VIDEO
Tin nóng
QUẢNG CÁO
LỊCH
LIÊN KẾT
văn xuôi
CÓ MỘT “BÌNH MINH” THUỞ ẤY
Đi giữa đất này, ngắm nhìn cùng tháng năm, dòng chảy, tôi thường lắng sâu, nghĩ về những đỉnh cao, những bình minh trên mảnh đất, thân yêu...
CÓ MỘT “BÌNH MINH” THUỞ ẤY
Bút ký của KIM CHUÔNG
Là cá thể thật mong manh, bé nhỏ đi giữa sự vận động của ba cõi càn khôn, đi giữa tháng năm này, tôi thường ngắm trông vũ trụ quanh mình và nghĩ. Cả trái đất chỉ có một mặt trời. Nhưng, mỗi châu lục, mỗi đất nước, quê hương, xứ sở, thậm chí mỗi cuộc đời riêng ai đó, họ cũng có riêng một mặt trời… Mặt trời riêng đời họ!…
Thật đúng vậy. Chỉ có điều, mặt trời ấy là gì? Bình minh ấy là gì? Với cái Riêng, với cái Chung trước sự thức dậy, sự tỏa rạng trong ý nghĩa lớn lao, trùm tỏa. Trong ý nghĩa dẫn đường, mở lối cho mảnh đất, cho tháng năm, cho thời đại, cho thế hệ, đời người…
Trên quê hương Vĩnh Bảo, Hải Phòng, mảnh đất nằm giữa ba dòng sông Luộc, sông Thái Bình và sông Hóa như nằm giữa ba dòng vọng vang và dào dạt của ba bài ca lớn.
Đất Vĩnh Bảo, với 29 dải làng, với mười chín vạn, một ngàn (191.000) trái tim yêu dấu(1)… Tự lịch sử ngàn xưa. Tự năm trăm năm trước, cách chúng ta tới nửa thiên niên kỷ xa dài, người dân ở đây đã mang niềm tự hào trước non sông, trước dân tộc Việt. Trước thế giới rộng lớn: Một Trạng Trình - Nguyễn Bỉnh Khiêm. Một “đại thụ” bao trùm cả thế kỷ mười sáu. Một người con. Một mặt trời của quê hương. Của đạo học. Của chiêm tinh học. Của thi ca, triết luận. Của khoa bảng, quan trường… Một ngôi sao. Một minh tinh làm rạng danh tên đất ...
Dọc lộ trình của một miền đất đai có chân dung, dáng vẻ mang tên Vĩnh Bảo ấy, Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đã làm nên vầng mặt trời đầu tiên, cao vọi. Bây giờ, giữa một vùng không gian của quê hương xã Lý Học, tượng đài Ông, “Bia đời trường tồn ” của đời Ông, còn uy nghiêm, lừng lững giữa mây trời.
Rồi, thế kỷ XX. Với Việt Nam, từ 1932 đến 1942, một thập kỷ, trong dòng chảy lịch sử văn học nước nhà bỗng dào lên bước ngoặt, bước phát lộ một trường phái, một dòng văn chương “hiện thực lãng mạn” mà Khái Hưng (tức Trần Khánh Giư, anh ruột của nhà văn Trần Tiêu) người đất Cổ Am, Vĩnh Bảo đã cùng nhóm “Tự lực văn đoàn” khai sáng, làm nên dấu ấn “vang bóng một thời”…
Hai điểm sáng mang hai đỉnh trên dặm dài mảnh đất với lịch sử “năm tháng tìm mình” trên quê hương Trạng Trình sẽ mãi còn với sử xanh, với năm tháng ngàn sau…
Với truyền thống cách mạng. Truyền thống yêu nước, đánh giặc, cứu nước. Một đỉnh cao nữa ở vị thế khơi nguồn này, Nguyễn Văn Ngọ, một lão thành cách mạng tiền bối, người Cộng sản đầu tiên của Vĩnh Bảo đã trở thành một trong những nhân vật lịch sử của cách mạng Việt Nam.
Ở đất này, Nguyễn Văn Ngọ đã hóa thành ngôi sao, là bình minh mang ý nghĩa dẫn đường.
Đấy là. Vào cuối thập kỷ thứ hai của thế kỷ thứ XX. Từ làng nhỏ Hạ Đồng của quê hương Cộng Hiền, Vĩnh Bảo chúng ta, Nguyễn Văn Ngọ, một sinh linh bé nhỏ, một con người như muôn vạn con người, nhưng lại có được tất cả sự hội tụ, sự thăng hoa, phát sáng. Để chính ông đã trở thành “một mặt trời” sơ khai, xa khuất. Mặt trời của những “bóng người lịch sử,” lặn lội trong đêm dài thế kỷ, quyết một lòng ra đi “tìm hình của nước.”
