/Cỏn con một sợi lông mày. Mà đem cột trái đất này vào anh/ Thơ Trần Mạnh Hảo

VIDEO

HỖ TRỢ

QUẢNG CÁO

LỊCH

LIÊN KẾT

văn xuôi

HUYỀN TÍCH ĐỊA ĐẠO THÉP

Và điều bất ngờ với tôi được một cựu chiến binh mới rồi kể lại, thì khi xe trên đường vào Pleiku có dừng nghỉ ở Quảng Trị một đêm, mẹ Vi Thị Nhạt đã thuê taxi tới Nghĩa trang Trường Sơn...

HUYỀN TÍCH ĐỊA ĐẠO THÉP

Bút ký của

KHIẾU QUANG BẢO

 

       Đứng trước cửa miệng một căn hầm khu di tích địa đạo Củ Chi, mẹ Lô Thị Thuận 81 tuổi, mẹ liệt sĩ, và mẹ Vi Thị Nhạt 73 tuổi, vợ liệt sĩ, cùng nằng nặc đòi chui xuống địa đạo tham quan. Bị những cựu chiến binh cùng đi ngăn cản sợ hai mẹ huyết áp cao lại đi trong địa đạo chật chội nóng bức khó tránh rủi ro tim mạch, hai mẹ tru tréo: “Vượt 2 ngàn rưởi cây số tới đây để chui thử địa đạo mà lại “sợ” thì phí cả tiền lẫn công sức đi!” Và cả hai mẹ cứ “xông xuống” địa đạo. Trưởng ban liên lạc cựu chiến binh Lạng Sơn phải có nhời nhờ hai cậu hướng dẫn viên khu di tích hãy “bám thắt lưng” hai mẹ canh chừng giúp. Thật hết hồn. Chui và bò. Kiên cường như cư dân Củ Chi. Cho tới khi ở cửa hầm đầu kia thấy hai mẹ ló đầu lên mặt đỏ như vang mồ hôi nhễ nhại nhưng cười tươi roi rói mọi người mới hoàn hồn cùng ồ lên khanh khách cười và...phục sát đất.

      Hôm tập kết đoàn “Cựu chiến binh ba chiến dịch” tại Hà Nội thấy đoàn Lạng Sơn có hai mẹ già người Tày này ai cũng ngầm trách anh trưởng đoàn “liều” quá. Vừa đi vừa về 5 ngàn cây số xuyên Việt bằng ô tô anh không sợ “kính chẳng bõ phiền” sao? Anh trưởng đoàn Lạng Sơn chỉ cười và nói lỡm bằng câu thành ngữ “Chưa biết mèo nào thắng mèo nào!”

      Bữa ăn ở Pleiku tôi được ngồi chung mâm với hai mẹ, bỗng hoảng hồn thấy mẹ Lô Thị Thuận mời tôi uống cốc rượu trắng nếp quê Đồng Mỏ mẹ mang theo. Đang do dự, thì mẹ đổ luôn cốc rượu của mẹ vào bát cơm húp sùm sụp. Khi ấy tôi đã tin anh trưởng đoàn cựu chiến binh Lạng Sơn có “cái lý” để hai mẹ Thuận và Nhạt đi cùng theo nguyện vọng tha thiết của hai mẹ. Sau cái bữa ăn ở Pleiku mỗi lần gặp tôi, lại biết tôi là nhà báo, hai mẹ luôn cười và nói “Đi vui quá đã quá nhà báo à. Có chết cũng không ân hận gì nữa rồi!”

      Trong bảng xếp hạng 10 đường hầm hấp dẫn nhất thế giới do Tạp chí nổi tiếng National Geographic bình chọn có địa đạo Củ Chi của ViệtNam. Nhiều du khách nước ngoài đã vượt hàng vạn dặm tới Củ Chi để hóa thân thành lính Quân Giải phóng nếm trải những nặng nhọc mặn mòi của cuộc chiến tranh liên miên ngày đêm kéo dài hàng chục năm. Thế thì hai mẹ Lô Thị Thuận và Vi Thị Nhạt không phải là cá biệt.

