/Cỏn con một sợi lông mày. Mà đem cột trái đất này vào anh/ Thơ Trần Mạnh Hảo

VIDEO

HỖ TRỢ

QUẢNG CÁO

LỊCH

LIÊN KẾT

văn xuôi

BÁC HỒ CÒN ĐÓ VỚI CÔ TÔ

Vậy thì nhà thơ Trần Anh Trang trong bài “Tượng Bác Hồ trên đảo Cô Tô” đã nói hộ cảm nghĩ cho mỗi ai trong đó có tôi khi đến với Cô Tô,...

BÁC HỒ CÒN ĐÓ VỚI CÔ TÔ

Bút ký của KHIẾU QUANG BẢO

 

      Giờ thì Hà Nội với Cô Tô không xa mặc dù về địa lý cách nhau tới 260 km. Sau 8 giờ hành trình từ sáng sớm bằng ô tô và tàu thủy cao tốc tôi đã có mặt ở đảo Cô Tô lớn vào đỉnh trưa. Và có thể đứng dưới chân bức tượng đài Bác Hồ tạc bằng đá hoa cương giữa biển trời địa đầu Tổ quốc vào xế chiều. Bác đứng đó uy nghiêm lưng tựa núi gương mặt hướng ra biển Đông bao la tay phải giơ cao vẫy chào như chở che cho vùng đất và biển trời nơi đây.

      Năm 1996 Kỷ niệm lần thứ 106  Ngày sinh Bác bức tượng bằng đá này được thay thế bức tượng đúc bằng bê tông cốt thép trước đó, dựng vào đầu năm 1976, được nhà điêu khắc Nguyễn Văn Quế cùng các đồng nghiệp thực hiện. Năm ấy tôi cùng hai nhà báo Trọng Thanh và Lê Bá Thuyên - Chủ nhiệm báo ảnh ViệtNamcùng ra đảo tác nghiệp. Phải vượt biển bằng tàu thủy gỗ chạy chậm và sóng xô người nào cũng chao đảo say sướt. Cô Tô nghèo và hoang vu. Ngoài trồng lúa, hoa màu, làm muối, đánh bắt hải sản nhỏ lẻ, đã có dự án nuôi trai lấy ngọc. Bát cháo trai chúng tôi ăn còn nhằn ra được hơn chục viên ngọc trai tròn nhỏ như chiếc khuy áo dài phụ nữ. Tôi nói với anh Lê Bá Thuyên, rằng ngọc trai mài ra lấy nước cho trẻ sốt cao uống là hạ nhiệt ngay. Vậy là chúng tôi cùng cười gói lại đút túi.

      Cho đến bây giờ tượng Bác Hồ trên đảo Cô Tô vẫn được các nhà điêu khắc  đánh giá là bức tượng Bác đẹp nhất vùng đông bắc. Đứng giữa khuôn viên diện  tích rộng tới 62.500 m2 với các hạng mục tượng đài, đền thờ, nhà lưu niệm, ao cá, hệ thống hồ điều hòa cùng nhiều hạng mục khác với tổng kinh phí 39 tỷ đồng mà lòng rưng rưng hồi tưởng về Người.

     Trong lần tới thăm Cô Tô ngày mồng 9 tháng 5 năm 1961, hồi đó Cô Tô còn thuộc tỉnh Hải Ninh, Bác Hồ đã đi thăm đồng muối, bới khoai cùng nông dân trên ruộng, thăm hỏi gia đình thuyền chài. Bà con các dân tộc trên đảo quây quần quanh Người cảm động chuyện mà không nói được nên lời. Người nói: “Thủ đô Hà Nội tuy xa các đảo, nhưng Đảng và Chính phủ luôn quan tâm đến đồng bào các đảo và mong đồng bào đoàn kết cố gắng tiến bộ”. Yêu kính Bác chính quyền và người dân nơi đây đã xin dựng tượng Người để ngày ngày được ở bên Người. Lúc đầu tượng Bác được dựng bán thân bằng chất liệu thạch cao, tay phải giơ lên vẫy chào như hình ảnh Người tươi cười vẫy chào nhân dân khi tới thăm Cô Tô. Đây là bức tượng đài đầu tiên và duy nhất được Bác Hồ cho phép dựng lúc Người còn sống. Ông Nguyễn Đức Lựu một trong ba người làm bức tượng đó đang sống ở thành phố Hạ Long kể rằng, Bác Hồ đã vỗ vai Chủ tịch tỉnh bấy giờ là ông Hoàng Chính và nói vui rằng “Chú giấu tôi ở đảo Cô Tô phải không?” khi ông Chính về Hà Nội thăm Bác. Và đầu năm 1976 Bức tượng bán thân ấy được dựng lại bằng tượng toàn thân đúc bê tông cốt thép.

