/Cỏn con một sợi lông mày. Mà đem cột trái đất này vào anh/ Thơ Trần Mạnh Hảo

VIDEO

HỖ TRỢ

QUẢNG CÁO

LỊCH

LIÊN KẾT

văn xuôi

NHỮNG “HẠT SẠN” TRONG CÁC CUỐN LỊCH SỬ ĐẢNG BỘ QUẬN, HUYỆN THUỘC THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG

Mong rằng có tái bản thì các cuốn Lịch sử Đảng bộ quận huyện trong thành phố Hải Phòng hãy thận trọng hơn nữa để giảm tải các “hạn sạn” đáng buồn còn đang tồn tại?

NHỮNG “HẠT SẠN” TRONG CÁC CUỐN LỊCH SỬ ĐẢNG BỘ QUẬN, HUYỆN THUỘC THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG

.

“Có bao lời muốn nói

Giữa dòng đời chơi vơi

Và muôn điều đau đáu

Một mình thầm nuốt trôi?”

          Thực tình tôi cũng không có thời gian, cũng như nhu cầu đọc các cuốn sách Lịch sử Đảng bộ quận huyện của thành phố Hải Phòng. Theo tiêu đề trên, có lẽ những cuốn sách này là tài liệu chính thống được dùng cho cán bộ đảng từ Bí thư Đảng ủy xã phường trở lên. Cách đây dăm năm, lúc tôi viết cuốn sách về nhà cách mạng tiền bối Nguyễn Văn Ngọ thì được người cháu của ông cho tôi mượn cuốn Lịch sử Đảng bộ huyện Vĩnh Bảo (1930 – 1996), xuất bản năm 1998. Rồi khi tôi viết “Vĩnh Bảo – Những trầm tích thời gian” thì xin được cuốn Lịch sử Đảng bộ huyện Vĩnh Bảo (1938 – 2018),… Thực lòng mà nói, tôi chỉ quan tâm tới những vấn đề từ 1945 trở về trước thôi.

Có thể là hình ảnh về văn bản cho biết 'BAN CHAP HANH ĐẢNG BỘ HUYÊN VINH BẢO LỊCH SỬ ĐẢNG BỘ HUYỆN VĨNH BẢO (1930-1996) NHÀ XUẤT BẢN HẢI PHÒNG'

          Ngoài ra tôi còn xin được một vài cuốn Lịch sử Đảng bộ của một số huyện thuộc tỉnh Hải Dương và Thái Bình kế bên. Nhưng sách của các tỉnh khác họ chỉ tập trung vào lịch sử từ thời kỳ thành lập đảng cộng sản của quê hượng họ đến nay. Riêng sách của Hải Phòng thì thêm phần lịch sử từ khi hình thành mảnh đất của quận huyện đó đến thời kỳ thành lập đảng. Nếu làm tốt được phần này thì cũng góp phần tôn vinh lịch sử truyền thống về mảnh đất và con người quận huyện đó, nhưng viết sai thì nó không chỉ làm hỏng cả một thời cổ sử và gây bao hậu quả không lường. Nếu các đảng bộ không nắm được lịch sử của quê mình, thì cũng đừng nhờ người nơi khác tư vấn giúp và kết quả thì Thường vụ huyện ủy (người chỉ đạo nội dung) phải là người chịu trách nhiệm, chứ người tư vấn không chịu trách nhiệm? Chẳng khác nào một dòng họ nào đó muốn viết gia phả cho dòng tộc mình lại nhờ một chuyên gia ở trung ương về làm hộ, mặc dù ông ta chưa hiểu gì về dòng tộc mà ông ta cần viết.

          Phần lịch sử từ khi thành lập đảng tới nay tôi không đề cập trong bài viết này, mà chỉ đề cập tới lịch sử thời trung cổ đại. Trước hết Vĩnh Bảo là huyện thứ 19 của tỉnh Hải Dương, lúc đầu được tách ra từ huyện Tứ Kỳ (5 tổng) và Vĩnh Lại (3 tổng). Huyện lỵ Vĩnh Bảo khi thành lập được đặt tại tổng An Bồ, huyện Tứ Kỳ (khu vực xã Dũng Tiến ngày nay), đến thế kỷ XX thì chuyển về tổng Đông Tạ, hai địa danh trên  đều thuộc huyện Tứ Kỳ, do vậy lịch sử huyện Vĩnh Bảo thời trung, thượng cổ phải phụ thuộc vào huyện Tứ Kỳ, chứ không phải huyện Vĩnh Lại như các sách đã ghi. Còn Lịch sử Đảng bộ huyện chỉ ghi mỗi huyện lỵ tại tổng Đông Tạ, bỏ sót thời huyện lỵ tại tổng An Bồ....

