹ em bận ở nhà bảo em dẫn ông ra nhờ các chị.

- Ở trường sao chị không biết nhỉ? Mà chị cũng hỏi thế thôi cho đúng nguyên tắc, chứ mẹ Thà đã có lời rồi thì chẳng có thứ giấy tờ nào bảo đảm cho bằng!

Cô Mận quay sang hỏi ông Nguyên định gửi bao nhiêu. Trước đấy ông đã nhẩm tính trong óc, có hai trăm tư cả thảy, hôm qua cho Cường bốn chục còn lại tròn hai trăm, từ sáng đến giờ sắm Tết mất khoảng mười đồng, còn lại cứ cho là trăm chín, nay gửi trăm rưởi, giữ lại bốn chục để dùng vào việc thường nhật hoặc đột xuất. Ông nói nhỏ với cô Mận:

- Cô cho tôi gửi trăm rưởi.

Cô gái tròn mắt nhìn ông sợ là mình nghe nhầm:

- Ông bảo bao nhiêu cơ?

- Tôi gửi trăm rưởi, có được không cô?

Cô gái nhìn ông đầy vẻ nể nang:

- Vâng, được quá đi chứ ạ! Bây giờ ông cho biết tên tuổi, còn địa chỉ cháu cứ lấy tên Trường cấp II Song Yên được không? Thế thời hạn ông định gửi bao lâu?

- Vâng cô cứ ghi Trường Song Yên cho tiện, còn tên tôi là Hoàng Hữu Nguyên, sinh năm 1919, 57 tuổi. Thời hạn gửi cô cứ cho loại một năm.

- Một năm lãi suất 12%, tức mỗi tháng 1%. Như thế là ông được đồng rưỡi lãi mỗi tháng.

Cô gái vào sổ, viết thẻ, thu tiền rồi trao tấm thẻ gập đôi cho ông Nguyên. Lúc ra đến cửa, ông còn nghe tiếng cô Mận nói nhỏ với cô nhân viên bên cạnh: “Trông thế mà lại là cóc vàng đấy mày ạ!”.

Về đến trường Thật chỉ kịp đặt rổ hàng Tết lên giường là nói với ông Nguyên mình phải về nhà ngay, ông Nguyên bảo:

- Vâng cậu về giúp mẹ kẻo bà lại đợi. Cảm ơn cậu đã mất cả buổi với tôi. Cho tôi gửi lời cảm ơn ông bà ở nhà nhé. Tiện đây cậu đem hộp mứt với hai gói chè này về đưa bà giúp tôi, bảo với bà đây không phải quà biếu, mà chỉ là chút lòng thành của tôi nhờ bà thắp hương thần linh chứng giám cho.

Thật chối từ nhất định không nhận, cậu bảo nhận về mẹ mắng chết. Ông Nguyên thì lại cố giúi vào tay Thật mà rằng cậu không nhận giúp thì tí nữa tôi lại phải tự đem đến thì bất tiện lắm. Kẻ đưa người đẩy giằng co mãi, cuối cùng Thật đành miễn cưỡng cầm gói quà đã được bọc kín giấy báo. Tiếp đấy ông Nguyên lại lấy từ trong hòm đồ đạc ra một chục đũa ăn đưa cho Thật:

- Còn đây mới là quà biếu cậu Thật ạ. Thưa giúp với bà là tôi có chục đũa tự vót từ loại hóp đá trên núi, cứng như thép mà mịn như mun, xin được biếu gia đình để tỏ lòng biết ơn sâu nặng. Cậu vui lòng nhận và nhớ thưa như thế giúp tôi nhé cậu!

