/Cỏn con một sợi lông mày. Mà đem cột trái đất này vào anh/ Thơ Trần Mạnh Hảo

VIDEO

HỖ TRỢ

QUẢNG CÁO

LỊCH

LIÊN KẾT

văn xuôi

CHUYỆN TÌNH TIÊN SA

Lâm đi như mộng du trong vườn tượng bên sông Hàn. Bỗng ông xe ôm sáp lại, hỏi như giục: “Chú đi đâu lên tôi chở”.
CHUYỆN TÌNH TIÊN SA
Truyện ngắn của CAO NĂM
 
 
        Lâm đi như mộng du trong vườn tượng bên sông Hàn. Bỗng ông xe ôm sáp lại, hỏi như giục: “Chú đi đâu lên tôi chở”. Anh lặng lẽ bước vô định lên ngồi sau ông lái. Ông xe ôm dường như từ sáng vẫn chưa bắt khách nào, nên Lâm vừa ngồi lên xe là vù đi liền. Mãi khi xe chạy một đoạn dài, ông xe ôm mới quay lại hỏi: “Chú đi đâu?”. Ờ nhỉ, đi đâu nhỉ? Lâm ật người ra phía sau, toan để ông xe ôm muốn đưa đi đâu thì đi. Bởi ở cái thành phố này, Lâm chẳng khác chim chích vào rừng. Không những lạ đường đi lối lại, cư dân phố xá, mà đến một người quen khả dĩ có thể tá túc, trò chuyện qua đêm cũng không. Bốn ngày nay từ ngoài Bắc vào, cũng một người lái xe ôm đưa anh đến khách sạn Thanh Thanh, còn giúp thuê phòng giá rẻ trên tầng bốn, rồi cho số điện thoại, dặn đi đâu chú cứ gọi. Nhưng hôm nay thì trong lòng đang buồn chán và thất vọng, chẳng muốn gọi xe. Anh cứ lang thang như kẻ mộng du ra bờ sông Hàn.
Đã bốn ngày nay, Lâm hết xuống phòng giáo dục quận lại lên sở giáo dục thành phố, hỏi ai cũng chỉ lắc đầu. Hoặc có chăng lại vài ba tiếng à à, hình như, hình như có nghe nói một vụ giáo viên, đâu như ở trường cấp một, hai gì đấy, hủ hóa với học sinh, nhưng lâu lắm rồi, dễ đến mấy chục năm, từ dạo mới giải phóng cơ. Chung quy là đến đâu Lâm cũng chỉ nhận được lời cảm thán hình như, nghe nói, để rồi khi ra về lại nặng trĩu buồn chán và thất vọng. Mà nói cho cùng, ngay khi còn ở nhà Lâm đã tính tới cái đận này, nhưng không thể không đi. Bởi thời nào cũng thế, ở đâu cũng vậy, lời trăn trối của người quá cố luôn là món nợ mà người được ký thác không thể không tìm cách trang trải. Đằng này, người ký thác món nợ đời ấy lại là người cha mà Lâm hằng yêu thương và ngưỡng mộ không khác một thần tượng của sự chịu đựng, với cái gan dễ còn hơn gan cóc tía. Chẳng thế, ngay mẹ Lâm năm nọ ung thư dạ dầy, bệnh viện trả về, nằm chờ chết. Bà cho gọi ông vào, đuổi hết con cháu ra ngoài, hỏi ông với giọng rắn rỏi, ít thấy ở người sống chỉ còn tính bằng giờ: “Có đúng là ông có đứa con ở trong kia thì ông cứ nói. Bây giờ đi lại thuận tiện, có gì cho thằng Lâm vào, để anh em nó nhận nhau, ông ạ”. Nhưng ông chỉ im lặng, một sự im lặng không chỉ tính bằng giây, mà phải tính bằng năm tháng. Cũng không chỉ dăm mười tháng hay vài ba năm, mà hằng mấy chục năm đằng đẵng.
