/Cỏn con một sợi lông mày. Mà đem cột trái đất này vào anh/ Thơ Trần Mạnh Hảo

VIDEO

HỖ TRỢ

QUẢNG CÁO

LỊCH

LIÊN KẾT

văn xuôi

CHIẾC BI ĐÔNG

Chị cứ cắm đầu chạy đuổi theo hai người chè chai mà chị tin một cách chắc chắn rằng, chỉ có gặp họ mới có thể xin...

CHIẾC BI ĐÔNG
Truyện ngắn của CAO NĂM


Chiếc xe rời ngõ phố, đi vào đại lộ Lê Hồng Phòng chừng nửa cây số. Điện thoại trong túi áo Bình bỗng đổ chuông gấp gáp. Anh vội đưa tay vào túi, rút ra chiếc điện thoại, áp lên tai. Bỗng mặt Bình biến sắc, nói như gắt vào máy:

          -Chính con dọn đồ trong phòng ông, mà con để đâu không nhớ à?

          Có tiếng cậu con trai giọng hụt hẫng, không rõ nói gì, vì xe đang chạy nhanh, đại lộ tấp nập xe cộ rúc còi inh ỏi. Nhìn vẻ mặt chồng nghe điện thoại thằng con mà như có gì nghiêm trọng, Hoan còn thiếu nín thở nghiêng đầu sang phía Bình. Giá lúc ấy tay anh không cầm vô lăng, có khi Hoan đã xô hẳn sang, áp tai vào điện thoại, nghe lỏm. Tính Hoan thế. Những khi chồng ở nhà hay chỉ có hai người đi với nhau, anh có điện thoại gọi là y như rằng chị không nghe lỏm thì sau cũng gặng hỏi “Ai đấy anh”. Nhưng chồng đã tắt máy, quay sang vợ hỏi:

          -Em có cất chiếc bi đông của bố ở thùng đồ nào không?

          Bình vừa nói, vừa liếc nhìn vợ. Ghế bên, Hoan đang ngồi bỗng lúc lắc đầu, đưa tay hạ kính xe, thò cổ ra ngoài. Nhìn cô vợ đã gần năm mươi, nước da vẫn trắng mịn, đôi mắt đen giòn và một khuôn mặt trái xoan lúc nào cũng giữ được nét thanh tú, giờ bỗng nhợt nhạt, đầu ngó ra ngoài cửa xe nhưng mắt lại như cụp xuống không nhìn vào vật nào, Bình định nhắc lại câu vừa hỏi, nhưng nghĩ thế nào lại thôi. Anh rút điện thoại gọi cho con:

          -Vinh à, con bảo chú lái xe dừng lại, rồi con với cô Hòa kiểm tra kỹ mấy thùng đựng đồ xem có thấy chiếc bi đông ở thùng nào không. Ờ, xe bố mẹ còn đi sau xe mấy ông cháu xa đấy. Con đến trước cứ dẫn ông lên căn phòng dành riêng cho ông trên tầng hai. Hôm trước bố mẹ với con đã dọn dẹp, trang trí phòng ấy nhá.

Nói với con xong, vừa bỏ chiếc điện thoại vào túi, Bình vừa lẩm ba lẩm bẩm:

-Mấy lần dọn nhà, kể cả cái lần chuyển từ quê ra phố, bà con xóm láng đến đông, mỗi người một tay một chân giúp khuân giường tủ, nồi niêu lỉnh kỉnh là thế, vẫn không quên chiếc bi đông. Thế mà lần này…Thật, không còn hiểu thế nào nữa!

Hoan nghe cái giọng rên rỉ ấy, chợt quay sang nhìn chồng. Chị như bỗng nhận ra trên khuôn mặt chữ điền với đôi mắt to đen, hàng mi dầy cong lưỡi mác của anh như cụp xuống, tối sầm. Hoan hiểu nét mặt ấy ở chồng như mang niềm day dứt nao nung và nỗi buồn giận mênh mang chưa biết trút vào đâu được. Chị gườm gườm nhìn sang chồng, giọng như xoa dịu:

-Có chiếc bi đông mà trông anh sầu não thế. Đã trót lỡ rồi thì thôi, chứ biết làm thế nào. Thôi quên đi, anh!

