/Cỏn con một sợi lông mày. Mà đem cột trái đất này vào anh/ Thơ Trần Mạnh Hảo

VIDEO

HỖ TRỢ

QUẢNG CÁO

LỊCH

LIÊN KẾT

văn xuôi

NHA TRANG TRONG TÔI

Chân liêu xiêu nhớ vòng xoè Thái quê mình, tôi lơ mơ uống lời ca ngọt ngào và uống luôn cả ngụm trăng rằm tháng ba./

NHA TRANG TRONG TÔI



nha-trang

Khi sóng xuân vẫn vô tư lóc bóc vỗ bờ, cũng là lúc chiếc xe du lịch 21B. 002.01 đưa đoàn Văn Nghệ sỹ tỉnh Yên Bái đến Nha Trang. Vừa đặt chân xuống Nhà sáng tác 48 – đường Phạm Văn Đồng, cũng là lúc phố phường thấp thoáng những chùm đèn đường nhưng tôi vẫn lách qua cánh cổng phụ khép hờ của nhà sáng tác, lòng nao nức, chân bon bon chạy về phía biển, ưỡn ngực hứng luồng gió mát đậm từ ngoài khơi dồn dập lạc vào.
Quả thật, đúng như lời mấy anh bạn đã từng tới đây kể lại, Nhà sáng tác Nha Trang trông xa giống như ngôi biệt thự sang trọng. Khu nhà được Bộ VHTT&DL xây dựng từ năm 1982, diện tích nghe chừng hàng nghìn mét vuông, là cơ sở đào tạo đội ngũ Văn – Nghệ sỹ cả nước mấy chục năm qua. Chị Đỗ Thị Mai Hương, Phó Giám đốc Nhà sáng tác, người Hà Nội, có dáng dấp thanh lịch, giọng nói pha chút Nam trung bộ nhưng rành rọt:
- UBTQ Liên hiệp Hội Văn học – Nghệ thuật Việt Nam thấy hiệu quả hoạt động tốt nên “biến” nơi đây thành điểm đào tạo và mở các trại sáng tác cho đội ngũ Văn nghệ sỹ của cả nước.
- Khuôn viên có rộng không? – Tôi vội hỏi theo phản xạ của người quen ở nơi rừng rú, đất rộng người thưa, chứ thực ra muốn biết để làm gì.
Nhưng chị Mai Hương lấy đó làm phấn khởi, bởi có người quan tâm tới cơ quan sáng tác, thì nhã nhặn đáp:
- Trên chục ngàn m2 chú ạ!
Tôi phóng tầm mắt thốt lên:
- Thật là nơi lý tưởng cho đội ngũ Văn Nghệ sỹ nước nhà.
Có lẽ từ những câu chuyện trên mà suốt thời gian hai tuần sống ở Nha Trang, chị thường dẫn tôi đi thăm một số danh thắng nổi tiếng. Thật vậy, chị quý tôi như em ruột. Ngay tối hôm mới đến, chị mời chúng tôi lên tầng II khu Nhà sáng tác, chính giữa là Hội trường, quay mặt xuống bãi biển, nơi trung tâm hội nghị, hội thảo. Ngồi ở đó, chúng tôi vừa uống trà Chuồi vừa đàm đạo. Chương trình hoạt động của trại sáng tác lần này thật sôi nổi, sáng tạo, trẻ trung và rất …mới. Đó là nhận xét chợt nảy ra khi chúng tôi được nghe anh Nguyễn Ngọc Chấn, Chủ tịch Hội LHVHNT tỉnh Yên Bái, Trường đoàn và chị Mai Hương, Phó Giám đốc tuyên bố lý do khai mạc Trại sáng tác. Chả thế mà nó thu hút sự quan tâm của giới báo chí, của đội ngũ Văn – Nghệ sỹ các tỉnh lân cận đang tề tựu tại đây.
Ngay sau buổi khai mạc, chúng tôi được ra biển. Cuộc hành trỉnh đầu tiên, thời tiết khá suôn sẻ. Nắng dịu, sóng cũng dịu, dập dờn đưa vài mảnh vỏ ốc, vỏ sò vào bờ. Cát thật trắng, biển thật xanh, gió cũng tinh khôi thuỳ mỵ ru những cánh buồm. Lẫn trong làn sóng trắng tinh kẻ lội, người bơi. Trước giờ ra khơi, tôi súng sính trong bộ phao bảo hiểm, trông chẳng khác gì chàng thuỷ thủ trong đội cứu hộ, háo hức sải vào cồn sóng bạc. Thoạt nghĩ tôi cứ ngỡ sóng sẽ ném tôi vào bờ, nhưng không nước