/Cỏn con một sợi lông mày. Mà đem cột trái đất này vào anh/ Thơ Trần Mạnh Hảo

VIDEO

HỖ TRỢ

QUẢNG CÁO

LỊCH

LIÊN KẾT

văn xuôi

Ghi chép: "Những tiếng hát bay qua đầu sóng"

Nhưng ký ức sôi nổi và cảm động về chuyến “lưu diễn” đặc biệt trên biển đảo Trường Sa sẽ còn thổi mãi trong lòng mỗi nghệ sỹ...

Ghi chép: "Những tiếng hát bay qua đầu sóng"

Nguyễn Quang Hưng



      Hát bên nhau, rồi lưu số điện thoại, cho địa chỉ email, facebook, để giao lưu, và hẹn dịp nào về bờ sẽ gặp lại. Có thể tình bạn chân thành giữa những người trẻ sẽ được nhen nhóm, tiếp nối. Có thể đời sống trên đất liền mang nhiều điều khác với những “giấc mơ” hồn nhiên vừa trải qua trên đảo. Nhưng ký ức sôi nổi và cảm động về chuyến “lưu diễn” đặc biệt trên biển đảo Trường Sa sẽ còn thổi mãi trong lòng mỗi nghệ sỹ khi một lần đến cùng ngày, cùng đêm, cùng gió mây, trời nước và chiến sỹ nơi này.

1. Đảo nổi như Sơn Ca, Sinh Tồn, Trường Sa lớn… thì có sân khấu, có khuôn viên. Các nghệ sỹ hát phục vụ bộ đội dưới chân cột chủ quyền, dưới những tán cây rợp xanh. Diễn buổi tối có dàn đèn. Đêm văn nghệ, Trung tá đảo trưởng Sơn Ca Đỗ Thế Tuyến phấn khởi chạy qua chạy lại, “phát” cho anh em những bông hoa cúc nhỏ đã “bớt” tươi. “Niềm hâm mộ” của đảo quá đỗi mộc mạc, không thể lộng lẫy hoa hồng hoa ly từng bó lớn như phố phường được! Nhưng bao nhiêu điều thân mật chưa nói thành lời đã tràn ngập những người trẻ tuổi khi vừa mới gặp.

Lính trẻ các đảo xem văn công hát múa, thi nhau làm sóng, rồi nửa… ngượng ngập, nửa hào hứng thay nhau lên tặng hoa. Đến những bài nhạc nhảy sôi động, nhiều anh em ào lên nhảy múa. Xem càng thấy lính đảo bây giờ có “chất” và còn… “máu lửa” nữa. Những động tác khiêu vũ, những màn nhảy hiphop tưng bừng, bật san tô, “cắm” đầu xuống đất xoay chẳng kém ai, lại múa côn, đi quyền… rất mạnh mẽ theo tiếng nhạc tưng bừng. Đảo nổi nào cũng có đội văn nghệ. Nhiều đồng chí giọng rất tốt, phong thái biểu diễn đĩnh đạc. Những màn song ca giữa người ở đảo với người lên đảo nhanh chóng được thiết kế, “trình làng” và đón nhận những tràng pháo tay vang dội.

Hát cùng chiến sỹ trên đảo Đá Thị

Trong màu đen quánh lại, phía ngoài mép đảo, nơi sóng và bóng đêm dào lên không ngừng, những người lính vẫn khoác súng đứng im lặng. Từ trong đảo hắt ra ánh đèn, vẳng lên tiếng nhạc, tiếng hát và tiếng hò reo. Không ngừng canh gác, họ chỉ được nghe cuộc vui từ vị trí của mình.

Vào các đảo chìm như Đá Nam, Đá Thị…, “chiếu biểu diễn” nhanh chóng được trải ra trên “ban công” để các “ca sỹ đất liền” và “ca sỹ đảo” cùng ngồi xen kẽ, tay trong tay hát cho nhau nghe. Vừa hát vừa lấy tinh thần xung phong, văn công hát, rồi lính đảo hát, rồi lại nắm tay nhau khiêu vũ. Những chương trình như thế được thiết kế và thực hiện rất nhanh với cây ghita hoặc organ đeo sẵn trên vai nhạc công.

