/Cỏn con một sợi lông mày. Mà đem cột trái đất này vào anh/ Thơ Trần Mạnh Hảo

VIDEO

HỖ TRỢ

QUẢNG CÁO

LỊCH

LIÊN KẾT

văn xuôi

ĐẤNG CHÂN PHƯỚC VÀ BÚP BÊ NGA HUYỀN THOẠI

Mặc dù Matryoshka - búp bê gỗ lồng của Nga - đã nổi tiếng trên toàn cầu nhưng rất khó để có thể tìm ra được một cuốn sách viết cặn kẽ nguồn gốc và lịch sử về hiện tượng kỳ thú này.

ĐẤNG CHÂN PHƯỚC VÀ BÚP BÊ NGA HUYỀN THOẠI

Bút ký của KHIẾU QUANG BẢO

 

      Cố hình dung ra một làng cổ Nga trong bạt ngàn rừng bạch dương âm u xanh ngắt mà không tưởng tượng nổi, chỉ hiển hiện trước mắt tôi là một Sergiev Posad tráng lệ đa sắc màu và đẹp mỹ miều, nhộn nhịp người hành hương và khách du lịch từ nhiều quốc gia tới, một thành phố trung tâm hành chính quận Sergievo Pozadsky Nga, cách Thủ đô Moscow 70 ki-lô-mét hướng đông bắc, nơi tọa lạc Đại tu viện Chính thống giáo đáng kính Troytse-Sergieva Lavra. Ba từ “Chính thống giáo” khiến tôi nhớ tới V.Putin.

      Nhớ rằng, sau cuộc họp báo quốc tế xôn xao dư luận Thế giới vào năm cuối cùng sau hai nhiệm kỳ đầu tiên làm Tổng thống Nga, V.Putin có một thông điệp hào hùng của người đứng đầu Nhà nước. Các nhà báo đã có cuộc “giải mã" các tố chất đáng nể của V.Putin trong đó có giải mã “ẩn số tín ngưỡng”. Rất thú vị, rằng, Tổng thống V.Putin qua các lần tham gia hành lễ ở nhà thờ Cơ đốc giáo (Chính thống giáo) “cử chỉ tự nhiên thể hiện sự thành tâm”. Trong các phát biểu, ông nhấn mạnh “các giá trị đa tôn giáo ở Nga”, “người dân cảm nhận niềm tin tôn giáo trong ông là chân thật”. Và, “ông đến nhà thờ là nhiệm vụ của người lãnh đạo Nhà nước chăm lo đến tôn giáo chứ không phải là để lên truyền hình”.
.
 
Cửa hàng bán búp bê

      Vâng. Thánh địa Sergiev Posad  là vị trí truyền thống tổ chức các Hội thánh của Chính thống giáo Nga, diễn ra các cuộc bầu chọn Đức Thượng phụ đứng đầu Giáo hội, một trong những tu viện lớn nhất của Nga Lavra Thiên Chúa Ba Ngôi, một Di sản Thế giới UNESCO từ năm 1993. Nó được thành lập bởi St.Sergius của Radonezh  năm 1742. Như tên của thị trấn ám chỉ đến St.Sergius một tôn giáo mạnh mẽ. Chính quyền Xô-viết thay đổi đầu tiên thành Sergiev vào năm 1919, và sau đó thànhZagorskvào năm 1930 theo nhà cách mạng Zagrsky.

      Sergiev Posad là thị trấn cổ của Nga, quê hương của vị Chân phước Sergyi Radonezhsky, hiện là một trong những điểm du lịch nổi bật thu hút nhiều khách tham quan trong và ngoài nước. Sergiev Posad có quy chế thị trấn vào đầu thế kỷ XVIII khi một số làng cổ gần Tu viện sáp nhập thành một khu định cư thống nhất dưới tên gọi Posad. Từ Sergiev là danh tính đấng Chân phước Sergyi Radonezhsky, một thánh nhân cao cả của Cơ đốc giáo Nga. Cách không xa tu viện có thôn Radonezh, nơi trải qua thời thơ ấu của đấng chân tu với tên khai sinh là Varfolomei. Người tu sĩ trẻ 20 tuổi đời với đức tin không gì lay chuyển nổi lặng lẽ vào rừng lập lán ở ẩn dựng ngôi nhà thờ gỗ nhỏ vinh danh Thiên Chúa Ba Ngôi. Vị trí ngày nay của nhà thờ lớn Thiên Chúa Ba Ngôi trong khuôn viên Lavra, là nơi người bắt đầu một đời sống khổ hạnh với sự lao động cần cù và chú tâm cầu nguyện. Dần có thêm các nhà tu hành tìm tới và dựng lều ẩn dật bên đấng Chân Phước. Khi có khoảng 12.000 người thì nơi hẻo lánh này đã biến thành một tu viện. Danh tiếng của nhà tu hành đức độ như người đương thời truyền tụng có khả năng bằng những lời lẽ giản dị gieo vào lòng giáo hữu niềm tin chân lý và xoa dịu những nỗi đau, đã vang xa khắp xứ Nga cổ. Hiển nhiên đối với bất kỳ người Nga, đấng Chân Phước Sergyi Radonezhsky là một vị thánh hiền, hiện thân của tấm gương tiêu biểu cho sự chân tu và thánh thiện của Chính thống giáo Nga.

