/Cỏn con một sợi lông mày. Mà đem cột trái đất này vào anh/ Thơ Trần Mạnh Hảo

VIDEO

HỖ TRỢ

QUẢNG CÁO

LỊCH

LIÊN KẾT

văn xuôi

GIA ĐÌNH BÉ NHỎ

Họ quyết định không thể cứ âm thầm dặm lợp lại mái dột tâm hồn. Mà truyền cảm hứng cho nhau vươn lên làm mới lại cuộc đời.

GIA ĐÌNH BÉ NHỎ

Truyện ngắn của KHIẾU QUANG BẢO

 

       Cái gia đình ấy cư ngụ trong ngôi nhà hai tầng gần khu chung cư Trung Hòa – Nhân Chính. Quanh nhà có khuôn viên nhỏ là mảnh vườn trồng vài cây ăn quả. Mẹ chồng đang chuẩn bị cho bữa chiều. Cái gia đình bé nhỏ này, gồm có bà mẹ, con trai, con dâu và đứa cháu nội lên bốn tuổi. Bà mẹ có công gìn giữ, nâng niu cái tổ ấm như một báu vật trong nhiều năm qua.

      Gạo đã vo. Rau đã nhặt và rửa. Nước đun sôi sẵn. Chỉ còn chờ mấy thứ con dâu đi chợ mua. Chợ cạnh khu chung cư. Thành phố giờ cứ có mảnh đất trống là có chợ. Tiện. Nhưng lắm khi nhếch nhác.

      Con dâu đẩy cửa băng vào bếp chỗ mẹ chồng đang đứng, te tái khoe:

      - Mẹ! Con mua đủ những thứ mẹ dặn. Thịt ngon không này? Tôm tươi không này. Bơi trong chậu con chọn. Mua cả ba lạng nem Phùng mẹ thích.

      Tiếng chuông điện thoại reo.

      Con dâu chạy vào phòng khách nghe.

      - Vâng ạ. Chào bác…vâng, bảy giờ.

      - Tất nhiên rồi! Cháu sẽ ở phe bác mà.

      Trở lại bếp. Mẹ chồng hỏi:

      - Ai vậy con?

      Con dâu cười khúc khích ôm ngang lưng mẹ chồng:

      - Con yêu mẹ! Bác ấy đang vận động con.

      - Việc mẹ mẹ lo. Con đứng về phe bác ấy nghĩa là con chống lại mẹ?

      Con dâu cù vào mạng sườn mẹ chồng:

      - Phe nào bây giờ cũng là phe của mẹ cả!

      Rồi con dâu vừa day vừa bóp vai cho mẹ chồng “- Thích không mẹ?”

      Mẹ chồng ngừng thái thịt, ngoái đầu lại cười, hỏi:

      - Còn chuyện gì nữa đây?

      Con dâu nũng nịu:

      - Con có chuyện này muốn nhờ mẹ giúp. Con muốn đi làm lại. Cháu nó đã bốn tuổi rồi. Mà chồng con lại cứ muốn con đẻ thêm đứa nữa. Anh ấy chỉ nghe mẹ thôi!

      Mẹ chồng giấu một nụ cười:

      - Thật khéo nịnh. Chồng con có lý đấy. Mẹ còn khỏe. Đẻ đi mẹ nuôi một thể. Để lâu đẻ lại sẽ ngại.

      Con dâu giãy nảy:

      - Mẹ! Sao lại đứng về phe anh ấy chống con?

      Mẹ chồng quay lại nhìn con dâu:

      - Mẹ đùa con một chút. Phải đứng về phía con dâu chứ. Nhưng con phải thuyết phục nó. Con biết là chồng con ưa nịnh mà. Nhẹ không xong thì tuyệt giao luôn.

      Nói rồi mẹ chồng nháy nháy mắt cười hơ hơ. Giơ ngón út ngoắc cam kết.

      Con dâu tới trường mẫu giáo đón con. Tới cửa ra vào còn quay lại giơ ngón tay cái lên dứ dứ với mẹ chồng ra chừng nói “cứ thế mẹ nhé!”

      Con trai về. Chào mẹ. Qùa cho mẹ chiếc khăn voan. Trời đã chớm thu.

      Người mẹ nhìn con trai cười và lườm ngang:

      - Nịnh mẹ thế này chắc lại có chuyện muốn nhờ vả?

      Con trai cười hề hề. Quấn ướm khăn voan lên cổ mẹ:

      - Đúng là mẹ của con. Còn tinh ý lắm. Nhờ mẹ thuyết phục vợ con khoan hãy đi làm lại. Đẻ thêm đứa nữa đã!

      - Mẹ e là không được. Vi phạm sinh đẻ có kế hoạch.

      - Vậy mẹ đứng về phe nào?

      - Hai đứa định chia mẹ đứng về cả hai phe sao?

      Nói rồi bà mẹ cười:

      - Mẹ ủng hộ con. Nhưng con thuyết phục vợ là chính. Có thể ra vẻ chiều ý vợ. Rồi bẫy. Chẳng lẽ mẹ còn phải dạy con bẫy sao?

      Con trai ngẩn người. Bỗng cười vỡ ra ha ha như đang ở quán bia:

      - Con hiểu rồi! Con hiểu rồi.

      Bà mẹ nháy mắt, đặt ngón tay lên môi ra ý “bí mật”.

