/Cỏn con một sợi lông mày. Mà đem cột trái đất này vào anh/ Thơ Trần Mạnh Hảo

VIDEO

HỖ TRỢ

QUẢNG CÁO

LỊCH

LIÊN KẾT

văn xuôi

CÁC HỒI KÝ VIẾT VỀ NHÀ CÁCH MẠNG NGUYỄN VĂN NGỌ

Anh luôn đấu tranh phê phán cái sai, ủng hộ cái đúng và đầy lòng nhân ái thương dân...

CÁC HỒI KÝ VIẾT VỀ NHÀ CÁCH MẠNG NGUYỄN VĂN NGỌ

1.

Tháng 9 năm 1936, Nguyễn Văn Ước (tôi) cùng các tù chính trị được ân xá do Mặt trận bình dân Pháp ra đời. Tôi về tìm gặp anh Nguyễn Văn Ngọ cùng tôi lên Hải Dương. Anh Ngọ giới thiệu tôi với anh Trần Quang Hưng đang là chủ hiệu sách. Sau khi anh Ngọ trình bày về tình hữu Vĩnh Bảo, anh Hưng khuyên tôi (Ước) về tham gia hội truyền bá quốc ngữ ở Vĩnh Bảo, còn anh Nguyễn Văn Ngọ vẫn đi làm phóng viên báo Thời Nay. Khi phong trào Vĩnh Bảo có tiến triển tốt, anh em cử tôi (Ước) lên Hà Nội gặp được anh Ngọ. Có địa chỉ, tôi gặp anh Trần Huy Liệu và đề nghị cho thành lập Tổ chức Đảng ở Vĩnh Bảo. Anh Liệu cười vui vẻ và nói đã chín mùi chưa, không được nóng vội… Trên đường về tôi gặp anh Lê Thanh Nghị ở Nhà máy nước Hải Dương, tôi cũng hỏi và nói đã gặp anh Liệu rồi. Anh Nghị bảo phải tính toán cẩn thận thêm chút nữa, khi có phong trào quần chúng và có thêm cán bộ cốt cán. Tôi về nhà, lên Hạ Đồng may mắn gặp được anh Ngọ ở Hà Nội vừa về trình bày với anh Ngọ về ý kiến của anh Liệu, anh Nghị. Anh Ngọ gật gù và nói: “Mình ủng hộ các ông, có điều cấp trên (ông Liệu và ông Nghị) nói cần cân nhắc kỹ là đúng, phải hiểu “một tổ chức Đảng ra đời, phải có điều kiện nhất định, điều kiện ấy do ta tạo ra, nhưng phải bồi dưỡng để có đủ 3 Đảng viên thì mới xin thành lập Chi bộ, trên đánh giá là Vĩnh Bảo ta sắp đủ điều kiện rồi đấy, cố lên tý nữa”. Được ý kiến của anh Ngọ, tôi hiểu phải tích cực hơn, thận trọng hơn, khẩn trương  hơn mới có được tổ chức Đảng.

Sau đó ít ngày anh Ngọ và tôi (được kết nạp trong nhà tù Côn Đảo, sau khi ra khỏi quốc dân Đảng) đã giới thiệu kết nạp anh Trịnh Khắc Dần (Trang 19 lịch sử  Đảng bộ Vĩnh Bảo tập I cuốn sơ thảo)

Đến ngày 8 tháng 8 năm 1938, Xứ ủy Bắc Kỳ cho thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản huyện Vĩnh Bảo, lúc đó mới kết nạp thêm đồng chí Đào Trọng Khoan (3 Đảng viên Ước, Dần, Khoan). Xứ ủy chỉ định đồng chí Ước làm Bí thư Chi bộ huyện Vĩnh Bảo, tỉnh Hải Dương./.

(Trích hồi ký của nhà lão thành cách mạng Nguyễn Văn Ước ngày 15/4/1988)

2.

