/Cỏn con một sợi lông mày. Mà đem cột trái đất này vào anh/ Thơ Trần Mạnh Hảo

VIDEO

HỖ TRỢ

QUẢNG CÁO

LỊCH

LIÊN KẾT

văn xuôi

Người mắc chứng chập IC

Vị khách kỳ nhân ấy bị chập IC? Hay chính mụ bị chập IC? Hoặc là cả hai cùng bị chập IC cũng nên?!

Người mắc chứng chập IC


       Mùa Đông đến thật rồi. Đất trời u ám quá, cứ như là sắp mưa đến nơi. Trời cũng chỉ hơi se lạnh. Mụ đã mặc cả áo len, áo khoác ngoài nhưng vẫn cảm thấy rét. Hình như cái rét từ trong ruột ngấm ra. Mụ thấy đơn độc dù dòng người, xe vẫn tấp nập đi ngược, chạy xuôi trước mắt. Nước mắt như muốn tuôn trào. “Phía trước là bầu trời”. - Mụ lẩm bẩm tên bộ phim truyền hình đã xem từ lâu lắm, rồi tự trấn tĩnh: Cố lên! Mụ hít một hơi thật dài. Nắm chắc tay lái, mụ tăng ga…

Hôm nay, mụ không có hứng thú ra đường nhưng việc phải đi thì đi thôi. Mụ phải đi cả mấy chục cây số. Dự kiến quá trưa mới về nên con chó Tami đã được cho ăn trước lúc mụ dắt xe ra khỏi nhà. Đang đi trên đường thì mụ nhận một cuộc gọi từ số lạ:

- Cô là Y Mùi?

- Vâng.

- Truyện ngắn "Những nẻo đường tu" của cô hay lắm.

- Anh đọc ở đâu?

- Trong kỷ yếu lớp viết văn khóa 8.

- Anh cũng học lớp đó à?

- Không. Tôi thấy thích truyện của cô quá nên đã chuyển thể. - Ngừng giây lát, đầu kia tiếp- truyện của cô hay từ cái tên. Đọc thích lắm.

- Thật à? Anh chuyển thành cái gì thế ạ?

- Rồi cô sẽ biết. Nhà cô ở phố Đ.X. à? Khoảng mười hai giờ tôi đến. Gần nhà cô có quán cà phê nào thì ngồi trao đổi.

- À, địa chỉ ghi trong kỷ yếu học viên lớp viết văn là theo sổ hộ khẩu. Tôi chuyển chỗ ở rồi.

Cái đầu của mụ thì đang biêng biêng chứa đủ thứ hỗn độn lại thêm một liều kích thích thần kinh mạnh. Mụ có nghe nhầm không nhỉ? Truyện của mụ được khen “hay từ cái tên”. Thế nên mụ bị mụ mẫm. Mụ dễ dãi hơn so với thường ngày. Tinh thần phấn chấn, con tim rộn ràng, thế là mụ à ơi cho địa chỉ chỗ ở và hẹn hò gặp gỡ với người vừa khen truyện của mụ hay vào ngay đầu buổi chiều cùng ngày.

Trong quyển kỷ yếu có lý lịch trích ngang của học viên nên các thông tin quan trọng như: hòm thư điện tử, số điện thoại, tuổi tác và cả ảnh chân dung của mỗi người đều rất rõ ràng. Giọng nói của người ấy nghe rất chững chạc, lại tự tin xưng tôi và gọi mụ là cô như thế chắc chắn là nhiều tuổi hơn mụ. Lần đầu tiên trong đời một người lạ hoắc gọi điện bảo mụ viết văn hay. Chả là quá vui hay sao. Cái truyện ngắn đầu tay cũ kỹ ấy thì có thể chuyển thành cái gì nhỉ? Mà người này là ai? Hỏi thì úp úp mở mở, bảo rồi sẽ biết.

 

Minh họa: Ngôi Xuân Khôi.

Thật hồi hộp quá! Thật sung sướng quá! Không những văn của mụ đã có độc giả mà độc giả còn trên cả mức đồng cảm nữa kia. Mụ thấy lâng lâng. Mụ thấy tây tây. Mắt cười. Môi cười. Những ý nghĩ vui tươi nhảy nhót trong đầu mụ. Mụ lẩm nhẩm lời một bài hát thuộc từ cái thời còn bẻ gãy sừng trâu: “Cuộc đời vẫn đẹp sao. Tình yêu vẫn đẹp sao…”. Thật may, cái kính râm và cái khăn chống nắng đã che kín hết cả cái mặt U60 gần đạt tới độ nhàu nhĩ toàn phần của mụ; nếu không người đi đường sẽ rất ái ngại cho mụ. Một bà lão vừa già vừa chập cheng mà vẫn phải bươn bả ngoài đường giữa trưa một ngày trời trở gió mùa Đông - Bắc thế này!