Cho đến hôm ông đi ăn giỗ bên đằng ngoại về ngang đường. Không biết có uống bia rượu gì nhiều mà loạng chòa loạng choạng, không làm chủ được tay lái. Hay cũng tại hai thằng xe máy đèo nhau phóng nhanh vượt ẩu, tông thẳng vào chiếc xe đạp, làm ông ngã vật ra đường, đập đầu vào vỉa hè, bị chấn thương sọ não. Nằm phòng cấp cứu bệnh viện sang ngày thứ hai, bệnh tình xem chừng nguy kịch, giữa trưa, ông cho gọi Lâm vào. Ra hiệu cho người nhà ra ngoài hết, chỉ còn lại hai bố con, ông vẫy tay ra ý bảo Lâm ghé lại gần. Rồi bằng cái giọng xì xào như hơi gió, ông dặn Lâm nơi để cuốn nhật ký trong hốc cây cột cái cửa buồng. Nhưng phải khi nào ma chay, tuần rằm, bốn chín, một trăm ngày cho ông xong, mới được lấy nhật ký ra xem, rồi đốt đi ngay. Còn tấm ảnh và dòng ghi bên dưới “Cố đi tìm em, con nhé!”, thì giữ lại và nhớ làm theo lời bố dặn.
Lâm lần đầu giở cuốn nhật ký của bố ra là vào lúc gần sáng, sau hôm trăm ngày ông. Khi ấy vợ Lâm như thường lệ đã gánh rau vào phố bán, hai đứa con học khuya đang mê mết ngủ ở nhà ngoài. Giở cuốn nhật ký ra, Lâm không giấu được sự nôn nóng, muốn biết ngay cái điều mà cho đến lúc chết, mẹ cũng không nhận được ở bố một lời chân thật, rằng có đúng là ông có đứa con ở trong kia hay không? Lâm lướt qua những trang đầu ghi vắn tắt thời gian ông đang làm giáo viên dạy văn trường cấp một, hai xã nhà, thì nhận quyết định sở giáo dục điều vào bổ sung cho ngành giáo dục tỉnh kết nghĩa với thành phố, sau giải phóng giáo viên cấp nào cũng thiếu. Kế đó là những trang ghi khá kỹ về tình cảm thầy trò giữa ông và học sinh lớp ông làm chủ nhiệm, cả những quan hệ thân sơ giữa ông và một số đồng nghiệp ở trường. Nhưng sau những trang ghi đầy nhiệt huyết và chứa chan tình cảm, Lâm bắt gặp những ngày nhật ký ghi rất khác thường. Thay vào loại mực xanh như vẫn thấy từ đầu là một màu mực đỏ, không biết được viết bằng máu thật, hay chỉ là loại mực thường dùng chấm bài cho học sinh mà đỏ rau rảu, với những dòng chữ như những nhát dao cứa vào tim gan.
Ngày 12  tháng 4 năm 198…
Chẳng lẽ gần 20 năm làm thầy của mình lại kết thúc ở đây? Đắng cay và tàn nhẫn quá! Tàn nhẫn với chính mình, vì đúng như người xưa nói: “Khôn ba năm, dại một giờ”, cả sự nghiệp làm thầy mà mình bỏ ra bao nhiêu năm dùi mài kinh sử, bỗng chốc tan thành mây khói. Tàn nhẫn với cả em, một cô gái mới bước vào tuổi mười bảy, còn chưa học hết cấp hai đã bụng mang dạ chửa, thì mình quả là kẻ tàn nhẫn và đê tiện quá chừng…
Ngày 17 tháng 4 năm 198…
Kể từ hôm phòng giáo dục về trường kiểm điểm và quyết định kỷ luật đến nay đã gần một tuần. Mình chưa gặp em lần nào. Nhưng ai nói mà em biết mình bị kỷ luật trả về ngoài bắc, để chiều nay em đến, chẳng nói chẳng rằng, lặng lẽ vào phòng, đặt túi cá biển còn tươi cạnh bếp dầu, rồi ngồi xuống chiếc ghế đối diện với mình, nhỏ nhẹ nói: “Thầy tha lỗi cho em!” (Em vẫn gọi mình thế, vì mình và em đã thỏa thuận cách xưng hô ấy để khỏi bị vấp khi ở chỗ đông người). Câu ấy em đã nói mấy lần, từ hôm sự việc vỡ lở, nhưng thường là vừa nói vừa khóc, chứ không ráo hoảnh, rành rẽ như lần này. Hẳn là em đã dằn vặt, đấu tranh tư tưởng lắm mới có được tâm thế ấy. Dù vậy, mình vẫn động viên em, không, lỗi tại anh cả, em không có lỗi gì…
Ngày 21 tháng 4 năm 198…
Thời gian trôi đi, nỗi đau dần lắng lại. Sau những ngày buồn chán cùng cực, hôm nay mình cảm thấy phần nào tâm thái tĩnh tại hơn, để có thể nhìn thẳng vào sự việc.
