/Cỏn con một sợi lông mày. Mà đem cột trái đất này vào anh/ Thơ Trần Mạnh Hảo

VIDEO

HỖ TRỢ

QUẢNG CÁO

LỊCH

LIÊN KẾT

văn xuôi

NHÀ TRỌ

Thà cứ để cái nhà trọ đã tốt ấy, còn hơn là không có nó. Đã qua cái thời ngủ Khách sạn Gầm Cầu, hay Hotel de La Hien rồi. Chồng em ạ!

NHÀ  TRỌ

Truyện ngắn của KHIẾU QUANG BẢO

 

       Khu vườn của nhà ông bà Hinh trồng gì cũng không thể thu lợi nhiều và chắc ăn bằng làm nhà cho thuê ở trọ. Nhu cầu nhà trọ ở gần các Trường đại học, các Khu công nghiệp không bao giờ là đủ. Mà nhà ông bà Hinh lại ở gần năm Trường đại học. Sinh viên phải gắn bó với trường bốn, năm năm. Làm việc cho Khu công nghiệp còn gắn bó với nó nhiều hơn thế, có khi cho đến lúc về hưu. Những người ở trọ dài hạn như thế thường thuê một phòng riêng vì họ có tư trang như một gia đình nhỏ, có thể tự nấu ăn. Sinh viên muốn giảm chi phí thuê phòng thì ở ghép đôi mỗi người góp một nửa tiền. Cũng còn tuỳ đôi ấy có hợp cạ.

       Con trai ông bà Hinh có nhà trong phố. Anh quyết định đầu tư giúp bố mẹ có thu nhập thêm từ chính mảnh vườn nhà, bằng cách xây nhà cho thuê ở trọ. Luận chứng kinh tế của anh là cho các đối tượng thuê dài hạn, có thu nhập kha khá và cuộc sống ổn định. Do đó anh thuê thợ xây hai dãy nhà cấp bốn mỗi dãy bốn phòng với công năng tạo dựng tiện nghi sinh hoạt tiện dụng. Trên ốp trần, dưới sàn lát gạch men. Phòng nào cũng có cửa sổ. Các ổ cắm điện góc nào cũng sẵn, tiện cho khách trọ cắm quạt, cắm máy thu hình, cắm đèn bàn, máy tính, máy sấy tóc, bàn là…Điện nước đầy đủ. Mỗi phòng lắp một công tơ riêng. Mỗi dãy nhà dành hẳn một phòng làm buồng tắm, hố xí. Còn dành hẳn một phòng nữa làm bếp, xây bệ sẵn để người thuê trọ có thể nấu ăn nhưng chỉ được dùng bếp gas du lịch nhỏ gọn.Chuđáo hơn, anh con trai ông bà Hinh còn cho xây cơi nới bên hông nhà ở của bố mẹ một gian nhà để làm phòng khách cho người ở trọ tiếp mỗi khi có người thân đến thăm, mà không được đưa khách vào phòng ngủ. Mảnh sân nhỏ ở giữa cũng được lát gạch đỏ để mọi người có một không gian chung những khi rảnh rang ngồi chuyện trò thêm ấm cúng như một gia đình. Anh con trai ông bà Hinh xếp loại đẳng cấp cho nhà trọ này là “Nhà trọ bình dân chất lượng cao”. Dĩ nhiên giá thuê phải cao hơn bình dân một hai giá. Và cũng phải xem xét người thuê trọ có khả năng đáp ứng những điều khoản của chủ nhà đề ra trong hợp đồng hay không? Và nhà trọ này cũng chỉ dành riêng cho nữ khách, để tránh lộn xộn ông bà Hinh không quản lý nổi. Vậy là “ Nhà trọ bình dân chất lượng cao” này của ông bà Hinh chỉ ký hợp đồng được với năm khách thuê.

                                                                *

       Một tuần sau khi nhà trọ khánh thành, đã có bốn người tìm đến đăng ký hợp đồng thuê. Tham quan từng phòng, họ tỏ ý hài lòng với tiện nghi nhà trọ. Hài lòng với khuôn viên của nó thoáng đãng sạch sẽ. Hài lòng với giá cả vậy là quá mềm. Họ cũng hài lòng về ông bà chủ đôn hậu, thân thiện. Anh con trai ông bà Hinh trực tiếp xem xét nhân thân khách thuê trọ giúp bố mẹ. Vì bố mẹ không từng trải.