như cái nôi êm dịu. Mẹ biển dang cánh tay mềm mại ẵm tôi ra xa. Từng cột sóng lạ tung hê phụ hoạ, đung đưa lắc nhẹ. Thoáng lo lo gờn gợn, nhưng rồi quen dần, tôi lật ngửa nằm duỗi chân tay trên chiếu nước xanh ngắt, phó mặc cho cái nôi của mẹ đẩy đưa, mắt dán lên nền trời xuân trong xanh xen lẫn màu xanh của biển cả. Phải thú thật, trong tất cả các màu xanh, tôi thích nhất là màu xanh dương. Màu của đất trời và biển cả. Màu của không gian bao la hi vọng nối liền. Màu xuân thiên thanh tháng ba diệu kỳ, bầu trời cao vút, lơ thơ vài đụm mây trắng nhởn nhơ, như điểm xuyết thêm những bông hoa tuyết non tơ tinh khiết. Tôi him him mắt đón nhận ánh nắng chan hoà miền Trung ban phát, không gian bát ngát sáng lên trong nền xanh lam huyền bí, gió thổi lao xao hàng cây chắn gió. Vài cánh hải âu sà sát những lớp bọt sóng rồi vội vàng bay vút lên cao. Tôi thèm khát được như cánh chim kia, tự do và phóng khoáng, hồn nhiên vỗ cánh bay vào ước mơ. Nằm trên chiếc nôi biển cả, tôi cảm giác con người bé nhỏ quá, nó sẽ ra sao khi không có cộng đồng? Có lẽ vì thế chăng mà khi mở đất mở Mường, người Thái đã dựng lên câu truyện “Thần trụ trời” Thần nặn ra người Thái Mường Lò, Thần tung nắm đất lên đỉnh núi thành người HMông, người Dáy, người Răgley, Êđê… Thần quẳng xuống đồng bằng vài viên sỏi thành cộng đồng người Kinh.
Đang mơ màng, thì chiếc thuyền máy KH 0088H xoáy một vòng rồi đỗ sát bên tôi, chị Hương gọi:
- Chú Hoàng, lên xuồng thôi.
Chị xoè bàn tay đón tôi lên boong:
- Chú đã nếm vị “chát” của nước biển chưa?
Tôi vuốt nước trên má cười:
- Lần đầu tiên được thưởng thức vị mặn mòi nguyên chất đấy chị ạ.
Một, hai, ba… hàng chục chiếc thuyền máy dàn thành hàng ngang rời bến Cầu Đá, xé nước quét một vòng hình cánh cung quanh biển Nha Trang. Dẫu đã đọc báo, nghe đài và xem truyền hình nhưng tôi vẫn xúc động khi lần đầu tiên mắt đụng phải hòn Tre. Nếu đứng trên Dinh Bảo Đại nhìn cầu cáp treo VINPEARL dài 3333 mét, cao 60 mét nối đảo Tre với đất liền mong manh bao nhiêu, thì từ thuyền nhìn lên chỉ thấy những ca bin bé tẹo như chấm sao xanh bay trên vịnh ngọc. Còn kia hòn Rùa, hòn Tằm, hòn Miếu, hòn Sẻ, hòn Mun, hòn Lau, hòn Khói. Nếu kể hết biển Nha Trang có 19 đảo. Hòn Tre là đảo lớn nhất, diện tích trên 36 km2, mô phỏng như lồng ngực của mẹ hiền. Trên đảo có hai đỉnh núi nhô lên cao ngất như hai núm vú căng tròn đầy đặn. Đứng ở vị trí nào trên đường Phạm Văn Đồng và đường Trần Phú ta cũng nhìn thấy đảo Mẹ – hòn Tre; dài, rộng như vòng tay che chắn giữ cho thành phố biển Nha Trang thanh bình thơ mộng. Chẳng rõ lý do gì, tôi đã biến chúng thành những viên ngọc đen khổng lồ nhấp nhoáng hào quang nổi bồng bềnh trên mặt biển?