      Vừa lúc ấy con dâu dắt con trai về. Thằng cháu đích tôn chạy òa vào bếp chào bà nội, chào bố. Người bố lấy trong cặp ra chiếc súng nhựa bắn nước “Qùa cho con trai!”. Con trai nắm lấy súng chĩa vào mỗi người nhả … nước liên hồi. Bà nội la lên “- Dừng ngay, cháu định tắm cho cả nhà chăng?”

      Có tiếng gõ cửa. Người đàn ông quen bà đến. Ông mang theo một bó hoa ly tặng bà. Ông ngượng ngùng nói thấy bọn trẻ hay mua hoa ly tặng bạn gái thì ông mua theo, chứ cũng chẳng hiểu ý nghĩa của hoa. Nói rồi ông mới nhận ra mình lỡ lời cái từ “bạn gái” làm gương mặt ông đỏ dự. Con dâu nhanh trí đỡ lời:

      - Đã là hoa thì hoa nào cũng đẹp cả. Phải không mẹ? Phải không anh?

      Con trai: “- Chính xác!”

      Con dâu: “- Chính xác gì?”

      Con trai: “- Là như em nói!”

      Cả nhà cùng cười vui. Người đàn ông quen bà chưa hết ngượng.

      Bữa cơm chiều thật vui. Ai cũng thầm sung sướng phe mình là đa số. Người đàn ông quen người mẹ suốt bữa chỉ mủm mỉm cười, ngắm nhìn mọi người dè dặt qua hàng mi trên rậm rì. Có thể là ông cảm nhận thấy cái gia đình nhỏ bé này ắp đầy hạnh phúc nên ông vui lây.

      Đêm. Người chồng dần dứ trao tặng vợ hộp quà bọc giấy vân thắt dây nơ đỏ. Lấp lửng “- Quà của em!”

      - Nịnh gì vậy?

      - Vào buồng tắm thử sẽ biết!

      Người vợ đánh mông đi vào buồng tắm kiểu người mẫu bước trên sàn catwalk. Mở hộp. Ôi! Đẹp quá. Một chiếc váy ngủ bằng lụa tơ tằm màu mỡ gà móc đăng-ten. Đẹp thì có đẹp nhưng hơi hớ hênh. Hớ hênh thì đã sao? Hớ hênh với chồng nơi phòng ngủ việc gì phải bận tâm. Người vợ đi ra, súng sính, thấy trên người mình cái gì cũng lỏng lẻo, buông thả. Người chồng trố mắt nhìn ngắm, đứng phắt dậy xô tới ôm choàng ngang lưng người vợ, nựng “- Vừa ơi là vừa! Đẹp ơi là đẹp!” rồi bế thốc vợ đặt lên giường …

      Người chồng chủ động tấn công.

      Người vợ hoàn toàn thụ động.

      Mọi ưu tư tính toán gạt xuống cuối giường. Quên khẩn trương!

      Nửa giờ sau người vợ sực tỉnh hốt hoảng hỏi:

      - Anh có dùng cái ấy không?

      - Cái ấy là cái gì?

      Người vợ đấm thùm thụp vào lồng ngực để trần của người chồng “- Đồ tồi! Đồ tồi!” Rồi tung chăn chạy ra bàn phấn xem lịch. Bỗng người vợ rít lên “- Hỏng rồi! Sao anh lại chọn hôm nay?”

      Người chồng giả như ngây ngô: “- Anh không hiểu!”

      Người vợ trở lại giường tiếp tục đấm người chồng “- Em bắt đền anh đấy! Anh bẫy em!”, nhưng chàng ta đã kịp kéo tấm chăn mỏng phủ lên ngang mặt cười khùng khục. Đánh mỏi tay, người vợ dừng, ôm mặt khóc. Người chồng hoảng hốt:

      - A! Anh hiểu rồi. Không sao đâu! Sao nhậy thế được?

      Người chồng ôm người vợ gọn trong vòng tay mình:

      - Sáng nay anh đã nói chuyện với Tổng Giám đốc về việc em muốn trở lại Công ty làm việc. Cậu ta nói vẫn để chiếc ghế trưởng phòng chờ em!

      Có câu nói ấy của chồng, người vợ cảm thấy nhẹ nhõm trong lòng.

      Tới đây, có lẽ cần nói rõ tên nhân vật để dễ theo dõi.

      Người mẹ chồng, bà tên là Vân.

      Con trai bà, tên là Hồng.

      Con dâu bà, tên là Hạnh.

      Cháu nội bà, con đầu cháu sớm, quý, cả nhà cứ thuận miệng gọi yêu là Sao Bắc Đẩu.

      Người đàn ông đang có ý đồ cầu hôn bà Vân, tên là Sửu.

      Nửa tháng sau, Hạnh cảm thấy trong người có gì đó khang khác. Cô ra cửa hàng thuốc đầu phố mua que thử thai. Thấy vợ bí mật vào buồng tắm, Hồng chờ một lúc phỏng đoán thời gian ấy đủ để Hạnh kiểm tra, anh gõ cửa, rồi mở. Vợ anh đang ngồi thần mặt trên bệ xí. Đang đưa chiếc que thử thai lên ngang tầm mắt ngắm đi ngắm lại. Hồng cười toe toét: “- Không có vạch nào chứ?”