      Bây giờ Cô Tô là một huyện đảo thuộc tỉnh Quảng Ninh, giữ vị trí chiến lược trong vùng biển đông bắc của Tổ quốc. Đứng dưới chân tượng đài Bác Hồ, tôi nhớ tới hai câu thơ âm vang tận tầm khảng khái:

                              Đất mẹ nghìn năm tự xé mình ra

                      Cho ta biển, cho ta trời, cho ta ngàn vạn đảo

      Hai câu thơ ấy là của nhà thơ Trần Anh Trang viết vào năm 1975 trong bài “Tượng Bác Hồ trên đảo Cô Tô”, khi đó nhà thơ đang học lớp bồi dưỡng viết văn trẻ Nguyễn Du tại Quảng Bá Hà Nội. Đó là hai câu thơ lớn nó khẳng định một cách đanh thép về chủ quyền lãnh thổ của ViệtNam. Tất cả mỗi tấc đất tấc trời tấc biển đều là máu là thịt của mẹ sinh ra. Đúng thế. Ngay từ năm 1832 Nguyễn Công Trứ với cương vị Tổng đốc Hải An (Hải Dương - An Quảng) đã xin triều đình cho thành lập làng xã cắt cử người cai quản. Làng đầu tiên được Nguyễn Công Trứ đặt tên là làng Hướng Hóa. Và nhà Nguyễn đã cho lập đồn Hướng Hóa canh phòng giặc biển. Đánh dấu cương vực lãnh hải ViệtNam.

     Ngày nay khoảng cách về địa lý giữa Thủ đô và vùng đảo Cô Tô đang dần được nối liền khép hẹp nhờ những chuyến tầu thủy cao tốc tấp nập suốt ngày đêm, nhờ điện thoại di động cùng internet, và không phải ai cũng biết Cô Tô là hòn đảo phủ sóng Wi-Fi đầu tiên của tỉnh Quảng Ninh và cả nước. Đất lành chim về đậu. La cà các quán xá, chuyện cùng người buôn bán trong chợ mới vỡ lẽ họ toàn là ở đất liền ra lập nghiệp. Có cả dân Hà Nội ra đầu tư cho khách sạn.

      Huyện đảo Cô Tô bao gồm khoảng 50 hòn đảo lớn nhỏ với diện tích tự nhiên gần 46,2 km2, trong đó có ba hòn đảo lớn là Cô Tô lớn, Thanh Lân và đảo Trần nằm cách bến cảng Cái Rồng huyện Vân Đồn chừng 60 km về phía đông bắc. Sinh sống trên Cô Tô có 1.500 hộ với gần 6.000 nhân khẩu.

      Có hai sự kiện làm thay đổi căn bản đời sống và diện mạo Cô Tô.

      Vào chiều ngày 16-10-2013 UBND tỉnh Quảng Ninh và Công ty Điện lực miền Bắc đã tổ chức khánh thành dự án đưa điện lưới ra huyện đảo Cô Tô không chỉ được hàng ngàn người dân nơi đây mà là cả nước cùng vui sướng thỏa lòng mong ước. Dự án có tổng mức đầu tư 1.107 tỷ đồng. Đây là dự án điện đầu tiên trong cả nước áp dụng công nghệ chôn ngầm cáp 22 KV dưới đáy biển, và rải dây điện 110 KV trên không bằng khinh khí cầu. Dòng điện lưới quốc gia vượt gần 60 km qua các đảo đá và biển cả mênh mông chính thức thắp sáng huyện đảo tiền tiêu của Tổ quốc sau 350 ngày đêm khẩn trương thi công, công trình đã hoàn thành đúng kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập tỉnh Quảng Ninh.

      Trước đó, vào sáng ngày 14-5-2010 Viettel đã tổ chức khai trương phát sóng trạm 3G trên địa bàn thị trấn Cô Tô, phủ sóng 3G đến 100% các huyện đất liền và huyện đảo tỉnh Quảng Ninh. Mặc dù huyện đảo cách đất liền tới 60 km vốn gặp nhiều khó khăn, nhưng 3G của Viettel đã bắt đầu tạo cơ hội cho người dân tiếp cận với internet băng rộng nhanh và dễ dàng hơn với chi phí rẻ chỉ từ 30.000 đồng / tháng và có thể thay thế dịch vụ ADSL. Với 3G của Viettel 100% cơ sở giáo dục trên đảo Cô Tô đã được kết nối theo chương trình Interne giáo dục sẽ được thay thế và chuyển đổi miễn phí từ modem EDGE lên modem 3G. Sự kiện này được phóng viên Diệu Linh Kênh VTC2 làm một phóng sự rất thú vị, tôi xem duyệt, trong đó có một phát biểu của Phó Chủ tịch huyện đảo Cô Tô khi đó là anh Mai Tuấn Phượng, mà khẩu khí cứ như của một nhà văn với hai từ nhấn từ nay, rằng “Từ nay internet băng rộng đã về tận khung cửa mỗi gia đình, đến tận tay từng người dân của huyện đảo. Các em học sinh từ nay không cần vào đất liền ôn thi vì đã có thể ôn thi trực tuyến. Các thày cô giáo từ nay có thể thường xuyên cập nhật thông tin tri thức mới cho các bài giảng ngày càng phong phú. Bác ngư dân từ nay có thể thường xuyên nắm bắt tình hình thời tiết phục vụ cho mỗi chuyến đi biển xa bờ của mình. Anh bộ đội biên phòng từ nay hằng ngày có thể biên thư cho người vợ yêu nơi phương xa”.