          Thời đầu công nguyên thì miền Bắc Việt Nam và miền Nam tỉnh Quảng Tây (từ Ninh Bình tới vùng Khâm Châu - Lưỡng Quảng và vùng Tây Nam của Quảng Tây, Trung Quốc) là quận Giao Chỉ. Dân số quận Giao Chỉ vào khoảng 730.000 nhân khẩu. Thời ấy các huyện ven biển như An Dương, Nghi Dương, Tiên Lãng, Vĩnh Bảo chưa xuất hiện vì phần lớn còn là biển cả. Cách nay 2.000 năm tại mảnh đất Hải Phòng ngày nay chỉ có 3 nơi có di chỉ về khảo cổ, chứng minh đã có người từng sinh sống là khu vực Tràng Kênh - Thủy Nguyên, Núi Voi – An Lão và Cái Bèo – Cát Bà.

QUYỂN 1:

          Trong khi đó “Lịch sử Đảng bộ huyện Vĩnh Bảo” xuất bản năm 1998 ghi:

-         Trang 8: “Thời đầu công nguyên, nhiều người dân Vĩnh Bảo tích cực tham gia

vào cuộc khởi nghĩa Hải Bà Trưng (40 - 44)… Sau khi đàn áp cuộc khởi nghĩa đã bắt các nghĩa sỹ làm tù binh, đưa về vùng ven biển Vĩnh Bảo, Tiên Lãng để khai khẩn đất đai, lập trang trại”. Còn thực tế người viết sử cũng chưa biết thời ấy Vĩnh Bảo, Tiên lãng tên là gì thuộc huyện nào của quận Giao Chỉ? Vì hai huyện này đã xuất hiện đâu mà có người đến ở. Và, năm 43 chính quyền Hai Bà Trưng đã bị sụp đổ, chứ không phải năm 44?

-         Trang 9 ghi: Ngay từ thời các vua Hùng dựng nước, đất Vĩnh Lại – Vĩnh Bảo đã

có người sinh sống, khai khẩn đất đai, làm thủy lợi, sinh cư lập nghiệp”. Thực tế  thời vua Hùng thì mảnh đất Vĩnh Bảo còn hoàn toàn là biển?

-         Trang 10: Minh Mạng thứ 19 (1839) thực tế phải là năm 1838.

-         Trang 14, 24: “Miếu Cựu Điện thờ Vi Thủ An”“Vi Thủ An là một danh

tướng… Đất nước thanh bình, ông xin về vùng đất Cựu Điện tập hợp dân chúng khẩn hoang,…”.  Thực tế là một tướng quân mang tên Kim An, chứ  không phải tên phản bội Vi Thủ An (thủ lĩnh người dân tộc Tày) bị quân đội Lý Thường Kiệt giết chết khi tên này làm tiên phong cho quân Tống vượt sông Như Nguyệt.

-         Trang 17: “Thế kỷ XIV, Trương Đỗ đỗ đại khoa, người xã Phù Cựu”, ghi nhầm

cho Vĩnh Bảo? Thực tế là của tỉnh Hải Dương

-         Trang 18: “Nguyễn Duy Minh (1462 - ?) người Hà Dương, Cộng Hiền, đỗ Tiến

sỹ năm Đinh Mùi (1487)…” Nhưng thực tế chúng tôi tra tất cả các loại sách từ cổ chí kim của trung ương và Hải Dương, không thấy sách nào ghi ở xã Hà Dương.