      Hạnh nhìn chăm chăm vào mặt chồng:

      - Anh bẫy em! Còn tài vờ!

      Hồng siết nhẹ đầu vợ vào bụng mình:

      - Anh xin lỗi! Sinh bé xong, mẹ còn khỏe sẽ chăm sóc lũ trẻ giúp chúng ta. Rồi em trở lại làm việc chưa muộn. Cứ cho là em hy sinh cho cái gia đình bé nhỏ này đi. Được không vợ yêu?

      Thật bất ngờ. Thai Hạnh đang mang lại là thai đôi. Mẹ chồng và chồng bàn nhau động viên Hạnh để cô yên lòng. Tháng tháng khám kiểm tra, thai nhi phát triển tốt. Hạnh vui. Bé Sao Bắc Đẩu đi mẫu giáo về là xà vào lòng mẹ xoa vuốt bụng mẹ nựng nọt hai em. Nó đặt tên trước cho hai em là Sao Mai và Sao Hôm. Nó thích thế thì cứ cho là thế. Tên ấy cũng vui vui.

      Nghĩ đi rồi Hạnh nghĩ lại. Cô tin sẽ không khó khăn gì khi cô sinh đôi. Chồng cô là một người chồng tuyệt vời, yêu chiều vợ rất mực. Mẹ chồng lại yêu thương cô như con gái. Chăm chút cho cháu cứ như thời bà từng ở một mình chăm chút cho con trai. Và bà coi cái gia đình nhỏ bé này như năm ngón tay trên một bàn tay bà. Máu chảy thì ruột mềm. Bà hay dẫn câu thành ngữ ấy.

      Một đôi lần cùng bạn bè học thời phổ thông gặp nhau trong các bữa ăn khao, họ ganh tị với Hạnh có được người chồng và bà mẹ chồng thương yêu Hạnh hơn người. Hạnh không nghi ngờ những lời bộc bạch của bạn. Về, Hạnh khoe với mẹ chồng. Mẹ chồng kéo đầu con dâu áp vào đầu mình:

      - Cũng may là mẹ chỉ có vợ chồng con đấy thôi!

      Một buổi chiều hai mẹ con cùng đi đón bé Sao Bắc Đẩu. Đi sớm, để còn dạo bộ. Ngồi nghỉ trên ghế đá công viên. Hạnh ướm hỏi mẹ chồng:

      - Con thấy bác Sửu tốt. Mẹ nghĩ sao về bác ấy?

      Trong thâm tâm Hạnh thấy rất thương mẹ chồng. Bố chồng mất sớm, bà ở vậy nuôi con trai khôn lớn ăn học trưởng thành. Tới khi con trai lấy vợ, sinh con, bà lại tiếp tục chăm sóc con dâu và cháu. Tuổi xuân của bà cứ trôi đi vì con và cháu. Bây giờ bà có người đàn ông, một bạn học cũ, yêu thương, thì lại đúng khi hai đứa cháu nội mới của bà sắp chào đời. Chuyện riêng của mẹ sẽ tính sao đây? Mẹ chồng kéo con dâu ngồi sát mình.

      - Con à! Sáng nay, mẹ buộc lòng phải nói với bác ấy, là mẹ e rằng, tình yêu của mẹ dành cho con trai con dâu và tới đây là những ba đứa cháu, sẽ lấn át tình yêu mẹ dành cho bác ấy. Mặc dù cho tới lúc này bác ấy là người mẹ yêu tin nhất. Mà mẹ thì lại không muốn làm tổn thương tình yêu của bác ấy dành cho mẹ. Sẽ phụ lòng nhau. Nhưng với mẹ thì không thể khác được. Mẹ muốn có một người đàn ông lắm chứ. Những khi đường ống nước bị tắc, mái nhà bị dột, cây trong vườn đổ…

      Hạnh ôm lấy mẹ chồng khóc nức nở. “- Mẹ ơi! Sao mẹ chỉ nghĩ cho chúng con mà phải quên niềm vui riêng của mẹ?”

                                                        *

      Theo lịch sinh, còn mười lăm ngày nữa Hạnh mới tới kỳ. Hồng có chuyến công tác ngoài nước một tuần. Hồng từ chối. Nhưng Hạnh lại động viên chồng nên đi. Công việc là công việc. “- Anh vẫn kịp về đón con chào đời cơ mà!”.

      Hồng đi. Ngày nào cũng điện về cho vợ hai lần. 9 giờ sáng và 10 giờ tối.

Đều đặn như chiếc đồng hồ báo thức cài đặt giờ đổ chuông.

      Một ngày trước khi về nước, Hồng nhận được điện của vợ báo tin cô phải vào bệnh viện mổ đẻ vì động thai. Hồng lo. Nhưng 10 giờ tối anh nhận được điện mẹ anh cho biết cuộc mổ đẻ thành công. Mẹ tròn con vuông. Sao Mai gái, Sao Hôm trai, cùng gần ba cân mỗi đứa. Hồng vui sướng hét to tướng trong máy: “- Cảm ơn mẹ!”

      Cuộc sống như một chặng đường dài ta đi. Có quãng bằng phẳng êm ru. Lại cũng có cả đoạn gập ghềnh vất vả. Và cũng có khi phải vượt núi xuống ghềnh lội qua thác lũ. Biết thế, nhưng người ta đâu có thể trù liệu được cho mình về những gì rủi ro và bất ngờ.