Cái vĩ đại của người chiến sĩ cách mạng Nguyễn Văn Ngọ là gì? Khi, ông chỉ là giáo dân ở một vùng quê nghèo trước cảnh sống tối tăm, cùng cực. Nhưng, cái khác người, cái phi thường ở ông là ánh sáng, là tri thức có được.
.
.
Có lẽ, ông là con một nhà nho yêu nước. Bởi vậy, trí tuệ đã đắp bồi và phát lộ trong ông từ những trang sách đã làm ông “mở mắt nhìn đời.” Từ buổi ông bước chân vào Trường Tư thục do Linh mục người Tây Ban Nha mở, những mong sau này Nguyễn Văn Ngọ sẽ được giáo huấn, sẽ trở thành Linh mục hay Lý trưởng ở làng. Rồi, buổi bước chân vào trường Bưởi Hà Nội, ngôi trường danh tiếng đệ nhất của nền giáo dục nước Nam thời đó.
Quả tình, không có tri thức, làm sao ai đó, lại có thể nhận biết được thế giới vạn vật? Làm sao lý giải, cắt nghĩa được cõi Người? Cõi càn khôn rộng lớn? Với bao nhiêu thế sự biến thiên kia?
Rõ ràng, là giáo dân, nhưng tri thức đã đem lại cho Nguyễn Văn Ngọ một chân trời nhận biết. Tri thức đã đem lại cho Người chiến sĩ cách mạng một tự thức, một lý tưởng, một khao khát cháy bỏng. Đấy là, “Yêu nước. Đánh giặc. Và, quyết đứng lên giành lấy nền tự do, độc lập cho Tổ quốc, quê hương. Giành lấy cơm no, áo ấm và hạnh phúc cho dân mình, cho những người cần lao thoát khỏi cảnh đói nghèo, nô lệ.”
Thế rồi, chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa dân tộc đã nâng dậy tầm nhìn cho người chiến sĩ cách mạng. Không còn cái hẹp trong quan niệm, trong quy vùng lương giáo, hay phân biệt các giai cấp, giai tầng xã hội, khi Tổ quốc đã thức dậy trong ông một mặt trời vẫy gọi.
Từ những năm 1925 – 1926, khi đang học ở Trường Pháp Việt Hải Dương, Nguyễn Văn Ngọ đã tham gia tổ chức lễ truy điệu nhà yêu nước Phan Chu Trinh. Làm Bí thư tổ chức yêu nước “Tâm tâm xã” do cụ Nguyễn Văn Tố làm giám đốc.
Từ ngọn lửa yêu nước được thắp lên tự trái tim mình, Nguyễn Văn Ngọ đã giác ngộ, vận động những người thân yêu trong làng xã, rồi cả năm anh em trong một gia đình ông đều chung lòng đi theo cách mạng.
Là “Người cùng thời,” từng gặp gỡ, làm việc với các nhân vật sau này trở thành những lãnh tụ tên tuổi của đất nước, như Trần Phú, Trường Chinh, Lê Duẩn, Lê Thanh Nghị, Ngô Gia Tự, Lương Khánh Thiện v.v… Năm 1927 Nguyễn Văn Ngọ bắt đầu tham gia hoạt động cách mạng, rồi đến tháng 8/1929 gia nhập Đảng cộng sản Việt Nam, từ năm 1930 Nguyễn Văn Ngọ là “Xứ ủy viên” trong Ban chấp hành Xứ ủy Bắc Kỳ. Là Chủ tịch Ủy Ban cách mạng lâm thời huyện Vĩnh Bảo ngay từ ngày cách mạng thành công (22/8/1945).
Trên mảnh đất Thái Bình quê lúa. Nguyễn Văn Ngọ đã hai lần gắn với đất này với tất cả máu xương và chiến công của đời người chiến sĩ cách mạng.
.
Bia mộ LS Nguyễn Văn Ngọ tại Nghĩa trang Bát Bảo Sơn - Bắc Kinh - TQ
Đó là, cuộc biểu tình vang động nhất trong lịch sử của những người nông dân Tiền Hải với đất nước. Câu ca “Tiếng trống năm ba mươi còn vọng mãi đến bây giờ…” là sự kiện gắn liền với cuộc đời chiến đấu của Nguyễn Văn Ngọ. Bởi, từ đầu năm 1930, Nguyễn Văn Ngọ được Xứ ủy Bắc Kỳ cử về Thái Bình và đảm nhiệm trọng trách với cương vị là Thường vụ Tỉnh ủy. Là một trong những lãnh đạo trực tiếp có công lớn trong phong trào nổi duyễn Văn Ngọ đã không còn nữa. Bởi, vết thương quá nặng. Bởi, tật bệnh hoành hành. Ông Ngọ được Trung ương Đảng đưa đi điều trị Quân y Viện 109 tại Bắc Kinh, nhưng cuối cùng chịu kết cục đau buồn, khi thuốc men cũng vô phương cứu chữa.