          Hay hai nhà khoa bảng Lê Tử Khanh và Phí Vạn Toàn thôn Xuân Trì, các sách của trung ương và Hải Dương đều ghi xã Xuân Trì, huyện Vĩnh Lại. Tức nay thuộc huyện Ninh Giang, không phải thuộc Vĩnh Bảo, còn làng Xuân Trì, xã Hùng Tiến chưa bao giờ thuộc huyện Vĩnh Lại và tại xã Hùng Tiến chưa có làng Xuân Trì bao giờ?

-         Trang 20: Ba nhà khoa bảng quê xã Tiền Liệt đều ghi cho huyện Vĩnh Bảo là

Nguyễn Đoan Kính, Nguyễn Văn Thái, Nguyễn Tự Cường. Thực tế là người huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương.

-         Trang 23: “Trong cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng chống ách đô hộ nhà Hán

(40 – 44), Vĩnh Bảo có Tri quốc Đạo Duyên, Thanh Tịnh Long người làng Trung Am (Lý Học) và Phạm Đàm, người Lễ Hợp (Tam Đa)…”. Thực tế làng Trung Am mới có người đến ở khoảng 700 năm và Lễ Hợp mới có người đến ở khoảng 800 năm. Thời đầu công nguyên hai địa danh này vẫn còn là biển. Còn cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng (40 - 43).

-         Trang 24 - 25: Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông… Tiêu biểu

phải kể đến Hoa Duy Thành, Vũ Đăng Dung, Lương Toàn, Nguyễn Chính…”.

“Nguyễn Chính quê ở Liễu Kinh (Việt Tiến), học hành giỏi giang, đỗ trong một kỳ ứng thi của nhà Trần và được bổ làm quan Chính tín triều chương chính sự. Khi quân Nguyên sang xâm lược lần thứ 3, ông xin được trực tiếp cầm quân đánh giặc, lập công đầu”...Chức vụ trên chúng tôi chưa tra được là chức gì?

          Rồi trong Từ điển Bách khoa địa danh Hải Phòng, trang 264 và Thần tích của làng do hương Lý – Kỳ mục viết năm 1938 tại Viện Thông tin KHXH Việt Nam ghi: “Đình và miếu Liễu Kinh thờ ba vị thành Hoàng là Chính Tín, sinh 10/09, hóa ngày 12/03. Theo thần tích, thời Hùng Vương, Chính Tín kết bạn với các ông Giám Tiền, Hương Lộc, đem quân theo Phù Đổng Thiên Vương đánh giặc Ân. Khi thắng trận về triều, được vua ban thưởng nhưng Chính Tín không nhận…”. Như vậy có một nhân vật Chính Tín có tuổi đời chừng 3500 năm và một nhân vật hơn 700 tuổi (làm tròn), như vậy ai đúng ai sai?

-         Trang 24: “Dưới trướng của vị tướng tài ba Lý Thường Kiệt có anh em sinh đôi

là Lý Cương, Lý Bảo, người làng Nhân Giả  xã Vinh Quang…”. Còn trang 324 của Từ điển Bách khoa Địa danh Hải Phòng ghi: “Miếu Nhân Giả thờ 3 vị thành Hoàng là 1/ Đại Lực tướng quân. 2/ Cương Nghị đại vương. 3/ Bảo An đại vương. Hai vị (2, 3) hai anh em, không rõ tên húy, sinh cùng ngày 10/08, hóa cùng ngày 10/10, văn võ toàn tài, được vua Lý sai đánh quan Chiêm Thành. Có công được phong tước. Hai vị Cương Nghị và Bảo An còn được thờ ở đình Hà Phương (xã Thắng Thủy), đình An Ninh (xã Vĩnh An),...”.

Còn theo thần tích của làng Hà Phương (trang 168) là một “vị thần họ Nguyễn, hiệu Bảo An là con của vị huyện lệnh Tứ Kỳ về dạy học ở làng Hà Hương (từ đầu thế kỷ XIX tới nay đổi là Hà Phương). Mẹ của Bảo An mộng thấy rồng trắng từ trên trời hạ xuống, quấn quanh người bà ba vòng rồi biến mất, để lại hai sợi râu. Sau bà sinh hai con trai, mới lọt lòng đã biết nói. Hai anh em được ban quốc thích theo họ Hùng. Anh tên Nghị, mới mười bốn tuổi đã được vua Hùng ban chức Tham tán đại tướng quân, em tên là Bảo giữ chức Thái bảo nguyên súy đại tướng quân”.