-Cô nghĩ cái gì cũng có thể quên dễ thế a?

-Không dễ, nhưng cũng không đến nỗi làm anh sầu não thế -Rồi Hoan nhắc lại câu dỗ dành chồng vừa nãy -Thôi quên đi, anh!  

Bình quay nhìn Hoan với cái nhìn dò xét, nói mà như hỏi:  

-Chiếc bi đông ấy bao nhiêu năm nay luôn liền kề với bố như bóng với hình, chẳng lẽ em không biết hay sao?

 Không hiểu Hoan có thật không biết gì về chiếc bi đông ấy. Nhưng thực tình, nếu Bình không nhắc thì Hoan cũng không nhớ gì nữa thật. Con người dẫu có trí nhớ tốt đến mấy, rồi cũng có lúc quên. Huống chi cái đồ vật chồng vừa hỏi, Hoan cũng chỉ được nhìn thấy từ khi về làm dâu nhà này, chứ ở nhà Hoan đâu có chiếc bi đông quân dụng như thế. Còn biết đầy đủ thực hư, thì có lẽ… Hoan lặng đi giây lâu, như moi ra từ đâu đó những ảo ảnh còn phủ lớp sương mù thời gian bảng lảng. Bỗng Hoan quay nhìn chồng, giọng như trầm hẳn xuống nhỏ nhẻ, xa xăm.

Hình như em có biết. Một lần, lâu rồi. Em nhớ như dịp ấy, mẹ được bác Nhuận gái ở miền Nam gửi ra cho ít vừng đen. Loại vừng này nghe nói những người bị mất ngủ hay tim mạch dùng thì tốt lắm. Mà mẹ lại có chứng mất ngủ, nhất là lúc trái gió trở trời có khi cả đêm không chợp mắt. Uống bao nhiêu thuốc cũng không khỏi. Đi khám đâu cũng chỉ thấy thầy thuốc ghi “suy nhược cơ thể”. Mà suy nhược cơ thể thì chỉ còn cách thuốc thang tẩm bổ, chứ gì nữa. Bố chồng Hoan có lần gọi con dâu vào dặn, nhà mình bố và vợ chồng con với em Hòa, ngày ấy Hòa chưa lập gia đình, đều có lương; chỉ mỗi mẹ con là không. Các con phải chăm sóc mẹ chu đáo, đừng vì đồng tiền mà để bà ấy mặc cảm mình là người ăn bám chồng con, nghe chưa.