Khi mình nhận chủ nhiệm lớp Sáu B, cô chủ nhiệm cũ bàn giao khá cụ thể lực học, hoàn cảnh gia đình, tính nết từng học sinh trong lớp. Đến em. Cô nói rành rẽ, có ý để mình lưu tâm: em Phan Thị Ninh có hoàn cảnh rất đặc biệt, mẹ mất khi em mới hai tuổi, bố đi thoát ly trên huyện, phải nhờ bà ngoại nuôi. Sau bà ngoại mất, em ở với vợ chồng ông cậu được ít lâu thì bố về địa phương công tác, rồi lấy vợ, đón con về nuôi. Nhưng cảnh dì ghẻ con chồng thì trong nam hay ngoài bắc đều thế cả, nhất là sau khi bà dì sinh lần đầu thằng con trai kháu khỉnh giống bố như đúc, thì tự nhiên cô con gái đời vợ trước trở thành đứa ở. Cũng may là khi ở nhà vợ chồng ông cậu, Ninh được cậu mợ cho đi học, em đã đọc thông viết thạo, làm được bốn phép tính, nên sau giải phóng xã mở trường, em vào học được ngay lớp bốn. Nhưng cũng chỉ được thời gian đầu, phần vì sau giải phóng mọi mặt phong trào lên rất ghê, phần vì ông bố cũng còn làm nông hội hay xã đội gì đó ở xã mà không cho con đến lớp học thì cũng ngượng. Nhưng từ khi ông bố nghỉ việc xã về sắm thuyền đi biển, thì cô con gái lớn mười lăm, mười sáu tuổi không thể cứ ngày ngày cắp sách đi học, trong khi bà dì ghẻ tay bế con, đầu đội cá đi chợ được mãi. Thế là Ninh lại phải bỏ học, ở nhà bế em và phụ giúp bà dì công việc chợ búa. Nhưng Ninh là đứa ham học, lại sáng dạ, nên ngày không được học thì em học tối. Cứ cách một tối lại một tối Ninh từ làng cá tong tưởi lên xã theo học lớp bổ túc văn hóa cho cán bộ, đảng viên và thanh niên, do trường cấp một, hai của xã đứng ra mở. Thấy em chăm học, lại viết chữ đẹp, làm toán nhanh mà tuổi đời còn quá trẻ, học bổ túc cũng được, nhưng dù sao cũng không bằng học phổ thông. Thế là thầy hiệu trưởng cử người xuống tận nhà vận động ông bố và bà dì ghẻ cố gắng cho em đi học ban ngày. Cũng phải mất hàng tháng trời, hết nhà trường lại hội phụ nữ, người này ra, người kia vào nói bã bọt mép, bà dì mới thể không đừng, ư hừ cho đứa con gái riêng của chồng được đến trường học.