...Năm 1942 anh Ước là anh ruột tôi, anh Ngọ là anh ruột anh Huống. Hai anh bị tù ở Căng Bá Vân, nên hai chúng tôi thường lên thăm. Nhiệm vụ chính lúc này là hai chúng tôi làm liên lạc giữa Tổ chức Cách mạng ở Vĩnh Bảo (Hải Dương) với Chi bộ nhà tù của anh Ngọ và anh Ước. Được giao nhiệm vụ, hai chúng tôi (Huống và Bé) về vận động nhân dân chống thu thuế của Nhật ở Hạ Đồng, Cống Hiền, An Quý. Phần lớn là đồng bào công giáo, ngày đêm tổ 3 người ((Huống, Biên và Sùng do Huống làm tổ trưởng) vận động được khá nhiều các chức dịch, hào lý giác ngộ. Họ tích cực giúp đỡ Việt Minh, còn tôi (Bé) ra chợ An Quý bán đường phên, rồi về Bè (tre gỗ) của anh Ngọ ở Cộng Hiền nằm chờ có khách đến mua gỗ tre trá hình, để nhận sự giúp đỡ của Việt Minh.

Trích hồi ký ngày 12/6/1988 của cán bộ lão thành cách mạng Nguyễn Hữu Biên (tức Bé)

3.

...Ngày 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp, phong trào đang sôi nổi thì anh Ngọ, anh Ước, anh Dần về thành lập Ban chấp hành huyện bộ Việt Minh huyện Vĩnh Bảo. Anh Nguyễn Văn Ngọ làm Chủ tịch Việt Minh lâm thời, anh Nguyễn Văn Ước là Bí thư Chi bộ Đảng.

Ngày 20/8/1945, ta cướp chính quyền huyện, tên phủ Sáu (Lê Văn Sáu) và 11 lính huyện trưởng ra đầu hàng. Ngày 22 tháng 8 năm 1945, Ủy ban Cách mạng Lâm thời huyện Vĩnh Bảo ra mắt trước cuộc mít tinh của huyện. Anh Nguyễn Văn Ngọ làm Chủ tịch đã triệu tập hội nghị đông đủ đại biểu của 5 khu trong huyện quyết định phát huy thắng lợi, ổn định tình hình mọi mặt... trật tự trị an, trị thủy vỡ đê. Do thiếu cọc tre hàn khẩu đê Lô Đông. Anh Ngọ đã cử tôi (Nguyễn Bác Ái), mang thư của anh trực tiếp sang Tiên Lãng đưa tận tay anh Lý Bá Sô (Chủ tịch Tiên Lãng). Khi đọc xong thư, anh Lý Bá Sô chỉ thị các xã giáp ranh với Vĩnh Bảo có trách nhiệm cung cấp tre, cọc cho Vĩnh Bảo để kịp hàn khẩu đê Lô Đông, triền sông Luộc. Số lượng tre cọc do Vĩnh Bảo quyết định…

(Trích hồi ký 25/8/1988 của cụ Nguyễn Bác Ái cán bộ lão thành cách mạng)

4.


Nguyên Chủ tịch xã Lý Nhân, cựu tù Phú Quốc, Nguyễn Văn Phàm (tức Nhậm 1914 - 1982) 

...Vào cuối tháng 10 năm 1945, trời tối mịt, se se lạnh. Đồng chí Chủ tịch Ủy ban Cách mạng lâm thời huyện Nguyễn Văn Ngọ cùng với một cán bộ nữa tên là Dân đi kiểm tra đê làng Sưa (Lô Đông – Vĩnh Long) về, có ghé qua cơ sở cách mạng là nhà tôi để nắm tình hình chung của địa phương và chỉ đạo xã Lý Nhân về một số chính sách của tỉnh đối với nông dân, nông thôn. Rồi bàn việc xây dựng, phát triển lực lượng vũ trang cho huyện và ở các làng, xã... Được tiếp xúc tại gia thấy anh Ngọ rất bình dị, dễ gần và hết lòng vì công việc chung. Vì đã muộn tối, gia đình cố giữ hai anh nghỉ lại và đến phút cuối cùng các anh mới đồng ý. Đêm ấy chúng tôi nói khá nhiều chuyện, nhưng anh Ngọ chỉ xoáy vào các vấn đề nổi cộm tại địa phương hiện nay.

