/Cỏn con một sợi lông mày. Mà đem cột trái đất này vào anh/ Thơ Trần Mạnh Hảo

VIDEO

HỖ TRỢ

QUẢNG CÁO

LỊCH

LIÊN KẾT

văn xuôi

Sự "bù trừ" (Tản văn)

Hình hài, vóc dáng có đổi thay nhưng sự lười nhác về lao động chân tay thì vẫn như xưa. Cái đó đã thành cố tật mất rồi…

Sự "bù trừ"


       Tôi sinh ra trong một gia đình nông dân vào loại "thường thường bậc trung". Bố mẹ sinh được hai gái một trai (nghe nói mẹ tôi sinh nở nhiều lần nhưng chỉ đậu được có 3). Có lẽ vì là cậu ấm út ít trong nhà, lại do vóc dáng mảnh khảnh, chân tay yếu ớt nên tôi được chiều chuộng, hầu như việc nhà chẳng mấy khi phải đụng tay. Bố mẹ tôi chỉ nhắc việc học: "Học sao cho bằng bạn bằng bè. Học giỏi thì sau này ấm vào thân. Bố mẹ cũng được mát mặt, thơm lây…".

    Sau khi bố tôi mất (năm 1964, tôi 12 tuổi), nhà neo người nhưng tôi vẫn được chiều chuộng. Sau đó vài ba năm, việc nhà, việc đồng áng, tôi cũng tham gia đôi chút, như gánh nước, giã gạo, rồi gặt lúa, đập lúa…Nhưng tôi làm việc gì cũng nhanh mệt, kết quả chẳng có là bao. Mẹ tôi bảo: "Chẳng bằng người khác làm rốn!". Cũng may là tôi có việc học, lấy việc học để biện minh cho sự ngại việc của mình.

     Chả là vào thời điểm đó, bạn bè cùng trang lứa bỏ học đã nhiều. Chỉ có tôi và một vài đứa trong xóm cứ kẽo kẹt đi học cấp 3 ở mãi tận Phùng. Nhưng quả thực, sau này, tôi vẫn lấy làm xấu hổ vì dù sao mình cũng là người gốc nông thôn, nông dân mà những việc đồng áng tối thiểu như cày, bừa, tát nước…hầu như chẳng biết gì. Đến những việc quen thuộc của người đàn ông ở nông thôn như lợp nhà, cưa gỗ, đóng cái máng lợn, tra cái cán cuốc…cũng chẳng bao giờ đụng chân đụng tay, lóng nga lóng ngóng. Còn những việc như sửa điện, chữa máy móc…tôi lại càng mít đặc.

     Tôi bỗng ngộ thêm một điều nữa: tôi rất vụng. Bây giờ ngoái nhìn lại thì thấy may mà có sự bù trừ. Cụ thể, tôi vừa kém vừa ngại lao động chân tay thì rất may, cả đời, chủ yếu sống bằng lao động trí não. Tôi dốt về kĩ thuật, về khoa học tự nhiên thì làm nghề về chữ nghĩa, về khoa học xã hội. Tôi rất vụng về trong mọi việc thì lại có công việc viết sách, viết báo, chẳng cần đến sự khéo tay. Tôi mà mưu sinh, kiếm sống bằng lao động chân tay thì chỉ có mà chết đói. Nhưng rất may, nghề viết sách học thêm ở thời buổi này lại cũng có đồng ra đồng vào, thậm chí còn dư dả đôi chút. Đến khi nghỉ hưu, tôi càng thấm thía một điều đơn giản: Dường như có số phận. Về một vài phương diện, số phận luôn mỉm cười với tôi. Người ta bảo cái tuổi Nhâm Thìn của tôi, ai cũng vẫy vùng được đôi chút. Như vậy, gã trai chân yếu tay mềm, nhưng dun dủi thế nào lại làm nghề dạy học, rồi viết sách, là những nghề không cần vận động cơ bắp, là lao tâm chứ không phải lao lực, vận động trí não nhiều hơn là vận động chân tay…

    Bây giờ thì gã trai chân yếu tay mềm thuở nào đã là một ông già ngoại lục tuần, hơn 70 kí, bụng phệ. Hình hài, vóc dáng có đổi thay nhưng sự lười nhác về lao động chân tay thì vẫn như xưa. Cái đó đã thành cố tật mất rồi…

  Lê Hữu Tỉnh
Theo CAND