/Cỏn con một sợi lông mày. Mà đem cột trái đất này vào anh/ Thơ Trần Mạnh Hảo

VIDEO

HỖ TRỢ

QUẢNG CÁO

LỊCH

LIÊN KẾT

văn xuôi

NHÀ VĂN LÊ LỰU: GIỌT NƯỚC MẮT CUỐI CHIỀU

Chuyện nhà Lê Lựu, có người tỏ, có người không, chỉ thấy nhà văn khi u buồn, có lúc cười trong nước mắt

NHÀ VĂN LÊ LỰU: GIỌT NƯỚC MẮT CUỐI CHIỀU

Nghiêm Thị Hằng

 


Kết quả hình ảnh cho LÊ LỰU

 

Kì I: Không được sống cuộc sống của chính mình

“Sóng ở đáy sông” không phải chỉ theo suốt đời anh chàng Núi, mà theo suốt đời nhà văn Lê Lựu như số phận cuộc đời. Anh chàng Giang Minh Sài trong “Thời xa vắng” tránh vỏ dưa lại gặp vỏ dừa, nửa đời trước không được sống cuộc sống của chính mình, nửa đời sau trong bi kịch chạy theo cái không phải của mình. Lê Lựu chua chát bảo đời mình cũng vậy…

Mới đấy mà đã hơn 40 năm tôi quen nhà văn Lê Lựu, năm 1974 khi nhà văn đi thực tế ở chiến trường, đầu quân về Báo Trường Sơn - Đoàn 559. Hồi ấy Lê Lựu viết tiểu thuyết “Mở rừng”, viết được chương nào ông đọc thuộc cả chương cho các em ở nhà in nghe . Ngày ấy, tôi (cô gái ở nhà in) thường rang cơm cho nhà văn thêm bữa tối, nhà văn gọi tôi với biệt danh là “Cô bé cơm rang”.

Ở Trường Sơn không lâu, Lê Lựu ra Bắc. Sau chiến tranh, Phòng Tuyên huấn cục Chính trị đoàn 559 của chúng tôi có Ban liên lạc đồng đội cũ, thỉnh thoảng anh em lại gặp nhau. Nhà văn Lê Lựu, nhà thơ Phạm Tiến Duật, nhiếp ảnh gia Hoàng Kim Đáng, Vương Khánh Hồng, họa sĩ Đức Dụ, Hoàng Đình Tài…là các văn nghệ sĩ thành danh sinh hoạt trong ban liên lạc của phòng Tuyên huấn. Ban liên lạc này đã gắn bó những người lính Trường Sơn chúng tôi đến tận bây giờ, dù có người vẫn còn phong độ, có người đang cuối chiếu dốc nắng, có người đã về thế giới bên kia.

Trước tết năm Ất Mão (2015), khi tôi có dịp đến thăm Lê Lựu, ông tâm sự: “Tôi sống đến chừng này tuổi cũng thuộc dạng xưa nay hiếm, nhất là khi mang trong người rất nhiều trọng bệnh”. Bây giờ nhà văn gắn mình với chiếc xe đẩy. Nhớ lại năm 1986, tiểu thuyết “Thời xa vắng” của Lê Lựu ra đời, khi ấy sự nghiệp văn chương của Lê Lựu như nắng trưa đỉnh điểm vinh quang. Ông trở thành nhà văn Việt Nam đầu tiên được trung tâm William Joiner của ông Kevin Bowen mời sang thăm nước Mỹ chu du tới 6 tháng trời vào năm 1988.

Từ Mỹ về, nhà văn quân đội, lão nhà văn nhà quê Lê Lựu được hàng trăm cơ quan mời nói chuyện. Người ta lắng nghe Lê Lựu nói chuyện để khám phá nước Mỹ ra xôi đầy hiếu kì, qua giọng kể của nhà văn lúc thủ thỉ, lúc nói chơi chơi, khi lại cà kê tán róc, vậy mà người nghe cứ mê như nghe lời chúa giảng. Trời cho Lê Lựu một trí thông minh hiếm có, khoa ăn nói như trạng, khiến nhà văn càng nổi danh. Người ta đã kinh doanh việc ông nói chuyện dài hai ba tiếng đồng hồ, qua thu băng và bán đắt như tôm tươi.