Sau hỏi người này người kia Hoan mới vỡ nhẽ. Thì ra, bố mẹ chồng Hoan nhìn bên ngoài thật đôi lứa xứng đôi. Ông người cao to, nước da bánh mật, đến giờ đã gần tám mươi vẫn săn chắc, đi đứng tuy không còn nhanh nhẹn, nhưng bước chân vẫn dứt khoát, chứ không lẩy bẩy như người chạc tuổi ấy. Nếu không có vết đạn bên thái dương làm chấn thương sọ não, thì người mới gặp không nghĩ đại tá hưu Đỗ Quang Hùng đang mang trong mình thương tật hạng hai. Ông là vậy. Còn bà, Mai Thị Hà, cũng không hề kém cạnh đằng nào về sức vóc. Bà có dáng người cao xương xương, quắc thước và hồn hậu, tuy chứng mất ngủ bào mòn sức lực, nhưng cái năm hai năm mươi về già, trông bà vẫn gọn ghẽ, chứ không như các bà ở cái tuổi ấy trông lúc nào cũng như tàu lá chuối khô. Thời trẻ hẳn bà đẹp gái lắm. Thì cứ nhìn tấm ảnh bà chụp ngày trẻ, thân hình dong dỏng cao, với đôi chân dài và cái eo lưng đầy gợi cảm, lại thêm đôi mắt thỉnh thoảng loé lên ánh nhìn xa xăm, đủ biết. Nhưng ở đời, sắc tài và định mệnh không mấy khi song hành. Giữa năm ác liệt nhất của cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của Mỹ ra miền Bắc, trước khi cùng đơn vị lên đường vào Nam, ông Hùng được ghé thăm vợ con hai ngày. Ngay đêm đầu tiên ở nhà, ông đã phải ba lần bế con cùng vợ chui xuống hầm chữ A. Chả là nhà ông ở bên cây cầu nằm trên con đường vào thị xã, nên không đêm thì ngày, chẳng mấy hôm máy bay Mỹ không rẹt qua vài bậm. Thế là sớm ra, ông gò lưng đèo vợ con sơ tán máy bay ra trại Lố, gửi ở nhờ nhà người anh con bá con dì, mà thuở bé hai người quý nhau không khác anh em ruột, còn mình lại trở về đơn vị. Năm ấy, ông bà mới có cô con gái đầu lòng, cô Binh, ở trên Bình, giờ lấy chồng ngoài Hồng Gai. Bà Hà khi ấy còn trẻ, lại xinh đẹp, tươi giòn, gái một con trông lúc nào cũng hơ hớ, khiến ông anh con bà bá hễ nhìn thấy là niếm mép chép môi chèm chẹp. Rồi cái gì đến cũng phải đến. Sáng ấy trời mưa tầm tã, Hà đi rắc đạm ngoài cánh bãi phải bỏ buổi chạy về, ướt như chuột lụt. Chị chỉ kịp ra giếng dội ào gầu nước, rồi vội vào buồng lấy quần áo, định thay. Nhưng vừa bước chân vào buồng, đã lập tức có bóng người lách cửa lẻn vào. Chưa kịp nhận ra ai, đã thấy đôi tay lực lưỡng như hai gọng kìm từ phía sau ôm riết lấy bộ ngực cứng căng, làm Hà đến ngạt thở. Rồi nhanh nhẹn và thuần thục, ông anh con bà bá cứ thế đè cô em dâu ra nền nhà, tay xoa xoa bầu vú nõn nà làm Hà tê mê không còn biết giời đâu đất đâu. Cho đến khi cơn khát tình được giải tỏa, Hà mới chợt nhớ đây là nhà vợ chồng ông anh con bá con dì với chồng mình, và gã đàn ông vừa đè ngửa mình ra đây, ngày xưa chồng mình với gã quý nhau không khác anh em ruột. Thế mà trước khi ra khỏi buồng gã còn cố vớt vát kéo Hà vào người hôn lấy hôn để, giọng ngàn ngạt mùi thuốc lào, như an ủi: “Đừng sợ, chị đi chợ, mưa này còn lâu mới về”. Nhưng chẳng biết trời có mắt, đúng lúc ông anh con bà bá đang ôm ghì cô em dâu ép người vào bên cửa buồng, thì vợ gã đội mưa chạy ào vào nhà. Mụ đứng sững ngay lối cửa vào, kêu thét giỡ như nhà có trộm. May gã nhanh tay buông Hà ra, nhẩy bổ lại bịt chặt mồm vợ, chứ không, mụ mà kêu toáng lên, hàng xóm kéo đến thì không còn biết chui xuống lỗ nào. Rồi sau đó không biết gã ngon ngọt với vợ thế nào, hay cái sức cường tráng của anh đàn ông đủ khỏa nấp tính ghen tuông của cô vợ, mà cái buổi trưa mưa tầm tã ở nhà vợ chồng ông anh con bá con dì ngoài trại Lố rồi cũng rơi vào quên lãng, ít ra là với vợ chồng ông anh con bà bá. Nhưng còn với Hà, chóng hay chầy cũng có lúc phải đối mặt với thực tế.