Hay một minh chứng nữa là tấm bia đá thần phả với kích cỡ chiều cao một mét hai lăm, chiều rộng bảy mươi lăm xăng-ty-mét, bề dày mười sáu xăng-ty-mét, được tạo dựng năm Tự Đức thứ 28 (1875) của đình Bến (thôn Hà Phương, xã Thắng Thủy) ghi lại hai anh em vị thần là Cương Nghị và Bảo An có thần tích từ thời Hùng Vương.

Qua nghiên cứu chúng tôi thấy hai vị thần là anh em sinh đôi Cương Nghị và Bảo An được thờ ở miếu Nhân Giả (xã Vinh Quang) cũng như ở đình Bến thôn Hà Phương (xã Thắng Thủy) hay tại đình An Ninh (xã Vĩnh An) và một số nơi khác nữa chỉ là một và được vua nhà Nguyễn phong sắc với mỹ tự Đoan Túc (là dương thần, chỉ là tôn thần, song một số người dịch là Thượng đẳng thần khi làm bằng di tích cấp quốc gia). Song do sự bất cẩn của một số người làm sách đã chép nhầm dẫn đến hai vị thần này được thờ ở Nhân Giả thì là tướng quân họ Lý đời nhà Lý, còn ở các nơi khác thì là tướng quân gốc họ Nguyễn thời Hùng Vương?

          QUYỂN 2:

          Lịch sử Đảng bộ huyện Vĩnh Bảo (1938 – 2018) xuất bản 2018, trang 26 ghi: “Nguyễn Duy Tình (? - ?), người sở Tây Tạ nay là hai thôn Thượng Đồng và Hạ Đồng xã An Hòa đỗ Tiến sỹ khoa Ất Mùi (1535) thời Mạc…”. Thực tế các sách của Trung ương và Hải Dương ghi làng Tạ Xá, huyện Tứ Kỳ (chúng tôi tìm ra, nay là thôn Nội Tạ và Tạ Ngoại), còn sách ghi ở sở Tây Tạ là chưa đúng và sở Tây Tạ thì nay là thôn Thượng, Hạ Đồng xã An Hòa và thôn Hạ Đồng xã Cộng Hiền mới chính xác.

          Hay hai Tiến sỹ Lê Tử Khanh và Phí Vạn Toàn, người làng Xuân Trì xã Hủng Tiến là chưa chính xác, mà hai vị này thuộc làng Xuân Trì, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương. Hay “Phạm Tri Chỉ (? - ?) người láng Áng Ngoại xã Trung Lập, đỗ Tiến sỹ năm Mậu Thìn (1568)…”. Thực tế người làng Phương Tường xã Hùng Tiến mới chính xác.

-         Trang 32:  “Trong cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng chống ách đô hộ nhà Hán

(40 – 44), Vĩnh Bảo có Tri quốc Đạo Duyên, Thanh Tịnh Long người làng Trung Am (Lý Học) và Phạm Đàm, người Lễ Hợp (Tam Đa)…”. Thực tế cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng (40 - 43) và làng Trung Am mới có người đến ở khoảng 700 năm và Lễ Hợp mới có người đến ở khoảng 800 năm. Thời đầu công nguyên hai địa danh này vẫn còn là biển.

-         Trang 33: “Dưới trướng của vị tướng tài ba Lý Thường Kiệt có anh em sinh đôi

là Lý Cương, Lý Bảo, người làng Nhân Giả  xã Vinh Quang…”. Còn trang 324 của Từ điển Bách khoa Địa danh Hải Phòng ghi: “Miếu Nhân Giả thờ 3 vị thành Hoàng là 1/ Đại Lực tướng quân. 2/ Cương Nghị đại vương. 3/ Bảo An đại vương. Hai vị (2, 3) hai anh em, không rõ tên húy, sinh cùng ngày 10/08, hóa cùng ngày 10/10, văn võ toàn tài, được vua Lý sai đánh quan Chiêm Thành. Có công được phong tước. Hai vị Cương Nghị và Bảo An còn được thờ ở đình Hà Phương (xã Thắng Thủy), đình An Ninh (xã Vĩnh An),...”.

