/Cỏn con một sợi lông mày. Mà đem cột trái đất này vào anh/ Thơ Trần Mạnh Hảo

VIDEO

HỖ TRỢ

QUẢNG CÁO

LỊCH

LIÊN KẾT

văn xuôi

QUÀ TÉT

Sáng, buổi sáng nghỉ hưu thứ sáu ông Trai không đi ăn sáng ở nhà hàng Sông Quê nổi tiếng nhất thành phố.

QUÀ TÉT

Truyện ngắn của VŨ ĐẢM

            Sáng, buổi sáng nghỉ hưu  thứ sáu ông Trai không đi ăn sáng ở  nhà hàng Sông Quê  nổi tiếng  nhất thành phố. Khi ông còn đương chức chủ tịch thành phố, trừ những ngày ông đi công tác hoặc ốm nặng còn thì sáng nào cũng vậy, đúng bảy giờ anh lái xe đã đến nhà đưa ông đến nhà hàng  để ăn sáng; khi thì ông ăn phở gà, lúc thì phở bò hoặc búng bung, tô bánh đa cá rô đồng. Bát của ông và những người vinh dự  mời được ông đi ăn sáng bao giờ cũng là bát đặc biệt đắt gấp đôi và dĩ nhiên không bao giờ ông phải trả tiền. Kể cả có vài lần ông đến ăn một mình, ông kêu tính tiền nhưng bà chủ nhà  hàng đã đon đả: “ Ô không, anh hạ cố đến ăn ở nhà hàng em là vinh dự cho em lắm rồi!”. Ông là khách VIP, những người ăn cùng ông cũng đều là khách VIP trong thành phố luôn luôn được nhà hàng dành riêng cho một phòng VIP sang trọng, có cửa sổ nhìn ngay xuống cái hồ nước mênh mông bên cạnh.

          Không phải về hưu rồi, ông Trai không có nhu cầu ăn sáng, cũng không phải ông không muốn đến ăn sáng ở nhà hàng Sông Quê mà vì không có ai mời ông, cũng không có xe đến đón ông đi đến đấy. Nhưng sáng nay, trời lạnh, ông rất thèm một bát phở bò nóng hổi, ông nói với vợ ông sẽ không ăn sáng ở nhà mà đến nhà hàng Sông Quê để ăn phở. Ông tự lái chiếc xe BMW giá gần bảy tỷ mà một doanh nghiệp tặng ông khi còn đương chức đến nhà hàng Sông Quê. Không còn những lời chào vồn vã, những cái bắt tay hồ hởi của khách ăn, ông có vẻ hụt hẫng nhưng tự vấn an mình, giờ mình đã về hưu, đã là thường dân, âu cũng là bình thường. Theo thói quen, ông đi lên tầng hai, vào phòng VIP mà trước đây ông hay ngồi ăn, phòng đã có người ngồi ăn, ông Trai nhận ra ông phó chủ tịch thành phố ăn với phở với một ông tổng giám đốc công ty xây dựng. Họ nhìn thấy ông nhưng vờ không nhìn thấy, ông Trai đỏ mặt bước xuống tầng một, chọn một cái bàn ở góc phòng, gọi một tô phở bò. Đứa nhân viên phục vụ nhận ra ông, hỏi:

  • Bác ăn tô đặc biệt hay bình dân ạ?
  • Đặc biệt!
  • Về hưu rồi, ăn tô thường dân thôi ông chủ tịch ơi!