Nghe cô chủ nhiệm cũ bàn giao lại, mình không thể cầm lòng tiếp nhận như tiếp nhận bao học sinh khác. Mình tự đề ra cho mình, hết sức quan tâm đến Ninh, còn hơn cả trường hợp học sinh cá biệt. Ngay hôm sau, tan buổi học, mình bảo Ninh qua phòng thầy có chút việc. Khi em đeo chiếc cặp sách bẽn lẽn bước vào, thì mình nhận ngay ra em là một thiếu nữ hiền lành, phúc hậu và chăm ngoan. Mới mười sáu tuổi, nhưng em đã có dáng người cao ráo, hiện rõ cái đáy lưng ong mềm mại và một khuôn mặt Đức mẹ Đồng trinh hiền từ, nhân hậu. Có lẽ anh đã cảm em ngay từ cái giây phút đầu tiên ấy, chứ không phải đợi đến cái đêm trăng huyền ảo, em đi thăm ông cậu ở bệnh viện về qua chỗ anh, rồi anh lấy xe đạp đèo em về làng cá. Đến bãi cát lối xuống bến Tiên Sa, nhìn cồn cát trắng mịn như bông, anh phanh xe lại, bảo em xuống ngồi nghỉ ngắm trăng. Từ ngày vào trong này, chưa khi nào anh thấy bãi cát biển trải dài, trắng mịn và đẹp kỳ ảo đến thế. Anh để chiếc xe đạp chỏng chơ trên bãi cát, rồi anh và em khoác tay nhau ra chỗ bãi cát phẳng và mịn, ngồi ngắm trăng. Chính cái đêm trăng huyền ảo ấy, trên bãi cát Tiên Sa êm đềm và tĩnh lặng ấy, anh đã chiếm đoạt em. Phải, anh mới đúng là kẻ chiếm đoạt, còn em thì ngoan hiền, có phần vị nể, dâng hiến cho anh tất cả sự trắng trong tinh khiết của người con gái vừa đến độ trăng tròn.
Hôm nay thì mình không còn gì để phải giấu giếm, vì mọi việc đã rõ như ban ngày, kỷ luật cũng đã quyết, chỉ còn chờ làm vài thứ giấy tờ thôi trả lương, cắt hộ khẩu, tem phiếu lương thực, thực phẩm là mua vé xe về ngoài bắc. Thế nên cũng chẳng còn gì phải giấu giếm. Mà giấu giếm với ai, chứ không thể với mình, nên muốn lòng thảnh thơi, vơi đi nỗi khổ đau, nuối tiếc thì không gì hơn là thú nhận với chính mình qua nhật ký này. Có nhà văn nào đã chả viết, nhật ký là tấm gương soi tâm hồn mỗi người đấy ư…
Ngày 4 tháng 5 năm 198…
Lẽ ra sáng nay mình đi mua vé xe về ngoài bắc, nhưng chập choạng tối qua em lại đột nhiên xuất hiện. Vẫn giọng ráo hoảnh, em nói tỉnh khô: “Anh lùi ngày về ngoài bắc lại một hôm có được không?”. Để làm gì? Em nói nhanh: “Trưa nay em ngồi xem lại các thứ anh gửi em làm kỷ niệm, mới thấy thiếu một thứ mà lẽ ra, ở vào hoàn cảnh anh và em thì không thể thiếu”. Thực tình, việc em xuất hiện trong phòng mình lúc chập choạng tối thế này không những đường đột quá, mà còn rất dễ làm người khác để ý theo dõi. Vì sau hôm họp quyết định kỷ luật, ban giám hiệu đã cấm tuyệt đối mình và em không được gặp gỡ, chuyện trò với nhau nữa, coi như vĩnh viễn đoạn tuyệt quan hệ. Thế mà hôm nay em vẫn đến thì to gan thật. Chẳng trách người ta bảo, “yêu nhau tam tứ sông cũng lội, thất bát lục đèo cũng qua”, là phải. Nghĩ vậy, mình ra hiệu cho em nói nhỏ thôi, rồi hỏi dồn: “Thiếu gì, nói ngay đi!”. Em ngước đôi mắt ngân ngấn nước, nhìn mình, gọn nỏn: “Tấm hình!”. ừ nhỉ, có thế không nghĩ ra, hay mọi ngày vẫn nhìn thấy nhau, ít ra là giờ lên lớp, thì tấm hình chẳng là cái gì; còn như từ nay người nam kẻ bắc thì không những với em, mà ngay mình cũng muốn có lắm chứ. Thế là mình vội giục, thôi em về đi, kẻo người ta biết. Trưa mai anh chờ em ở hiệu ảnh Hồng Kỳ. Em lẳng lặng cầm cái nón như đưa ra đằng trước, nhưng mình biết, đấy là cách em che đi cái bụng mang bầu đã hơn bốn tháng.