Điểm đến đầu tiên của chúng tôi là hòn Mun, để được hoá thành nàng Alice lạc vào đáy đại dương, nơi có thềm san hô đẹp nhất Đông Nam Á. Tuyệt vời nhất là lúc từ từ buông mình chìm xuống độ sâu hàng chục mét, được thấy những rừng san hô kỳ thú đủ hình thù với hàng nghìn loài khác nhau toả sáng và trên 230 loài cá tung tăng vô tư bơi lượn. Sau nửa giờ du ngoạn trong “thành phố san hô” quả là một trải nghiệm chưa từng thấy. Lạ lẫm thay khi chúng tôi ghé Hòn Chồng, một dãy núi nhỏ hình vuốt Rồng vươn ra bám vào lòng biển như nút “trầm” kỳ thú, mang âm hưởng của 12 thanh đàn đá huyền thoại của đồng bào Răgley trên núi Khánh Sơn. Đàn đá thì tôi chưa tận mắt thấy, nhưng nàng tiên đá thì đang hiện hữu khắp nơi trong dáng núi non kỳ bí, tuỳ thuộc vào trí tưởng tượng của mỗi con người. Ở hòn Chồng tôi may mắn chứng kiến cảnh các nàng tiên nô gỡn cùng sóng nước mênh mang. Nàng đứng nàng nằm, chân duỗi, chân co, mơ màng thả tóc vương vào sóng. Lục tìm trong tưởng tượng, “có chồng ắt có vợ”. Chẳng phải mỏi mắt dõi tìm, xuồng đã cập bến Nha Phu, chị Mai Hương hình như đoán được sự tò mò của tôi, liền đùa:
- Chẳng phải lên Mường Lò mới thấy gái Thái khoả thân. Chú nhìn kìa!
- Trời ạ! – Tôi la khẽ.
Một, hai… có tới ba chục cặp đá vợ đá chồng ngồi, nằm… ôm, quắp tình tứ giao duyên. Không rõ đó là người tạc vào đá hay bầy tiên nữ xuống biển tắm mải mê cảnh sắc quên cả về trời! Để rồi kết duyên với người phàm trần, quấn quýt nhau mà hoá đá? Và tôi muốn đánh ghen với tạo vật, muốn tự nguyện được hoá thân làm đá để biển khơi cũng có phen hờn giận. Tạo hoá phúc hậu, ban cho Khánh Hoà thành phố biển hoang sơ đẹp đến nhường này!
Rời bến Nha Phu, chúng tôi đổi gió táp vào hòn Miếu để chiêm ngưỡng hồ cá Trí Nguyên huyền bí! Lạ thay “Trí Nguyên” giống như một con tàu thời tiền sử, có lẽ vì mê đắm cảnh sắc mà thuỷ thủ đoàn nhãng tay chèo để lập lên kỳ tích trên suốt chặng đường tới Nha Trang ra mắt bầy tiên nữ. Hay Lung Nhan tạo thành con tàu cổ? Để nép mình neo lại vĩnh hằng dưới đá núi bến Làng Chài thuộc cụm đảo Trí Nguyên (phường Vĩnh Nguyên)! Đang trò chuyện với cô bán hàng thực phẩm biển trên boong tàu thì một nữ thuỷ thủ thướt tha trong tà áo dài, tôi cứ ngỡ tiên giáng thế, bởi chốn này vốn dành cho cõi mộng mơ.
- Anh ở Bắc vô?
- Dạ. – Tôi điềm đạm.
- Em còn non hà. Anh kêu Út heng.
Cô gái tươi cười dẫn tôi xuống “thuỷ cung”. Út, cô hướng dẫn viên du lịch giới thiệu, khoang này chìm dưới mặt nước biển, được mệnh danh chốn thuỷ cung. Vừa đặt chân tới đáy, một ảo giác nâng nâng như thoát tục, chốn Long cung dang rộng vòng tay, nơi Thuỷ Tề phô trương đội tinh binh để thị uy quyền lực và sự giàu có của vương quốc mình trị vì. Thật chẳng thiếu các loài sinh vật nào dưới biển, từ tôm he, tôm hùm đến cá trình, cá mập… vô số san hô và các loại hải quỳ quý hiếm.
Chia tay Trí Nguyên, chúng tôi trở lại đất liền, hoà vào dòng người leo lên núi Tháp Bà PÔNAGAR, nằm sát chân cầu Xóm Bóng. Một công trình kiệt tác của đồng bào Chăm. Theo truyền thuyết: Thiên Y Thánh Mẫu là Người Mẹ Xứ sở, có công dạy phương cách làm ăn, sinh sống, độ trì, ban phúc lành và bảo vệ con dân. Vừa tới đỉnh núi, chúng tôi đã nghe tiếng kèn, tiếng trống quân lôi kéo. 5 cô gái xinh đẹp đội cà om diễn tả Vũ điệu Chăm cổ “gùi nước”.