Còn theo thần tích của làng Hà Phương (trang 168) là một “vị thần họ Nguyễn, hiệu Bảo An là con của vị huyện lệnh Tứ Kỳ về dạy học ở làng Hà Hương (từ đầu thế kỷ XIX tới nay đổi là Hà Phương). Mẹ của Bảo An mộng thấy rồng trắng từ trên trời hạ xuống, quấn quanh người bà ba vòng rồi biến mất, để lại hai sợi râu. Sau bà sinh hai con trai, mới lọt lòng đã biết nói. Hai anh em được ban quốc thích theo họ Hùng. Anh tên Nghị, mới mười bốn tuổi đã được vua Hùng ban chức Tham tán đại tướng quân, em tên là Bảo giữ chức Thái bảo nguyên súy đại tướng quân”.

Hay một minh chứng nữa là tấm bia đá thần phả với kích cỡ chiều cao một mét hai lăm, chiều rộng bảy mươi lăm xăng-ty-mét, bề dày mười sáu xăng-ty-mét, được tạo dựng năm Tự Đức thứ 28 (1875) của đình Bến (thôn Hà Phương, xã Thắng Thủy) ghi lại hai anh em vị thần là Cương Nghị và Bảo An có thần tích từ thời Hùng Vương.

Qua nghiên cứu chúng tôi thấy hai vị thần là anh em sinh đôi Cương Nghị và Bảo An được thờ ở miếu Nhân Giả (xã Vinh Quang) cũng như ở đình Bến thôn Hà Phương (xã Thắng Thủy) hay tại đình An Ninh (xã Vĩnh An) và một số nơi khác nữa chỉ là một và được vua nhà Nguyễn phong sắc với mỹ tự Đoan Túc (là dương thần, chỉ là tôn thần, song một số người dịch là Thượng đẳng thần khi làm bằng di tích cấp quốc gia). Song do sự bất cẩn của một số người làm sách đã chép nhầm dẫn đến hai vị thần này được thờ ở Nhân Giả thì là tướng quân họ Lý đời nhà Lý, còn ở các nơi khác thì là tướng quân gốc họ Nguyễn thời Hùng Vương?

-         Trang 34: “Nguyễn Chính quê ở Liễu Kinh (Việt Tiến), học hành giỏi giang, đỗ

trong một kỳ ứng thi của nhà Trần và được bổ làm quan Chính tín triều chương chính sự. Khi quân Nguyên sang xâm lược lần thứ 3, ông xin được trực tiếp cầm quân đánh giặc, lập công đầu.

Không có mô tả ảnh.

     QUYỂN 3:

     Lịch sử Đảng bộ quận Hồng Bàng:

-         Trang 19, 20: “Các làng An Biên, Gia Viên, Hạ Lý, Thượng Lý, An Lạc,… Các làng này phân bố rải rác ven sông Cấm và sông Tam Bạc, hình thành sớm nhất vào đầu Công nguyên và muộn nhất vào thế kỷ thứ X…”.

     Chúng tôi có đủ tài liệu chứng minh cho làng An Biên bên triền Hữu sông Tam Bạc có khoảng 500 năm nay có người tới ở, làng Hạ Lý có người tới ở còn muộn hơn. Làng Hạ Lý còn thờ thành hoàng là Trấn thủ tỉnh Hải Dương thời Minh Mạng là Nguyễn Trí Hòa. Hay đảo Hạ Lý (phường Hạ Lý ngày nay) cách nay 100 năm vẫn còn hồ nước rộng mênh mông, hai đầu nối với sông Tam Bạc và sông Cấm.

     Từ mảnh đất thượng nguồn sông Kinh Thầy các cư dân xã An Dương tổng Nội Hoàng, xã Đông Khê tổng Đạm Thủy huyện Đông Triều, châu Đông Triều, phủ lộ Tân Hưng và cư dân xã Yên (An) Biên tổng Vĩnh Đại, huyện Đông Triều, phủ Kinh Môn tới mảnh đất nội thành Hải Phòng ngày nay khai hoang lập ấp. Họ không quên nơi chôn nhau cắt rốn của mình đã lấy tên 3 ấp là An Dương, Đông Khê và An Biên. Chứ thời đầu công nguyên nội thành Hải Phòng ngày nay còn là biển cả.  