Sáng sớm hôm sau nhà tôi dậy sớm để làm cơm đãi thượng khách, nhưng các anh kiên quyết chối từ và đi ngay lên huyện cho kịp cuộc họp quan trọng... Tuy được tiếp xúc trực tiếp với anh một đêm, nhưng trong tôi luôn thấy hình ảnh người Chủ tịch huyện hiền từ, tài ba, đức độ, giàu lòng nhân ái, lắng nghe ý kiến mọi người. Anh luôn đấu tranh phê phán cái sai, ủng hộ cái đúng và đầy lòng nhân ái thương dân...

Trích hồi ký của ông Nguyễn Văn Phàm (tức Nhậm), nguyên Chủ tịch UB Cách mạng lâm thời xã Lý Nhân, huyện Vĩnh Bảo đầu tiên (xã An Hòa ngày nay).

5.

....Năm 1942 – 1944, tôi là Lê Huy cùng bị giam ở Căng Bá Vân với anh Nguyễn Văn Ngọ. Học tập ở anh một chiến sỹ cách mạng kiên cường, trung thực, thẳng thắn nhưng tình cảm, rất hăng hái tích cực. Mặc dù bị tra tấn dã man, sức yếu nhưng không hề nao núng dao động. Một người cộng sản gang thép, động viên anh em trong nhà tù vững vàng đấu tranh tin vào thắng lợi. Mặc cho sức khỏe bị giảm sút, các vết thương đau tái phát do các nhà tù đế quốc (1930 - 1936) tra tấn, các Đảng viên trong nhà tù quý mến thương anh. Điều hạnh phúc lớn nhất đối với anh Nguyễn Văn Ngọ là được Bác Hồ trực tiếp gọi lên và giao cho nhiệm vụ làm đặc phái viên của Chính phủ đi Lục Bình – Lạng Sơn đấu tranh thuyết phục Tổng đốc Vi Văn Định trở về với cách mạng. Đây là một việc làm khó khăn phức tạp và rất quan trọng, trong lúc chính quyền lâm thời của ta còn phải đương đầu với bao khó khăn, nhưng anh Ngọ đã thực hiện được những điều mà Bác Hồ giao. Tổng đốc Vi Văn Định đã về với cách mạng. Đây là một thành công lớn trong cuộc đời của người chiến sỹ cách mạng....

(Theo hồi ký của đồng chí Lê Huy nguyên Bí thư Tỉnh ủy Kiến An cũ, khi nghỉ hưu là chuyên viên Văn phòng Trung ương Đảng)

6.

…Năm 1920 – 1924, Nguyễn Văn Ngọ được các cụ cho đi học ở trường khuyến học Hải Dương, trường này là trường tu, do linh mục Hạnh người Tây Ban Nha mở. Với ý định ban đầu là cho ông Ngọ đi học để làm linh mục hoặc về làm trưởng thôn (lý trưởng). Năm 1924 không hiểu sao ông Ngọ tự bỏ học, rồi xin vào trường Pháp Việt ở Hải Dương ở Hải Dương. Sau đó, ông Ngọ xin thi vào trường Bưởi (tức trường Chu Văn An ngày nay) tại Hà Nội, do cụ Nguyễn Văn Tố làm Giám đốc... Năm 1926 khi nhà yêu nước Phan Châu Trinh mất, ông Ngọ đứng ra tổ chức toàn trường truy điệu cụ Phan nên bị đuổi học…