 Trưa cơm xong, chờ mọi người ở khu tập thể nghỉ cả, mình lặng lẽ ra hiệu ảnh Hồng Kỳ. Từ xa đã thấy em đứng thập thò bên gốc cây, tay  cầm cái nón đưa ra phía trước. Thấy mình, em đi nhanh tới, rồi cả hai vào hiệu. Ông hiệu ảnh cũng quen với kiểu chụp ảnh kỷ niệm nam nữ rồi hay sao, mới nghe mình nói đã bảo, vâng, tôi chụp ngay đây. Tất cả chỉ chừng ba phút đã xong một kiểu ảnh mình và em ngồi bên nhau. Nhưng cũng vì có kiểu ảnh ấy chiều mai mới được lấy, nên mình vẫn được ở lại một, hai ngày nữa mới có chuyến xe khách chạy suốt ra ngoài bắc.
Xuống xe ôm dưới chân dốc, Lâm sải từng bước dài qua các bậc tam cấp dẫn lên chùa Linh ứng, nằm chót vót trên đỉnh núi nhìn thẳng xuống bãi biển Tiên Sa. Hôm mới từ ngoài bắc vào, Lâm đi tìm ngay làng chài Tiên Sa mà trong nhật ký, bố anh mỗi lần nhắc tới đều viết với tình cảm trìu mến, thân thương, như nơi ấy đã gửi gắm miền sâu tâm tưởng ông vậy. Nhưng sau bao thăng trầm, giờ không mấy người còn nhớ cái làng chài có người con gái ở vào hòan cảnh như thế nay ai mất ai còn, sinh sống nơi nao; thậm chí dáng dấp làng chài xưa cửa nhà, đường ngõ, bến thuyền ra sao cũng không mấy ai còn nhớ nữa. Tiên Sa bây giờ là cảng biển tấp nập, sầm uất. Thế nhưng trước khi rời nơi đây, Lâm vẫn cứ muốn đến mảnh đất Tiên Sa một lần nữa, như để nhận biết rõ hơn cái gì ở nơi ấy đã níu giữ trái tim yêu thương của bố đến thế. Qua các bậc tam cấp, Lâm lững thững đi vào sân chùa. Cảnh chùa tĩnh mịch, phảng phất hương trầm. Anh cảm thấy tâm hồn vợi bớt nỗi ưu tư phiền muộn sau mấy ngày đi nhiều nơi, hỏi nhiều người, nhưng chỉ như mò kim đáy biển. Tay cầm nắm nhang nghi ngút khói, anh cắm cả bó vào chiếc lư hương to trước cửa chùa, rồi lặng lẽ vào trong, đi lượt các ban thờ khấn vái cầu mong điều tốt lành đến với mình cho bõ công lận lội từ ngoài bắc vào.
Mãi chiều muộn Lâm mới từ trong chùa ra, đến ngồi xuống chiếc ghế bên lối vào khuôn viên. Lòng nặng trĩu buồn chán và thất vọng, anh rút ví lấy ra tấm ảnh bằng lòng bàn tay, đút mãi ngăn trong chiếc ví da. Lâm đặt tấm ảnh lên tay, đưa ra trước mặt ngắm nhìn, như thể lần đầu nhìn thấy tấm ảnh này. Anh cứ đưa vào gần, lại dơ ra xa, nhìn thẳng, lại nhìn nghiêng. Quả là hồi trẻ ông cụ đẹp trai. Đẹp từ khuôn mặt đến nụ cười, nhất là đôi mắt, nhìn ảnh mà vẫn nhận ra đôi mắt đen lóng lánh như đang cười thế kia, đi đâu chả có em mê mệt. Lâm nhìn tấm ảnh nghĩ vẩn vơ, rồi chợt dừng lại ở một bên tay. Sao ông cụ không ngồi bên trái để đặt tay phải lên vai bên phải của cô Ninh (từ khi đọc nhật ký của bố, rồi nhìn tấm ảnh, Lâm đã quen gọi Ninh bằng cô, có ý là em của bố mình rồi), mà lại ngồi bên phải đặt tay trái lên vai trái thế kia, nhẽ nào chả xa nhau đằng đẵng. Âu cũng là điềm ông cụ biết trước rồi chăng. Bởi ông cụ sống kỹ tính, phàm làm gì cũng suy xét trước sau, chứ không vồn vập như mình. Thế nên đã mấy chục năm, như người khác thì cái kim bọc giẻ lâu ngày cũng ra, nhưng đằng này khi bà cụ đã gần đất xa trời, hỏi cũng không nỡ hé răng nửa lời. Giá cái lần mẹ hỏi mà bố nói thật ra, thì đâu đến nỗi con phải vất vả lặn lội dò la tin tức thế này.