      Những cánh rừng gần như nguyên sinh bao bọc lấy mảnh đất khô cằn, ít ai ngờ một hệ thống đường hầm chằng chịt nằm sâu trong lòng đất có chỗ nằm sâu dưới 8 mét. Những nắp hầm bé xíu được bật lên rất bất ngờ. Một thống kê cho biết trên toàn chiến trường Củ Chi có trên 50.000 chiến sĩ ta đã ngã xuống, trong đó có 34.063 liệt sĩ sinh ra và lớn lên trên đất Sài Gòn. Đến Bến Dược ở khu địa đạo có lưu danh 44.357 anh hùng liệt sĩ, nhưng vẫn còn không ít người vô danh. Bài văn bia tại Bến Dược ghi “Chiến thắng lớn từ hy sinh to lớn. Ai đếm khăn tang ai đong máu chiến trường. Con của mẹ ra đi không bao giờ trở lại. Mẹ khóc hoài vào mỗi hoàng hôn!” Con số thống kê cũng cho biết phía bên kia chiến tuyến cũng có khoảng 20.000 binh lính, sĩ quan Mỹ và Quân lực Việt Nam Cộng hòa chết trên các miệng hầm bí mật. Các du khách nước ngoài thường hỏi sống trong các đường hầm bí mật như thế thì nhà vệ sinh ở đâu? À, nhà vệ sinh cũng là một điều bí mật.

      Nhưng có điều bí mật và lạ lùng hơn, là người đến tham quan địa đạo Củ Chi xem cuộc sống khắc nghiệt nơi địa đạo lại thu hút hơn những công trình tráng lệ. Thống kê trong một năm di tích dinh Độc Lập, công trình kiến trúc lớn nhất Việt Nam có gần 780.000 lượt khách, trong khi đó khách tới tham quan địa đạo Củ Chi lên tới 1,26 triệu lượt. Hướng dẫn viên Phước Hạnh cho hay một lần du khách Nhật Bản thì kéo nhau chui qua một đoạn hầm ngầm chừng hơn chục mét. Còn đoàn khách Mỹ có vài người quay lui và chỉ dám đi trên mặt đất. Một thanh niên Mỹ thanh minh rằng anh sợ kẹt lại vì đường hầm quá nhỏ với anh. Một người khác lại sợ bị lạc trong lòng đất.

      Địa đạo Củ Chi là một hệ thống địa đạo phòng thủ trong lòng đất ở huyện Củ Chi cách thành phố Hồ Chí Minh 70 ki-lô-mét về hướng tây bắc. Hệ thống này được Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam ViệtNamđào trong thời kỳ chiến tranh Đông Dương và chiến tranh ViệtNam. Hệ thống địa đạo bao gồm bệnh xá, nhiều phòng ở, nhà bếp, kho chứa, phòng làm việc, hệ thống đường ngầm dưới lòng đất. Hệ thống địa đạo dài khoảng 200km có hệ thống thông hơi vào các vị trí bụi cây. Địa đạo Củ Chi được xây dựng trên mảnh đất mệnh danh là “đất thép” nằm ở điểm cuối đường mòn Hồ Chí Minh. Trong chiến dịch Tết Mậu Thân 1968 Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam ViệtNamđã sử dụng hệ thống địa đạo này để tấn công vào Sài Gòn. Địa đạo Củ Chi là cách gọi chung của các hệ thống địa đạo khác nhau.

      Thực ra trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp quân dân hai xã Tân Phú Trung và Phước Bình An đã đào những đoạn hầm ngắn cấu trúc đơn giản dùng để ẩn nấp cất dấu tài liệu và vũ khí. Thế rồi cư dân khu vực đã đào các địa đạo riêng lẻ để tránh các cuộc bố ráp càn quét của quân đội Pháp và để cung cấp nơi trú ẩn cho quân Việt Minh. Mỗi làng xây một địa đạo riêng. Sau đó do nhu cầu đi lại giữa địa đạo các làng – xã, hệ thống địa đạo đã được nối liền nhau tạo thành một hệ thống địa đạo liên hoàn phức hợp. Về sau phát triển rộng ra nhiều hơn nhất là 6 xã phía bắc Củ Chi và cấu trúc các đoạn địa đạo cũng được cải tiến trở thành nơi che giấu lực lượng, khi chiến đấu có thể liên lạc hỗ trợ nhau.