     Chính quyền và nhân dân địa phương đánh giá rất cao nỗ lực này của Viettel.

      Chưa bao giờ liên lạc vùng biển gần bờ và xa bờ lại thuận lợi đến thế khi mà hàng loạt nhà mạng thi nhau rút ngắn khoảng cách giữa đảo với đất liền. Người ta gọi đó là nhịp cầu nối những yêu thương. Hay nói cách khác là dịch vụ từ trái tim đến trái tim.

      Chưa năm nào như mùa hè năm nay lại đông người du lịch ra Cô Tô đến thế. Mà toàn là lớp trẻ tuổi. Có lẽ là có những ngày nghỉ dài. Và cũng là để khám phá một quần đảo Cô Tô mới. Cứ hai giờ rưỡi có một chuyến tầu thủy cao tốc từ cảng Vân Đồn đưa hơn 130 khách ra đảo Cô Tô và ngược lại, mà phải đặt vé trước qua mạng, cũng không đáp ứng xuể. Khách sạn nhà nghỉ cháy phòng. Tôi phải nghỉ ở một nhà khách quân đội.

      So với những năm tuổi trẻ tôi còn làm việc ở vùng mỏ thì giờ Cô Tô là một trải nghiệm mới mẻ như lần đầu. Trạm Hải đăng Cô Tô là một điểm tham quan lý tưởng cho du khách để có thể ngắm nhìn toàn bộ đảo Cô Tô xinh đẹp từ trên cao. Cô Tô có nhiều bãi biển đẹp. Bãi Bác Hồ được nhiều người biết đến nhất do gần khu dân cư. Bãi biển dài và sạch sẽ, nhà cửa sầm uất, có chợ, chuỗi cửa hàng, quán xá. Bên bờ biển là một rừng thông xanh mát. Có con đường lát gạch đỏ dài khoảng 2 km chạy men theo bờ cát. Người ta gọi đó là “Đường Tình yêu”. Con đường rất thơ mộng du khách có thể vừa đi dạo vừa nghe sóng vỗ cùng tiếng rì rào của hàng phi lao hai bên đường. Hoặc cặp đôi trên xe đạp đôi thong dong lướt. Nhưng đẹp và hoang sơ nhất trên đảo Cô Tô lớn là bãi Vàn Chải và bãi Hồng Vàn. Bãi Vàn Chải nằm ở phía tây đảo với bờ biển uốn cong bãi cát mịn trắng tinh. Sóng vừa đủ lớn để cho ta nô đùa thư giãn. Trên con đường bê tông bên bãi Vàn Chải đã xuất hiện những biệt thự nhỏ xinh để phục vụ du khách thuê nghỉ. Bãi Hồng Vàn lại mang vẻ đẹp khác với chiều dài 2 km nằm ở phía đông đảo, hầu như không có tầu thuyền neo đậu, nước lặng êm ả lăn tăn như nước mặt hồ bởi có đảo Thanh Lân trải dài nằm chắn gió từ ngoài biển thổi vào. Bờ biển hoang sơ, bãi cát trắng mịn trải dài, nước biển xanh và trong vắt nhìn thấu cát đáy. Có một hiện tượng vô cùng thú vị mà chỉ độc nhất ở bãi biển này có được là đến buổi chiều tối thì những con sóng đột nhiên chuyển sang màu hồng. Du khách sẽ cảm thấy thực sự thích thú khi được đi chân trần trên cát, để những làn gió biển nhẹ nhàng lùa vào mái tóc trên đầu, và để những làn sóng lăn tăn vỗ về dưới chân tựa như bàn chân được massage dịu nhẹ.