Bốn mươi năm, một nấm mồ đơn côi, thầm lặng, một nắm cỏ xanh rì nằm khuất xa nơi đất khách, Nguyễn Văn Ngọ, người chiến sĩ cách mạng ấy, “là thế nào và có gì…?” Ông Ngọ đâu có nửa lời than van, đòi hỏi?
Khi vợ ông, người thân yêu lúc tuổi cao, buổi nghỉ hưu (1972), đất nước nhà vẫn đang cơn khói lửa, binh đao, đánh Mỹ. Khi hai đứa con trai ông Ngọ đều sớm mất, chưa ai xây dựng gia đình. Khi bà Triệu Thị Đỉnh, người đàn bà sống một mình góa bụa trước gánh nặng của năm tháng, cõi người…
Vào tuổi gần chín mươi, những ngày yếu đau, gần đất xa trời, bà Đỉnh vẫn đau đáu niềm mong, đưa được di hài người chồng mình về nước. Và, khi Tổng Bí thư Đỗ Mười, người được bà Triệu Thị Đỉnh giới thiệu kết nạp Đảng vào năm 1939. Với tình cảm đồng chí, đồng đội thân yêu, Tổng Bí thư Đỗ Mười cùng Ban tổ chức Trung ương Đảng đã lo việc đưa hài cốt Nguyễn Văn Ngọ từ Nghĩa trang Liệt sỹ thành phố Bắc Kinh về nước.
Bấy giờ, trên bia dựng, ghi bằng hai tiếng Trung - Việt còn in nguyên dòng chữ trong nét khắc sâu đậm :
“Mộ Liệt sỹ Nguyễn Văn Ngọ
- Sinh 06 – 1906.
- Hy sinh 04 – 06 - 1954.”
Đại sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh cho biết. Hàng năm, vào dịp đón xuân mới. Ngày giỗ ông. Ngày thương binh liệt sỹ (27/7). Ngày quốc khánh đất nước (2/9))... Đại sứ quán Việt Nam, có lần, cả Bác Hồ, Tổng Bí thư Trường Chinh, Lê Duẩn…Những đoàn cấp cao của Đảng, Nhà nước và Chính phủ … Rồi, hàng trăm đoàn khách du lịch, hàng chục đoàn ngoại giao của Việt Nam khi đến Bắc Kinh, đều đến nghĩa trang đặt vòng hoa, thắp hương, kính viếng hương hồn Liệt sĩ Nguyễn Văn Ngọ.
Bây giờ, đã 22 năm, ông Ngọ đã về với quê hương, yên nghỉ nơi nghĩa trang Mai Dịch, Hà Nội (3/1994). Nhưng, điều bà Triệu thị Đỉnh còn đau đáu trong lòng, đó là, từ rất sớm, các tư liệu báo chí trong nước, nước ngoài đều viết về người chồng của bà, đều tôn vinh “Nguyễn Văn Ngọ, một Liệt sĩ, một chiến sĩ cách mạng tiền bối…” Song, đến tận hôm nay, gia đình bà cũng chưa có một tấm bằng “Tổ quốc ghi công.”
Bốn mươi chín năm, một đời người chiến sĩ cách mạng (1906 – 1954) . Nguyễn Văn Ngọ đi từ làng nhỏ Hạ Đồng, Vĩnh Bảo qua con đường chiến đấu, giành lại nền độc lập, tự do cho Tổ quốc… tới Bắc Kinh rồi quay về ngàn năm với “Đất Mẹ!”
Một chặng đường. Một đời người. Một tia nắng xa khuất...
Với Vĩnh bảo, quê hương, Nguyễn Văn Ngọ, Ông là một Mặt trời khai sinh. Người mở nguồn dòng chảy dài của truyền thống đấu tranh cách mạng.
Đi giữa đất này, ngắm nhìn cùng tháng năm, dòng chảy, tôi thường lắng sâu, nghĩ về những đỉnh cao, những bình minh trên mảnh đất, thân yêu...
Hải Phòng, Tiết Thanh minh - 2016
K.C
__________
(1) Dân số huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng: 191.000 người
(Thống kê, cập nhật tháng 5/2015)