Lâm bần thần ngồi trên ghế đá, nhìn tấm ảnh trên tay mà nghĩ vẩn vơ. Bỗng một tiếng trẻ gọi mẹ làm anh giật thột: “Mẹ ơi, mau lại xem nè”. Lâm vụt quay lại, sát ngay sau lưng là cậu bé khoảng bảy, tám tuổi, tuấn tú, nhanh nhẹn, mặt đỏ ửng, có lẽ vì ngượng đã nhìn trộm của người khác. Anh định cất lời hỏi cậu bé, thì chợt thấy người đàn bà có dáng cao, nhỏ nhắn, vận quần bò, áo sơ mi ngắn tay, xách chiếc túi nhỏ và một ít hoa quả từ phía chùa đi ra. Lâm nghĩ ngay, chắc là người mà cậu bé vừa gọi. Thì đã thấy cậu bé chạy nhanh đến với người ấy. Anh rút ví, để tấm ảnh vào, rồi lại đút vào túi quần sau. Trong khi đó, cậu bé lon ton đi trước, một tay như kéo tay mẹ, bây giờ thì có thể chắc người đàn bà kia là mẹ cậu thật rồi, miệng lắp bắp nói gì Lâm nghe không rõ. Nhưng nhìn cử chỉ của cậu cũng hiểu là cậu bé đang khoe với mẹ điều gì, mà ở cái tuổi hiếu động như cậu thì mọi sự lạ đều đáng để khoe với người lớn. Người đàn bà như bị cậu con lôi đi, chỉ một loáng đã tới chỗ ghế đá Lâm đang ngồi. Vừa tới nơi, chị đã vồn vã: “Chào anh! Anh ở dưới thành phố sang thắp hương chùa, hay ở đâu đến vãn cảnh ạ?”. Một người đàn bà cũng xởi lởi, dễ gần, nhưng Lâm lại thấy khó trả lời câu hỏi của chị ta. Thì đã nghe một giọng trầm đục, nghèn nghẹn: “Cháu nó vừa khoe nhìn thấy bác có tấm hình… Anh có thể vui lòng cho em nhìn một chút, được không ạ?”. Lâm lưỡng lự, nửa muốn lấy ra cho chị ta xem, nửa lại không muốn. Nhưng nhìn gương mặt hiền từ, phúc hậu của người đàn bà như ẩn chứa nét buồn sau ánh mắt, Lâm lại đưa tay ra túi quần sau, rồi vừa rút ví  vừa nói: “Không cho xem thì chị lại cho là hẹp hòi, nhưng thực tình đây là tấm ảnh của ông già tôi…”. Anh định nói, tấm ảnh của ông già tôi với một người con gái làng chài Tiên Sa, nhưng nghĩ thế nào lại chỉ lặng lẽ rút ra tấm ảnh. Tấm ảnh vừa được rút khỏi ví, tức thì, người đàn bà chưa quen biết không cần giữ ý, cầm ngay lấy tấm ảnh trên tay Lâm, hỏi dồn: “Anh sao có tấm hình này? Anh nói đi, tấm hình này ai đưa cho anh?”. Lâm vừa định giải thích, thì chị ta vụt thay đổi: “Nhưng mà thôi, giờ em muốn mời anh về nhà em chơi, nếu anh không mắc công chuyện”. Lâm bỗng thấy sửng sốt quá chừng, nhưng nhìn người đàn bà phúc hậu, nghe giọng nói hiền từ của chị, anh tin ngay chị là người tốt. Lâm quay nhìn người đàn bà, nghẹn ngào nói: “Cảm ơn chị. Hiện giờ tôi không mắc công chuyện gì”. Người đàn bà bỗng nở nụ cười tươi, nhìn anh hỏi: “Anh đến đây bằng gì?”. Lâm bảo: “Tôi đi xe ôm”. Chị nói ngay: “Vậy em gọi tắc-xi, anh về cùng mẹ con em luôn thể”.