Ông Nguyên đưa Thật ra cổng rồi quay lại nhà. Việc đầu tiên là dỡ hai rổ hàng Tết ra, mới chỉ sơ sơ như thế mà đã thấy ngổn ngang khắp nhà. Đúng là không có mấy cái quang treo này thì không biết xoay xở thế nào cho gọn. Nghĩ về cái sự nhanh chóng và ổn định nơi ăn chốn ở chỉ sau chưa đầy một ngày mà mình được hưởng, càng lúc ông càng nhận ra cái công ơn nghĩa cử sâu nặng của hai mẹ con cô giáo, và rồi ông tự nhủ lòng, giá như cuộc đời có lúc nào đó được mở mày mở mặt, những người mà ta nghĩ đến đầu tiên để được đáp đền chút ân tình tri ngộ, thì chẳng phải ai khác mà trước hết sẽ là hai mẹ con cô giáo! Lúc này ông Nguyên đang chú tâm vào công việc bếp núc rau thịt mắm muối, những việc mà lần đầu trong đời ông mới có dịp trực tiếp mó tay. Không thể nói đấy là những việc dễ dàng! Muốn thái thịt để nấu nồi thịt đông như cách hướng dẫn của Thật thì lại không có thớt với dao. Muốn đun nồi nước pha ấm trà mà không có củi thì đun bằng gì? Lại nữa, có ít thịt mà không có tí hành hoa cho vào thì có phí đi không… Nghĩ thế nên sau khi sắp xếp qua loa, rau dưa cho vào rổ, cân thịt cho vào cái liễn sành treo lên cao, ông Nguyên lại vội vã quay ra chợ.

Chợ lúc này đã vãn lắm rồi. Người đến lác đác chỉ thi thoảng mới thấy một vài, còn người ra về thì lại gồng gánh nườm nượp như khi họ dồn về đây lúc đầu giờ buổi sớm. Ông Nguyên tỏ ra thành thạo khi nhớ lại cái cung cách mua bán của Thật lúc nãy, nên chỉ một loáng là đã mua đủ cả dao thớt, mấy cái rế nồi, cái chổi tre, mớ hành hoa. Còn củi thì tìm khắp chợ tịnh không thấy hàng nào, đành phải về tìm nhặt cành bàng khô sân trường vậy.

Khi về qua cửa gian nhà có cái máy catxet ban sáng, vẫn thấy tiếng hát từ trong vọng ra. Chợ lúc này đã vắng, cái âm thanh đặc hữu chợ làng đã lắng xuống đến độ đã có thể nghe rõ tiếng nói của từng người gọi nhau, nên tiếng máy hát càng có vẻ to hơn, rõ nét hơn. Như có một sức hút vô hình giữ chân, ông Nguyên dừng lại bên kia đường như tỏ ra đang đợi chờ ai, nhưng thực ra là ông đang cố sức lắng nghe không sót một lời các bài hát từ bên ấy vọng sang. Có lúc ông thầm nghĩ, cái máy chỉ bé bằng hòn gạch lục mà hát được rất nhiều bài, âm thanh lại trầm ấm, đã thế máy lại còn nghe được cả các đài nữa, hiện đại thế chắc phải đắt tiền lắm. Rồi ông ước giá như mình có được một cái như thế thì đời chẳng còn mong gì hơn nữa! Ông hình dung nó sẽ là một cánh cửa lớn mở ra cho mình hoà nhập với cuộc sống bên ngoài mà 15 năm qua mình phải sống cách biệt! Từ bên này nhìn sang thỉnh thoảng lại thấy có người ra người vào, dáng điệu có vẻ như khách hàng ghé qua mua bán gì đó. Nếu vậy thì đấy hẳn phải là một cửa hàng, đã thế ta sẽ đóng vai khách hàng vào thử xem sao.

Nghĩ sao làm vậy, ông mạnh dạn bước vào nhà. Một anh thanh niên hỏi ông cần gì? Đã đến nước này thì không thể chần chừ, ông bảo muốn mua một cái máy catxet nhưng lại có thể nghe được nhiều đài. Người thanh niên mời ông ngồi ghế rót nước rồi hỏi ông cần loại nào, “Na ti ô na Panaxônic, Sôny hay Ai oa?”. Ông bảo loại nào cũng được miễn là bền và giá phải chăng. Anh ta đứng dậy với tay lấy luôn chiếc máy đang hát trên mặt tủ chè mà ông đã thấy và cứ mê mẩn từ sáng đến giờ, đưa cho ông Nguyên anh ta bảo:

- Thế thì ông lấy luôn con Sôny này này, vừa bền vừa rẻ, hết ý đấy!

