/Cỏn con một sợi lông mày. Mà đem cột trái đất này vào anh/ Thơ Trần Mạnh Hảo

VIDEO

HỖ TRỢ

QUẢNG CÁO

LỊCH

LIÊN KẾT

văn xuôi

NGHĨ VỀ VĂN HÓA LÀNG QUÊ.

Từ sâu thẳm. Hai tiếng quê hương ngọt ngào như dòng sông muôn đời chảy mãi trong tâm hồn tôi và những người con xa xứ…!

 Nguyễn Thị Thúy Ngoan

 NGHĨ VỀ VĂN HÓA LÀNG QUÊ.

              Tản văn      

 

        Từ  xa xưa quê tôi đã có chợ Gừng. Chợ họp ở giữa trung tâm ba xã, họp quanh năm vào buổi sáng, những cái quán lợp rạ liêu xiêu, mà kẻ mua người bán xôn xao, nhìn nhau ánh mắt nụ cười thân thiện: Giỏ cua mớ ốc chào mời / Áo nâu chân đất một đời thương nhau.

       Ngày còn bé được theo bà ngoại, theo mẹ đi chợ, chợ bán đủ thứ: rau, quả, tôm tép, ốc, ếch, cua, cáy... Có cả bánh đa, bánh đúc, bún riêu cua, bún đậu mắm tôm. Cứ túm vạt áo mẹ giật giật, thèm lắm… Chờ mẹ mua cho cái kẹo dồi chó, cầm nóng cả bàn tay, xuýt xoa cắn từng tí một, hương vị ngọt của đường, bùi của lạc…nhai, nước miếng tứa ra, cảm giác ngon sung sướng ngấm từ vỏ não xuống dạ dầy. Cái cảm giác ấy găm vào tuổi thơ, theo tôi đi suốt cuộc đời !


      Chợ “Gừng” đậm nét văn hóa làng quê, nay đã bị phá đi không thương tiếc. Thay vào nền cũ là những ngôi nhà mái bằng cao, thấp. lô nhô.Tôi ngơ ngẩn đứng giữa không gian ấy để tưởng tượng ra cái chợ Gừng của ngày xưa mà buồn não lòng. Hai bên đường làng, hàng quán nhấp nhô, mua bán đủ thứ, không cần có chợ, không cần nhớ chợ Gừng. Họ vô tình quên đi nét đẹp văn hóa truyền thống mà ông cha để lại.

Cũng như cây gạo làng tôi không biết tuổi đời nó đã bao nhiêu? Chỉ biết nó có tên trong danh sách di sản văn hóa, Cây gạo tháng ba thắp lửa rực một góc trời, bốn mùa chim về làm tổ, sinh con đẻ cái ríu rít, làng quê ấm áp trong lành, lũ trẻ chăn trâu tối rủ nhau ra sân đình nhặt hoa gạo xâu thành chuỗi đeo vào cổ đuổi nhau chơi trốn tìm…

       Thời thế đổi thay. Dân làng kéo nhau ra gốc gạo lấp ao, đốt gạch, bòn từng tấc đất làm nhà, cây gạo bị ô nhiễm môi trường, không còn đất và nước để sống, héo hon cành lá… Nó đã chết đứng một cách “tức tưởi”, “buồn thảm”, và đang còn đứng đó như một sự trách móc, hờn oán đối với con người…! Mấy chục năm qua cây gạo phải đứng trơ vơ, vì đình bị phá theo “chủ trương” của Nhà nước bài trừ mê tín dị đoan. Ngôi đình khang trang trầm mặc được xây dựng với kiến trúc cổ, toàn bằng gỗ lim, những cây cột đình to, vòng tay người lớn ôm không xuể, được kê trên tấm đá xanh. Trong đình những bức tượng ông Thiện, ông Ác, hai con voi to, hai con hạc bằng đồng cỡ lớn, chuông đồng, trống đồng…và những bức tượng bằng gỗ mít cổ kính, đã bị “thủ tiêu” từ ngày ấy…Tiếc thay!

       Lại thấy, giờ đây những đám tang cũng thay đổi. Gia đình có điều kiện thì mời dàn nhạc, kèn đồng, trống phách;  vàng mã, mũ ngựa, ô tô, nhà lầu chất thành đống. Quan niệm cúng bái thật to để được phù hộ. Có nghĩa là họ cúng cho người sống là chính. Người đến viếng chia buồn với gia quyến, vừa mới thắp nén hương vái vĩnh biệt người đã khuất với tấm lòng thành kính, chưa kịp ngồi vào bàn uống nước, đã có người được phân công cầm ngay cái phong bì cất vào hòm. 

       Đám cưới ở quê bây giờ cũng đổi khác quá nhiều. Các đôi trai gái nhà nghèo thì cũng cố chạy sang thị trấn, nhà có điều kiện thì đi ra thành phố thuê áo cưới, cô dâu, chú rể ôm nhau chụp tấm ảnh thật to, bức ảnh được trưng bày để ở ngoài cổng, nhạc sập sình từ ngày hôm trước, khách quen thân tình gặp nhau chỉ cười và bắt tay, gật đầu chào nhau chứ không thể trò chuyện được, bởi cái âm thanh chát chúa…Rồi cỗ bàn linh đình, rượu bia thừa thãi, vì đã có tiền phong bì.

       Đám cưới ngày xưa ở quê không ăn cỗ, cô dâu mặc áo cánh bà ba, quần lụa đen, thả mái tóc dài nền nã duyên dáng. Họ hàng, bạn bè đến dự mang tặng phẩm đôi khăn tắm bé, cái thau nhôm, cái phích đựng nước…Sau lời phát biểu đại diện của hai họ, là tiết mục văn nghệ. Mọi người háo hức chờ nghe những bài hát chèo, dân ca, và những bài hát cách mạng: “Tình anh”, “ Cô gái mở đường”, “Bài ca năm tấn”, “Mẹ yêu con”… Nhìn ai nét mặt cũng hân hoan, cổ vũ bằng những tràng pháo tay rào rào không ngớt… Vui lắm! Khuya rồi, cuộc vui nào cũng đến hồi kết thúc, nuối tiếc không muốn về.