Ngày ấy, ngỡ tưởng chỉ có những lời khen, những bó hoa và ánh mắt ngưỡng mộ… Nhưng khi trở về căn nhà nhỏ ở đường Hoàng Hoa Thám, phường Ngọc Hà, Hà Nội với vợ và con gái, con trai, lại có một Lê Lựu trong chân dung của người làm chồng làm cha bất lực đầy nước mắt.

Nhìn lại “Thời xa vắng” nước mắt Lê Lựu - Giang Minh Sài đã khóc giữa ban trưa dốc nắng cuộc đời khi li hôn với Tuyết người vợ cưới tảo hôn. Ngoài đời cuộc hôn nhân tảo hôn năm 1954 với người vợ ở làng quê, không cho nhà văn hạnh phúc, Lê Lựu “chê vợ” nhưng ngày đó cán bộ bảo: “Muốn là nhà văn, muốn vào Đảng thì không được bỏ vợ”. Nghe lời cán bộ hòa giải, nhà văn mới có hạnh phúc được làm cha. Lê Lựu bảo: “Ấy là đứa con của cán bộ”, nhưng nhà văn vẫn không được kết nạp Đảng vì lí lịch của gia đình vợ. Đứa “con của cán bộ ra đời” cũng chẳng thể níu kéo, chẳng thể hàn gắn được tình cảm của mẹ cha.

Sau 20 năm “trói buộc duyên phận vợ chồng” năm 1974 Lê Lựu ra tòa, hôn nhân chấm dứt, bồi thường cho vợ cũng tính đủ đầy, nước mắt nhà văn đắng ngắt. Tan vỡ hôn nhân cho Lê Lựu khát vọng của tình yêu, nhà văn đã bán “hồn” mình cho Giang Minh Sài để đổi lấy nỗi buồn trần thế, bơ vơ giữa cõi yêu rồi được khỏa lấp dần bằng một tình yêu mới. Cô Châu người vợ thứ hai chê chồng không biết chiều chuộng đàn bà, nên tìm mọi cách hành hạ cho bõ ghét, nửa đời sau của Giang Minh Sài chạy theo cái không phải của mình.

Còn ngoài đời thì sao? Sau khi li hôn với người vợ quê nhà, Lê Lựu được kết nạp Đảng, lại có người phụ nữ như trong “Thời xa vắng” ông gọi là Hương ở nơi thành thị đã đến với nhà văn, tình yêu đôi lúc cũng giận hờn vô cớ. Tình vụt đến rồi chợt qua, khiến nhà văn lại hụt hẫng.

Rồi nhân duyên, số phận đưa Lê Lựu đến trại viết văn, có người phụ nữ ở phòng bên, vụt đến trong đêm, dắt Lê Lựu bước vào tình ái như định mệnh không cưỡng nổi. Sau cái đêm định mệnh ấy, duyên ai, lỗi ai, chỉ có hai người biết, để rồi 3 tháng sau nhà văn đi công tác nhận được bức thư báo tin vui “anh trở thành cha, về ngay để cưới”. Từ đây sợi dây tình ái, trách nhiệm vợ chồng buộc chặt lấy nhà văn. Con gái ra đời, không thể nói không vui, nhưng nỗi đau trong lòng Lê Lựu bấm tay tính tháng. Thêm con trai ra đời, lại mừng vui vì có con nỗi dõi, nhưng lòng chợt buồn chỉ mình mình hay…

Chuyện nhà Lê Lựu, có người tỏ, có người không, chỉ thấy nhà văn khi u buồn, có lúc cười trong nước mắt. Cho tới một ngày, chuyện nhà Lê Lựu người ngoài cũng hay, bởi nhà Lê Lựu mất trộm, thế là cảnh sát khu vực vào phá án, thu thập được cuốn sổ thằng ăn trộm vứt đi, hóa ra đây là nhật kí của chính người đàn bà trong cuộc nói chuyện tình từ A đến Z…/.

 

Theo trannhuong