      Trong thời gian từ 1961 – 1965 thì các xã phía bắc Củ Chi đã hoàn thành tuyến địa đạo “trục” gọi là “xương sống” cho phép các đơn vị phát triển địa đạo ăn thông với tuyến trục hình thành những địa đạo liên hoàn giữa các ấp, các xã, và các vùng. Bên trên mặt đất dân quân Củ Chi còn đào cả một vành đai giao thông hào chằng chị nối kết với địa đạo. Lúc này địa đạo chiến đấu cũng được đào chia thành nhiều tầng nhiều ngõ ngách. Bên trên địa đạo còn có rất nhiều ụ chiến đấu, bãi mìn, hố đinh, hầm chông được bố trí thành các cụm liên hoàn tạo ra trận địa vững chắc trong thế trận chiến tranh du kích, gọi là xã chiến đấu. Về quy mô hệ thống địa đạo có tổng chiều dài toàn tuyến là trên 200 ki-lô-mét với ba tầng sâu khác nhau. Tầng trên cách mặt đất khoảng 3 mét. Tầng giữa cách mặt đất khoảng 6 đến 8 mét. Và tầng dưới cùng sâu hơn 12 mét. Lúc này địa đạo không chỉ còn là nơi trú ẩn mà đã trở thành nơi sinh sống, cứu thương, hội họp, kho chứa vũ khí.
.
 

      -Xưởng chế vũ khí tự tạo
.
      Địa đạo được đào trong một khu vực đất sét pha đá ong nên có độ bền cao ít bị sụt lở. Hệ thống địa đạo nằm sâu dưới lòng đất có thể chịu được sức công phá của các loại bom tấn lớn nhất của quân đội Mỹ. Các khu vực khác nhau của địa đạo có thể được cô lập khi cần. Đường hầm sâu dưới đất từ 3 đến 8 mét thì chiều cao chỉ đủ cho một người cầm súng đi lom khom. Căn hầm đầu tiên ở ngay bìa rừng có giếng ngầm cung cấp nguồn nước uống và sinh hoạt cho toàn khu vực địa đạo. Hệ thống địa đạo từ đường xương sống tỏa ra vô số những nhánh dài nhánh ngắn ăn thông nhau, có nhánh trổ ra tận sông Sài Gòn. Tầng một chống được đạn pháo và sức nặng của xe tăng, xe bọc thép. Tầng hai có thể chống được bom cỡ nhỏ. Còn tầng cuối cùng cách mặt đất từ 8 đến 12 mét thì bất khả phá. Đường lên xuống giữa các tầng hầm được bố trí bằng các nắp hầm bí mật bên trên ngụy trang kín đáo nhìn như những ụ mối đùn. Dọc đường hầm có lỗ thông hơi liên hoàn với địa đạo qua các hầm rộng để nghỉ ngơi, có nơi dự trữ vũ khí, lương thực, có giếng nước, có bếp Hoàng Cầm, có hầm chỉ huy, có hầm giải phẫu, còn có cả hầm lớn mái lợp thoáng mát ngụy trang khéo léo để xem phim, văn nghệ. Cuộc sống dưới địa đạo thiếu ánh sáng, ẩm ướt cùng nóng bức. Và điều kiện vệ sinh kém nên hầu như đa số những người sống ở địa đạo đều bị ký sinh trùng bạc da và các bệnh về xương. Ngoài ra việc thiếu thốn lưng thực, thực phẩm và nhu yếu phẩm cũng là những vấn đề lớn của cư dân địa đạo.

      Quân đội Mỹ và Quân lực Việt Nam Cộng hòa đã liên tục tấn công vào hệ thống địa đạo bằng đủ phương tiện như dội bom, bơm nước và hơi ngạt vào địa đạo, nhưng do hệ thống địa đạo thiết chế có thể cô lập từng phần nên bị hư hại không nhiều. Quân đội Mỹ đã áp dụng nhiều biện pháp để phát hiện các cửa vào được ngụy trang và phát hiện các cửa thông gió thường được đặt giữa các bụi cây. Biện pháp hữu hiệu nhất là chúng sử dụng chó nghiệp vụ. Ban đầu có một số cửa vào và lỗ thông gió bị chó nghiệp vụ phát hiện. Tuy nhiên sau đó “vỏ quýt dày có móng tay nhọn” người ở dưới địa đạo đã dùng xà phòng của Mỹ thậm chí cả quần áo lính Mỹ bị thương trút ra đặt ở cửa hầm và cửa thông gió nên chó nghiệp vụ Mỹ không thể phát hiện ra “hơi Việt cộng” mà chỉ thấy “hơi Mỹ”.