      Giáo đường Thiên Chúa Ba Ngôi có giá trị lớn lao không chỉ về mặt tôn giáo mà còn có cả ý nghĩa nghệ thuật. Về kiến trúc nó khác biệt kiến trúc gothic tháp nhọn ở châu Âu, mà là kiến trúc baroque Nga đầu thế kỷ XVI kết hợp với phong cách kiến trúc byzantine của các nhà thờ Hy Lạp, tân cổ điển muộn. Các tòa tháp mái vòm kiến trúc hình nấm cùng đứng chung trên một nền, được trang trí cầu kỳ cổ kính với màu sắc phối hài hòa xanh lá cây, xanh nước biển, đỏ huyết dụ và đen trắng. Nó làm nên phong cách kiến trúc thánh đường Chính thống giáo Nga, không lẫn với nơi đâu, độc nhất vô nhị.
.

Nhà thờ Sergiev Posad 

      Tham gia dựng các bích họa trên vách tường giáo đường có những họa sĩ vẽ tranh thánh nổi tiếng được lưu danh cho tới ngày nay như Andrei Rubliov, người đã viết cho thánh trướng của giáo đường bức ảnh tượng thiêng liêng Thiên Chúa Ba Ngôi. Ngày nay một trong những kiệt tác ảnh tượng vô giá tiêu biểu cho hội họa tôn giáo của Nga được trưng bày tại Gallery tranh Tretyakov ởMoscow. Bức thánh trướng hiện ở giáo đường Sergiev Posad là một bản sao. Hiện tại tu viện Chính thống giáo Nga Sergiev Posad luôn có khoảng 800 tu sĩ và chủng sinh. Năm 2014 thành phố Sergiev Posad và cả nước Nga đã tổ chức kỷ niệm long trọng 700 năm ngày sinh của đấng Chân Phước Sergyi Radonezhsky – tấm gương chân tu của Chính thống giáo Nga.

      Thật bất ngờ Sergiev Posad lại còn là nơi xuất xứ của con búp bê lồng Matryoshka do nghệ sĩ Sergei Mliutin và người thợ tiện Vassiliy Zviozdochkin làm ra đầu tiên. Nó khởi đầu cho nghệ thuật và nghề thủ công hưng thịnh trong các thị trấn và các làng mạc của những người sống quanh tu viện.

      Loại Matryoshka tính cách đầu tiên là loại búp bêGobi. Một nguyên mẫu nổi tiếng cũng đã được ra đời vào thời gian này. Những Matryoshka còn mô tả một gia đình với những đứa trẻ cùng các thành viên trong nhà. Số khác lại thể hiện những đề tài lịch sử, chúng mô tả về những Boyar, tức là những người quý tộc xưa của Nga, về những chiến binh anh hùng trong truyền thuyết. Các loại Matryoshka ở Sergiev Posad thường có từ 2 đến 24 con lồng vào nhau. Nhưng các loại búp bê lồng nổi tiếng nhất vẫn là những loại có 3 - 8 và 12 phần. Vào năm 1913 một loại búp bê lồng có tới 48 phần do N. Bulichev làm ra và được trưng bày tại cuộc triển lãm đồ chơi ở St.Petersburg. Sự phát triển của Matryoshka phụ thuộc nhiều ở kỹ năng của những người thợ tiện. Người thợ có kỹ năng cao tiện được các loại Matryoshka với đường kính rất nhỏ, có tính chất nghệ thuật đặc biệt. Hình như nước sơn bên ngoài chỉ là thứ yếu, các nghệ sĩ chuyên nghiệp thường không mấy cẩn trọng về vấn đề sơn vẽ. Ở đây có một số Matryoshka mang nghệ thuật châm biếm hiện vẫn còn được lưu giữ trong bảo tàng điền trang Polenovo.