Anh vừa bấm máy tanh tách vừa giới thiệu:

- Con Sôny này là loại nồi đồng cối đá nhất trong dòng ghi âm catxet, có đầy đủ các chức năng nghe nhạc, ghi âm, nghe đài. Có ôtô ri vơp. Đây nhé ông xem, băng catxet đang hát, hết bài lại tự động quay sang bài đầu mặt sau, cứ thế nó hát cả đêm như ru ngủ, tuổi già như ông thì mới gọi là hết sẩy! Lại có phím hẹn giờ, có phím chọn bài. Thí dụ ông thích nghe bài Nắng Thủy Tinh trong băng Sơn Ca 7 của Trịnh Công Sơn do Khánh Ly hát, thì đây, ông đọc trên mặt đĩa, Nắng Thủy Tinh… Nắng Thủy Tinh… đây rồi số 15, ông bấm số 15 trên bàn phím, rồi bấm PLÂY, thấy chưa…

Chiếc máy đang hát một bài khác bỗng nhẩy đánh tách để chuyển sang bài số 15: “Màu nắng hay là màu mắt em, mùa thu mưa bay cho tay mềm…”, giai điệu bài hát êm đềm quá, giọng hát ngọt ngào như mật rót. Ông Nguyên ngồi ngây ra như bị thôi miên, hai cánh tay nổi sởn da gà.

Anh chàng vẫn tiếp tục:

- Ghi âm thì miễn chê, bắt cực nhậy và thật tiếng, ngồi xa ba mét nói nhỏ cũng bắt được hết. Về phần nghe đài thì không còn gì để nói, ngoài băng sóng FM nghe ca nhạc suốt ngày đêm thì ba băng sóng dài sóng trung sóng ngắn ông có thể nghe được tất cả các đài trên thế giới 24 trên 24 giờ, mệt nghỉ. Đây nhé, thí dụ ông thích nghe đài Bắc Kinh tiếng Việt để xem họ đi với Mỹ và chửi Liên Xô như thế nào, thì đây… thấy chưa. Còn nếu ông thích xem Liên Xô đang làm gì để một mình chống lại kẻ thù cả hai phía, cũ là Mỹ và phương Tây, mới là Trung Quốc, thì ông mở đài Mát xì cơ va tiếng Việt… đấy, đấy, nghe giọng nói phát thanh viên là biết ngay. Còn nếu thích nghe thằng Mỹ đang tìm cách lấy lại danh dự bằng cách chửi Việt Nam như thế nào sau khi đại bại ở miền Nam, thì ông mở đài Hoa Kỳ là thấy ngay…

Sau những phút giây mộng du trên làn sóng điện của tay phù thủy trẻ, ông Nguyên bỗng choàng tỉnh như người nhập đồng vừa được nói chuyện với vong hồn trở về, khi bỗng nghe thấy tiếng nói to như tiếng quát của cô đồng:

- Bố thấy chưa, đa chức năng, miễn góp ý nhé!

Ông Nguyên tuy đã tĩnh trí trở lại nhưng vẫn tỏ ra chưa hết mê man khi trí nhớ lại đưa ông trở về với cái thời trước khi đi tù. Miền Bắc lúc đó đang có phong trào chơi đài Galen. Một cái tai nghe cuốn dây điện quanh cục nam châm, màng mỏng sắt tây làm màng rung. Mỗi lần muốn nghe lấy vòng dây chun to bản làm sẵn chụp lên đầu ép chặt tai nghe vào tai, một tay cầm đầu dây dẫn nối với dây ăng ten căng trên nóc nhà để chọc chọc, di di lên cục galen vàng sống đang cầm ở tay kia. Giữa muôn vàn tiếng lạo xạo sóng vô tuyến, thỉnh thoảng lại nổi lên những giọng nói quen thuộc của Đài Tiếng nói Việt Nam, được một hai phút rõ tiếng lại thấy tiếng lạo xạo quay về. Lại dò galen, hồi lâu, may ra thì bắt được đài cũ nghe tiếp, có khi lại nhẩy sang đài khác xì xồ thứ tiếng không hiểu là họ nói gì. Từ cái thời Galen ấy, mười lăm năm sau bỗng dưng sẩy chân bước chân vào thế giới của T’răngsito Catxet thế này, không bị đột quỵ như ông Nguyên đây kể cũng là giỏi lắm rồi!