Có tiếng nói đá xoáy ông vọng đến từ bàn ăn phía trước, ông Trai im lặng, kéo thêm cái mũ len xuống để không ai nhận ra ông. Tô phở bò nóng hổi đã được bưng đến, vẫn là tô phở bò đặc biệt như mọi khi nhưng sáng nay ông ăn thấy nhạt thếch, không phải vì phở không ngon mà tâm lý ông bị ức chế. Ông Trai ăn được hai phần ba tô, đành bỏ dở, đang định gọi tính tiền thì một ông trung niên bưng bát phở đã ăn hết cái, chỉ còn lưng bát nước đến ngồi vào bàn ông:

  • Chào ông chủ “tịt”, ông còn nhớ tôi không?
  • Xin lỗi, tôi chỉ mang máng đã gặp anh rồi.
  • Tôi là cái thằng đã biếu ông năm trăm triệu và ông đã hứa sẽ giải quyết bán cho tôi lô đất ở mặt con đường mới mở.
  • Tôi nhớ ra rồi, tôi cũng đã hết mình nhưng bên tỉnh không duyệt!
  • Hết mình cái đéo gì, cái thằng mua được lô đất ấy cho tôi biết, nó  biếu ông một tỷ nên ông đã duyệt cho nó. Ông đã lừa tôi lại ăn không năm trăm triệu của tôi, tôi đòi thì ông bảo chứng cứ, giấy biên nhận đâu? Này thì biên nhận này!

Ông trung niên hất cả bát nước phở vào mặt ông Trai, may là nước phở đã nguội. Rất nhiều người chứng kiến nhưng không một ai bênh ông, thậm chí có  rất nhiều tiếng chửi góp dội vào tai ông: Cho chết! Nốc cho lắm của dân vào! Thằng sâu mọt, hại dân hại nước…

Ông Trai vội vã đi ra xe, quên cả trả tiên, đứa nhân viên phục vụ phải chạy theo đòi tiền ông bát phở. Về đến nhà rồi, ông thề sẽ không bao giờ bước chân đến nhà hàng Sông Quê nữa.

*

            Chiều, mưa xuân lất phất tạt vào mặt ông Trai, ông  đứng tựa người vào cánh cổng sắt ngôi biệt thự; trời khá lạnh nhưng cái lạnh của trời đất không thấu bằng cái lạnh của đời. Ông nhìn sang ngôi biệt thự bên kia của  ông Thấu mà ruột gan tê tái. Cũng bằng giờ năm ngoái, xe hơi đến nhà ông liên tục để chúc tết vậy mà năm nay tịnh không một bóng người, mà ông mới nghỉ hưu được có một tuần chứ lâu la gì đâu. Cuộc đời thật chó má, khi ta đương chức, chúng nó săn đón, nịnh bợ khom lưng quỳ gối, bảo nó cúi xuống liếm chân mình nó cũng liếm, rồi đưa đi ăn đi gái đẹp, khi về còn quà cáp, phong bao vậy mà bây giờ không một kẻ nào vác mặt đến. Hừm, giá như có một đứa, chỉ cần một đứa thôi đến chúc tết, chả cần chai rượu ngoại mấy chục triệu, chả cần phong bao vài trăm ngàn USD, đến tay không cũng được thì còn đỡ tủi thân! Ông Trai lẩm bẩm thành lời, chẳng hay biết có  lão ăn mày phía sau nghe thấy.

  • Ông đang buồn à?

      Lão ăn mày lên tiếng, ông Trai quay lại, nhận ra lão ăn mày, giá như mọi khi ông đã xua đuổi nhưng hôm nay thì không, dẫu sao cũng có một kẻ hiểu được rằng ông đang buồn. Ông móc ví, lục tiền lẻ cho lão ăn mày, toàn tiền mệnh giá 100, 200, 500 ngàn, tìm mãi cũng được một tờ 10 ngàn. Chưa vội cho lão ăn mày, ông Trai hỏi:

  • Sao ông biết tôi buồn?
  • Xin lỗi, tôi trót nghe thấy lời ông than vãn.
  • Ừ đời bạc bẽo quá lão ăn mày ạ!

