/Cỏn con một sợi lông mày. Mà đem cột trái đất này vào anh/ Thơ Trần Mạnh Hảo

VIDEO

HỖ TRỢ

QUẢNG CÁO

LỊCH

LIÊN KẾT

VĂN HỌC QUỐC TẾ

“TINH TUYỂN THƠ TRẦN NHUẬN MINH ” RA MẮT TẠI BẮC KINH

Và nhà thơ Hữu Thỉnh nói tiếp: “Trong lúc sự kiện dàn khoan như thế, Chúc Ngưỡng Tu vẫn giành toàn bộ thời gian vào việc dịch thơ Bác Hồ.

“TINH TUYỂN THƠ TRẦN NHUẬN MINH ” RA MẮT TẠI BẮC KINH

 

          Cuối năm 2014, “Tinh tuyển thơ Trần Nhuận Minh” đã được ra mắt tại Bắc Kinh (Trung Quốc), đúng vào dịp nhà thơ của chúng ta tròn tuổi 70. Nhân tin vui không chỉ riêng với Trần Nhuận Minh mà còn chung cho cả làng thơ Việt Nam, nhà văn Cao Năm đã có cuộc trò chuyện cởi mở với nhà thơ Trần Nhuận Minh qua Email.

 

Nhà văn Cao Năm (CN):

Tôi rất vui khi biết nhà thơ Trần Nhuận Minh vừa được một nhà xuất bản danh tiếng của Trung Quốc, có trụ sở tại Bắc Kinh, mới ấn hành “Tinh tuyển thơ Trần Nhuận Minh” bằng tiếng Trung, phát hành ở đất nước 1,4 tỷ dân. Mối duyên nào đã đưa thơ anh đến với bạn đọc Trung Hoa?

 

 Nhà thơ Trần Nhuận Minh (TNM):

          Bài thơ đầu tiên của tôi đến với bạn đọc Trung Hoa là do một kĩ sư hàng hải tàu viễn dương Trung Hoa đến lấy than ở Hòn Gai. Không biết bằng cách nào ông ta có được bài thơ “Chơi thuyền trên vịnh Hạ Long” của tôi bằng tiếng Anh, khi ông vào nghỉ tại Bãi Cháy. Ông rất thích bài thơ đó và dịch ra tiếng Trung về đăng trên một tờ báo ở thành phố Thiên Tân, quê hương ông, một thành phố lớn  ở Trung Quốc, sau Thượng Hải và Bắc Kinh. Ông nói sẽ mang tờ báo sang tặng tôi, trong chuyến tàu sau, khi ông liên hệ được với tôi qua phiên dịch của Công ti Hoa tiêu có trụ sở cạnh nhà tôi. Sau đó ít lâu tôi được tin là ông đã chết cùng thủy đoàn trên một con tàu bị chìm khi tàu bất ngờ gặp bão lớn ở biển Đông. Đối với tôi, đây là một ấn tượng rất khó quên.

          Từ năm 10 tuổi, tôi đã thuộc Truyện Kiều và cụ Nguyễn Du của Việt Nam đã đưa tôi đi khắp nước Trung Hoa bằng thi phẩm kiệt xuất của mình. Vì thế, tôi rất thích thơ Đường, đặc biệt là thơ Đỗ Phủ mà cụ Nguyễn Du từng tôn làm “thiên cổ sư” ( thầy muôn đời). Và nguyện vọng của tôi đã được thực hiện, khi tôi đi thăm và sáng tác ở Trung Quốc  do Hội Quốc Liên Trung Hoa mời trong đoàn của Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam. Đến nay, đây vẫn là chùm thơ tôi ưng ý nhất trong số thơ tôi viết ở nước ngoài. Rồi tôi được Trung tâm Nghiên cứu Quốc học mời dự và đọc tham luận về thơ Đỗ Phủ, nhân kỉ niệm 1300 năm sinh của thi hào. Nhà thơ, Giám đốc Trung tâm, GSTS Mai Quốc Liên giới thiệu tôi là một nhà thơ có nhiều ảnh hưởng của thơ Đỗ Phủ, và vì thế, bản tham luận của tôi rất được các nhà nghiên cứu, các GSTS Trung Quốc chú ý. Đặc biệt là GSTS Phùng Trọng Bình. Khi tôi đọc xong tham luận, ông bắt tay tôi và đưa cho tôi cái  “các” của mình. Chính ông là một trong ba người, và là người quan trọng nhất, dịch thơ tôi ra tiếng Trung, từ bản tiếng Anh đã xuất bản, và bản tiếng Việt từ một cộng sự của ông. Tập thơ này do Nhà xuất bản Phát thanh Truyền hình Trung ương Trung Quốc biên tập và in ấn. Vừa qua, Trung Quốc công bố 10 cuốn sách bán chạy nhất năm 2013, thì cuốn số 1 trong 10 cuốn đó là của Nhà xuất bản này. Trong cả 10 cuốn đó, không có cuốn nào là tác phẩm văn chương.

 

CN:

Anh đã có thông tin gì về những đánh giá của nhà  xuất bản hoặc dịch giả, nhà phê bình và  bạn đọc Trung Quốc về tập thơ chưa?