Khi có vụ án Dương Hạc Đính ở Hà Nội bị lộ, ông Ngọ trốn lên Lào Cai ở nhà ông Chánh Kiên và hoạt động cách mạng. Năm 1930, ông về Thái Bình tham gia lãnh đạo cuộc nổi dậy của nông dân Tiền Hải. Tháng 10 năm 1930, ông bị mật thám Pháp theo dõi bắt giam, do Vi Văn Định Tổng đốc Thái Bình chỉ đạo trực tiếp tra khảo, sau đó Nguyễn Văn Ngọ bị kết án và đày đi các nhà tù tại Hải Phòng, Sơn La. Trong nhà tù Sơn La có 200 tù chính trị khi về Hải Phòng còn 70 người. Đến tháng 9 năm 1931 tại tòa Thượng thẩm, ông bị coi là “người trọng yếu” bị kết tội “khuynh đảo Chính phủ”, chịu 20 năm khổ sai, mức án nặng nhất và bị đầy đi Côn Đảo...

Tháng 5 năm 1936 Mặt trận Bình dân Pháp giành chiến thắng, các tù chính trị được tha về trong đó có ông Ngọ. Từ đó ông Ngọ đã giác ngộ cách mạng cho các anh em ruột là Nguyễn Phú Thọ, Nguyễn Văn Chúc, Nguyễn Văn Huống, Nguyễn Văn Phì..., nên ông Nguyễn Văn Huống đã tổ chức Hội nghị thành lập đoàn thanh niên dân chủ đầu tiên của huyện Vĩnh Bảo tại nhà ông Nguyễn Đức Vượng ở Cộng Hiền. Ông Huống làm Bí thư, ông Tống Phú Hoạt làm Phó Bí thư (tháng 12/1937). Năm 1939 ông Ngọ lại bị bắt đi tù ở Căng Bá Vân, đầu năm 1945 ra tù.

Quá trình hoạt động đi về quê ông Ngọ chọn ngôi nhà thờ, nhà phòng của họ đạo Hạ Đồng, làm nơi ăn nghỉ, dưỡng thương, liên lạc xây dựng cơ sở, họp hành từ trước 1930 đến cách mạng tháng 8 thành công (1945). Mỗi khi về có các đồng chí khác là Hà Thị Quê, Lê Thanh Nghị, đồng chí Ước, đồng chí Dần,… thời điểm này gia đình không thể trực tiếp được. Ông đã xin ý kiến của bố mẹ cho tiền gạo và giao cho ông Trần Văn Núi có trách nhiệm trông nom bảo vệ, giữ bí mật đưa đi đón về và mang cơm, thuốc thang cho ông. Lúc đầu, ông Ngọ có cho ông Núi đưa lên Thánh giáo để liên lạc gây cơ sở ở nhà cụ Lý Nhung nhưng sau 2 lần không ổn và đưa về nhà cụ Dương Đức Hồng ở Hà Dương. Cụ Hồng nhận lời mỗi khi ở Hạ Đồng lâu quá sợ lộ lại ra cụ Hồng, nên ông Núi và ông Hồng được Chính phủ tặng thưởng Bằng có công với nước.

Cụ Nguyễn Phú Huynh là bố đẻ, cụ Nguyễn Thị Hóa mẹ đẻ đã nuôi dưỡng cho con ăn học, chọn nơi thánh đường (nhà thờ) làm nơi trú ẩn hoạt động, nuôi dưỡng và cất giấu nhiều cán bộ tiền bối khác. Ngoài ra còn gia đình cụ Nguyễn Thị Tiến ở Lạng Am – Lý Học cũng là một cơ sở nuôi giấu cán bộ quan trọng cho ông Nguyễn Văn Ngọ và nhiều đồng chí lãnh đạo khác...

“Vĩnh Bảo, ngày 01/2/1987 – Nguyễn Văn Phì 81 tuổi, cán bộ hoạt động cách mạng trước 1945”
.