Ấy là khi Hùng từ mặt trận trở về. Đấy là vào năm 1976, miền Nam giải phóng gần một năm mới về. Lần ấy Hùng ở nhà dễ đến hai chục ngày. Cũng ngần ấy ngày, cứ đêm đêm nằm với chồng là Hà lại như có gì lé tránh, ngại ngần, chứ không chằm bặp, vồ vập mỗi khi dâng hiến như trước. Lúc đầu anh cũng nghĩ do tuổi tác, “trai ba mươi tuổi đang xoan, gái ba mươi tuổi đã toan về già”, năm ấy chị ba mươi mốt tuổi, cũng đã ở cái ngưỡng “toan về già”. Nhưng rồi anh nhận ra, có lẽ không hẳn vì tuổi tác, mà dường như chị có điều gì ẩn chứa trong lòng chưa nói ra được. Mãi hôm gần đi, anh sao bỗng như nhập đồng nghĩ ngay ra một kế, liền rỉ tai vợ bảo, anh có cậu bạn nhà ở Hà Nội, vợ làm bác sĩ sản khoa ở bệnh viện, hay là anh đưa em lên nhờ cô vợ nó khám cho xem trong người em có sao không. Tức thì, Hà đang nằm vắt tay lên trán bỗng quay ngoắt lại ôm riết lấy chồng khóc tức tưởi, đến nỗi chồng phải lấy tay che miệng vợ lại kẻo giường ngoài bà cháu nghe thấy. Nhưng cũng phải sau bao lời thì thầm dỗ ngon dỗ ngọt của chồng, vợ mới cất được lên thành lời rằng, cứ mỗi khi vợ chồng nằm với nhau là em lại thấy day dứt trong lòng, vì đã không giữ được lời anh dặn lúc đi xa. Anh chưa về thì mong ngày mong đêm, nhưng khi thấy anh khoác ba lô về đến nhà là em đã muốn chui xuống lỗ nào cho nhẹ tội, chứ không còn mặt mũi nào mà nhìn thấy anh, âu yếm anh mặn nồng như trước được nữa. Thôi thì giờ em đã nói ra, anh thương thì em được nhờ, anh giận thì em cầm lòng vậy, đành lòng vậy, chứ còn biết tính sao. Hà vừa dứt lời, Hùng ngồi bật dậy, ôm chặt lấy hai vai vợ lắc lắc, giọng ngàn ngạt, lỗi không chỉ tại em, mà tại cả anh. Anh cứ đi biền biệt, hết chống Pháp lại chống Mỹ đằng đẵng bao nhiêu năm, đến thanh nữ giữ được còn khó, nữa là em gái một con… Hà mới nghe đến đấy đã gục đầu vào ngực chồng như hồi mới yêu nhau, mỗi khi đi chơi tối bên vùng cá, chị cũng thích gục đầu vào ngực anh thế. Chuyện với người khác có khi lành làm gáo vỡ làm muôi, nhưng ông vẫn bỏ qua cho bà.

Thế mà hàng chục năm sau, cái lần bác Nhuận gái ở miền Nam gửi ra cho ít vừng đen, bà định lấy chiếc bi đông để đựng vừng thì vừa dùng được lâu, vừa không còn lo mọt mốc gì nữa. Vì chiếc bi đông không biết làm bằng sắt thép gì, nhưng dầy và nặng hơn bi đông nhuôm, bi đông nhựa nhiều. Bên ngoài lại còn sơn loại sơn gì, trông thì đúng màu xanh lục, nhưng sao mấy mươi năm vẫn còn nguyên màu, chỉ trừ hai, ba vết nhỏ, hẳn là va đập vào đâu bị xước, chứ không, nhìn chiếc bi đông không ai bảo bi đông cũ. Chiếc bi đông cũng không to, đựng nước chỉ khoảng lít rưỡi, hai lít, còn đựng vừng thì dẫu đổ đầy cũng chỉ được chừng ba ống. Còn nắp bi đông thì thôi rồi, ren xoáy cứ khít khìn khịt, gió máy, ẩm ướt không tài nào lọt vào được. Hôm ấy ông đi ăn giỗ làng bên, trưa nắng, bà mang bi đông ra rửa ráy sạch sẽ, rồi phơi dốc ngược xuống sân gạch. Giá phơi chỗ khác có khi ông không biết, nhưng lại phơi lù lù ở sân, về là ông nhìn thấy ngay. Đứa nào lôi chiếc bi đông ra lại vất đây, có phải đồ chơi đâu mà vất vạ ngoài nắng thế này, vừa nhìn thấy chiếc bi đông ông đã hỏi như quát. Bà từ trong bếp vội lao ra nhận ngay, tôi chứ đứa nào. Tôi đem ra đánh rửa, định có ít vừng đen bà Nhuần gửi ra cho thì cất vào đấy để dùng dần, chứ có làm gì mà ông chưa về đến nhà đã toáng lên thế. Ông đi mải đến chỗ chiếc bi đông nằm chềnh ềnh trên sân gạch nóng như rang, không biết có nghe bà nói, nhưng tay cầm bi đông đi vào trong nhà, miệng ông vẫn oang oang như trút cơn giận, vừng đen chứ là cái gì mà bà lại lấy chiếc bi đông của tôi ra mà đựng, thiếu gì thứ đựng được vừng. Rồi cứ thế, tay cầm chiếc bi đông, ông bực bội đi vào trong nhà, vừa đi vừa giức, vừng với chả vọt, ba cái hạt vừng thì đựng gì chả được mà dám lôi chiếc bi đông này ra. Một lúc đã thấy ông lấy khăn lau chùi bi đông, rồi bỏ vào cái túi dết treo lên tường chỗ đầu giường ông nằm, như cũ. Hôm ấy lần đầu tiên từ khi về làm dâu, Hoan được nghe lời qua tiếng lại giữa ông bố và bà mẹ chồng, thấy tận mắt nỗi khiếp sợ của mẹ chồng khi nghe ông giức chỉ còn nước cắm mặt trở vào bếp. Tuy không nói ra, nhưng trong thâm tâm Hoan cũng cho bố chồng là người khó tính và keo kiệt. Không keo kiệt, mà chỉ mỗi chiếc bi đông bà định đựng vừng cho khỏi ẩm mốc, mối mọt, chứ có để đày đọa giãi nắng giầm sương gì mà người nước ở đâu lại nhất định không cho.