      Quy trình sử dụng địa đạo của du kích Củ Chi, là chui xuống địa đạo qua cửa nhỏ, thế rồi lấp hầm lại, thế rồi biến mất dưới lòng đất. Một vài kiểu bẫy của du kích Củ Chi gồm có chông cánh cửa, chông kẹp nách, chông cân đối và chông nắp tự động. Xem cảnh tái hiện lại bây giờ còn thấy rùng mình ớn lạnh. Ở dưới địa đạo người ta có thể chế tạo vũ khí, vót chông, đun nấu bằng bếp Hoàng Cầm.

      Ngày nay địa đạo Củ Chi còn khoảng 120 ki-lô-mét được bảo vệ và trở thành một điểm du lịch hấp dẫn cho du khách. Du khách đặc biệt là cựu chiến binh luôn chọn điểm tham quan này khi đến thăm thành phố Hồ Chí Minh. Du khách được trải nghiệm cuộc sống ăn những món ăn dưới địa đạo như những cư dân thực thụ trước đây. Khu địa đạo Bến Dược, Bến Đình Củ Chi đã được xếp hạng Di tích Lịch sử Quốc gia.

      Một đồng nghiệp của tôi ở Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh cho hay Tết Qúy Tỵ vừa qua anh có thăm lại Di tích Địa đạo Củ Chi. Khi vừa rời khỏi địa đạo thì ở nơi cửa rừng có sẵn một bữa ăn miễn phí, gợi nhớ những quán quân nhân phục vụ một thời trên những con đường hành quân với những người mẹ già không quản đạn bom tiễn các con đi không hẹn cụ thể ngày trở về. Bữa cơm chiều đạm bạc bên chiếc bàn cũ mọt sờn có sắn luộc chấm muối vừng nước chè rót ra chiếc chén sành cũ. Các du khách nhai ngon lành trầm trồ khen cái đói được đẩy lùi bằng thứ lương thực đặc trưng của vùng đất đồi khô cằn. Cẩm Tú, cô chủ quán mặc áo bà ba đen quấn khăn rằn cho anh biết cô cùng các đồng nghiệp ở khu di tích làm việc xuyên đêm. Vào ngày mồng một Tết có một đoàn khách nước ngoài gần năm chục người từ rất nhiều quốc gia đông ơi là đông xí xa xí xố không còn biết ai là người “xông nhà” Di tích địa đạo Củ Chi năm nay.

      Du khách nước ngoài ư? Tôi đã đọc họ trên báo chí. Họ ghi lại những điều bất ngờ chứng kiến khi đi thăm miền địa đạo nổi tiếng của ViệtNam. Văn phong hóm và ngộ, dùng lối ngữ pháp thể bị động rất hấp dẫn. Theo mô tả thì địa đạo Củ Chi bắt đầu được các chiến binh giải phóng xây dựng trong thời kỳ Pháp chiếm đóng và mở rộng quy mô trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Các lối vào căn cứ ngầm này rất nhỏ là thách thức to lớn cho những người lính Mỹ có hình thể to lớn khi muốn xâm nhập. Lấy hướng dẫn viên cao có 1 mét 55 bằng chiều cao trung bình của các chiến sĩ giải phóng làm ví dụ về cách chui ở một đường hầm. Lỗ thông hơi làm bằng ống tre và cải trang như một gò mối. Việc nấu ăn trong hầm được thực hiện bằng một loại bếp đặc biệc được gọi là bếp Hoàng Cầm. Loại bếp này có nhiều đường rãnh thoát khói nối với lò bếp. Bên trên rãnh đặt những cành cây và phủ một lớp đất mỏng được tưới nước để giữ độ ẩm. Khói từ trong lò bếp bốc lên qua các đường rãnh chỉ còn dưới dạng hơi nước bay sát mặt đất và tan nhanh thay vì bốc lên không khí nên trực thăng Mỹ không thể nào phát hiện ra dù là vào giữa ban ngày. Mô tả về các vũ khí thô sơ của du kích Củ Chi cũng rất lôi cuốn. Các chiến sĩ Việt cộng xử lý một quả bom Mỹ chưa nổ, thuốc nổ và vỏ thép của quả bom được tận dụng để làm thành các loại vũ khí hay đồ dùng sinh hoạt. Còn quả cầu chông sắt tròn to như quả mít được treo lên cây sẽ rơi xuống theo một đường vòng cung trúng vào người đã kích hoạt nó. Một loại bẫy chông được thiết kế để đâm ngang thân người nào rơi xuống hố chông. Dù hiếm khi làm tử thương ngay lập tức nhưng các loại bẫy kiểu này đã loại khỏi vòng chiến khá nhiều lính Mỹ và để lại nỗi ám ảnh suốt đời lính cùng nhiều năm dài sau khi anh ta giải ngũ. Ở Củ Chi có cả một trường bắn, nơi du khách có thể bắn thử các loại súng lính Mỹ đã từng sử dụng ở ViệtNamnhư M1, M16, M17 – 19. Gía của mỗi viên đạn là 1USD.