       Khách trọ thứ nhất là một phụ nữ trẻ có một con trai nhỏ ba tuổi. Chồng chị công tác ở nước ngoài. Chị từ Hải Phòng lên, được một Công ty liên doanh tuyển dụng. Nhìn qua cách ăn mặc, trang điểm và tư trang của chị, dễ dàng nhận thấy chị có thu nhập bậc trung. Tính tình chị lại điềm đạm, nói năng nhỏ nhẹ. Chấp nhận. Chị ở phòng trọ số một.

       Khách trọ thứ hai cũng là một phụ nữ trẻ. Có thể nói là chị xinh, ưa nhìn, có giọng nói dễ tin, và phục sức cũng duyên dáng đúng mực như chị thứ nhất. Được. Có khả năng thanh toán sòng phẳng. Chị ở phòng trọ số hai.

       Khách trọ thứ ba là một nữ sinh viên Nhạc viện năm thứ ba. Cô quê Thanh Hoá. Cô đã chuyển ba nơi thuê trọ vì những nơi đó bình dân quá. Không phù hợp với sinh hoạt học tập của cô. Cô ở phòng trọ số ba.

       Khách trọ thứ tư là một sinh viên năm đầu Đại học Ngoại thương. Bố cô trực tiếp đưa từ Thành phố Hạ Long lên bằng xe riêng. Nếu không phải là gia đình khá giả và chiều quý con cái, hẳn không thể có sự quan tâm chu đáo đến thế. Vậy là tốt rồi. Cô ở phòng trọ số bốn.

       Sau đó có mấy trường hợp tìm đến đăng ký thuê, nhưng anh con trai ông bà Hinh lựa lời từ chối. Vì có cô trông quê một cục, khó hoà nhập với những người thuê trước đó. Lại có cô nói năng bặm trợn quá. Một cô nữa cư xử rất đỏng đảnh. Bị từ chối, trước khi vẩy mông ra khỏi đây, cô nhổ một bãi nước bọt đánh toẹt, bĩu môi: “Tưởng báu lắm. Khối nơi mời!”. Anh con trai ông bà Hinh chỉ e rằng nếu họ sống ở đây trong quan hệ bố mẹ anh khó bề ứng xử, dễ bị tổn thương. Kính chẳng bõ phiền.

       Một tháng sau, thì phòng trọ cuối cùng cũng có chủ. Một ông bố đưa con gái lên thành phố tìm việc làm. Cô là bác sĩ Đại học Y khoa Thái Bình. Ở thành phố này mới có cơ hội dự tuyển lao động qua những “Phiên giao dịch tuyển dụng trên sàn lao động”. Trường hợp này người bố xin được ở cùng phòng với con gái “đến khi nào cháu nó xin được việc làm mới an tâm”. Đã thế, người bố còn nì nài xin anh con trai ông bà Hinh rút tiền thuê phòng xuống được chừng nào hay chừng nấy. Anh phì cười. Hai người ở đã không tăng tiền thuê, lại còn đòi giảm. Nhưng cảm kích trước hoàn cảnh éo le của hai bố con cô gái, anh chấp nhận. Cô gái cảm ơn ríu rít. Cô ở phòng trọ số năm. Mừng cho cô gái ấy hai mươi ngày sau đã xin được việc làm ở một bệnh viện Y học Dân tộc.