Nhà văn hóa mang tên Nguyễn Văn Ngọ
Từ trái sang: Kim Chuông, Nguyễn Văn Kết, Trần Rường và Ngọc Tô 

 NHÂN CHỨNG

1.

…Đầu năm 1946 (anh Ngô Duy Đông và anh Lương Quang Chất, Phó Bí thư) giao nhiệm vụ cho anh Năng, Phó Chủ tịch tỉnh Thái Bình, đi đón anh Ngọ về làm Chủ tịch Ủy ban Cách mạng lâm thời tỉnh. Lúc đó anh Nguyễn Văn Ngọ đang ở Hạ Đồng, xã Cộng Hòa nay là xã Cộng Hiền, Vĩnh Bảo. Tôi thấy anh Ngọ là người thông minh, tháo vát, có nhiều sáng kiến… Ví dụ: Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng Thái Bình quyển sổ vàng về thành tích diệt dốt (anh Động Đình Chất) chỉ biết cất đi, nhưng anh Nguyễn Văn Ngọ đưa việc này ra tuyên truyền toàn tỉnh để đẩy mạnh phong trào học bổ túc văn hóa…

(Theo ông Ngô Minh Lãng, 80 tuổi, quê thị xã Thái Bình trước khi nghỉ hưu làm ở Bộ Văn hóa ghi lại lời kể của ông Ngô Duy Đông, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình, sau là Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương).

2.

... Anh Nguyễn Văn Ngọ lúc mới hoạt động cách mạng, anh đã làm Bí thư một tổ chức yêu nước “Tâm Tâm xã” ở Hà Nội. Đó là tiền thân của Tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội. Từ đầu năm 1927, anh Ngọ gia nhập tổ chức này. Năm 1929, anh được đồng chí Ngô Gia Tự giới thiệu kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Sau khi thành lập Đảng (3/02/1930), anh tham gia Ban Chấp hành Xứ ủy Bắc Kỳ, Xứ ủy phân công anh Ngọ về Thái Bình hoạt động. Nhận trọng trách trong thường vụ Tỉnh ủy, chỉ đạo phong trào đấu tranh nổi dậy của nông dân Tiền Hải năm 1930 và cuối năm 1930 bị mật thám bắt với án tù khổ sai 20 năm. Anh Ngọ là người hoạt động cách mạng rất sớm, tiếc rằng anh hy sinh ở nước ngoài vào lúc vừa mới kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp,...

(Bà Minh Lãng, 87 tuổi, hoạt động cách mạng từ năm 1927, quê ở làng Phật Tích, huyện Tiên Du, Bắc Ninh, khi nghỉ hưu là chuyên viên 6 Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam kể ngày 15/8/1994. Lê Thị Huyền – chuyên viên 4 Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã nghỉ hưu ghi).



TÀI LIỆU THAM KHẢO:

 

- Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam

- Lịch sử Đảng bộ tỉnh Thái Bình

- Lịch sử Đảng bộ tỉnh Hải Dương

- Lịch sử Đảng bộ thành phố Hải Phòng

- Lịch sử Đảng bộ huyện Vĩnh Bảo

- Lịch sử Đảng bộ xã Cộng Hiền

- Nhân vật lịch sử Hải Phòng tập II (NXB HP 2001)

- Hồ Chí Minh – Tiểu sử

- Dư địa chí tập I

- Những tư liệu gốc tại Ban Tổ chức Trung ương Đảng

- Ghi chép tay của đồng chí Nguyễn Văn Ngọ

- Ghi chép tay của đồng chí Triệu Thị Đỉnh

- Ghi chép tay của ông Nguyễn Văn Phì

- Ghi chép tay của bác Nguyễn Văn Uẩn

- Hồi ký của bác Trần Rường, nguyên Bí thư Huyện ủy Vĩnh Bảo

- Bách khoa toàn thư mở và một số tài liệu khác.

Ngọc Tô chủ biên