      Ở Sergiev Posad có nhiều phân xưởng chế tác Matryoshka theo các phong cách riêng biệt. Người thợ thủ công có tay nghề cao thường tự tạo ra các phong cách Matryoshka của riêng họ. Nghệ thuật truyền thống dân gian Nga vốn rất coi trọng sáng tạo. Tầng văn hóa dân gian lớn nên Matryoshka ở Sergiev Posad tiếp tục tồn tại, thậm chí chỉ đứng sau phong cách Nga. Các họa sĩ hình tường của Sergiev Posad đã đóng góp rất nhiều các kiểu dáng tượng hình về Matryoshka. Thuyết hình người dù theo những cách diễn đạt khác, nó vẫn tương đồng với con người hiện nay của những con búp bê tách rời Nga, và nó trở thành sự mở rộng của nghệ thuật truyền thống Nga cổ. Mối liên quan của một vài kiểu dáng Matryoshka ban đầu ở Sergiev Posad với truyền thống của trường hội họa hình tường địa phương là rất vững chắc về phong cách nghệ thuật và ảo ảnh. Cùng với những hình tường Matryoshka nó cũng được thể hiện tô vẽ trong thị trường hội họa hình tường ở Sergiev Posad. Matryoshka của Nga có lẽ là quà tặng lưu niệm phổ biến nhất cho mỗi người khi đặt chân lên đất nước Nga.

      Không chỉ nổi tiếng ở Nga, Matryoshka còn được mọi người trên toàn thế giới biết đến từ lâu. Tại các cuộc triển lãm, hội chợ, festival lớn trên thế giới, sự có mặt những con Matryoshka vui vẻ, ngộ nghĩnh đến từ nước Nga đều làm người xem ngạc nhiên và thích thú bằng chính cái vẻ rất Nga của nó. Dường như là Matryoshka bước ra từ những huyền thoại, những câu chuyện cổ tích xa xưa. Song trên thực tế con búp bê gỗ này của Nga mới được trên dưới 200 tuổi. Kể từ khi Matryoshka ra đời đã có rất nhiều giả thuyết về nó. Một trong những giả thuyết có tính thuyết phục cao, đó là hình tượng Matryoshka được làm giống với những quả trứng được trang điểm trong ngày lễ Phục Sinh và được các người thợ thủ công Nga sáng tạo ra các chi tiết mới. Người ta cũng đã có một lý giải khác, là một dạng đồ chơi tương tự cũng đã có ở Nhật Bản có hình một ông già hiền lành tóc bạc tên là Daroma ở Fukuruma gồm 5 hình được sắp xếp theo trật tự hình nhỏ ở trong hình lớn bên ngoài. Theo giả thuyết này thì họa sĩ Nga Sergei Maliutin một lần có được trong tay cả những quả trứng Phục Sinh của Nga và con búp bê trên của Nhật. Hai đồ chơi từ hai quốc gia khác nhau đã làm nảy sinh trong đầu họa sĩ một ý tưởng. Ông lập tức phác họa ra giấy hình con búp bê ngộ nghĩnh, sau đó làm một con nữa, một con nữa. Cũng bằng cách đó mà con búp bê hình cô gái Nga trong bộ áo truyền thống sarafan trên tay bế chú gà trống màu đen xuất hiện. Trong con búp bê này còn có 7 con nữa nhỏ hơn. Con thứ 8 - con cuối cùng là hình ảnh một cậu bé. Một ai đó khi nhìn thấy con búp bê ngộ nghĩnh ấy đã thốt lên: “Ồ trong thật giống Matryona!”. Và thế là cô gái búp bê đó liền được đặt tên là “Matryona”, hay gọi thân mật là “Matryoshka”, hoặc “Matryseka”.