Chỉ còn một việc khó nhất mà ông Nguyên cứ ngập ngừng dền dứ mãi không dám bước vào để vượt qua, ấy là vấn đề giá cả. Liệu rằng bốn chục trong túi, hay là cả cái phần trăm rưởi gửi tín dụng kia có đủ với cái kỳ quan này không? Chần chừ hồi lâu ông vẫn không dám, đành trì hoãn bằng một lời đề nghị:

- Anh thử mở Đài Tiếng nói Việt Nam xem nào!

- Dễ ợt!

Đúng là giọng nói trầm ấm thân thuộc đặc trưng riêng có của nam phát thanh viên Đài Tiếng nói Việt Nam, mà 15 năm qua ông không một lần được nghe lại. Ông cố gắng cúi thấp người xuống như muốn nghe rõ hơn, nhưng thực ra là để che đi nỗi xúc động lòng mình: “… trong một chuyến bay đặc biệt từ Hà Nội vào Sài Gòn chiều hôm qua có một món quà đặc biệt, đó là 100 cành đào Nhật Tân do Ủy ban Hành chính Hà Nội gửi vào tặng Ủy ban Quân quản Sài Gòn. Món quà quý hiếm như thể hiện tấm lòng thương nhớ muôn vàn của nhân dân Thủ đô, nhân dân miền Bắc gửi tới nhân dân thành phố mang tên Bác cũng như toàn thể nhân dân miền Nam. Câu chuyện như một sự tái hiện lịch sử huy hoàng của dân tộc, khi chúng ta nhớ lại, vào ngày mồng 5 Tết Kỷ Dậu 1789, hoàng đế Quang Trung chiến bào còn nồng hơi súng thống lĩnh đại quân tiến vào giải phóng thành Thăng Long, trong muôn vàn công việc đại sự quốc gia, nhà vua vẫn không quên sai người ngày đêm cưỡi ngựa trạm mang theo một cành đào Nhật Tân trở về kinh đô Phú Xuân tặng cho người vợ yêu Lê Ngọc Hân của mình…”.

Tiếng loa được vặn nhỏ để thay vào đó là tiếng anh chàng bán hàng:

- Thế nào ông bác, chất lượng có gì phải góp ý nữa không?

Cũng lúc đó, khi người khách cuối cùng đã bước ra khỏi cửa, thì người đàn ông đứng tuổi tóc vẫn còn đen mà râu ria đã bạc trắng, từ quầy bán hàng cũng bước ra rồi đi tới ngồi vào chiếc ghế bên cạnh ông Nguyên. Ông ta nhắc cậu thanh niên:

- Con thay ấm chè khác để mời ông chứ Bắc!

Rồi chủ nhà bắt ngay vào chuyện:

- Cái con Sôny này là thằng bố cả nhà tôi mua mới trong tiệm ở Sài Gòn ra đấy, nay muốn thay giàn AKAI băng cối nên mới bán đi, ông mà mua được thì yên tâm về chất lượng rồi!… Ờ mà ông người đâu ta mà tôi chưa bao giờ gặp thì phải?

Ông Nguyên dè dặt trả lời:

- Vâng, tôi cũng mới nhận việc ở trường đây hôm qua.

- Trường nào thế?

- Trường cấp II Song Yên.

- Thế ra ông bảo vệ thay ông Hậu?