       Cái tập thể khách trọ nhỏ bé này những tháng đầu họ sống thật vui vẻ, đồng cảm. Họ nhường nhau chiếc dây phơi. Nhường nhau vào nhà tắm, nhà vệ sinh trước mỗi khi gặp lúc có hai người cùng một nhu cầu. Cái sân nhỏ buổi chiều tối rỗi rãi, họ rủ nhau kéo ghế ra ngồi chuyện trò rôm rả, có khi suông, lại có khi có đĩa quả hoặc đĩa bánh kẹo, ai có thì khao nhau. Bé Cún con người phụ nữ ở phòng số một bỗng dưng được sống trong một gia đình không phải là máu mủ mà lại được nhận một tình thương yêu ruột rà. Sáng, mẹ bé đèo đến lớp mẫu giáo gần đó. Chiều, mới đón về. Nhiều hôm trễ có các cô cùng trọ đón giúp. Hôm nào xổ mũi ngây ngấy sốt bà Hinh bảo mẹ Cún để Cún lại bà chăm cho. Ông bà Hinh khoe với con trai rằng ông bà thấy vui hẳn lên từ khi có họ đến thuê trọ. Sự thực thì họ đều là những người tốt khiến ông bà yêu quý. Còn giúp họ khi là phích nước sôi, khi quét dọn sân cửa. Cất quần áo cho họ ở sân phơi khi trời đổ mưa đột ngột. Hoặc tối trễ mà họ chưa về sợ sương đêm buông xuống làm quần áo ẩm lại.

                                                              *

        Rồi một ngày. Mẹ bé Cún có khách tới thăm. Đó là một người đàn ông ăn mặc chững chạc. Chỉ mẹ bé ra tiếp nơi phòng khách. Bé không được ra. Người đàn ông yêu cầu người phụ nữ cho được gặp con. Bị từ chối. Người đàn ông nổi cáu: “- Anh không chịu nổi thấy nó sống với em bằng đồng tiền của người khác. Để anh đón nó về.” Người phụ nữ khóc nức: “- Sao khi em mang thai anh bảo bỏ đi? Đến khi em sinh thì anh chối nhận. Anh màng gì tới con. Anh còn mải mê theo đuổi ve vãn kiều nữ của sếp anh. Anh thừa biết một người mẹ nuôi con không một xu dính túi tủi cực biết nhường nào? Có người thương mẹ con em giang tay cứu giúp, cảm thông chia sẻ, không đòi hỏi gì. Lẽ nào người đó lại là người xấu? Giờ. Tham vọng của anh không đạt. Đứa trẻ khôn lớn đáng yêu. Anh lại muốn nhận con.” Lời qua tiếng lại. Người phụ nữ cố gắng nói thật nhỏ sợ người ngoài nghe thấy. Thì người đàn ông ngược lại nói rất to để người phụ nữ phải sợ mà nhượng bộ. Người phụ nữ quỳ xuống: “- Em van xin anh đã đủ chưa? Mong anh để mẹ con em được yên! Em trả lời dứt khoát rồi. Em đã phải chạy trốn nhiều nơi tới đây, vậy mà anh vẫn tìm đến không tha! Em van xin anh đấy!”

       Rồi một ngày. Người phụ nữ ở phòng số hai trở về phòng trọ trong trạng thai say mềm. Dìu cô từ ngoài ngõ vào là một chàng trai. Anh săn sóc cô với cái cách mà người ngoài dễ nhận ra đó là người đang rất yêu thương cô. Mọi người ùa ra sân chung tay giúp chàng trai dìu cô vào phòng trọ số hai. Người phụ nữ ở phòng số một lên nhà xin phép ông bà Hinh để chàng trai ở lại trong phòng trọ chăm sóc cho người phụ nữ ấy. Song chị ý nhị để cửa khép hờ. Từ trong phòng trọ số hai vọng ra: “- Anh đã cản mà em cứ uống!”. “- Em uống để quên cái kiếp sống hờ hững này!” “- Bậy nào! Em phải biết kiên nhẫn chờ đợi!”. “- Đợi bao lâu nữa? Hai năm rồi. Mà thôi. Anh về đi. Kẻo vợ anh mong. Em không sao đâu. Chúng ta dừng ở đây! Cứ thế này cả hai cùng có lỗi. Thậm chí có tội.” Chàng trai hôn lên má người phụ nữ. Rồi rút trong ví ra một xấp tiền, nhẹ nhàng đặt dưới lần ga vải phủ trên ngực cô: “- Ngủ đi. Anh sẽ phôn cho em!”. “- Anh gọi giúp em chị ở phòng trọ số một sang đây!”. “- Được rồi”.

