VIDEO
Tin nóng
QUẢNG CÁO
LỊCH
LIÊN KẾT
văn xuôi
MÙA XUÂN VỀ VỚI HỘI LÀNG
Nét đẹp văn hóa của những lễ hội mùa xuân thật đặc sắc mang đậm nét của hồn quê người Việt ..../.MÙA XUÂN VỀ VỚI HỘI LÀNG
Khi mùa xuân đã về, vào ngày mồng hai hoặc mồng bốn tểt là quê tôi mở hội làng. Hội làng có nhiều trò chơi: Đánh đu, kéo co, múa gậy, múa Kỳ lân, thi đấu vật, bóng đá, bóng chuyền, cờ tướng, bắt vịt...Các cụ già, rồi thanh niên, các cháu thiếu niên trong làng, từ sáng sớm đã quần tụ đông đủ trên các sân chơi trong mùa lễ hội. Tiếng trống, tiếng kèn, tiếng loa... vang lên từ các khu vui chơi ấy.
Làng tôi tuy nhỏ bé, dân số cũng vừa phải, nhưng năm nào cũng mở hội rất to. Trước hết là hội vật, vật ngày ấy không tính cân, người thắng cuộc cuối cùng là phải vật được các đấu thủ đã đăng ký. Các cụ trong làng quả là khôn khéo và tính toán kỹ, khi các đối thủ vật nơi khác đến, các cụ đầu tiên cho các thanh niên khỏe trong làng thi đấu trước, họ quần cho đấu thủ mệt nhoài, cuối cùng mới đến các tay vật lão luyện trong làng, có nhiều miếng đánh hay, khi đối thủ đã yếu, thì tất nhiên là phải thua, giải của làng lại về các đô vật của làng. Tôi ngày ấy mới hai bốn hai năm tuổi, đang là bộ đội trong quân ngũ, được rèn luyện, tết thường được nghỉ phép về thăm quê, các cụ trong làng ghi tên tôi tham gia hội vật. Tuy sức khỏe có, nhưng các miếng đánh thì chưa thuần thục bởi chỉ học mót các đô trong làng. Được cái có sức khỏe, nên cũng nhiều năm có giải. Khi ngồi tâm sự với người yêu, cô ấy thương tôi, đôi khi còn khóc, tuy cơ thể đau nhừ , nhưng tôi vẫn động viên cô nàng . Hội vật diễn ra bốn đến năm ngày thì kết thúc. Làng tôi lớp trai ngày ấy cũng đam mê bóng chuyền, chúng tôi thành lập một đội cũng gồm phần lớn là bộ đội, các anh ở cơ quan về nghỉ tết. Tôi còn nhớ như in, anh Tuấn hơn tôi hai ba tuổi, anh là bộ đội pháo binh, là người chơi bóng chuyền giỏi của đơn vị. Khi những quả bóng chuyền, bóng đá của đơn vị bị cũ thải ra, anh mang ra hiệu, vá lại cho lành lặn, nghỉ tết,anh mang về quê dăm ba quả để anh em chúng tôi có bóng mà chơi. Anh được đơn vị huấn luyện về bóng chuyền, khi về quê anh tập hợp chúng tôi lại và hướng dẫn chu đáo, thế rồi chúng tôi đi thi đấu ở các làng khác, anh vừa là đội trưởng, bao cả sân,lại có kinh nghiệm được thi đấu, nhiều quả đập đối phương không đỡ được, nên đội bóng của làng tôi giành nhiều giải, dưới dẫn dắt của anh Luân và sự cổ vũ cuồng nhiệt của nhân dân trong làng.
Dưới làn mưa phùn của tháng giêng, bên các cây đu, vẫn rất đông người, cây đu ngày ấy được làm bằng bốn cây cau già, cao vút, có đu đôi nam nữ, hay đôi nam, đôi nữ và cá nhân, cây đu bay cao dưới đôi chân nhún nhẩy của người chơi, bên cạnh đu là sự cổ vũ của bà con làng xóm. Hết đu thì đến với múa lân, thi bắt vịt, bóng đá, thi đấu cờ tướng...tối đến lại xem hát chèo, diễn kịch.
Hội làng diễn ra năm bẩy ngày rồi kết thúc. Chúng tôi lại lên đường xa quê, người về đơn vị, người về cơ quan, người đến trường Đại học... bà con trong làng lại bắt đầu ra đồng chăm lúa, ngô, khoai, sắn...
Nhớ lắm những ngày xuân chưa xa, được về với hội làng. Những ký ức ấy không bao giờ phai nhạt trong tâm hồn của chúng tôi những đứa con làng Nội . Nét đẹp văn hóa của những lễ hội mùa xuân thật đặc sắc mang đậm nét của hồn quê người Việt ..../.
Nguyễn Anh Đào