Mụ quyết định quay về nhà sớm hơn dự định. Mụ phi như bay trên “con tám hai” cà tàng, rách yếm, gần hai chục năm vẫn chạy tốt giống y như người ngấm “đô-ping”. Trên đường về mụ dừng xe, gọi một cuộc vào số máy của người vừa tặng mụ liều thuốc hưng phấn: “Khoảng ba mươi phút nữa em sẽ ở nhà. Anh có thể đến vào lúc đó”. Tiếng người ấy trả lời: “Tôi cũng đang trên đường đến nhà chị đây”. “Thế ạ? Nếu anh đến trước thì chờ em ở quán nước đầu ngõ nhé”. Cất điện thoại, mụ rồ ga vượt cả một số xe máy đang đi cùng chiều. Chợt giật mình, mụ tự vấn sao lại xưng hô anh em ngọt xớt với người ta như thế nhỉ? Người lạ thì đã chuyển cách gọi “cô” thành “chị” thế là sao? Mụ tự trách mình là đồ vô duyên. Quá vô duyên luôn!

*

Về đến nhà vẫn chưa tới mười hai giờ trưa, mụ bật tivi và ôm máy tính để giết thời gian chờ khách quý. Rồi người khách mụ đang nóng lòng mong gặp ấy cũng “alô” bảo đang ngồi ở quán nước đầu ngõ. Dự phòng phương án phải trả tiền cà phê, thậm chí còn có thể ăn trưa với khách, mụ mang theo cái túi xách tay vừa để ví tiền vừa để điện thoại vội vã rời nhà.

Ở quán nước đầu ngõ chỉ thấy có ba thanh niên. Chả ai trong số họ giống như người khách mụ đã phác họa trong đầu, thông qua mấy cuộc trò chuyện điện thoại vừa rồi. Mụ hỏi vu vơ: “Có ai tìm tôi không nhỉ?”. Không ai đáp lại mụ. Đi tiếp sang quán nước thứ hai ở một khúc quanh, mụ thấy một thanh niên chẳng thể đoán được tuổi, người duy nhất đang ngồi bên chén nước trà gần như còn đầy nguyên có vẻ như ngóng đợi ai. Dáng vẻ mệt mỏi. Quần áo xộc xệch. Dép nhựa tổ ong đen. Tất chân màu đất. Một trăm lần cũng không thể nghĩ cái hình hài này đã “alo” cho mụ lúc trước. Vì chẳng còn quán nước nào khác và không có người nào khác ngoài cô chủ quán nên mụ đành nhìn thẳng vào mặt cậu trai, hỏi: “Em tìm tôi?”. “Cháu chào cô”. - Cậu trai gật đầu, chào mụ.

Thằng ranh này láu cá thật. Chỉ đáng tuổi con cháu mụ mà láo quá, tí tuổi mà nói chuyện điện thoại với mụ lại xưng tôi. Mụ đã quá giàu trí tưởng bở, nghĩ sẽ gặp một bác giai cao niên kháu lão cơ đấy. Cái sự hý hửng từ vài giờ đồng hồ trước tắt ngấm.

Chả là, đúng hôm mồng Một của tháng âm lịch, mới sáng sớm mụ hậu đậu làm rơi cái cốc thủy tinh xuống nền nhà. Một tiếng choang sắc lẻm ghê tai kéo theo sự lo lắng không đâu cho đến tận khi mụ vào google, gõ một câu hỏi: “Vỡ cốc thủy tinh báo điềm gì?”. Thật may, “anh google” tốt bụng bảo: “Vỡ ly, cốc thủy tinh không hẳn là báo điềm xấu như mọi người vẫn nghĩ mà đôi khi là điềm lành về tình duyên hoặc điềm báo trước về một chút đỉnh tiền bạc sẽ đến”. Từ lúc nhận cú điện thoại của người chưa hề quen biết, mụ thấy phục “anh Google” ghê. Chuyện vỡ cốc hôm đầu tháng đã linh ứng. Có khi mụ sắp vừa có tình vừa có tiền cũng nên. Híc!...