      Làng Thượng Lý bắt đầu xuất hiện từ thời Bắc thuộc lần thứ 4 (1407 - 1428). Khi nhà Minh sang xâm lược thì xã đổi thành lý (tức làng) và đơn vị hành chính cấp lý đó với 110 hộ dân. Sau này đến thời Nguyễn áp dụng theo đơn vị hành chính này, nên mới có Lý trưởng, Chánh tổng. Còn trước đó hay thời Hậu Lê, cũng như nhà Mạc gọi là Trùm xã, Trùm tổng,… Còn làng An Chân, thời Thành Thái là An Trực, từ thế kỷ XX là làng An Lạc. Theo tương truyền thì cái tên tên An Chân là do ghép quê của tướng công Trình Vinh ở huyện Tây Chân trấn Sơn Nam đến huyện An Dương định cư. Chỉ biết rằng huyện An Dương cổ được thành lập vào năm 1469, do vậy cái tên An chân sẽ ra đời sau năm 1469. Các làng càng lên phía Bắc thì ra đời sớm hơn, càng xuống phía Đông thì ra đời muộn hơn. Nhìn chung toàn bộ nội thành ngày nay có dân cư tới ở vào khoảng một thiên niên kỷ đổ lại. Đầu công nguyên thì toàn bộ huyện An Dương cổ vẫn còn là biển và lúc ấy chưa xuất hiện sông Tam Bạc (khu vực từ Cam lộ, Nam Sơn hắt lên là huyện Giáp Sơn và huyện Thủy Đường)

-         Trang 22: Trải qua hàng ngàn năm. Nếu đúng ghi trải qua hàng trăm năm.

-         Trang 29: Ngày 11/09/1887, tỉnh Hải Phòng được thành lập trên cơ sở một phần

đất của tỉnh Hải Dương, gồm các huyện An Dương, An Lão, kiến Thụy, Thủy Nguyên, Tiên Lãng. Còn thực tế tỉnh Hải Phòng được tách ra từ tỉnh Hải Dương và  huyện Tiên Lãng gia nhập vào tỉnh Hải Phòng sau 11 năm từ ngày thành lập, vào năm 1898.v.v.

Không có mô tả ảnh.

     QUYỂN IV:

     “Lịch sử Đảng bộ quận Lê Chân, NXB Hồng Đức 2020”

     Tưởng chừng sách mới xuất bản sẽ rút kinh nghiệm của các lần in trước sẽ ít có sạn hơn. Nhưng phần lịch sử của quận Lê Chân từ đầu thế kỷ XX trở về trước tuy ngắn nhưng còn mắc nhiều lỗi.

-         Trang 13, 14: Người viết đã khảng định “Những năm đầu Công nguyên, cô gái trẻ Lê Chân, người làng An Biên (tên cổ là Vẻn)…  đến vùng bãi bồi ven biển… chỉ vài năm đã lập thành làng, lấy tên là làng An Biên của quê hương cũ đặt cho làng mới. An Biên được coi là làng lớn và là một trong làng gốc của Hải Phòng, phía Bắc giáp sông Cấm và làng Thượng Lý (nay là phường Thượng Lý), phía Nam giáp làng Dư Hàng, phía Đông giáp làng Gia Viên, phía Tây Nam giáp sông Tam Bạc và làng An Dương…”.

     Ngay bia đá dựng ở nghè Lê Chân ghi: Lê Chân quê ở xã Yên (An) Biên, huyện Đông Triều, phủ Kinh Môn, trấn Hải Dương hay nhiều sách khác của quận Lê Chân, của Hải Phòng xuất bản đều ghi như vậy. Trong khi đó cái tên thừa tuyên Hải Dương xuất hiện vào năm 1469 thời Lê Thánh Tông, còn trấn Hải Dương mới có từ năm 1509. Còn thời Lê Chân cách lúc ra đời trấn Hải Dương gần 1.500 năm. Tất cả những tư liệu về cuộc đời và sự nghiệp của Lê Chân cũng như quê quán của bà chỉ là tương truyền. Tới nay chúng tôi tìm ở tất cả các sử sách của Trung Quốc và Việt Nam đều không nhắc tên tới Lê Chân.