Ông Nguyên giật mình tỏ sự cảnh giác trả lời cụt lủn:

- Phải.

Chủ nhà bỗng hạ thấp giọng đầy vẻ bí mật:

- Nghe nói ông vừa đi cải tạo 15 năm trở về?

Ông Nguyên thấy thót tim và thân thể rã rời:

- Ông cũng biết?

Lão chủ nhà râu bạc bất chợt vỗ vai ông cười ha hả:

- Tôi hỏi thế để ông đừng có ngại ngần gì. Nói ông bỏ quá chứ tù cũng có dăm bẩy loại. Đi tù mà do trộm cắp, giết người cướp của, tham nhũng, đạo tặc trở về thì nhục lắm, trong con mắt dân làng coi cứ như chết rồi. Còn những người như ông, không ai nỡ xa lánh đâu!

- Như tôi?

- Phải! Ông về đây trưa qua thì buổi chiều cả làng ai cũng biết tin cháu bốn đời nhà Trương Tíu do viết báo góp ý với Nhà nước về sai lầm cải cách ruộng đất mà bị đi tù nay đã về làng. Mọi người ai cũng xuýt xoa thương xót đều ví ông với ông Ba Cảo ngày trước.

- ?!

- Ông Ba Cảo hồi đó là Bí thư Đảng ủy xã, thấy hợp tác xã làm ăn như nhà vô chủ, xã viên đủng đỉnh như đĩ chơi giăng, sáng không vừa trưa không vội, công sá mỗi ngày chưa nổi cân thóc lép, dân đói bỏ làng chạy chợ quanh năm. Ông Ba mới bàn trong lãnh đạo thực hiện khoán chui cho các hộ. Được ba vụ lúa tốt bời bời, dân no, đốt đuốc cũng chẳng tìm ra mống nào đi buôn nữa, nhà nhà cặm cụi bám đồng. Nhưng chui làm sao được mãi, cái kim trong bọc lâu ngày còn tòi ra nữa là! Thế là lệnh cấm ban xuống, cấp trên các đoàn kìn kìn kéo về, chẳng biết làm những gì mà đông đến thế. Cuối cùng cả ban lãnh đạo xã bị cách chức, xóa hẳn khoán hộ quay về giong công phóng điểm, đói lại hoàn đói. Riêng Ba Cảo tuy không gọi là đi cải tạo, nhưng cũng bị khai trừ Đảng phải tập trung học tập chính trị mất mấy tháng. Mới về được bốn năm nay chứ mấy. Cải tạo về làm chân lão nông chi điền, nhưng được cả làng trọng vọng, hội hè đình đám bao giờ Ba Cảo cũng được rước ngồi chiếu trên. Vui thật lực!

Ông Nguyên như trút được hòn đá tảng nghìn cân trong lòng nhưng vẫn cảm thấy chưa hết nghi ngại mới tìm cách lảng tránh:

- Cảm ơn ông đã cho biết chuyện, giờ tôi xin phép phải về còn công việc ở nhà.

- Ấy ấy ngồi thêm tí đã, ấm nước mới giờ mới ngấm. Nào mời ông! Ông thấy thế nào? Chè Thái Nguyên chính hiệu đấy, chú em tôi đóng quân trên ấy cũng phải mua chui mới được mấy lạng về làm quà Tết. Ông thấy không, cái ngọt hậu của nó thì không ông mãnh nào có thể sánh được, đúng là chè Thái gái Tuyên!

Chíp chip cái miệng mấy hồi như để tận hưởng cái ngọt ngào của loại chè thượng hạng, chủ nhà nói tiếp:

- Giờ ta quay lại chuyện cái con Sôny này nhé. Lúc nãy nghe hai bác cháu trò chuyện tôi biết là ông có ý định muốn mua, nhưng ông còn đắn đo không biết giá cả cao thấp thế nào nên chưa tiện nói ra.