“Nhưng cái gì đến thì đã đến rồi, không thể thay đổi nên đành chấp nhận thôi”, - nghĩ vậy, mụ thay đổi cách xưng hô, hỏi cậu khách: “Cháu đến lâu chưa?” . “Cháu vừa tới”. - Khách trả lời, rồi mời mụ ngồi. Mụ bảo: “Thôi, vào nhà cô đi”. Khách hỏi: “Tiện không?”. “Có gì mà không tiện, nhà cũng là phòng mạch. Ai đến chả được”. - Mụ nói rồi quay đầu bước đi trước cậu khách.

Về đến cửa nhà, mụ nhanh chóng mở cửa rồi vào nhà trước. Trong khi cậu trai tìm chỗ dựng chiếc xe Wave cũ kỹ, khóa cổ, khóa càng thì mụ tranh thủ ngắm trộm người khách qua khung cửa kính tối màu. Với loại cửa kính này ban ngày người ở ngoài không thể nhìn vào bên trong nhà nên mụ tự tin mà soi kỹ người khách. Trông cậu khách y hệt một tay xe ôm chỉ khác là không có chiếc mũ bảo hiểm thứ hai. Cậu ta loay hoay khóa xe rồi ôm theo lỉnh kỉnh nào là áo mưa, túi xách, nào là giấy tờ, sách, tạp chí… trong đó có quyển kỷ yếu học viên lớp viết văn khóa… năm 201...

*

Thấy khách dông cả đôi dép nhựa tổ ong vào trong nhà, mụ bảo: “Ấy chết, cháu để dép ở ngoài đi”. Rồi mụ chưa kịp khảo thì cậu khách đã xưng: “Tên cháu là Nguyên, nhạc sỹ Nguyên”. Hỏi: “Họ gì?”. Trả lời: “Họ Cao”. Mụ nghĩ: “Một cái tên lạ hoắc, vô danh tiểu tốt”, hỏi tiếp: “Sao không nghe thấy bao giờ nhỉ?”. “Cô không để ý thôi, cháu sáng tác rất nhiều bài hát rồi đấy. Cô có biết nhà thơ Xuân Khôi không? Cháu phổ nhạc cho thơ của ông ấy nhiều lần rồi. Mà hình như tên cô cũng ít xuất hiện trên sách báo nhỉ?”. “Chưa bao giờ”. - Mụ trả lời và bắt đầu cảm thấy ngán ngẩm. “Cháu rất thích làm việc với các tác giả mới giống như cô”. “Vì sao thế?”. “Người mới viết thì mới có cái mới chứ. Người có tên tuổi rồi, viết mãi rồi thì còn gì mới nữa mà hợp tác”. “Gặp đồ vớ vẩn rồi”, - trong đầu nghĩ thế, mụ chuyển hướng câu chuyện:

- Năm nay bao nhiêu tuổi rồi?

- Cháu sinh năm 1976.

- Có vợ con chưa?

- Chưa. Còn lo sự nghiệp đã.

“Ái chà! Cao nhân gướm”! - Mụ nghĩ thế, tiếp tục cuộc điều tra nhanh về vị khách phải tiếp bất đắc dĩ: “Có người yêu chưa?”. “Trước cũng có một cô yêu, nay thì không”. “Nhà đông anh em không?”. “Mười bốn người”. “Cháu thứ mấy?”. “Thứ mười hai”. “Thằng này chắc xạo thôi. Chả quan tâm” - Mụ nghĩ và hỏi tiếp: “Bố mẹ còn không?”. “Còn ạ”. “Quê cháu ở đâu?”. “Việt Trì”. “Duyên nợ với vùng đất đó nhiều ghê ta!”. - Mụ nghĩ và tiếp tục hỏi: “Ở chỗ nào Việt Trì?”. “Gần chợ Nông Trang”. “Khu nhà máy dệt à?”. “Đúng rồi. Cô cũng biết à?”. “Ừ. Hiện cháu làm gì?”. “Sáng tác bài hát”. “Đấy là nghiệp còn phải có nghề gì để nuôi nghiệp ca hát chứ?”. “Cháu là giảng viên dạy nhạc”. “Cháu dạy ở đâu?”. “Ở đường Trần Duy Hưng”. Mụ đang chờ một câu trả lời khả dĩ hơn, đại loại: “Cháu là nhân viên đưa gas”, hay: “Cháu đưa nước khoáng” thì lại là: giảng viên dạy nhạc; hỏi chỗ hành nghề thì bảo: ở đường Trần Duy Hưng. Chán!