        Người phụ nữ đang say rượu nắm lấy tay người phụ nữ phòng trọ số một vừa sang ngồi bên giường, nức nở: “- Em buồn lắm chị ơi! Anh ấy cứ…”. “- Thôi nào thôi nào. Chị hiểu cả rồi. Để chị bế bé Cún sang đây ngủ cùng cho em đỡ buồn nhé!”

       Rồi một ngày. Một người đàn ông đứng tuổi đèo cô sinh viên năm thứ ba Nhạc viện Thành phố về bằng một chiếc xe SH phi thẳng vào giữa sân. Cô sinh viên Nhạc viện tươi cười buông đôi cánh tay mềm ôm eo người đàn ông, xuống xe, cô tiến về phía bên này xe, vít cổ người đàn ông xuống hôn lên đôi môi xám xịt của người đó đánh chụt một cái, rõ là kêu: “- Bye-bye!”. Rồi cô ôm bọc quà gõ cửa từng phòng mời mọi người ra sân liên hoan. Cô khoe một tuần lễ vắng nhà nhớ mọi người quá. Là cô vào Nha Trang làm phim ca nhạc giới thiệu giọng ca sĩ trẻ. Cô ôm bé Cún vào lòng hôn lia lịa lên mặt nó, dành riêng cho nó hộp quà là một con Cún Bông có đeo chiếc chuông nhỏ ở cổ. Trong bụng nó lại có hộp âm thanh cài pin hễ có tiếng động dội vào là cún con sủa choe choé. Nó sung sướng cười tít cả mắt. Mẹ bé Cún hỏi cô sinh viên Nhạc viện ở phòng trọ số ba rằng ai vừa đèo em về. “- Anh đạo diễn. Bồ em đấy!”- Cô sinh viên Nhạc viện trả lời. Mẹ bé Cún một chút ái ngại. Người đàn ông đó quá cứng tuổi so với cô. Cô thường đến hát ở các quán bar nên có thu nhập khá. Ăn diện rất mốt và đẹp.

       Rồi một ngày. Bố cô sinh viên năm đầu Đại học Ngoại thương từ Thành phố Hạ Long lên thăm con gái đang ở phòng trọ số bốn. Ông mang theo những cân chả mực thơm ngon làm quà cho ông bà Hinh, làm quà cho những người ở cùng nhà trọ với con gái mình. Ông nói ông ở xa, mong mọi người giúp đỡ ông chăm sóc răn bảo con gái ông đang còn thơ dại cần chăm ngoan học hành. Khi chỉ còn ông và con gái ở phòng khách, ông nghiêm nghị nhìn đứa con gái bé nhỏ: “- Con giải thích cho bố hay về một số ngày con không lên lớp trong tháng tư. Thày chủ nhiệm gọi điện cho bố biết vậy!” Cô con gái lý nhí thanh minh điều gì đó. Rồi xin lỗi bố.

       Rồi một ngày. Cô bác sĩ trẻ ở phòng trọ số năm rủ người phụ nữ ở phòng trọ số một ra sân tâm sự: “- Chị ơi! Em là người nghèo nhất ở đây. Nhiều khi thấy chạnh lòng. Ở bệnh viện em đang tập việc thu nhập thấp lắm. Chị xem có nơi nào cho em làm thêm buổi chiều tối?”

       Người phụ nữ ở phòng trọ số một nhìn cô bác sĩ non trẻ cảm thông. Lương cô một triệu tám một tháng. Tiền nhà ông bà Hinh châm chước lấy có tám trăm. Còn một triệu. Tiền điện, tiền nước tính theo công tơ dùng tiết kiệm cũng phải một trăm rưởi nữa. Còn tám trăm rưởi. Bữa cơm bình dân bây giờ cũng từ mười lăm đến hai chục ngàn đồng. Ăn sáng chỉ là gói xôi ngô, xôi vò, bát cháo cũng bốn năm ngàn đồng mỗi sáng. Tự nấu ăn bữa tối bằng bếp gas du lịch dè xẻn cũng chẳng đỡ hơn cơm bụi bao nhiêu. Đúng. Ở thành phố mà nghèo thì thật khổ. Làm thêm ư? Chẳng lẽ…

