/Cỏn con một sợi lông mày. Mà đem cột trái đất này vào anh/ Thơ Trần Mạnh Hảo

VIDEO

HỖ TRỢ

QUẢNG CÁO

LỊCH

LIÊN KẾT

văn xuôi

"Bệnh" tưởng bở

Còn để trở thành một nhà thơ chuyên nghiệp hoặc một thi sĩ đích thực, chắc chắn còn khó khăn hơn nhiều,...
Tản văn
"Bệnh" tưởng bở


    Hồi còn là biên tập viên ở Tổ thơ Báo Văn nghệ (cuối những năm 70, đầu những năm 80 của thế kỷ trước), nhà thơ Phạm Tiến Duật từng "tổng kết": "Nói chung, về mặt lý thuyết, muốn đăng thơ trên báo ngày phải gửi trước ít nhất 4 ngày; đăng thơ trên báo tuần phải gửi trước ít nhất 4 tuần; in thơ ở nhà xuất bản phải gửi trước 4 năm".

Đấy là "nói chung" và nói "về mặt lý thuyết". Còn nói riêng và nói "về mặt thực tế", lại hoàn toàn không phải thế. Hay nói một cách khác: Hồi ấy, đối với một người viết trẻ, để được đăng một bài thơ hoặc một truyện ngắn trên bất kỳ một tờ báo nào, đặc biệt là những tờ báo văn, là rất khó. Dễ giải thích vì hồi ấy, những tờ báo, tạp chí có đăng thơ, đăng văn xuôi không nhiều. Quanh đi quẩn lại vẫn là Văn nghệ, Tác phẩm mới, Văn nghệ Quân đội…Và nếu có tờ báo nào không chuyên về văn học nghệ thuật, nếu có đăng thơ, đăng truyện ngắn thì cũng chỉ là chuyện thảng hoặc, đôi khi…

Hồi ấy, cũng như nhiều người viết trẻ khác, tôi đã có đến một vài lần, thơ gửi báo đã được biên tập, đã qua các khâu cần thiết, sắp lên khuôn rồi, vậy mà vẫn bị "bóc bài" như không. Chúng tôi gọi đấy là những lần…mừng hụt.

Mà hồi ấy lạ lắm. Một khi đã bị "bóc bài" thì hầu như không có cơ hội để được sử dụng cho các số tiếp theo. Một khi đã bị "bóc bài" thì bài thơ của mình cũng bị mất hút luôn.

Có một kỷ niệm mà đến giờ tôi vẫn không thể nào quên có liên quan đến việc gửi thơ, đăng thơ. Chuyện xảy ra vào năm 1978, cách nay đã 36 năm.

Đầu năm 1978, sau khi cặm cụi viết được một chùm thơ, tôi lẳng lặng tìm gặp nhà thơ Vương Trọng ở số 4 Lý Nam Đế. Nhà thơ Vương Trọng hẹn tôi tuần sau quay lại. Tuần sau, nhà thơ Vương Trọng báo tin: "Tôi có chọn "Bài thơ viết tiếp dưới gốc tràm" của cậu. Đã xếp vào số tháng 9 tới…". Hay tin, tuy tôi rất mừng nhưng trong lòng tự nhiên nảy sinh một chút thắc mắc: Tại sao lại phải chờ đợi lâu thế nhỉ? Nhưng rồi tôi tự an ủi mình: Gửi thơ lần đầu tiên ở một tạp chí uy tín, lại được chọn ngay một bài thơ, vậy là may mắn rồi. Nhưng phải đợi đến 7 tháng nữa thì quả là hơi sốt ruột. Chưa kể, trước đó, tôi có nhờ một người bạn gửi trực tiếp một chùm thơ đến Báo Văn nghệ TP Hồ Chí Minh. Không hiểu sao người này lại gửi đến Tạp chí Đứng dậy (1 trong 5 tờ báo, tạp chí tư nhân còn tồn tại ở Sài Gòn sau 1975). Đến tháng 7, khi Tạp chí Đứng dậy đăng "Bài thơ viết tiếp dưới gốc tràm" thì tôi giật mình. Tôi lo nhỡ người của Tạp chí Văn nghệ Quân đội phát hiện ra thì…phiền. Biết đâu vì nguyên cớ này, Văn nghệ Quân đội có thể gác thơ của mình lại, không đăng nữa. Và rồi Văn nghệ Quân đội ra số tháng 9, cái tên Đặng Huy Giang bị đăng nhầm là Đặng Huy Giảng. Vậy mà tôi vẫn cứ vui như thường, không hề có ý kiến gì khác.

Nói chung, hồi ấy, đối với một người viết trẻ, mỗi năm được đăng thơ một lần trên Báo Văn nghệ, Tạp chí Văn nghệ Quân đội đã là may mắn lắm rồi. Còn việc được đăng một chùm thơ từ hai bài trở lên là vô cùng khó khăn.

Nay thì tình hình hoàn toàn khác.

Vì số đầu báo tăng, số kỳ báo tăng, số trang tăng nên phần "đất" dành cho văn học nghệ thuật cũng tăng. Nhờ vậy mà lượng thơ được đăng tải cũng tăng và có phần dễ dãi hơn thuở trước nhiều lắm. Rồi, cũng nhờ vậy mà nhiều tên của nhiều người làm thơ càng có điều kiện xuất hiện trên các mặt báo. Chưa kể, đối với những  báo (hoặc tạp chí) có tiara thấp, có thể đăng thơ bất chấp chất lượng, miễn là người có thơ đăng chấp nhận mua từ 100 đến 200 tờ báo.

Còn đối với việc in tập thơ, xem ra còn dễ dàng hơn nhiều. Có khá nhiều nhà xuất bản, do quá tập trung vào việc thu phí xuất bản nên không coi trọng chất lượng nghệ thuật. Do vậy, có khá nhiều tập thơ dở hoặc thậm dở, ra đời.

Không biết có phải vì lý do này không mà một số người có thơ đăng báo hoặc in thành tập kiểu này, đã vội vã cho rằng, bây giờ, trở thành nhà thơ, thật dễ. Theo tôi, đây là "bệnh" ngộ nhận hoặc "bệnh" tưởng bở.

Tất nhiên, không chỉ trong thơ, mà cả trong văn xuôi, cũng vậy.

Họ không biết rằng, trong cuộc đời của bất kỳ người làm thơ nào, để có được một bài thơ hoặc một câu thơ để đời, là một việc khó khăn. Còn để trở thành một nhà thơ chuyên nghiệp hoặc một thi sĩ đích thực, chắc chắn còn khó khăn hơn nhiều, nếu không muốn nói là quá sức tưởng tượng của nhiều người

 

  Đặng Huy Giang
Theo VNCA