Kỳ lạ chưa, ngay cả trong điệu múa tôi cũng bắt gặp những ánh mắt vấn vít ân tình. Từ chốn “mê cung” đến thánh địa linh thiêng, đâu đâu trên dải đất dư nắng gió này, đá núi còn si tình huống chi con người. Thảo nào mắt con gái Nha Trang lung liêng thế?
Chờ các cô biểu diễn song, tôi lân la hỏi một em mà mình ưng nhất:
- Xin lỗi người đẹp, em tên chi?
- Dạ, ThơMôngChiMây! – Cô gái nhỏ nhẹ.
- Tên kỳ cục quá ha. Nghe như trong truyền thuyết vậy.
- Thì anh đang vô thăm sứ truyền thuyết hà.
Nhìn cây cầu dài dưới chân núi Tháp bắc song song với cầu Trần Phú, tôi thắc mắc:
- Kêu cầu Xóm Bóng hẳn có tích chi đó em ơi?
- Tò mò quá heng. – Cô gái cười: – Đêm dạo chút chút trên cầu Trần Phú, coi hướng này dòng sông sẽ trả lời anh thôi hà.
Ra thế! “Xóm Bóng” có nghĩa là bóng Tháp Bà in xuống lòng sông Cái. Biết tôi là nhà báo, ThơMôngChiMây ngỏ ý chụp chung kiểu ảnh. Không để lỡ vận may, tôi nhờ nhà văn Trần Vân Hạc nâng máy. ThơMôngChiMây chỉ dành cho tôi ngần ấy phút thôi, bởi em còn rất bận bên khung cửi truyền thống của dân tộc mình.
Khi trời chiều buông tím, chúng tôi mới leo tới đỉnh núi Một vãn cảnh nhà thờ Chánh Toà, nằm trên một ngọn đồi nhỏ cạnh Ngã Bẩy được coi là đẹp nhất. Nét độc đáo của nhà thờ chính là bộ chuông đồng BourdonCarillond của Pháp chế tạo. Trên tháp chuông gắn một chiếc đồng hồ cực lớn, bốn mặt tiền quay ra bốn hướng giống như toà lâu đài cổ La Mã. Đứng từ trên cao nhìn xuống, thành phố ngày một mở rộng, như cung đàn đá diệu kỳ trải dọc đôi bờ sông Cái. Hàng ngàn năm cảnh sắc vẫn xanh tươi, giữ cho Nha Trang mãi mãi ở tuổi xuân thì!
Xuôi theo gió đông, chúng tôi xuống núi. Đường phố Nha Trang không bụi, rộng và thưa người, dạo từ đường Phạm Văn Đồng, qua đại lộ Trần Phú, đến đường 23/10, lòng vòng mấy chục cây số mà chúng tôi chẳng gặp đội cảnh sát giao thông nào. Bởi người Nha Trang văn minh, lịch sự quá. Khi vào Chợ Đầm tôi, nhà văn Hoàng Tương Lai và anh Xuân Tình mải mê mua hàng lưu niện, chẳng tìm thấy lối ra đành vừa đi vừa hỏi. Và được đáp lại bằng những câu thân thiện: “Mấy anh cứ lối này mà xuống, chớ quẹo trái quẹo phải chi hết. Đó, lối đó!” Có vậy mới biết mỗi người dân nơi đây là một hướng dẫn viên du lịch đáng tin cậy. Đêm đi trên phố cổ Trần Quang Khải – Lãn Ông hay (phố Tây) không đèn cao áp, chỉ độc một thứ ánh sáng mờ ảo từ các gốc cây xanh hắt lên mát dịu. Phố không còi xe, chỉ nghe tiếng dép lẹp xẹp trên mặt đường nhựa nhẵn bóng. Dừng chân trong công viên Hòn Chồng, chúng tôi được thưởng thức tiếng hát lời ca của hàng chục sinh viên trường Cao đẳng Nghệ thuật tỉnh Khánh Hoà, tình nguyện biểu diễn chào đón khách du lịch. Ở đây một tình cảm thân ái, chân tình đến thế như quen biết nhau lâu lắm rồi, giọng Bắc, giọng Nam, giọng Đông, giọng Tây… tay trong tay, nhảy theo tiếng trống, nhịp chiêng. Chân liêu xiêu nhớ vòng xoè Thái quê mình, tôi lơ mơ uống lời ca ngọt ngào và uống luôn cả ngụm trăng rằm tháng ba./

Nhà Sáng tác Nha Trang, tháng 04 năm 2014
Theo travanhac