      Vượt qua chặng đường gần chục ngàn cây số trên trời cao không sao. Tới sân bay Nội Bài rồi, chỉ còn năm chục cây số là về tới thành phố khấp khởi gặp người vợ yêu cùng hai đứa con thơ vừa lọt lòng mẹ, thì chiếc xe con của Công ty đi đón anh gặp tai nạn ở quãng giữa đường vì một chiếc xe tải chở hàng lậu phóng bạt mạng chạy trốn công an rượt đuổi. Hồng bị thương nặng. Xe cấp cứu đưa về bệnh viện Việt – Đức mổ gấp mà anh không qua khỏi. Công ty của Hồng, bạn bè Hồng bàn bạc cùng gia đình quyết định chưa để Hạnh biết tin này. Sẽ không chịu nổi. Ba ngày sau, khi vết mổ của Hạnh đã ổn định, Tổng Giám đốc Công ty mới vào thăm cô. Thấy anh, Hạnh hỏi ngay “- Nhà em sao chưa về?”

      Tổng Giám đốc là bạn học Bách khoa cùng khóa với Hồng – chồng Hạnh, trên Hạnh một khóa, cùng dân công nghệ thông tin. Sau đó Tổng Giám đốc và Hồng cùng nhận học bổng nghiên cứu sinh ở hai nước châu Âu khác nhau. Tuy ở cương vị công tác cấp trên cấp dưới, nhưng họ là bạn thân thiết. Vì vậy mà Hạnh hỏi Tổng Giám đốc như hỏi một người bạn. Tổng Giám đốc nhìn Hạnh, gương mặt anh thẫn thờ, đôi môi mấp máy không biết nên bắt đầu từ đâu. Cảm nhận có chuyện không hay xảy ra, Hạnh nhỏm dậy.

      Tổng Giám đốc vội ấn lên vai cô nằm trở lại:

      - Bình tĩnh, Hạnh. Chuyện rất buồn. Tất cả Công ty cùng buồn.

      Hạnh ngất xỉu. Các bác sĩ phải can thiệp.

      Tổng Giám đốc ngồi cạnh, chờ tới khi Hạnh tỉnh.

      Cô khóc sướt mướt trách anh sao không báo tin ngay.

      - Em mới mổ. Biết sớm liệu có ích gì? Việc đã xảy ra rồi!

      - Lỗi tại em. Em giục anh ấy đi!

      - Đừng tự trách mình thế! Chúng ta sẽ cùng cố gắng vượt qua.

      Tại nhà tang lễ thành phố. Hạnh ngồi trên xe lăn dự lễ tang chồng. Tổng Giám đốc thuê xe y tế cùng một kíp thày thuốc đưa Hạnh tới. Nhưng sự lo xa của Tổng Giám đốc đã không xảy ra. Hạnh cứng rắn tới không ngờ. Đôi mắt trân trân nhìn di ảnh chồng, vằn đỏ, như thách thức số phận có thể làm được gì đau đớn hơn với cô nữa không? Trong khi những người dự tang lễ ai cũng ái ngại nhìn cô. Cạnh xe lăn, là hai chiếc xe nôi, hai đứa trẻ nằm trong đó, cứ một giờ người y tá lại bế một trong hai đứa lên để người mẹ trẻ cho con bú, chúng bú ngon lành không một tiếng khóc để sau đó lại ngủ. Ngồi cạnh là thằng bé bốn tuổi. Không khóc nhưng gương mặt buồn. Và một bên là người mẹ già mắt đỏ hoe. Lá vàng còn trên cành mà lá xanh đã rụng.

      Con người luôn bị số phận thử thách ý chí. Với hai người đàn bà góa một già một trẻ, mà vết thương lòng một đã thành sẹo và một chưa khép mép, nhưng giờ lại mang một nỗi đau chung mất mát thì quả là tàn nhẫn. Bởi chung nỗi đau, chung một gia đình, người nọ động viên người kia không thể yếu hèn gục ngã, bởi bên họ còn có những đứa trẻ. Phải sống, sống mạnh mẽ, đôi khi phải hô khẩu hiệu: “Số phận ư! Ngươi đừng hòng thắng ta!”

      Vào một buổi tối khuya ru con ngủ, bà mẹ chồng hé cửa phòng thấy con dâu vỗ về hai đứa trẻ mới được ba tháng tuổi: “Gió cứ thổi đi! Mưa cứ rơi đi! À ơi…Ta sẽ thuận buồm xuôi gió hết!”

      Bà mẹ chồng lặng lẽ khép cửa. Bỗng thấy lòng phần nào nhẹ nhõm, buột miệng khấn chay: “- Hồng con! Hãy giúp sức cho mẹ, cho vợ con nhé!”

                                                         *

      Đến tháng thứ sáu sau sinh, Hạnh được Công ty sắp xếp đi làm trở lại. Sao Bắc Đẩu đi mẫu giáo. Ở nhà một mình bà mẹ chăm Sao Mai và Sao Hôm. Cả hai đã ăn sam bột cháo. Thời nay, thức ăn dinh dưỡng cho trẻ từ sơ sinh tới khi chúng 12 tháng tuổi đủ đầy trong siêu thị, chỉ cần có tiền.