TNM:

          Sách mới ra, chưa thể có ý kiến gì. Mở đầu sách là bài viết rất công phu, có thể nói là một công trình nghiên cứu của GSTS Phùng Trọng Bình (có sự cộng tác của Thạc sĩ Dương Nguyệt Hạ) in đến 35 trang ở đầu sách, có tên là “Giá trị nghệ thuật thơ Trần Nhuận Minh”. Ông viết rằng, đọc thơ tôi, ông bị cuốn hút và bị ám ảnh đến mức đêm ngủ cũng không yên và ông quyết tâm đưa thơ tôi đến với nhiều người đọc. Và bản dịch này ông phải nâng lên hạ xuống nhiều lần, và riêng sửa theo Nhà xuất bản cũng phải 2 lần, trong vòng 2 năm liên tục mới xong (Lần đầu là Nhà xuất bản Văn học nhân dân Bắc Kinh thụ lí văn bản thì xảy ra sự kiện dàn khoan, lần sau là Nhà xuất bản Phát thanh Truyền hình Trung ương Trung Quốc). Còn về đánh giá thơ tôi, xin dẫn một đoạn ông viết ở đầu sách: “Thơ Trần Nhuận Minh, với con mắt quan sát khác biệt, ý tưởng độc đáo, bút pháp tinh túy và phong cách biệt lập, đã diễn tả thành công cuộc sinh tồn, đấu tranh và tìm ngẫm của dân tộc Việt Nam. Thể hiện cá tính rõ nét và khác lạ, thơ ông đã đạt đến đỉnh cao của giá trị thẩm mỹ và nghệ thuật, có lực hấp dẫn, lôi cuốn”( Đ. H. dịch).Vừa mới đây, GSTS Phùng Trọng Bình điện thoại cho biết, tập thơ đã có mặt ở tất cả các trường đại học xã hội và nhân văn trên đất nước Trung Hoa và được coi là một trong số những tác phẩm tham khảo để giảng dạy và học tập về nền văn học Việt Nam.

 

CN:

       Nhà thơ có thông tin gì về tập thơ của anh được in ở TQ? Anh có biết tới   

      đây nhà xuất bản họ còn có dự kiến chuyển ngữ và in sách văn học Việt

        Nam sang tiếng Trung cuốn nào nữa?

          TNM:

                     Cứ như quyển sách có trong tay, thì họ làm sách rất bài bản, cổ điển, lớp

lang, trình tự khoa học chặt chẽ. In và làm bìa cùng ma két rất sang trọng, nhưng rất giản dị. Thấy rõ có 2 cái khác mình. Một là đánh số trang theo cụm bài. Như phần giới thiệu sách đánh số riêng từ trang 1 đến trang 2, trong khi trước đó đã có 2 trang tên sách và trang quản lí. Phần nghiên cứu đánh số từ trang 1 đến trang 35. Phần thơ dịch tiếp theo đánh số trang 1, đến trang 168 tức là  trang 49  đến trang 216 của cuốn sách... Thành ra mở sách mà xem số trang ở cuối sách là 168, nhưng cộng từ đầu đến hết là 216. Tôi thấy cách đánh số thẳng một lèo của mình hay hơn, dễ theo dõi. Hai là họ in bài thơ nọ đuổi theo bài thơ kia theo truyền thống in thơ từ thời cổ của Trung Quốc, không như ta, chỉ có 2 câu cũng 1 trang. Nhà xuất bản đề bìa, tên sách là “Trần Nhuận Minh, thi ca tinh tuyển tập”, phần thơ dịch gồm 163 bài trong đó có trích 2 đoạn “Trường ca Đá Cháy” ( thực ra là 3) và 3 bài thơ văn xuôi. Tất cả các bài đều xếp theo thứ tự thời gian, từ năm 1960 đến năm 2012, phục vụ cho bài nghiên cứu ở đầu sách là nhìn nhận và đánh giá thơ tôi trong cả một quá trình. Giá bán là 38 tệ, không biết tính ra tiền mình là bao nhiêu, đắt hay là rẻ. Sách của tôi có bán ở các nhà sách do nhà xuất bản quản lí hoặc có liên hệ, lần lượt ghi địa chỉ để bạn đọc tìm mua ở cuối sách.

        Còn sắp tới có tập sách nào của Việt Namđược dịch ra tiếng Trung thì tôi không biết. Xưa nay dịch văn xuôi ra tiếng Trung do người Trung Quốc làm đã khó, dịch và in thơ còn khó hơn rất nhiều, vì e ít người mua, sẽ lỗ vốn. Chỉ biết khi báo tin với nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, là tập thơ của tôi đã ra mắt ở Bắc Kinh, thì nhà thơ Hữu Thỉnh, sau lời chúc mừng tôi, đã vui vẻ nói luôn: “ Vậy là năm nay ta có 2 tập thơ được dịch ra tiếng Trung và in ở Trung Quốc. “Tập tuyển thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh” do Chúc Ngưỡng Tu dịch cũng đã xong”. Và nhà thơ Hữu Thỉnh nói tiếp: “Trong lúc sự kiện dàn khoan như thế, Chúc Ngưỡng Tu vẫn giành toàn bộ thời gian vào việc dịch thơ Bác Hồ. Qúi vô cùng !”.

 

             CN:

            Cảm ơn nhà thơ Trần Nhuận Minh./