       Những cặp vợ chồng cưới nhau đơn sơ thời ấy họ sống bên nhau trọn đời hạnh phúc, không biết ra tòa là gì. Thời ấy quá nghèo mà tâm hồn con người làng quê trong trẻo, hiền lành, chân thật, đậm đà bản sắc văn hóa. Được đi đám cưới vui không muốn về. Không phải lo lắng như bây giờ, nếu chỉ trông vào đồng lương hưu mà tháng nào nhận được một, hai phong thiếp mời đám cưới là lo mất ngủ.

       Lại nhớ! Ngày xưa các cụ đi lễ đình, lễ chùa thành tâm trang trọng lắm. Trước khi đi, tắm gội, thay quần áo chỉnh tề, trên tay bê một cái khay bằng gỗ sơn mài trịnh trọng, trong khay đựng lá trầu, quả cau, đĩa hoa tươi hái ở vườn, nải chuối, đĩa xôi, đến chùa thỉnh chuông chắp tay với tấm lòng thành kính, đi nhẹ, nói khẽ, để cảm hết cái linh thiêng nơi tôn nghiêm thành kính.

       Bây giờ, đi lễ chùa, mọi người trên tay bưng mâm lễ thật đầy, chen nhau, thì thụp khấn vái cầu xin đủ thứ. Hình như người ta đang muốn “cơ chế hóa thị trường ” đối với cả các đấng Thần, Phật tối linh! Không còn thấy không gian tĩnh lặng để suy ngẫm, để tìm lại chính mình nơi của Phật.

       Xã hội bây giờ thay đổi. Con người cũng đổi thay. Quê tôi, có người con từ quê nghèo ra đi gặp may, thành đạt, có địa vị, chức quyền, nhiều tiền, biệt thự, ô tô…Hoàn cảnh ấy đã làm thay đổi bản chất, tâm hồn, họ dễ dàng quên đi một miền kí ức quê nghèo, quên đi tình nghĩa xóm làng, quê cha đất tổ. Miền đất đã nuôi dưỡng họ nên người. Họ chỉ về làng mỗi khi có công việc đặc biệt. Ví như, Thanh minh thì phải về thắp hương mộ bố mẹ. Ô tô đỗ xịch ở đầu làng, ra nghĩa trang thắp hương xong là đi ngay. Tôi được nghe những lời phàn nàn, chê trách của họ hàng cô bác. Cáí thằng ấy nó tưởng có ô tô với cái chức của nó ở đâu, chứ về làng thì chẳng là cái gì. Nó ngu quá, chỉ thắp hương mộ bố mẹ nó, còn những ngôi mộ xung quanh toàn là họ hàng làng xóm mà nó không biết thắp một nén hương, rồi không biết vào thăm mấy ông chú, bà bác tuổi đã thất thập cổ lai hi. Bằng cấp, chức vụ mà làm gì?  Nghe mà buồn não lòng.

       Ngày xưa… Tôi nhớ mùa đông giá rét mưa phùn, đêm, tối đen như mực, phải có cái đèn dầu le lói soi đường mới đi được sang nhà nhau, ngồi bên bếp củi sưởi ấm, ăn sắn nướng, vừa ăn vừa thổi. Mùa hè sáng trăng trải chiếu ra sân hóng mát gọi nhau ngồi quanh rổ khoai luộc, bát nước trà xanh mà sao thấy ấm lòng đến vậy!

       Các cụ ngày xưa nghèo, học ít, mà văn hóa ứng xử thật sâu sắc, dạy con cháu ăn ở nề nếp, lễ nghĩa, gia phong. Bây giờ giàu có mà tình người nhạt nhẽo xuống cấp đến thế? Cứ đà này văn hóa làng quê sẽ đi về đâu?...

Với bao nỗi niềm của người con xa quê. Mỗi khi nhìn vào trạng thái xã hội phồn tạp hôm nay, rồi nhớ, nghĩ về dĩ vãng của một thời chưa xa, trong tôi mãi ngậm ngùi, nuối tiếc một điều gì đó vừa như cụ thể, vừa như mơ hồ… Không hoài cổ, nhưng quả là cái nét đẹp xưa ấy đang bị xóa nhòa. Mọi giá trị văn hóa bị xuống cấp dưới sức mạnh của đồng tiền và tính vụ lợi, làm mất đi nét đẹp bản sắc văn hóa của đời sống nông thôn hôm nay,  mà ông cha ta đã bao đời dày công vun đắp. 
       Phải biết trân trọng nhìn về quá khứ, để phát triển tương lai. Tôi đọc câu nói của ai đó: * “Có hiểu được nỗi đau, mới thấy hết được giá trị niềm vui, hạnh phúc, để rồi biết nâng niu trân trọng, biết giữ gìn, vun vén”*.

       Thiết nghĩ. Mỗi gia đình là tế bào xã hội, là nền tảng để gắn kết Quốc gia. Văn hóa phải được kế truyền và phát huy qua lối sống gia đình, qua sự giáo dục duy trì của xã hội, qua các thế hệ!

       Bao nỗi buồn, vui, cay đắng…Cuộc đời thấm thoắt trôi nhanh như giấc mộng. Từ sâu thẳm. Hai tiếng quê hương ngọt ngào như dòng sông muôn đời chảy mãi trong tâm hồn tôi và những người con xa xứ…!

 

                                                                  Tháng 4/2019