      Tiền. Vợ chồng Hạnh có một khoản tiền gửi quỹ tiết kiệm. Tổng Giám đốc, được sự nhất trí của Hội đồng quản trị, dành cho gia đình Hồng khoản trợ cấp hằng tháng kéo dài trong một năm bởi sự đóng góp của Hồng trong nhiều năm tạo dựng doanh nghiệp hoạt động kinh doanh có hiệu quả.

      Hạnh và mẹ chồng bàn nhau rất kỹ càng quyết tâm “vượt lên số phận”. Một bài hát cho trẻ mẫu giáo mà Sao Bắc Đẩu mang về nhà hát có lời “Ba ơi ba, nào ba cố lên…”, được Hạnh sửa lời là “Bà ơi bà, nào bà cố lên…” để Sao Bắc Đẩu hát cho bà nghe. Rồi bà lại sửa lời “Mẹ ơi mẹ, nào mẹ cố lên…” để Sao Bắc Đẩu hát cho mẹ nghe. Thế rồi quen miệng khi hát đồng ca ở lớp Sao Bắc Đẩu đã hát lúc lúc mẹ cố lên, bị cô giáo nhắn tin nhắc nhở Hạnh qua sổ liên lạc điện tử, Hạnh mới vỡ nhẽ. Nghe lời trần tình xin lỗi của Hạnh như nói trong nước mắt qua điện thoại, cô giáo mới sững sờ thành thật xin lỗi về sự vô tâm của mình.

      Hạnh được Tổng Giám đốc bổ nhiệm làm trưởng phòng “Quan hệ công chúng phát triển thị trường”. Đó là công việc trước đây Hạnh đã làm. Chỉ có điều tình hình thị trường nay đã khác, đòi hỏi Hạnh cần nghiên cứu tổ chức hoạt động sao có hiệu quả. Sau một tháng, Hạnh đã trình một dự án được Tổng Giám đốc và Hội đồng quản trị đánh giá cao, khả thi. Công bằng mà nói Hạnh được Công ty quan tâm đặc biệt về điều kiện làm việc. Các đồng nghiệp một lòng ủng hộ. Trong thực tế Hạnh là người có năng lực thực sự. Bạn bè đã đặt ra một câu hỏi, lẽ nào cô đã biến nỗi đau làm nên một nghị lực phát tiết những tố chất chuyên môn như là sự kế thừa từ người chồng quá cố? Một năm sau thì người ta cho rằng họ nhìn nhận đúng. Hạnh được lên chức, làm Giám đốc chính Công ty con mà Hồng – chồng Hạnh – từng đảm nhiệm: Công ty Công nghệ phần mềm và Nội dung số. Hạnh chọn những nhóm nhân lực mở văn phòng đại diện ở một số tỉnh phíaNam. Điều tra thị trường rồi mở văn phòng đại diện ở Lào và Campuchia. Sự năng động chính xác trong hoạt động kinh doanh đã đưa Công ty của Hạnh nhanh chóng phát triển trở thành đơn vị dẫn đầu trong hệ thống truyền thông đa phương tiện.

      Trong một cuộc họp Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc đã có một báo cáo về Hạnh: “Chị luôn được hoan nghênh bất kỳ ở đâu. Chị có nhiều sở trường khác nhau. Chị có sự phán đoán cương quyết, ý chí cầu tiến. Chị tự tin không bao giờ chịu thoái, cùng khả năng làm việc độc lập. Chị cư xử đầy bất ngờ và khó đoán định!”

      Giống như một cuộc chạy đua với số phận không biết mệt mỏi, cả hai người đàn bà của cái gia đình bé nhỏ khi nhìn thấy công sức mình được đền đáp bằng kết quả công việc, nó lại càng khích lệ nỗ lực của mỗi người. Nhưng cả hai cùng sung sướng mà ngạc nhiên với chính mình sao lại có thể làm được việc phi thường đến thế.

      Sao Bắc Đẩu  rời trường mẫu giáo lên lớp một cấp tiểu học.

      Sao Mai và Sao Hôm cùng ba tuổi vào mẫu giáo thế chỗ anh Sao Bắc Đẩu. Nhìn hai đứa trẻ, cô giáo cũ chưa nguôi ân hận và một lần nữa xin lỗi Hạnh về chuyện lời bài hát năm xưa “Ba – Bà – Mẹ cố lên!” Hạnh cười nói:

      - Không sao! Nhờ lời hát đó cổ vũ mà chúng tôi đã “cố lên” được đấy thưa cô!

      Thực ra là nhờ ở nhiều thứ. Mỗi thứ một ít.

      Mặc dù người mẹ chồng đã đặt người đàn ông theo đuổi bà ra ngoài “vùng” bà cần quan tâm để giữ cho con thuyền gia đình vượt qua sóng to gió cả, nhưng bốn năm qua không phải căn hộ này không có khi công tắc đèn bị hỏng, đường ống nước bị rò rỉ. Cũng như chuyện chiếc cửa gỗ ra vào bị trễ kẹt mặt sàn khó mở, khiêng kê đồ đạc trong nhà khi cần sắp xếp lại, mà vắng bàn tay ông. Gấp nhất là khi trái nắng trái gió trở trời bà hoặc ba đứa trẻ cần tới bệnh viện. Những khi ấy ông bạn của bà xuất hiện như một vị cứu tinh. Ông làm vậy không phải là để bà xúc động. Bà từ chối, ông còn nổi cáu. Rồi sau đó ông xin lỗi “- Tại bà cố chấp làm tôi mới quá lời!”. Bà đâu phải là sắt là đá? Khi thì bà pha cho ông cốc nước quả, ly cà phê. Khi là bữa ăn trưa thanh cảnh. Ông dùng ngon lành. Nhẹ nhõm nhắc bà “- Có gì cứ gọi tôi đừng ngại. Để Hạnh nó rảnh tâm làm việc!”. Thực ra người gọi cho ông là Sao Bắc Đẩu. Nó quý ông. Tin ông. Đã xin số máy ông từ lâu rồi.