Xong màn làm quen như hỏi cung, nhát gừng, trống không là chính và nhanh như tua băng ngay khi khách bước vào trong phòng. Chủ nhà gợi ý: “Cà phê nhé”. Khách trả lời: “Vâng”. Cậu khách loay hoay để xong lũ đồ mang theo trên hai cái ghế thường là chỗ bệnh nhân ngồi, rồi ngồi đúng vào cái ghế của mụ vẫn ngồi. Mụ đành kéo cái ghế đẩu nhựa dự phòng khi đông khách ngồi xuống, với lấy cuốn kỷ yếu quen thuộc trong lũ giấy tờ của khách, hỏi: “Ai tặng cháu quyển này?”. Cậu ta xoay chủ đề, với chủ ý khoe khoang: “Cháu hay được mời phổ nhạc cho thơ văn nên quen nhiều văn sỹ và hay được họ tặng sách”. Thoáng trong đầu mụ: hay được mời phổ nhạc cho thơ văn. Oách xà lách đến thế sao? Mụ hỏi lại: “Ai tặng cháu cuốn kỷ yếu này?”. “Đây, ông này”, - cậu ta chỉ vào một tấm chân dung trong cuốn sách. Mụ nhìn theo, thấy ảnh một bác giai, tuổi trên bảy mươi, sinh sống ở khu vực Trung Kính, làm thơ.

- Quen bác ấy à?

- Vâng.

- Sao cháu không phổ nhạc cho thơ của ông ấy?

- Cô chả hiểu gì cả. Có phải cứ thơ là hát được đâu.

- Mà cháu chuyển truyện ngắn của cô thành cái gì thế? - Mụ tò mò hỏi vào câu chuyện chính, lý do mà cậu khách có mặt ở nhà mụ lúc giữa trưa thế này.

- Chuyển thành bài hát.

- Truyện sao thành bài hát được?

- Cô này chả hiểu gì cả. - Khách lại nói, vừa ấn vào tay mụ tờ giấy kẻ ngang được xé từ quyển vở học sinh loại 72 trang, bảo: “Đây cô xem đi”. Mụ liếc nhìn thấy kín hai trang giấy là chữ và những nốt nhạc. Chữ thì mụ đọc được nhưng các nốt nhạc thì mù tịt. Nhìn những dòng chữ viết tay đã xấu nhưng lỗi chính tả và câu cú thì còn khủng khiếp hơn, không thể chịu nổi. Chữ viết hoa, dấu chấm, dấu phảy được dùng vô tội vạ. Trong đầu mụ thoáng cảm giác ngây ngấy, lợm giọng như người chửa đang giai đoạn ốm nghén. Mụ nói với khách: “Cô có biết hát đâu mà cũng không đọc được nhạc”. Hắn đứng dậy rời khỏi chỗ đang ngồi, kéo một cái ghế đẩu nhựa đến ngồi cạnh mụ. Rồi hắn cầm lại tờ giấy, nhìn vào đó ê a đồ rê mí gì gì đó. Mụ đề nghị với giọng điệu hơi gắt: “Hát lời luôn đi cho nhanh”. Hắn chuyển sang ê a phần lời.

Toàn văn lời bài hát đã được soạn phỏng theo một phần truyện ngắn của mụ. Nói một cách chính xác thì phần lời ấy là copy một số cụm từ trong truyện rồi ghép lại với nhau. Đôi ba cụm từ được phân tách nhau bằng dấu phảy hay dấu chấm một cách ngẫu hứng, bất chấp câu cú. Thậm chí, có chỗ còn được sáng tạo kiểu hoán vị một số từ hay cụm từ. Thí dụ: “Thứ nhất … tại gia” thì được đổi là: “Tại gia thứ nhất”; hoặc: “Thứ nhì tu chợ” thì được đổi thành: “Tu chợ thứ nhì”…

Nguyên văn phần lời bài hát được cậu trai lắp ghép như sau được cậu ta viết tay nguyên cả lỗi chính tả: “Ngày xưa Có Câu tại gia thứ nhất, tu chợ thứ nhì Không nhớ ai nói với tôi, nói điều đó Dù là ai, Người bán người buôn đi lễ Cầu may, Tôi thành tâm Đến nơi chùa Chiền Dâng ném hương những đồng tiền gom góp, Tâm thành kính dâng, Chấp tay khấn nguyện, sự bình yên, Cho gia đình Cho chồng cho con, Cho hết mọi người. Rồi một ngày, Tôi gặp một người. Chị là ai, anh là ai, Nhìn tôi ánh mắt nghi hoặc, Tôi nhìn chị dù ở nơi đâu, hãy tu nhân, Tu chính lòng mình, Đừng ăn ở bất nhân, Mô phật Hậu quả mai này Ai chánh được đâu, ai chánh. Những nẻo đường tu, Câu chuyện chân thành Sống Sao phải đạo, Chữ đức chữ tâm, làm đầu”.