Nhưng cũng mãi đến năm thằng Vinh học xong lớp chín, hè lớp tổ chức đi Côn Sơn. Tối trước hôm đi, hai mẹ con chuẩn bị các thứ đồ ăn thức uống, vì Côn Sơn tiếng là nơi phong cảnh hữu tình, nhưng lại là vùng núi rừng heo hút. Đến Côn Sơn rồi về ngay thì thôi, chứ đã ở lại cả ngày trời là phải chuẩn bị đồ ăn thức uống đầy đủ. Hai mẹ con đã xếp các thứ vào chiếc túi xách gọn gàng, chỉ còn chai nước lọc để uống, đựng trong cái vỏ chai sô cô la bỏ trong túi thì sợ đổ vãi ra quần áo, mà buộc dây vào cổ chai đeo bên sườn thì cái chai nhựa to cứ lúc la lúc lắc, rất vướng. Thằng Vinh xem ra không ưng kiểu quàng cái chai nhựa bên sườn, nên cứ khoác vào lại bỏ ra. Một lát nó nhìn mẹ nói như hỏi, hay là con lên mượn ông chiếc bi đông, mẹ nhá. Có chiếc bi đông ấy mà đựng nước thì cứ gọi là leo trèo, chạy nhảy sườn đồi, đỉnh núi không sợ đổ vỡ gì nữa. Nhưng liệu ông có cho con mượn không. Ừ nhỉ, từ ngày con lớn đến giờ chưa thấy ai được cầm đến chiếc bi đông của ông, mà chỉ thấy thỉnh thoảng ông bỏ xuống ngắm nghía lau chùi, xong lại treo lên đầu giường, chứ cấm không cho ai được động tới. Hoan cũng biết như thế, nhưng không hiểu sao nghe con nói chị vẫn nhìn con như thúc giục, nhưng biết đâu cháu đích tôn của ông mượn, ông lại cho thì sao. Thế con lên mẹ nhá. Nói rồi nó ba chân bốn cẳng chạy lên phòng ông trên gác hai. Hoan ở dưới nhà thu dọn mọi thứ xong đâu đấy vẫn chưa thấy con xuống. Không biết có được mà thằng bé mãi không thấy xuống. Chị lững thững bước lên cầu thang. Mới đến chiếu nghỉ tầng hai đã nghe tiếng bố chồng thủ thỉ như kể chuyện với thằng Vinh. Chị lặng lẽ đứng nép ngoài cửa, ý như chờ bố chồng nói xong chuyện gì đó với con trai rồi mới vào. Trong phòng, thằng Vinh ngồi trên chiếc ghế bên bàn nước, hai tay buông thõng, mắt chăm chăm nhìn ông như giờ học nhìn thầy giáo giảng bài. Còn ông cũng ngồi bên bàn, nhưng tay lại đặt lên chiếc bi đông để trên bàn, mắt lúc nhìn cháu, lúc nhìn xa xăm qua khung cửa sổ ra ngoài trời xanh. Giọng ông lúc nhỏ lúc to, nghe câu được câu mất. Hoan phải nín thở, nghiêng một bên tai vào trong cửa mới nghe rõ những lời ông Hùng nói với cháu nội.