      Trong chiến tranh có những lúc trong đường hầm chứa được cả một đạo quân hoặc dân cư của cả một làng điều đó giúp cho người Việt Nambảo vệ được nhiều sinh mạng. Nói chính xác hơn đây không phải là làng mà là cả một thành phố trong lòng đất. Ngay cả trong thời kỳ chiến tranh người Việt Namcũng không quên văn hóa và giáo dục. Trong các căn hầm được bố trí các phòng học đồng thời nơi đó cũng có thể dùng để chiếu phim cách mạng và biểu diễn văn nghệ của các đoàn văn công chiến trường. Nhưng đặc biệt hơn là cả thế giới đó ẩn sâu bí mật trong lòng đất. Dùng đến cả máy bay ném bom B52 và pháo binh hạng nặng người Mỹ đã chà sát vùng Củ Chi nhiều năm trời nhưng vô số các cuộc ném bom và các đợt pháo kích liên tục không đem lại kết quả mong muốn. Củ Chi vẫn là “vùng đất chết” cho lính thủy đánh bộ Mỹ và các thiết đoàn Sài Gòn. Người Mỹ buộc phải tự mình chui xuống những địa đạo tối tăm đó. Không giống như những bộ phim của Hollywood “Những con chuột đường hầm” (Turnel Rats) được lựa chọn từ những binh sĩ không cao to người gày và liều lĩnh sẵn sàng với một khẩu súng ngắn chui vào bóng đêm của cái chết trong đường hầm chờ đợi lính Mỹ là sự chật chội đến nghẹt thở, bóng tối mịt mù, mìn, cạm bẫy, rắn độc, bọ cạp và sau đó nữa là những người du kích thiện chiến.  Những bài viết ấy lại được minh họa bằng những bức ảnh của nhà báo Patrich Geusere rất gợi cảm và mùi mẫm.

      Vì công chuyện tôi lưu lại Sài Gòn mà không “hành quân” trở lại Hà Nội cùng hai mẹ Lô Thị Thuận và Vi Thị Nhạt để nghe hai mẹ cảm thán về địa đạo Củ Chi đất thép. Chia tay, hai mẹ nhắc đi nhắc lại rằng lên Lạng Sơn là phải đến thăm nhau đấy. Tôi cầm chắc đề tài Củ Chi đất thép sẽ được hai mẹ kể không biết chán trong các cuộc gặp gỡ giao lưu cựu chiến binh và gia đình liệt sĩ nơi làng bản hai mẹ cư trú. Bởi mẹ liệt sĩ Lô Thị Thuận đã từng là thanh niên xung phong tải đạn ở Điện Biên Phủ thời đánh Pháp năm 1953. Mẹ Vi Thị Nhạt cũng từng là thanh niên xung phong, là vợ liệt sĩ Vi Văn Nó thuộc Binh đoàn Trường Sơn hy sinh năm 1968 đang nằm lại ở Nghĩa trang Trường Sơn. Và mẹ đã kinh qua công tác ở tỉnh Hội Phụ nữ Lạng Sơn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng huyện ủy Chi Lăng. Và điều bất ngờ với tôi được một cựu chiến binh mới rồi kể lại, thì khi xe trên đường vào Pleiku có dừng nghỉ ở Quảng Trị một đêm, mẹ Vi Thị Nhạt đã thuê taxi tới Nghĩa trang Trường Sơn thắp nén nhang thăm viếng mộ chồng – liệt sĩ Vi Văn Nó.

                                                                                                    KQB