      Lão ăn mày nhìn chăm chăm vào khuôn mặt trông rất phúc hậu của ông Trai, nghĩ ngợi, mặt phúc hậu thế mà sống không nhân hậu nên cuối đời mới cô đơn, bất hạnh. Lão ăn mày muốn ông Trai cho mình tờ tiền kia, lão đoán là tờ mệnh giá 100 ngàn vì nhà ông giàu thế cơ mà. Số tiền ấy đủ để ông mua vé ô tô khách về quê vào sáng mai. Thật ra, vé ngày thường về quê lão chỉ hết 80 ngàn nhưng ngày tết, kiểu gì nhà xe cũng chặt chém thành 100, thậm chí 150 ngàn, mà nào có chỗ ngồi, chen chúc nhau ba người một ghế, rồi ngồi ghế nhựa, đứng không len được chân. Cái đó lão không sợ bằng móc túi, bọn trộm cắp ở bến xe, trên xe khách ngày tết nhan nhản, chúng cũng đóng giả vai hành khách, trông mặt rõ tử tế nhưng chỉ cần sơ sểnh một chút là ví tiền đã không cánh mà bay. Tết năm ngoái, lão đã đau đớn vật vã mất mấy ngày  tết vì hơn hai triệu mà lão đi ăn mày được mang về quê ăn tết thì bị móc sạch.

      Lão ăn mày muốn an ủi lấy lòng ông Trai để ông cho tiền lão, nhưng lão ngu quá, thay vì nịnh nọt thì lão lại thật thà hỏi:

  • Tôi hỏi khí không phải, khi còn đương chức, người ta đến nhà ông chạy chức, chạy quyền, chạy dự án, chạy biên chế, ông  có nhận tiền của người ta không?
  • Có ai chê tiền đâu?- Ông Trai gắt gỏng- Thế ông đi ăn xin, có chê tiền không?
  • Vậy thì đó là sự mua bán sòng phẳng, xong thì thôi, nay ông về hưu hết chức hết quyền, không ai đến nữa âu cũng là chuyện thường tình, có gì mà phải oán thán. Phải chăng khi còn đương chức, ông nâng đỡ người tài, giúp người tốt một cách vô tư , sau này dù ông có trở thành thường dân thì người  ta vẫn nhớ đến ông mà thăm hỏi những lúc ốm đau, ma chay cưới xin, lễ tết…

Lão ăn mày nói, tiếng nói thì của lão nhưng câu chữ thì lão nhặt nhạnh được từ miệng lưỡi thiên hạ phát ra, lão nghe nhiều nên gần như thuộc bài, nói trơn tru đâu ra đấy, khiến ông Trai ngỡ rằng lão ăn mày này chắc trước đây cũng làm chức to, bị sa cơ lỡ vận mà thành ăn mày nên mới đúc rút được bài học kinh nghiệm về lẽ sống ở đời như vậy. Song sự thật không phải thế, lão ăn mày xuất thân từ một làng quê nghèo đói, gia đình lão lại thuộc loại nghèo nhất trong những gia đình nghèo đói thành ra gia đình lão có truyền thống ăn mày, cụ, ông, bố, lão và cả đứa con lớn của lão cũng đã và đang  hành khất; ăn mày vì ngu dốt, thất học dẫn đến nghèo đói. Lão ăn mày học có đến lớp ba thì bỏ học giữa chừng vì học dốt quá thế mà hôm nay được một người ăn học tử tế, danh phận cao sang tôn lên ngang hàng. Lão không cần cái thứ danh vọng đó, lão cần cái tờ bạc trong tay của người cao sang. Nhưng ông Trai đã dút tờ bạc mệnh giá 10 ngàn mà lão ăn mày đinh ninh là 100 ngàn vào túi vào quay vào, bấm bấm điều khiển tự động, cánh cổng ngôi biệt thự từ từ khép lại trước sự tiếc nuối, hụt hẫng của lão ăn mày.

Ông Trai ghét lão ăn mày đã nói đúng sự thật, ông quay vào nhà lấy chai rượu vang Pháp thế kỷ 18 ra rót một ly, tu ực một cái. Sự thật đúng như lão ăn mày nói nhưng ông Trai vẫn không thể chấp nhận, ông vẫn le lói một tia hy vọng mong manh, có người đến thăm ông.

  • Reng, reng, reng!