Lần ấy đi chiến dịch Điện Biên Phủ không hiểu sao ông lại sinh cái tật hay uống nước, mỗi khi hành quân hay chiến đấu ban đêm là lại hay khát nước. Đói thì chịu được, chứ khát rất khó chịu. Nên lúc nào chiếc bi đông nước cũng phải cập kè bên hông, dù là đào đường hào hay tập kích địch, bỏ bớt cái gì thì bỏ, chứ bi đông nước thì không thể bỏ. Đêm ấy đại đội của ông được lệnh tấn công đánh chiếm đồi C2, một cứ điểm trọng yếu án ngữ phía đông Mường Thanh mà cả ta và địch đều muốn chiếm giữ. Sau lệnh phát hỏa, ông Hùng và Đủ được lệnh lao ra cửa đường hào, sẵn sàng yểm trợ cho tổ xung kích lên đánh bộc phá cắt hàng rào dây thép gai. Ông cúi người chạy đi trước, Đủ chạy phía sau. Trong khi chạy lao đi, ông như không còn chú ý gì nữa, chỉ chăm chăm nhìn về phía hàng rào xem đã thấy ánh lửa phát ra từ quả đạn bộc phá của tổ xung kích chưa. Thình lình như có người từ phía sau đè ông nằm sấp xuống, rồi nằm úp người lên trên lưng. Trong tích tắc, ông nhận ra là Đủ, thì cũng đồng thời người Đủ bỗng giật thót lên. Ông bỗng thấy nhói đau tay bên trái, đang định cựa quậy, thì Đủ đã giập đầu ông xuống, nói rít trong cổ họng: “Nằm im…anh!”. Giây lát, đại bác địch chuyển làn, cũng là lúc ông cảm giác như trên lưng ươn ướt. Vừa lúc đó, Đủ từ trên lưng ông ngã vật xuống ngay bên cạnh. Ông vội nhỏm dậy, vực Đủ lên. Nửa bên trái Đủ, từ má đến chân, đều bị mảnh đạn đại bác bắn, máu chảy đầm đìa. Ông vội gọi dân công khẩn trương lên đưa Đủ về phía sau. Trước lúc lên cáng, Đủ còn đưa tay sang bên hông lần lần cởi chiếc bi đông đưa cho ông, nói thều thào: “Anh cầm bi đông nước này mà uống. Em không cần uống nữa đâu”. Ông nói đến đấy thì đột ngột dừng. Đứa cháu nội nhìn nét mặt ông đăm chiêu, đôi mắt như cụp lại thì như hiểu nỗi lòng ông. Nó cứ lặng lẽ ngồi nhìn ông như thể đã quên béng việc mình lên đây. Còn Hoan, đứng nép ngoài cửa nghe bố chồng nói với con mà hai mắt cay xè. Ông vừa dứt lời, Hoan vội quay lại đi như chạy xuống nhà dưới.