Lên nhà giàn thì khó khăn hơn, organ thành ra cồng kềnh và nặng, ghita tỏ ra tiện dụng. Nhà giàn DK1-17 chơ vơ giữa biển, sóng dập mạnh, xuồng nghiêng ngả, nhô lên, chúi xuống, phải dừng người xuống xuồng để đảm bảo an toàn. Không vào nhà giàn được, ca sỹ kéo nhau lên buồng lái tàu, hát qua máy bộ đàm cho chiến sỹ nhà giàn nghe. Người hát cố gắng để giọng không bị run rẩy. Những người bên cạnh, nước mắt vòng quanh. Đến lượt chiến sỹ nhà giàn hát tặng ca sỹ, hát được nửa chừng cũng nghẹn lại. Chỉ nghe thấy tiếng người mà không được bắt tay, quàng vai trò chuyện. Cả hai đằng ra lan can tàu, lan can nhà giàn giơ tay vẫy, cũng không nhìn rõ mặt. Đến nhà giàn DK1-2 thì khắc phục sóng to, văn công được lên. Nghệ sỹ trẻ Thu Mến của Nhà hát nghệ thuật truyền thống Khánh Hòa, vừa leo lên cầu thang nhà giàn, nhìn sóng biển ầm ào dưới chân, nhìn căn phòng hẹp và những cây rau trong thùng xốp đã nghẹn lời.

2. Những buổi biểu diễn hứng khởi và nặng lòng như thế đã trở nên thường xuyên hơn, theo những chuyến tàu ra thăm, tặng quà, kiểm tra công tác ngoài đảo. Hải trình không còn nhọc nhằn như trước, dù nắng gió vẫn khiến người ta cháy sạm da, và sóng khi bất thường càng gây nôn nao, ngày càng nhiều nghệ sỹ, nhiều đoàn nghệ thuật, đội văn công xung kích hăng hái lên đường phục vụ chiến sỹ. Kịch, chèo, ca múa nhạc…, nghệ sỹ từ nhiều vùng miền tụ về TP Hồ Chí Minh hoặc Khánh Hòa để xuống tàu lên đường. Với các nghệ sỹ ở Khánh Hòa thì đây đã là nhiệm vụ thường niên, thường trực. Ra Trường Sa ba chuyến trong ba năm liền, mỗi lần đi là một cuộc trải nghiệm mới mẻ của ca sỹ Đặng Hiếu - Đoàn ca múa nhạc Hải Đăng – Khánh Hòa. Vì mỗi lần lại được đi một tuyến đảo khác, mà mỗi đảo lại có những nét riêng, những cái tên con người cụ thể. Dồn nén lại những gì được thấy, được nghe, cứ bước lên dẫn chương trình hay đến tiết mục của mình, Hiếu lại thấy cần phải hết lòng, hết sức, và chỉ sợ chưa được hết mình. “Đến với chiến sỹ, với đảo, không có gì được phép gọi là khách sáo cả!”, nam ca sỹ tâm sự: “Chiến sỹ rất cần tình cảm và tình yêu thương chân thành. Chúng mình mong đóng góp một phần nào đó vào sự thiếu thốn của các bạn ấy. Họ làm được những điều mà nhiều người không làm được đâu!”.

Đêm văn nghệ trên đảo Sơn Ca

Ít người biết, ước mơ lên đường thì có vẻ dễ dàng, nhưng để được ra khơi một chuyến, không phải cứ muốn là được, dù nhiều người tự nguyện làm đơn. Để đi biển được, còn phải xét các yếu tố năng lực, tuổi tác, sức khỏe… Thế nên đạo diễn Vũ Tiến Thêm – Giám đốc Nhà hát nghệ thuật truyền thống Khánh Hòa, vừa rồi trước tuổi… hưu, rất muốn được trực tiếp đến với lính đảo, nhìn thấy các em, các cháu, tay bắt mặt mừng và nghe kể về cuộc sống, về nhiệm vụ của chiến sỹ hải quân, tận mắt thấy anh em vất vả thế nào, nhưng cũng không được. Hai nữ nghệ sỹ Ái Ly và Thu Mến của nhà hát thì “thật lòng vinh dự” được đi, được ca bài chòi cho chiến sỹ nghe, trên đường về cảm thấy vẫn muốn lại có cơ hội trở lại. Chị Ái Ly đã 26 năm theo nghề diễn, cứ bồi hồi, gặp các em chiến sỹ, thấy thương lắm, thấy mình chỉ là hạt cát thôi! Nếu mình được phân công ra làm việc ở nơi nắng gió khắc nghiệt như ngoài đảo, liệu mình gánh nổi bao nhiêu ngày! Vậy mà các em vẫn chịu đựng hàng tháng, hàng năm. Với nữ diễn viên Thu Mến, vốn người Hải Dương, vào Khánh Hòa lập nghiệp, đến với các đảo lại có những cảm nhận khác nhau, nhưng lần nào bước lên hay rời đảo, cũng thấy trong mình xôn xao lắm! “Lần đầu tiên được lên nhà giàn, khi từ trèo thang từ tàu xuống xuồng, em cảm thấy nếu bây giờ nhỡ mình có làm sao cũng không tiếc gì! Vì những gì mình làm không thể so với sự vất vả của người lính được. Mỗi khi gặp các chiến sỹ, thì trong tình cảm, trong lời ca, có gì là em cứ lột tả hết, không ém lại, không ngại ngần điều gì”.