Thỉnh thoảng cậu ta ngừng ê a, bảo: “Toàn là lời trong truyện của cô đấy. Cháu chỉ rút ngắn lại thôi. Đúng không?”. “Ừ”. - Mụ hùa theo nhưng trong đầu lại nghĩ: “Thằng này chập cheng nặng quá rồi”.

*

Chẳng biết những thứ hắn viết ra có phải nốt nhạc không? Mụ “bó tay.com” vì mù tịt về ca nhạc. Nhìn tờ giấy cùng những nốt nhạc và lũ chữ viết tay lỗi như châu chấu - sản phẩm văn hóa khủng khiếp của cậu trai tự xưng là “nhạc sỹ Cao Nguyên” mụ thấy chán nản thật sự. Muốn bye bye khách càng sớm càng tốt nên mụ hỏi thẳng tưng mà không sợ làm phật lòng cậu khách: “Bây giờ cháu muốn gì?”. Lại một câu quen thuộc đã hơn một lần bung ra khỏi miệng cậu trai: “Cô này chả hiểu gì cả”. Hắn huyên thuyên chả ăn nhập gì với điều mụ đang cần biết, bảo: “Cô thấy đấy, cả cái truyện ngắn mà chỉ tóm lại bằng từng này câu hát thế là đủ. Cháu sẽ tặng lại cô, để bút tích lại cho cô giữ bản quyền”. Rồi hắn mượn bút. Hỏi để làm gì. Hắn trả lời: “Để cháu ký tên”.

Sau khi nhận cây bút bi từ tay mụ, hắn nắn nót viết. Chữ hắn xấu tệ xấu hại, sai chính tả không ngửi được, diễn đạt thì thôi rồi, khỏi bàn. Hắn viết những dòng chữ thế này: “Tôi nhạc sỹ Cao Nguyên cảm nhận câu chuyện ngắn của tác giả Y Mùi và đã chuyển thể tứ thành bài hát có tên là những nẻo đường tu - (ký tên) - Cao Nguyên”.

Mỗi khắc trôi qua mụ càng khẳng định đây đích thực là bệnh nhân tâm thần; trong y văn gọi là tâm thần phân liệt dạng hoang tưởng. Mụ không còn bực mình nữa, mà nói nhẹ nhàng nhất có thể khi nhận tờ giấy ghi chép vô bổ ấy từ tay cậu khách: “Cô cảm ơn. Thế cô phải làm gì cho cháu?”. “Cô ghi cho cháu mấy chữ giống như thế này để giao quyền cho cháu dàn dựng và phổ biến bài hát những nẻo đường tu”. - Vừa nói cậu khách vừa đưa mụ xem một tệp những trang giấy viết tay được cất giữ cẩn thận trong một cái túi clear bag rách nham nhở cả bốn góc.