Có tiếng chuông cổng. Ai đó đến chúc tết mình chăng? Ông Trai hồi hộp, định đi ra mở cổng nhưng rồi lại nghĩ rất có thể lão ăn mày nài nỉ xin tiền nên ông sai chị giúp việc ra xem ai. Chị giúp việc tất tả đi ra, lúc sau mang vào một cái hộp xinh xắn. Bà vợ ông từ trên lầu bước xuống, thấy cái hộp toan mở ra thì ông ngăn lại. Ông nói nhỏ vào tai vợ, bà gật đầu, sai chị giúp việc mang ra ngoài chỗ cái bồn phun nước mở. Ông cảnh giác, sợ có kẻ nào đó đặt bom mìn, thuốc nổ hay hóa chất độc hại để hãm hại gia đình ông. Chị giúp việc mang cái hộp ra ngoài, lấy kéo  cắt, một con chó vàng chóe hiện ra.

Vừa nhìn thấy con chó, bà vợ ông biết ngay nó được đúc bằng vàng bốn số 9. Năm con chó , tặng chó vàng?Ai tặng ông mà không để lại danh thiếp thế nhỉ?

Hay là cái tay Phó lên thay ông? Không thể nào vì mình đã ăn tiền của nó, mà lại còn ăn hơi nhiều nên nó ghét mình đến nỗi hôm liên hoan nhận chức ở nhà hàng Phố biển, nó còn chả thèm mời mình.

Hay là cái thằng Bộc mà mình đã cất nhắc lên trưởng phòng, sau chuyển công tác, giữ một chức to ở trên tỉnh? Thằng này rất ngu, nghe nói trước đây có tiền sử bệnh đao nhưng khéo nịnh nên được lòng các quan. Cũng không thể vì từ ngày chuyển đi đến giờ, một cú điện thoại hỏi thăm, nó cũng không thì dễ gì lại biếu cả con  chó vàng!

Hay là tay giám đốc công ty Sao Hôm, mình chả duyệt cho nói cái dự án béo bở, chỉ cần bán sang tay cũng kiếm được vài trăm tỷ là gì? Nhưng tay này nghe nói bị bọn cá độ bóng đá mồi chài phải bán cả biệt thự, xe hơi đi để trả nợ; nó cần tiền mình chứ đời nào lại biếu vàng cho mình?

 Ông nghĩ mãi mà không biết ai tặng mình. Tất cả đều mua bán sòng phẳng, ông không giúp ai một cách vô tư, vậy mà lại được biếu cả một con chó vàng có đến vài chục lượng cứ như ông đang đương chức? Ông Trai bảo chị giúp việc tả kỹ lại người thanh niên mang gói quà đến, chị nói người thanh niên mặc  khoác da màu đen, mắt đeo kính đen nên nhìn không rõ mặt. Thế thì chịu rồi. Vợ ông nghi hoặc:

   - Hay là tình nhân nó tặng ông?

Ông Trai cười bắn cả nước bọt vào mặt vợ:

  • Bà ngu thế, tình nhân nó chỉ biết nhận tiền nhận vàng vào người rồi mới cho tình chứ đời nào nó bỏ ra một xu!

Tiếng chuông cổng đột ngột réo lên nhưng lần này thì hối hả, chị giúp việc tất tả chạy ra mở cổng, chị chưa kịp lên tiếng thì người thanh niên lúc nãy hỏi dồn dập:

  • Hộp quà lúc nãy đâu?
  • Tôi đưa cho ông chủ rồi.
  • Dẫn tôi vào gặp ông chủ ngay.

Chị giúp việc đóng cổng, dẫn người thanh niên đi vào, thấy ông Trai, người thanh niên  xin lỗi ông, hộp quà ban nãy là của ông sếp  anh, bố ông vừa chết nên ông kiêng đi và sai anh đem  biếu ông lãnh đạo đang đương chức ở ngôi biệt thự bên kia.

          Thì ra là nhầm nhà!

                       

                                                                                    V.Đ

(Theo hoinhavanVN)