3. Lênh đênh trên biển cả chục ngày, cứ lên đảo giao lưu, biểu diễn, rồi lại xuống tàu đến điểm đảo mới, thanh niên cũng không khỏi oải người. Nhưng nếu có cơ hội ra khơi nữa thì có dám nữa không, Thiên Hương – Sinh viên năm thứ nhất Trường cao đẳng văn hóa, nghệ thuật, du lịch Khánh Hòa nói: “Em không những sẵn sàng mà còn xung phong”! Với nữ sinh viên vừa 20 tuổi, chuyến biểu diễn theo đoàn công tác số 8 của tỉnh Khánh Hòa và Bộ Tư lệnh hải quân từ 28-4 đến 7-5 là một may mắn, bởi em còn đang đi học, nhưng là cộng tác viên của đoàn Hải Đăng nên được “ưu tiên”, nhất là nhờ giọng hát khỏe khoắn, phong cách biểu diễn rất hòa đồng. Bao nhiêu cảm xúc còn theo Thiên Hương khi lên tàu về với đất liền. “Không phải ai cũng dược đi, mà em lại may mắn, nên đó là một phần động lực cho em diễn thật “sung” mỗi lần vào đảo. Rồi lại có niềm hạnh phúc hát cho các chiến sỹ nghe mà đa phần cùng ở lứa tuổi như mình, nên em lấy hết những tình cảm mình có để diễn cho “máu lửa”. Bây giờ là em đã lại thấy tiếc rồi!”.

Ca sỹ và chiến sỹ cùng biểu diễn trên đảo Sinh Tồn

Nguyễn Lê Xuân Nhi, diễn viên múa rất trẻ của Hải Đăng, mới vào đoàn hai tháng, cũng được nhập đội văn công xung kích đi Trường Sa. Diễn trên bờ là chuyện phổ biến, thông thường, như mình vẫn đi sô đó thôi! Về những vùng quê diễn thì có đặc biệt hơn về mặt tình cảm, vì khán giả nông thôn chưa có điều kiện thưởng thức nhiều. Nhưng dù sao đời sống và mọi điều kiện ở trong đó, cũng đầy đủ hơn. “Còn ở ngoài đảo thì có cảm giác lạ lắm! Cả chiến sỹ và ca sỹ cũng hồn nhiên, dễ thương, như người thân từ lâu, dù mới gặp chỉ vài tiếng. Lúc ở trên tàu, em không say sóng mà bước lên đảo lại bị say đất. Nhưng rồi gặp gỡ, thấy bịn rịn như thế, lại không mệt nữa, thấy cái mệt của mình chỉ nhỏ xíu thôi!”. Còn Nguyễn Ngọc Bích Huyền vừa là vũ công, vừa là ca sỹ của Hải Đăng, ra Trường Sa lần này, Huyền cũng thể hiện hết mình sự “đa năng” với những bài múa Chăm, múa Tây Nguyên, múa đề tài dân gian Khánh Hòa và những ca khúc nhạc nhảy cuồng nhiệt. Huyền cũng bất ngờ về sự đa tài của các chiến sỹ: “Bình thường em cũng hay đi hát, nhưng cảm xúc không giống ở đảo. Ở đất liền có thể chỉ múa, nhảy minh họa đơn thuần, nhưng ở đây, mấy anh nhảy hiphop, múa võ, khiêu vũ… vui quá! Không chỉ em mà còn cả các anh chiến sỹ nữa, cùng cộng hưởng, làm cho tiết mục thành công”. Huyền cũng còn tiếc, bởi không chỉ biểu diễn đâu, mà còn muốn ngồi nói chuyện, tâm sự, trao gửi chút tình cảm đất liền, để mọi người quấn quýt hơn nữa, nhưng thời gian ngắn quá!

      Hát bên nhau, rồi lưu số điện thoại, cho địa chỉ email, facebook, để giao lưu, và hẹn dịp nào về bờ sẽ gặp lại. Có thể tình bạn chân thành giữa những người trẻ sẽ được nhen nhóm, tiếp nối. Có thể đời sống trên đất liền mang nhiều điều khác với những “giấc mơ” hồn nhiên vừa trải qua trên đảo. Nhưng ký ức sôi nổi và cảm động về chuyến “lưu diễn” đặc biệt trên biển đảo Trường Sa sẽ còn thổi mãi trong lòng mỗi nghệ sỹ khi một lần đến cùng ngày, cùng đêm, cùng gió mây, trời nước và chiến sỹ nơi này.
Theo hoinhavanvn