     Hay thời ấy miền Bắc nước ta là một phần của quận Giao Chỉ, mình chưa có quốc gia riêng. Dân số quận Giao Chỉ khoảng 730.000 nhân khẩu, nên dân cư vô cùng thưa thớt. Theo tương truyền làng Vẻn có 18 người ở thượng lưu sông Cấm. Còn toàn bộ huyện An Dương cổ (ra đời năm 1469) phần lớn thời đầu công nguyên vẫn là biển cả. Từ Yên (An) Biên, thì tiếng Hán từ biên là rìa, mép, còn tên Nôm là Vẻn. Ta phải hiểu những địa danh mang tên có từ biên, nghĩa là rìa, mép là sinh sau đẻ muộn. Việc các cư dân từ Đông Triều về nội thành Hải Phòng vào cuối thế kỷ XIV của xã An Dương, tổng Nội Hoàng, đến đầu thế kỷ XV là cư dân xã  Đông Khê, tổng Đạm Thủy và đầu thế kỷ XVI là cư dân xã Yên Biên, tổng Vĩnh Đại. Cư dân của 3 xã trên không quên nơi chôn nhau cắt rốn của mình đã lấy ba tên là An Dương, Đông Khê và An Biên đặt cho ấp của mình.

     Còn vị trí của làng An Biên trong bản đồ thời Nguyễn như sau: Thông thường giáp Chính hay giáp Trung của xã là nơi đặt đình làng. Trước năm 1887 thì đình xã Da Viên (nghĩa Hán là vườn dừa) ở khu vực UBND thành phố ngày nay, bên đa cổ thụ, còn đình làng An Biên ở khu vực nhà hát Lớn ngày nay, nên vị trí của làng An Biên là bên triền Hữu sông Tam Bạc, còn bên triền Tả sông Tam Bạc là xã Hạ Lý chứ không phải xã Thượng Lý như Lịch sử ĐB quận Lê Chân ghi. Xã Thượng Lý có từ thời Bắc thuộc lần IV (đầu thế kỷ XV), còn xã Hạ Lý mới có từ đầu thời Nguyễn, thậm chí khu vực Trại Chuối mới có người tới ở khoảng 50 năm nay. Nôm na làng An Biên kéo từ ngõ Hàng Gà tới khu vực phường Hoàng Văn Thụ, phía Tây Nam từ triền Hữu sông Tam Bạc kéo đến hết phường Trại Cau. Bên triền Tả sông Tam Bạc ở khu vực phường Hạ Lý bây giờ, cách nay 100 năm còn là hồ nước mênh mông rất nối từ sông Tam Bạc ra sông Cấm và khu vực này mới có cư dân đến ở mà thôi. Hay làng Hạ Lý (phường Trại Chuối, phường Thượng Lý, phường Hạ Lý ngày nay) thờ thành hoàng làng là Trấn thủ Hải Dương Nguyễn Trí Hòa thời đầu nhà Nguyễn. Ta càng khảng định làng Hạ Lý mới hình thành mà thôi…


Có thể là hình ảnh về văn bản
Lịch sử Đảng bộ ở các tỉnh khác chỉ làm từ năm 1930 trở lại nay thôi

      Còn nhiều những “hạt sạn” trong các cuốn sách trên, nhưng chúng tôi chỉ nêu một vài những ví dụ điển hình để bạn đọc tham khảo. Theo tôi, đây là cuốn lịch sử của cơ quan đảng, nên tập chung vào những phần từ khi thành lập đảng tới nay. Lịch sử trung cổ đại phải do một cơ quan có uy tín làm. Từ việc in sai dẫn đến hiểu sai, rồi hàng loạt di tích lịch sử có thần tích sai và di tích “dởm” xuất hiện. Các làng xã, phường đều lấy các cuốn sách này làm tài liệu để viết cho địa phương mình. Mong rằng có tái bản thì các cuốn Lịch sử Đảng bộ quận huyện trong thành phố Hải Phòng hãy thận trọng hơn nữa để giảm tải các “hạn sạn” đáng buồn còn đang tồn tại?

                                     THI NGỌC