      Cầu Mỵ, không phải là chiếc cầu mang tên Mỵ, mà là toàn bộ khu vực rộng  đá chồi có hình dạng giống hình đuôi chuột hướng ra biển, nằm phía nam đảo Cô Tô lớn. Cầu Mỵ với hệ thống đá trầm tích được bào mòn qua hàng vạn năm bởi nước biển tạo sinh, một kỳ quan hiếm gặp trong các đảo đá của ViệtNam. Các lớp đá nhấp nhô ẩn hiện theo các đợt sóng xô nước xanh như nhuộm phẩm ngọn sóng thì trắng như bông gòn. Đá xếp tầng tầng mang nhiều hình thù kỳ thú và màu sắc biến ảo dưới nắng trời tựa kính vạn hoa khiến cả khu vực lung linh như một bức tranh sống động về quá trình kiến tạo của thiên nhiên. Đây là điểm có cảnh quan kỳ vĩ nhất trong cả quần đảo. Cũng là nơi du khách có thể lặng ngắm hoặc lặn ngắm những đàn cá nhiều màu sắc bơi lội dưới làn nước trong xanh len lỏi trong các nhóm san hô và rong biển. Từ một điểm cao xa ngoài bãi đá ta có thể ngắm nhìn toàn cảnh quan khu vực Cầu Mỵ này và có cảm giác liên tưởng như đang ở bên bờ Địa Trung Hải nếu ai đã tới đó hoặc xem phim trên màn ảnh nhỏ.

      Đảo Cô Tô con cách Cô Tô lớn chừng 1 km. Sau khoảng 30 đến 45 phút lênh đênh trên biển bằng thuyền máy nhỏ du khách sẽ lội bộ lên bãi biển thoai thoải của Cô Tô con. Là một đảo thuần quân sự, Cô Tô con không có dân cư sinh sống nên cảnh vật còn rất hoang sơ có cảm giác như mình là một Robinson lạc vào nơi hoang đảo vậy. Diện tích nhỏ nên du khách có thể đi xuyên rừng Cô Tô con đến với các bãi biển trên đảo, nhặt những mảnh san hô, đá cuội trăm hình vạn dạng hay vỏ sò ốc được chế tác bởi thiên nhiên. Rừng Cô Tô con có nhiều loài động vật và gỗ quý hiếm thuộc loại rừng nguyên sinh.

      Cô Tô là vùng biển đảo giàu tiềm năng để phát triển du lịch với môi trường trong lành, con người thân thiện, những bãi biển đẹp chạy dài lút tầm mắt và còn nguyên vẻ hoang sơ cùng nhiều loài hải sản quý hiếm. Về định hướng thì Cô Tô được xác định phát triển thành khu du lịch sinh thái – nghỉ dưỡng biển đảo cấp quốc gia gắn với khu du lịch sinh thái biển đảo cao cấp Vân Đồn, đưa Cô Tô trở thành một trọng điểm du lịch trong quần thể du lịch Cát Bà - Hạ Long - Vân Đồn - Cô Tô - Móng Cái - Trà Cổ với đa dạng các loại hình du lịch, thể thao và vui chơi giải trí cả trên biển và trên đảo. Mà năm 2015 này Cô Tô tập trung xây dựng hoàn chỉnh các cơ sở hạ tầng thiết yếu đặc biệt là giao thông kết nối đảo với đất liền chất lượng cao và các công trình cấp điện, cấp nước, bưu chính viễn thông…Những cơ sở hạ tầng đó đã có và đang đầu tư nhiều hơn lên chất lượng tốt hơn lên cho tầm nhìn xa. Tầu thủy cao tốc đưa khách từ đất liền đến với đảo. Hơn trăm ô tô điện sẵn sàng đưa du khách về khách sạn và đến từng bãi biển. Đã một thời Cô Tô nuôi trai ngọc và khai thác hải sản nhưng giờ nó chỉ còn là phục vụ tại chỗ cho khách du lịch mà thôi. Tôi mừng khi nghe lãnh đạo huyện đảo cho hay lượng khách du lịch ra Cô Tô mỗi năm một tăng từ 3.000 lượt khách năm 2010 lên gần 100.000 lượt khách năm 2014. Dịch vụ du lịch đang từng bước trở thành ngành kinh tế quan trọng trong cơ cấu kinh tế của huyện đảo Cô Tô. Từ một huyện nghèo, nay tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 13,95% năm 2008 xuống còn 0,79% năm 2013.

      Vậy thì nhà thơ Trần Anh Trang trong bài “Tượng Bác Hồ trên đảo Cô Tô” đã nói hộ cảm nghĩ cho mỗi ai trong đó có tôi khi đến với Cô Tô, rằng mãi mãi  Bác Hồ vẫn còn đó với Cô Tô:

                         Sau một ngày đường biển xa xôi…

                         Giữa trùng khơi lại được gặp Người

                         Nơi ngút mắt chỉ có trời với nước

                         Tưởng bồn chồn cả cánh hải âu…

                                                                                        Cô Tô  5-2015

                                                                                              KQB