Mụ nhập cuộc chơi với người mắc tâm bệnh một cách hứng thú theo kiểu để yên xem sao. Làm tất cả những gì cậu khách đề nghị. Mụ lấy tờ đơn thuốc, lật mặt sau ghi rõ nội dung y như trong những tờ giấy người bệnh đang giữ, chỉ khác phần họ tên và không ghi đưa tiền cho nhạc sỹ Cao Nguyên; như thế này: “Tôi là bác sỹ Mùi, hoàn toàn đồng ý để nhạc sỹ Cao Nguyên dàn dựng và phổ biến bài hát: Những nẻo đường tu”. Ký tên xong mụ đưa cho khách. Đọc xong những dòng mụ viết con bệnh trả lại, bảo: “Cô ghi rõ vào đây là đưa cho cháu bao nhiêu tiền”. “Ái chà! Tâm thần kiểu này à?” -  Nghĩ vậy, mụ hỏi: “Cháu muốn bao nhiêu?”. “Tùy cô thôi. Cháu thì bao nhiêu cũng được. Cô xem những tờ cam kết của mọi người rồi đấy. Người thì đưa ba trăm, người thì hai trăm. Cháu không cần công dàn dựng bài hát nhưng có người vẫn đưa hai, ba triệu đấy”.  Động đến tiền con bệnh này tỏ ra mạch lạc, không còn lạc đề nữa. Mụ thắc mắc: “Cháu bảo không cần công dàn dựng sao còn lấy tiền để làm gì?”. “Cái bà này chả hiểu gì cả. Thế công chuyển thể từ truyện ngắn của bà thành bài hát bà không trả à?”. “Đấy là tự cháu làm chứ cô có thuê cháu đâu. Cô trả lại cho cháu này”. - Vừa nói mụ vừa đưa lại cho cậu khách tờ giấy. Hắn không cầm mà bắt đầu nổi cáu: “Cái bà này chả hiểu gì cả. Bao nhiêu người cầu cạnh không được. Còn bà, có người tự xin đám làm cho nổi tiếng mà tiếc mấy trăm ngàn đồng”. Mụ nghĩ, phải dừng cuộc chơi nếu không chưa biết cái gì sẽ xảy ra, nên chuyển giọng: “Thật ra cô đang bí tiền, lương tháng này chưa đến ngày lĩnh. Phòng khám bệnh thì mở cho vui và làm từ thiện là chính. Nay mai cháu lên kế hoạch dàn dựng cụ thể cô sẽ đầu tư. Đây, cô tặng cháu coi như mời cháu bữa cơm bụi”. Mụ đưa cho cậu trai tờ bạc mệnh giá năm mươi ngàn đồng. Cậu ta bật rất nhanh: “Cái cô này thật chả ra gì. Muốn nổi danh mà còn ki bo”. Cậu khách tức tối thật sự, nhất định không cầm tờ tiền mụ đưa, nói tiếp: “Năm mươi ngàn không đủ xăng xe để đi đến đây”.

Cuộc vui đã hết vui. Mua vui kiểu này có khi oan gia mất. Mụ nghĩ nhanh và đành rút tiếp một tờ tiền mệnh giá năm mươi ngàn nữa. “Cô biếu cháu thêm năm chục ngàn nữa”. - Vừa nói mụ vừa chìa cái ví mở to chỉ còn vài tờ bạc mệnh giá một, hai chục ngàn và một số tiền lẻ ở cái ngăn lớn nhất của ví, nói tiếp: “Cháu xem đây, cô không còn tiền thật mà”. May cái ví của mụ đã không phản chủ. Mấy tờ tiền mệnh giá to được giấu ở một ngăn xép của ví, khóa đang kéo kín. Tuy chẳng thấy trong ví của mụ còn tờ tiền nào đáng giá nhưng cậu trai “chập mạch” vẫn ì ra. Nghe chừng một trăm ngàn chưa đủ để tiễn khách.

Chưa bao giờ mụ làm từ thiện mà lại nhọc nhằn, trong một tâm thế gò ép như lần này. Mụ đã mất toi hơn tiếng đồng hồ với cậu khách rất vô vị đuổi không chịu đi. Mụ quyết định phải thay đổi kế sách. “Thôi cháu về đi. Bao giờ có chương trình cụ thể thì đến đây cô sẽ đưa nhiều tiền hơn. Bây giờ cô có việc phải đi. Về nhanh để cô đi không thì bị muộn mất. Nhanh lên! Cô bị muộn rồi”.  - Vừa nói mụ vừa giúp cậu khách kỳ nhân thu đồ đạc. Mụ phải nhắc đi nhắc lại câu: “Nhanh lên! Cô bị muộn rồi” đến ba lần và gần như đẩy khách ra phía cửa. Cậu khách vừa xỏ chân vào đôi dép nhựa vừa ấm ức nói: “Cái bà này mất lịch sự quá”.

Khi lúi húi mở khóa càng xe máy cậu ta vẫn hậm hực ném lại phía mụ lúc đó đang kéo hai cánh cửa sắt khít lại với nhau: “Bà này quá ki bo. Có mấy trăm ngàn đồng cũng tiếc thì làm sao mà nổi tiếng được”.

Tống tiễn được cậu trai ra khỏi nhà mụ thấy nhẹ cả người. Quỹ thời gian thì vô biên, lúc nào mụ cũng thu xếp ổn. Tiền thì không có nhiều nhưng cứ hết mụ lại có. Nhưng sao mụ thấy hụt hẫng thế nhỉ? Tiêu hơn một tiếng đồng hồ và “một lít” cho cuộc mua vui này có đáng không ta? Vị khách kỳ nhân ấy bị chập IC? Hay chính mụ bị chập IC? Hoặc là cả hai cùng bị chập IC cũng nên?! 

Truyện ngắn của Y Mùi
Theo CAND