Trước một người đàn ông cởi mở thế này, những mặc cảm và nghi ngại ban đầu trong lòng ông Nguyên cứ như cũng được vơi dần, nghe nói vậy ông mới mạnh bạo góp chuyện:

- Ông quả là có khả năng đoán người đoán việc như thần, Gia Cát Lượng khi xưa chắc cũng chỉ đến thế!

Ông lão râu bạc cười khấc khấc chả cần nhún nhường:

- Cả làng này ai cũng bảo tôi như thế, nhiều người tín nhiệm có gì khúc mắc đều đến hỏi, mình lựa lời khuyên giải phân tích, được việc ra phết. Ai cũng quý mến, đi xa về gần đều có quà, vui thật lực! Thôi chết! cứ mải chuyện linh tinh quên mất chuyện chính. Tôi nói đến đâu rồi nhỉ, ờ ờ cái đoạn ông chưa tiện hỏi về giá cả, với lại tôi cũng nói khí không phải mong ông bỏ quá, ông mới đi về như thế thì chắc cũng chưa có dư dả gì nhiều, đúng không nào? Bởi vậy tôi mới có một đề nghị nhỏ với ông thế này.

Chủ nhà im lặng hồi lâu kéo theo cả sự im lặng trong cái khoảng không gian giao lưu chật hẹp giữa hai người. Trong cái im lặng đợi chờ ông Nguyên tự nhủ, chủ nhà đã tỏ ra thông cảm đến thế chắc thế nào cũng sẽ đưa ra một cái giá phải chăng để khách có thể mua được. Ông cứ đoán bừa chắc cũng phải cỡ trăm, trăm hai gì đó. Nhẩm tính ấy cũng là suy ra từ cách so sánh của Cường tối qua, bốn chục đồng có thể mua được con bò non vực cày, con bò cũng chỉ là con giống con má, chứ đây cái máy hiện đại hẳn đã là một cái tài sản lớn, ba con bò non cũng còn chả xứng!.. Đến đây ông lão râu bạc hạ giọng nói tiếp:

- Nói thật với ông giá cả thì cũng vô cùng, mua của người chán bán cho người thèm, chẳng biết đâu mà lường. Bởi thế cho nên tôi xin phép được nói với ông thế này, nhân dịp ông được Trung ương sắp xếp cho về cư ngụ tại chính quê hương bản quán gốc gác của mình, với tôi, ông nay đã là người đồng hương, rồi biết đâu sau này trời đất mà cho thì có khi ta lại là bằng hữu. Bởi vậy nhân tiện nhà có mấy con máy không dùng đến, tôi xin được biếu ông con Sôny này để ông có cái dùng, coi như có người sớm tối bầu bạn!

 

Trong cuộc đời mình, ông Nguyên đã nhiều phen phải nghe những tin bất chợt kinh hoàng như sét đánh ngang tai. Lần này cũng lại là một tiếng sét mà tiếng nổ còn lớn hơn những tiếng sét kinh hoàng bình sinh ông đã từng bị. Nhưng thay vì những cảm giác hoảng sợ, kinh hãi thường gặp thì lần này tiếng sét lại mang đến cho ông một cảm giác yên ả mà còn pha chút day dứt đến lạ kỳ. Ông ta là ai? Một người đàn ông xa lạ ta chưa biết tên biết tuổi, lần đầu tiên gặp mặt mới biết là có một người như thế trên đời. Còn ta là ai? Một tên tù chính trị tứ cố vô thân trở về. Ừ, cứ cho là hai kẻ đồng hương với nhau, nhưng sợi dây tình cảm nào đã khiến ông ta có một việc làm bất thường đến mức vô lý, một nghĩa cử cao đẹp đến mức nghi ngờ? Hay đây lại là một trò chơi độc ác kiểu mèo vờn chuột mà ta đã bao phen nếm trải trước và trong khi ở tù? Ông Nguyên bỗng thấy rùng mình về những cách con người đối xử với nhau. Điều đó khiến ông có được thái độ dứt khoát:

- Xin được cảm ơn tấm lòng hảo tâm của ông, nhưng tự xét thấy mình là một kẻ tầm thường tài hèn đức mỏng, chưa giúp được cho ông điều gì nên không xứng với món tài sản quá lớn như thế!