      Matryoshka làm từ gỗ bạch dương hoặc gỗ cây lita. Con Matryoshka nhỏ nhất luôn được làm trước tiên, sau đó mới đến các con khác lớn hơn. Sau đó các con Matryoshka được chuyển đến tay các họa sĩ và được trang trí áo sarafan, được đội khăn, mặc tạp dề, bê rỏ đựng hoa. Gương mặt mỗi con Matryoshka được vẽ theo một kiểu khác nhau, có gương mặt buồn, trầm tư, nghiêm khắc hoặc vui vẻ. Có lẽ điều hấp dẫn nhất trong mỗi con Matryoshka bằng gỗ này chính là tính biểu cảm trên mỗi gương mặt. Nhìn vào mỗi con Matryoshka ta có thể cảm nhận một tình cảm nhẹ nhàng của màu sắc cùng nghệ thuật trình bày điêu luyện của các họa sĩ.

      Ngoài đề tài gia đình, búp bê Matryoshka cũng được tính toán trên những mức độ thông thái và trình độ học vấn. Như nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn N.V.Gogol, những con búp bê Matryoshka miêu tả các nhân vật trong các tác phẩm của ông đã ra mắt đông đảo công chúng. Đó là các nhân vật trong vở hài kịch “Viên thanh tra” gồm có Khlestatov, Cư dân thành phố, Quan tòa, Ông giám đốc bưu điện cùng nhiều nhân vật khác. Hay nhân kỷ niệm 100 năm trận đánh Borodino, những búp bê mang hình tượng Kutuzov ( Tướng Nga) và Napoléon (Hoàng đế Pháp) trong Thế chiến I cũng đã được thể hiện. Bên trong những con búp bê này là những hình ảnh nhỏ dần của các chiến hữu, thành viên ban tham mưu của hai vị tướng tài ba, cùng những người tham dự trận chiến lịch sử. Còn rất nhiều các búp bê thể hiện các nghi thức cũng như các tác phẩm văn học dân gian. Và tôi đã gặp trong chuyến đi này, những Matryoshka về các chính khách nổi tiếng như Tổng thống  Nga Vladimir Putin, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Francois Hollande, bộ ba quyền lực đang nỗ lực “giải quyết” vấn đề Ucraina, cũng được chế tác rất sinh động.

      Nghề làm búp bê gỗ đã mang lại công ăn việc làm cho nhiều ngôi làng, đặc biệt là mang lại ngành nghề cho nhiều phụ nữ trên khắp đất nước Nga. Đầu thế kỷ XX búp bê Matryoshka được xuất khẩu đại trà ra nước ngoài. Các hình vẽ trên Matryoshka do đó cũng đẹp hơn và đa dạng hơn. Người ta nghĩ đến các dự án đầu tư mở rộng cơ sở sản xuất vượt ra ngoài biên giới của Sergiev Posad, tới vùng Semenovsky thuộc tỉnh Nizhegorod. Búp bê tại vùng mới này bao gồm cả những nét giống và cả những nét hoàn toàn khác với búp bê tại Sergiev Posad. Nếu như búp bê Matryoshka làm ở Sergiev Posad là những cô gái mũm mĩm và tròn trịa đầy đặn, thì ở các xưởng thủ công tại Semenovsky có thân hình cân đối và thon thả hơn, miêu tả người thiếu nữ xinh đẹp và lanh lợi.

      Mang một nét văn hóa điển hình được nhiều nơi đón nhận, búp bê Matryoshka Nga tuy chỉ mang vóc dáng một món đồ chơi nhỏ của trẻ em, nhưng ngày nay nó đã được phổ biến trên toàn thế giới như một nét văn hóa đặc trưng của Nga. Ví như ở Việt Namta với cách gọi “Búp bê Nga” có lẽ ta cũng phần nào thấy được tầm ảnh hưởng của Matryoshka trong đời sống văn hóa và tinh thần mang tính đại diện cho một đất nước Nga.

      Mặc dù Matryoshka - búp bê gỗ lồng của Nga - đã nổi tiếng trên toàn cầu nhưng rất khó để có thể tìm ra được một cuốn sách viết cặn kẽ nguồn gốc và lịch sử về hiện tượng kỳ thú này. Nếu ghé xem những địa chỉ chuyên chỉ dẫn về đồ lưu niệm của Nga thì mọi người sẽ thấy tất cả những câu chuyện nói về Matryoshka là không hoàn toàn giống nhau mỗi nơi chỉ dẫn một kiểu, lý do là các tác giả của những bài viết này hầu như thiếu những tài liệu xác đáng. Và có lẽ, tôi cũng nằm trong số đó chăng?

 KQB