Hoan mung lung nghĩ đến đấy, bỗng thấy nôn nao hết cả người, vội quay sang chồng, mặt đờ đẫn nhưng giọng nói lại dứt khoát, quay lại, quay lại đi anh! Bình nhìn nét mặt ngây ngây dài dại của vợ, chưa hiểu đầu nghê tai nheo ra sao mà đang đi lại bảo quay lại. Liền hỏi, quay lại đâu, chỗ vừa dừng xe có gì mà quay lại. Nhưng đã nghe giọng Hoan buồn rầu, giời ơi, quay lại nhà. Quay lại chỗ nhà mình ngay đi, anh! Bình mơ màng nhận ra cái gì đó vừa đến với Hoan, vội quay xe. Thì nghe Hoan nói giọng gấp gáp, em lúc ấy tự nhiên quên béng đi mất. Thành ra bao nhiêu thứ cần bỏ đi đều tống hết vào cái thùng giấy to để ở cổng. Không biết mấy con mẹ chè chai... Nghe vợ nói Bình chợt hiểu, vội hỏi, em để cái thùng ở trong cổng hay ở ngoài? Nếu trong cổng thì may còn, vì nhà mình theo kế hoạch mai ngày kia chủ dự án mới đến nhận đất, sau đó mới cho máy xúc vào phá nhà cơ mà. Dự án thì nói làm gì, mặt Hoan buồn trĩu như bánh đa ướt, ngại nhất là mấy con mẹ chè chai lông vịt, mình ra khỏi ngõ là họ xô vào ngay. Các mẹ ấy mà vào thì chỉ có mất, chứ làm gì còn, Hoan nói như rên rỉ. Bình từ lúc nghe vợ bảo quay xe lại nhà, cũng không gạn hỏi gì nữa, giờ thấy Hoan như trút sự buồn chán thất vọng lên mấy bà chè chai, anh quay sang định trách vợ vô tâm, mang vất chiếc bi đông vào thùng đồ bỏ đi như thế mà không hỏi anh một câu, để đến nỗi giữa hôm dọn nhà sang khu đô thị mới lại làm ông cụ buồn vì mất chiếc bi đông, vật bất ly thân bao nhiêu năm nay, thì dẫu một nhà mới, chứ đến mười nhà mới cũng chẳng còn vui thú nỗi gì. Nhưng khi nhìn nét mặt Hoan héo như tàu cải dưa, thì Bình cũng kịp nén.

Chiếc xe lăn bánh chậm chạp trong ngõ vắng, rồi dừng lại. Hoan hấp tấp mở cửa xe lao ra. Chị dang tay đẩy tung hai cánh cổng, bước vào. Nhưng loáng một cái đã quay ra, mặt ỉu xìu xìu. Nhìn cái dáng uể oải của vợ đi lại chỗ xe đỗ, Bình biết cái điều không riêng hai vợ chồng mà cả nhà đang chờ đợi đã không đến. Anh lặng lẽ nhoài người sang bên này, đưa tay mở cửa xe cho vợ lên. Nhưng Hoan vẫn chưa lên, chị đứng tần ngần bên cửa xe vừa mở, hết đưa mắt vào phía trong cổng lại nhìn ngớp dọc đường ngõ, bâng khuâng, nuối tiếc. Bỗng có tiếng bà cụ ở nhà bên kia đường, vừa lững thững đi ra vừa hỏi, ai như chú Bình, cô Hoan à. Thế dọn nhà chưa xong nhưng mà trở lại đấy? Hoan bước nhanh lại phía bà cụ, vừa đi vừa hỏi dồn, bà ơi, từ sáng đến giờ bà có thấy người chè chai nào vào ngõ nhà mình không? Bà cụ đã ra đến chỗ xe đỗ, nhìn Bình, lại nhìn Hoan, giây lát mới thủng thẳng bảo, có đấy, có hai chị đi xe đạp vẫn qua lại ngõ này, vừa ở đây ra xong. Hoan hỏi như gấp hơi, họ đi lối nào? lâu chưa, hả bà? Bà cụ vẫn thủng thẳng, mới nãy, vào lối trong kia kìa. Lối trong kia kìa, chỉ có thế, Hoan phẩy tay ra ý giục chồng lên xe, rồi cứ thế đi như chạy theo tay bà cụ chỉ. Đến nỗi Bình vừa cho xe dấn lên, vừa hạ cửa kính gọi, nhưng Hoan vẫn như không nghe thấy. Chị cứ cắm đầu chạy đuổi theo hai người chè chai mà chị tin một cách chắc chắn rằng, chỉ có gặp họ mới có thể xin hoặc chuộc lại được chiếc bi đông./.

                                                          Hải Phòng, tháng 5/2014

                                                                             C.N.