Chiếc tắc-xi rà sát cửa nhà. Ba người xuống xe. Chị đưa chìa khóa cho con, giục dẫn bác vào trước, còn mình mở túi lấy ví trả tiền xe. Khi chị vào đến trong nhà đã thấy anh ngồi trên chiếc ghế tựa ở phòng khách. Có lẽ mấy ngày đi nhiều, Lâm cũng thấy mỏi, nên vừa ngồi xuống là ngả người ra thành ghế. Chị đi qua phòng khách, bảo anh cứ ngồi nghỉ, em lên nhà thay đồ rồi xuống ngay. Chỉ một lát chị đã xuống, bộ quần áo mặc trong nhà bằng lụa màu cẩm thạch thay cho bộ quần bò, áo sơ mi chị mặc khi lên chùa. Nhưng cái làm Lâm sửng sốt lại không ở bộ áo quần, mà ở cái vật nhỏ như chiếc phong bì chị cầm trên tay. “Đây là tấm hình của mẹ chồng em, anh nhìn có giống tấm hình anh đang giữ không?”, chị vừa nói vừa dơ ra trước mặt anh tấm ảnh. Lâm đưa tay như vồ lấy, rồi rút ví lấy ngay tấm ảnh của mình ra. ôi chao, sao mà hai tấm ảnh giống nhau quá đỗi! Dẫu là ảnh đen trắng, chụp từ mấy chục năm trước, giấy đã hơi đùng đục, chứ không còn trong như ảnh mới, nhưng khuôn mặt người đàn ông trong ảnh vẫn hiện rõ nét mặt bố, với đôi mắt lấp lánh lúc nào cũng như cười. Còn người đàn bà ngồi bên ông thì hẳn là cô Ninh rồi, bởi khuôn mặt Đức mẹ Đồng trinh hiền hiện ra kia, khác thế nào được với nhật ký ông đã viết. Lâm nhìn kỹ hai tấm ảnh, rồi dừng lại lâu ở một bên tay người đàn ông đặt lên vai người đàn bà. Đúng là bàn tay trái đặt lên vai bên trái, hai tấm ảnh giống hệt nhau. Anh nén xúc động, quay lại hỏi: “Chị vừa nói, tấm ảnh này của mẹ chồng chị” - Lâm vẫn giữ cách xưng hô như khi gặp mẹ con người đàn bà ở trên chùa – “Vậy bà cụ đâu hả chị?”. Giọng chị bỗng trầm hẳn xuống: “Mẹ chồng em mất rồi”. Lâm định hỏi, mất sao hả chị, bệnh tật hay tai nạn? Thì lại nghe tiếng chị như giãi bày, với một giọng buồn buồn: “Bà cụ bị ung thư gan, phát hiện bệnh chỉ được hơn tháng là đi ngay. Chồng em đi bộ đội hải quân, khi ấy lại đang đóng ngoài Trường Sa. Biết bệnh tình của bà là em điện báo cho nhà em ngay. Nhưng tàu thuyền đi lại khó khăn, chồng em về đến nhà hôm trước, hôm sau bà mất”. Chị nói đến đấy chợt dừng, như để nén niềm thương nỗi nhớ đang dồn ứ lên cổ. Lâm cũng thấy nặng trĩu trong lòng. Chờ cho chị tợp xong ngụm nước lọc, đặt chiếc cốc xuống bàn, anh mới hỏi: “Thế anh nhà chuyển vào trong này chưa, hay vẫn ngoài Trường Sa?”. Câu hỏi của Lâm như rơi tõm vào thinh không. Căn nhà như chìm sâu vào im lặng. Lâm bỗng thấy man mác nỗi buồn ào đến rất nhanh, vội đưa mắt nhìn người đàn bà. Chị đang ngồi trên chiếc ghế đối diện, dáng hơi cúi xuống như đang cân nhắc điều gì, nhưng nhìn vào đôi mắt với hai hàng mi cum cúp lại như có ngấn nước. Anh lẳng lặng nhìn chị, cố không gây ra tiếng động có thể làm đứt mạch suy tư của chị chăng. Nhưng đã nghe tiếng chị cất giọng rời rạc: “Nhà em mất năm nọ rồi. Tàu của anh ấy đi cứu tàu cá của ngư dân bị chết máy, đang lúc gặp tố lốc...”