      Một người nữa cũng là nơi nương tựa: Anh Tổng Giám đốc. Tên anh là Thiện. Anh giữ cho được cái vẻ bề ngoài khi tới cái gia đình nhỏ bé này với tư cách người lãnh đạo Công ty quan tâm tới cán bộ dưới quyền. Mỗi lần Thiện tới thăm bà mẹ và ba đứa cháu thường chọn cuối buổi chiều khi ba đứa trẻ đã ở trường về nhà, và biết chắc Hạnh còn đang ở cơ quan. Thời gian anh thăm không lâu. Mỗi lần như thế anh luôn mang quà cho bốn bà cháu, và kèm một phong bì tiền không nhiều: “- Mẹ đừng từ chối. Con là bạn học của Hồng. Con rất lấy làm tiếc!”

      Có đôi lần Thiện đến đã gặp ông Sửu bạn của bà mẹ đang ở đó. Ông nhận ra trong cách quan tâm của Thiện có cái gì đó như đặc cách. Khác thường. Ông tiếp chuyện chàng trai cởi mở. Có phần quý mến anh. Và thầm ủng hộ anh nếu anh có ý định như ông đoán định. Chắc mình đoán đúng. “Anh chàng này cũng tốt như mình đây!”

                                                         *

      Tổng Giám đốc Thiện và Hạnh có chuyến tớiSingaporedự hội thảo về “Giải pháp thông minh tích hợp” bốn ngày. Một đề tài rất quan trọng với nhiệm vụ phát triển chiến lược của Công ty anh.

      Trước ngày bay, Hạnh xuống Đài Hóa thân Hoàn vũ viếng Hồng. Cũng là để tâm sự với chồng, rằng từ khi anh ra đi hai người đàn bà góa đã giữ vững và duy trì sự sống tốt tươi cho cái gia đình nhỏ bé để anh có thể tự hào về mẹ và vợ. Và cầu xin anh che chở cho cô may mắn trong cuộc hành trình. Hạnh như thấy có người đứng sát bên mình. Là Tổng Giám đốc. “- Anh đấy ư?”. “- Anh nhớ, 15 ngày nữa là giỗ Hồng. Không sai đấy chứ? Anh xuống, là để xin Hồng che chở cho chúng ta đi đến nơi về đến chốn!” “- Chúng ta ư?- Hạnh thầm nghĩ.”

      Tổng Giám đốc cầm thẻ hương khấn gì đó rất nhỏ, có ý không để Hạnh nghe. Mặc dù cô đứng ngay sau lưng anh. Trên xe trở lại thành phố, Thiện hỏi Hạnh “- Việc nhà sắp xếp ổn chứ?” “- Vâng. Mẹ em nói cứ yên tâm. Cũng may là còn có bác Sửu!”. “- Bác ấy là một người tốt!”. “- Gì cơ?”. “- À, không có gì!” Xe dừng lại ở một cửa hàng bánh Pháp. Thiện mua quà gửi cho ba đứa trẻ. Xe đưa Thiện về cơ quan, rồi đưa tiếp Hạnh về nhà. Dọc đường, người lái xe nói với Hạnh: “- Bác thấy Thiện quan tâm tới cháu lắm. Thiện là một chàng trai tốt!”. Hạnh nhận ra bác lái xe đang quan sát cô qua gương chiếu hậu gắn trong xe phía trước mặt bác.

      Đây là lần đầu tiên Hạnh ra nước ngoài công tác.Singaporelà một đất nước tuyệt vời ở khu vực Đông Nam Á về cảnh quan xây dựng kết hợp môi trường và không gian sống thân thiện. Xen kẽ các buổi hội thảo, Thiện tranh thủ đưa Hạnh thăm thú những nơi du lịch tiêu biểu nhất của quốc đảo mang biểu tượng sư tử này. Ngồi khoang cáp treo ra đảo Sentosa bay bổng giữa mây trời và biển xanh lộng gió. Thăm Bảo tàng sáp mờ ảo phục dựng lại toàn bộ lịch sử đất nướcSingapore. Thăm Công viên chim Jurong được gọi là thiên đường của các loài chim chăn thả tự do. Đi thuyền đêm trên cửa sông Stamford Raffls mà sóng nước phản quang ánh đèn điện lao xao như trăm ngàn con cá bạc quẫy. Thú vị nhất là 9 giờ đêm ngồi xe ngựa thăm The Night Safari, một khu rừng nuôi thả hàng trăm loài thú hoang dã quý hiếm. Yếu bóng vía là dễ sợ luôn. Với Hạnh, cái gì cũng lạ, cái gì cũng nhất.