Chủ nhà vội ngắt lời:

- Ông nói thế là sai mất rồi. Dân ta từ xưa đến nay vẫn có truyền thống lá lành đùm lá rách, thấy người hoạn nạn thì thương. Khi đã vì tấm lòng hào hiệp mà cho nhau thì một củ khoai cũng quý tựa một toà nhà bằng vàng. Thiên hạ lâu nay cứ nhiễm cái thói hay quá nặng lòng với những món lợi lộc bạc vàng mà nhẹ tình với những thơm thảo ngô khoai. Tôi biết ông là một người nghĩa khí, nguyên cái việc những sai lầm trong cải cách ruộng đất không ai dám đụng đến mà ông dám có lời chân thành góp ý lên trên thì đó đã là một nghĩa cử của người quân tử, cũng là cách giúp ích cho vô khối con người thấp cổ bé họng rồi đấy. Ông có biết không, ông bố tôi hồi mới hoà bình là Phó chủ tịch tỉnh này, Đoàn ủy cải cách có lệnh gọi về, rập gẫy có ba tuần vu cho là Quốc dân đảng, tống giam lập toà xét xử rồi lôi ra bắn. Ngày hôm sau có trát gửi về tha bổng thì mọi việc đã xong xuôi! Nỗi cay đắng đó được người như ông từ trên cửu trùng nhìn xuống cảm thông thấu hiểu, thì những gia đình oan khuất như chúng tôi sao lại không nặng lòng cảm kích cho được. Bởi thế cho nên chút quà mọn này không phải là cái gì mờ ám đâu mà ông phải phân vân ngần ngại.

- Ông đã nói thế thì tôi cũng xin hết lòng đa tạ, nhưng quả thật tôi không dám nghĩ tới cái ân huệ lớn…

Chủ nhà lại cắt ngang:

- Cũng nói thêm để ông vững tâm, loại đài catxet kiểu này giờ còn có giá một tí, chứ nay mai có mà cho trẻ con chơi chúng cũng chả thèm.

Ông Nguyên tròn mắt nhìn chủ nhà không nói nổi câu gì. Thấy vậy chủ nhà bèn hăng say giải thích:

- Không biết ông có nghe vừa qua, mấy cụ lãnh tụ nhà ta đã chẳng tuyên bố là từ nay đất nước sạch bóng quân thù, không một thế lực phản động nào còn dám nghĩ đến chuyện xâm lược nước ta, chúng ta sẽ tập trung cao độ cho công cuộc phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân, rồi đây mỗi nhà dân là đều phải có ti vi và tủ lạnh. Ông thử nghĩ đến lúc đó thì ai còn dùng cái của nợ này làm gì. Thế cho nên ông cứ phải coi cái tặng phẩm này nó chỉ nhẹ như lông hồng mới được. Nào mời ông xơi nước, cái tang Bắc Thái này đã đậm đà lại được nước đáo để. Đúng là chè Thái gái Tuyên!

Chủ nhà tắt đài, một lần nữa hướng dẫn qua loa cách sử dụng, rồi đứng lên lấy một vỉ 4 chiếc pin nhãn Con Thỏ, cả đài cả pin đưa cho ông Nguyên:

- Xin được biếu ông để làm kỷ niệm ngày hội ngộ, tôi là Hổ, Phí Quang Hổ, đại úy quân đội Nhân dân Việt Nam về hưu, còn ông?

Ông Nguyên đứng lên run run đón nhận món quà từ tay ông Hổ râu bạc:

- Xin được đa tạ tấm lòng hào hiệp của ông Hổ, ơn này xin được mãi mãi ghi tạc trong tim. Còn tôi là Nguyên, Hoàng Hữu Nguyên, nghề nghiệp thì ông biết rồi, tù chính trị được trả về quản thúc tại địa phương!

*
Theo hoinhavanvn