. Chị đột ngột dừng lời. Lâm bỗng ngồi lặng đi, hụt hẫng và trống vắng. Giây lát, anh định nói lời sẻ chia, nhưng nghĩ thế nào lại thôi. Cứ để chị ấy ngồi một lát, biết đâu phút giây yên tĩnh cũng làm vơi đi nỗi buồn đau. Nhưng lại thấy chị ngẩng lên, đưa tay vuốt lại mái tóc. Lâm liền hỏi: “Ban thờ cụ và anh nhà ở đâu, chị cho phép tôi thắp nén nhang”. Chị đưa cả hai tay xoa lên mặt, đứng dậy: “Vâng, mời anh!”, rồi đi lại phía cầu thang lên gác. Lâm cũng đứng lên thập thững đi theo. Bậc cầu thang khá dài, ban thờ lại đặt mãi trên tầng ba. Anh vừa bám tay vịn chậm rãi leo từng bậc, vừa vẩn vơ những ý nghĩ mung lung. Chẳng biết khi còn sống, ông cụ có khi nào nghĩ đến cái đận này. Dẫu có, hẳn cũng không ngờ lại ra thế. Nên trước lúc lâm chung mới phó thác cho mình công việc này. Mà sao con người ta cứ đến lúc lâm chung mới nói ra cái điều khi sống còn giấu kín. Chẳng lẽ câu của người xưa: “cái kim bọc ghẻ lâu ngày cũng ra” lại chẳng để lại cho người đời điều gì ư, mà người ta cứ cố giấu đi sự xấu xa, tội lỗi. Hay bởi cái sĩ diện quá lớn, làm người ta không thể, dù là một lần vượt qua sự dối trá, để sống cho chân thật ngay với cả người thân của mình. Lâm vừa leo từng bậc cầu thang, vừa vẩn vơ nghĩ.
Khi anh lên tới nơi, thấy chị đang đứng bên ban thờ, tay cầm nắm nhang châm vào nến. Anh lẳng lặng bước vào, đứng cạnh ban thờ, chăm chú nhìn lên hai tấm ảnh lồng khung kính. Một bà cụ ngoài sáu mươi, ánh mắt vẫn tinh nhanh hiện rõ sự hiền từ nhân hậu, nhìn không khác mấy với cô gái ngồi chụp ảnh với bố hồi nào. Còn bức ảnh bên cạnh, thấp hơn bức ảnh bà cụ một chút, Lâm cứ đứng như dán mắt vào khuôn mặt người trong ảnh. Một khuôn mặt dài, cái cằm nhọn, vầng trán rộng và cao, nhìn như không có nét nào giống khuôn mặt vuông chữ điền và cái trán dô của bố, lại cũng khác  khuôn mặt như mặt con gái bì bì bánh đúc của Lâm, nhưng nhìn kỹ dễ nhận ra đôi mắt lấp lánh lúc nào cũng như cười… Anh cứ trân trân nhìn tấm ảnh người con trai dễ ngoài ba mươi tuổi, mang quân phục hải quân đang nhìn anh nheo mắt cười, mà lòng man mác một nỗi buồn mung lung. Bỗng anh nghe tiếng chị khàn khàn: “Hương đây, mời anh!”. Lâm lập cập cầm nắm nhang, lần lượt cắm vào hai chiếc lư hương trên ban thờ./.
                                                         
                                                                   C.N.