      Sảng khoái và lãng mạn. Thiện nói là muốn bù đắp lại bốn năm ròng Hạnh đã dốc sức cho sự nghiệp và gia đình. Đêm cuối cùng, hóng mát bên cầu Causeway mộng mị hơi nước, Thiện chợt hỏi:

      - Hạnh à! Em có biết hôm ở Đài Hóa thân Hòan vũ, anh xin Hồng điều gì không?

      Hạnh còn đang đoán định. Thiện dè dặt nói tiếp:

      - Anh xin Hồng cho phép anh thay Hồng chăm lo cho mẹ con em. Đã đến lúc rồi. Bọn trẻ cần có bố!

      Hạnh sững sờ. Lặng im cúi đầu. Không tin ở tai mình nữa. Lẽ nào suốt bốn năm qua Thiện đã lặng lẽ yêu? Lặng lẽ chăm lo cho mẹ con Hạnh? Thiện là thế. Những năm sinh viên cũng thế. Trầm tư ít nói. Không ai có thể đọc được suy nghĩ của anh trừ phi anh nói ra cửa miệng. Thời sinh viên, Hạnh có chú ý tới Thiện. Hạnh cũng đôi lần nhận lời hẹn hò đi chơi, xem phim với Thiện. Thiện cũng đã từng đăm đăm nhìn Hạnh, đặt bàn tay lên mu bàn tay Hạnh khi ngồi bên nhau trên ghế đá hoặc đứng tựa lan can cầu Thê Húc, để rồi rụt lại rất nhanh như có lỗi. Lúng túng mà không nói nên lời. Kín đáo và kiệm lời. Có phần nhút nhát với con gái. Nhiều người trong Công ty đặt câu hỏi vì lẽ gì mà tới nay Thiện vẫn sống độc thân. Vì sự nghiệp thì nhìn thấy. Còn lẽ gì khác không? Trong hoàn cảnh của Hạnh bây giờ, tái hôn với Thiện là điều cô không tự tin. Một gái góa với ba con thơ dại. Không ai có thể nghĩ tới chuyện này. Nhưng anh lại tình nguyện. Thấy Hạnh trầm lặng, Thiện chữa:

      - Đang vui nên anh nói. Hạnh còn nghĩ, phải không? Hãy để dành câu trả lời khi về Hà Nội nhé!

     Nói rồi, Thiện khẽ kéo tay Hạnh rời thành cầu, vẫy taxi trở về khách sạn.

     Sáng hôm sau. Phi trường Changi. Phòng chờ bay dành cho hạng thương gia. Hạnh ngồi tư lự nhìn ly kem ngũ vị. Tránh cái nhìn của Thiện. Phía bên kia bàn, Thiện ngắm Hạnh qua phía trên chiếc ô giấy nhỏ màu xanh cẩm thạch cắm trong chiếc cốc nước cam vắt.

      - Em mệt ư?

      - Đêm qua em mất ngủ. Tại anh!

      - Anh cũng thế. Lẽ ra anh phải đợi khi về Hà Nội. Xin lỗi em.

      Hạnh lặng lẽ lấy trong túi xách tay ra một tờ giấy. Trao cho Thiện:

      - Đây là bảng kê những vấn đề phải đối mặt sau khi tái hôn. Anh cần nghĩ kỹ trước khi trả lời em!

      Thiện liếc qua: “Một: Anh cầm chắc là yêu em và các con em mãi mãi? Hai: Các con trong mắt anh lúc này đang là thiên sứ, có thể lúc khác sẽ biến thành quỷ sứ. Ba: Nhiều khi chúng không cho ta khoảng riêng tư. Anh sẽ hành xử ra sao? Bốn: Và nếu khi em dành tình yêu cho anh chỉ bằng hoặc ít hơn phần em dành cho gia đình, anh có giận em không?”

      Đọc xong, Thiện phá lên cười:

      - Anh không nói trước là cầm chắc. Nếu không có khó khăn sao là cuộc sống. Cuộc sống sao lại không có khó khăn gì. Biết được điều đó để làm chủ và điều chỉnh. Cũng giống như khi em gặp những biến cố lớn đến nhường ấy, đã cầm chắc sẽ vượt qua đâu? Phải tìm cách và nỗ lực đấy thôi!

      Hạnh khẽ cười:

      - Anh làm em thấy bất an!

      Tiếp tục câu chuyện là thêm bế tắc. Thiện nói:

      - Anh có giải pháp làm em an tâm đây. Hãy cho anh ba năm tập sự làm chồng. Cuối kỳ thi tuyển đỗ đạt mới OK! Trải nghiệm ấy sẽ làm em tin.

                                                         *

      Thấm thoát đã bốn năm Hồng từ giã cõi đời này. Hôm nay là ngày giỗ lần thứ tư. Hai người đàn bà góa tự hào là mình đã vượt qua một chặng đường đầy gian khó. Trước di ảnh Hồng khói hương bay bảng lảng, hai người đàn bà góa một già một trẻ vỗ về vai nhau, vui mà nước mắt rưng rưng không nói nên lời.

      Trong cuộc sống, có những nơi suốt đời ta mãi mãi không muốn quay lại. Có những người ta mãi mãi không muốn nghĩ tới. Có những số điện thoại ta chỉ muốn mãi mãi xóa đi. Có những việc ta tưởng chừng quên từ lâu không ngờ nó lại ảnh hưởng đến ta cả cuộc đời. Như không còn cách nào khác phải không?