       Nghĩ thế, nhưng người phụ nữ ở phòng trọ số một hứa động viên: “- Để chị tính nhé!” Gương mặt cô bác sĩ sáng lên hy vọng. Tin ở chị có mối quan hệ rộng chắc sẽ xong thôi. Một tuần sau cô bác sĩ trẻ nhận được tin tốt. Một phòng mạch tư nhân nhận cô làm ca tối. Ổn rồi. Nào ngờ, một tuần sau cô bác sĩ trẻ đi làm về chạy ùa vào phòng trọ số một ôm lấy người phụ nữ đang dạy học cho bé Cún, mắt rươm rướm nước: “- Chị ơi! Em phải bỏ việc ở đây thôi. Trưởng phòng khám không đường hoàng. Anh ấy…”. “- Được rồi, không làm nữa là đúng. Chị sẽ lo chỗ khác đường hoàng cho em!” Nói rồi, chị dang tay siết tấm thân mảnh mai cô bác sĩ trẻ vào ngực mình, như để chở che.

                                                             *

       Bằng cách nào không rõ, hoàn cảnh của những người khách trọ ở nhà ông Hinh, ông đều biết. Nó như giác quan thứ sáu của một người cha cảm nhận về các con của mình: quan sát, quan tâm, lo lắng và đồng cảm, mặc dù chúng chẳng còn bé bỏng gì. Ông giữ kín trong lòng không để bà Hinh hay. Cho tới một hôm ông trao đổi với con trai. Anh con trai nghe xong, lặng im, không nói gì. Chỉ thoảng một chút buồn.

       Phải hơn một tháng sau anh mới tâm sự với vợ. Có dự định bỏ cái nhà trọ đó. Vợ anh nghĩ một lúc, rồi nắm một bàn tay anh: “- Chồng khờ của em ơi! Em mới đọc đâu đó một chuyện vui, rằng, một nhà máy ở bên kia cầu Chương Dương có tổ chức một cuộc thi hoa hậu cấp phường. Giám khảo hỏi một thí sinh: Em có biết dẫn tới HIV/AIDS bằng con đường nào không? Thí sinh trả lời: Có ba con đường. Đó là đường tiêm chích, đường tình dục, và đường Nguyễn Văn Cừ. Giám khảo trố mắt: Em trả lời lăng nhăng gì thế? Cô thí sinh thản nhiên nói: Ban giám khảo biết đấy, từ bắc ngạn cầu Chương Dương đến Ô Cách - nơi có nhiều cửa hàng bán thịt rắn ấy - là đường Nguyễn Văn Cừ, dài chưa đầy ba cây số đã có 124 khách sạn, nhà nghỉ lớn nhỏ. Lớn có khách sạn Mekong, Hướng Dương, Gío Thu, Sen Tuyền, Nhà khách Lạng Sơn. Nhiều nhất là nhà nghỉ, toàn những cái tên bắt mắt luôn: Trang Trang, Nguyệt Nguyệt, Tuyết Tuyết, Hằng Hằng, Nga Nga, Quỳnh Quỳnh, Lan Lan, Zắc Zắc, Bi Bi, Zíc Zíc…” Vợ anh dừng lại và cười khúc khích: “- Có vui không?”

       Con trai ông Hinh nhìn vợ: “- Em muốn nói gì?” Vợ anh rẽ ràng: “- Em hiểu anh. Khách trọ nơi bố mẹ ở, họ là những người tốt. Nhưng xã hội nơi đô thành cứ muốn xô đẩy họ nghiêng ra ngoài cái căn bản tốt vốn có của họ. Có người nghiêng rồi đã đứng thẳng lại. Lại có người đang nghiêng, hoặc đã bước nửa bàn chân lên độ vạch nghiêng. Người đứng thẳng được rồi sẽ kéo họ lại. Anh dẹp cái nhà trọ ấy ư? Anh tưởng làm thế là giảm được tai ương cho số phận của họ ư? Nhầm. Họ sẽ phải tìm kiếm chỗ khác. Những Hồng Hồng, Tuyết Tuyết, Nga Nga, Lá Lá, Bướm Bướm sẽ thay thế… Thà cứ để cái nhà trọ đã tốt ấy, còn hơn là không có nó. Đã qua cái thời ngủ Khách sạn Gầm Cầu, hay Hotel de La Hien rồi. Chồng em ạ!”

      KQB