      Có tiếng chuông cửa. Bà mẹ chồng ngơ ngác. Con dâu cười nói:

      - Con mời bác Sửu và anh Thiện!

      - Sao con làm thế?

      - Họ chẳng gắn bó với chúng ta bốn năm qua sao? Đâu phải là người ngoài?

      - Nhưng, không có đàn ông thì đâu có sao?

      Con dâu nhìn mẹ chồng, nháy nháy mắt:

      - Nhưng, có thì vui hơn chứ mẹ?

      Bữa ấy, thật lâu rồi, cái gia đình bé nhỏ mới có lại buổi sum họp vui vầy. Bầy trẻ líu lô gọi ông, gọi bà, gọi mẹ, và gọi chú Thiện không chút lạ xa. Ông Sửu chậm chạp nói:

      - Bà ạ. Hồng tuy nó ở xa chúng ta, nhưng nó thấy gia đình đầm ấm thế này nó vui lắm đấy. Chúng ta đang sống cho người đã khuất! Tôi nói không sai chứ?

      Không phải hai người đàn bà góa này không khi nào nghĩ tới đàn ông. Đàn ông là bờ vai cho đàn bà tỳ gục cả khi buồn lẫn khi vui. Là bức tường chở che khi trời giông bão. Cả hai người đàn bà có điểm chung trong suy nghĩ: Tái hôn là đối mặt với nhiều khó khăn. Nhưng khó khăn của mỗi người mỗi khác. Người mẹ già đơn giản hơn thì nghĩ “Ta phải làm sao đây khi ta lúc nào cũng coi con dâu và cháu là quan trọng nhất?” Còn con dâu lại nghĩ: “Giành thời gian cho con, anh ấy hờn dỗi. Giành thời gian cho anh ấy, các con buồn. Ta biết làm sao giữa anh ấy và các con? Khi con cái không còn thích mẹ mình, thì nó không muốn giống mẹ mình nữa!” Nhưng anh ấy  nói cũng đúng: “Không có khó khăn sao gọi là cuộc sống?” Cuộc sống là phức tạp. Vấn đề không phải là giải quyết mà là lựa chọn. Đặt ra những giả thiết để lựa chọn.

      Tan bữa. Khách về. Ba đứa trẻ vào phòng chúng ngủ. Chỉ còn lại hai người đàn bà góa trong phòng khách. Người mẹ chồng hỏi con dâu:

      - Con nghĩ sao. Về họ ấy?

      - Họ đang chờ ý kiến mẹ con ta.

      Bà mẹ tần ngần. Thở dài. Nói như nói với chính mình:

      - Sống một mình đã lâu nên thấy không thoải mái trong dạ. Ấy là mẹ nghĩ cho con cho cháu. Lo lo là.

      - Mẹ làm con cảm động. Sao lại có người mẹ chồng tốt như vậy chứ?

      Rồi Hạnh ghé đầu gối lên vai người mẹ. Cô rủ rỉ thẽ thọt, như ta nghe tiếng giọt tranh nhỏ trong đêm khi cơn mưa đã tạnh. Rằng mẹ ơi, mỗi chặng đường ta qua đều ghi dấu ấn một con người. Chồng con và cũng là con trai mẹ đấy. Con trai mẹ đã cho mẹ con mình sự dũng cảm leo lên được ngọn núi cao giá lạnh để hái một đóa tuyết liên. Ta không thể sầu não mãi cho thân phận mình. Nó chẳng đem lại điều gì tốt lành cho ba đứa cháu của mẹ. Con cầm chắc hy vọng các cháu mẹ sẽ tiếp tục nhận được nhiều yêu thương hơn từ một gia đình lớn hơn bây giờ. Con tin bác Sửu. Con tin anh Thiện. Bốn năm qua họ đã gầy dựng được niềm tin ấy trong con. Mẹ ơi! Từ khi sinh ra mỗi người có một cuộc sống một số phận khác nhau. Hầu hết các trường hợp chúng ta đều có thể nỗ lực để thay đổi cuộc đời mình tốt đẹp hơn. Bác Sửu nói đúng: “Chúng ta không thể đổi được những quân bài đã chia. Nhưng chúng ta có thể đổi cách chơi những quân bài đó!”. Mẹ ơi! Chúng ta đừng nói những lời mang dáng dấp của tuyệt vọng hoặc bi quan. Mẹ con mình hãy chắp cánh những ước mơ cho ba đứa trẻ, cho chính mình, và cho cả những người khác nữa! Chỉ khi ta làm chủ được cuộc sống của mình, luật nhân quả sẽ làm nốt phần còn lại. Chúng ta cùng là những người tốt mà mẹ!

      Hai người đàn bà góa một già một trẻ ôm nhau vừa khóc vừa cười sặc sụa. Cứ như bệnh thần kinh. Họ đã hiểu nhau, không né tránh và cũng không buông xuôi mình nữa.

      Họ quyết định không thể cứ âm thầm dặm lợp lại mái dột tâm hồn. Mà truyền cảm hứng cho nhau vươn lên làm mới lại cuộc đời. Con sư tử bị thương vẫn muốn gầm gào đấy thôi.

 

                                                                           11 - 2010