/Cỏn con một sợi lông mày. Mà đem cột trái đất này vào anh/ Thơ Trần Mạnh Hảo

VIDEO

HỖ TRỢ

QUẢNG CÁO

LỊCH

LIÊN KẾT

TIN TỨC

Trải lòng của người viết thuê: Danh tiếng chưa bao giờ nhàm chán đến thế!

Bản thân họ thích sống bình yên không danh tiếng, nhờ vậy họ mới viết được nhiều sách hơn, kiếm được nhiều tiền hơn.

 

Trải lòng của người viết thuê: Danh tiếng chưa bao giờ nhàm chán đến thế!



Đó là lời cảm thán đầy ngao ngán của một chuyên gia viết thuê (ghostwriter), nhân vật sau khi viết "hộ" Victoria Beckham một cuốn tự truyện đã cảm thấy chán ngấy cuộc sống của những người nổi tiếng.

Năm 2007, nữ nhà báo Hadley Freeman được thuê hỗ trợ một ngôi sao viết sách về thời trang.

Những cây bút ở trong bóng tối

Đó là Victoria Beckham và cuốn sách mang tên That Extra Half An Inch: Hair, Heels And Everything In Between (Thêm nửa inch nữa: Tóc, giày cao gót và những thứ ở giữa). Freeman được chọn vì là biên tập viên thời trang cứng cựa của tờ Guardian.

Nhưng về mảng viết thuê thì Freeman còn kém xa Andrew Crofts, một "cây đại thụ" viết thuê. Gần đây Crofts phát hành cuốn tự truyệnConfessions Of A Ghostwriter (Lời tự thú của một chuyên gia viết thuê). Ông từng viết 80 cuốn sách cho khoảng chừng đó nhân vật nổi tiếng, bán được hơn 10 triệu bản sách. Nhưng bản thân ông không hề nổi tiếng.

Kể cả Crofts lẫn Freeman đều không phải là những tay viết thuê chuyên nghiệp đầu tiên tiết lộ về hậu trường chuyện viết sách "hộ". Đạo diễn lừng danh Roman Polanski từng làm một bộ phim về chủ đề này.

Nhà văn Jennie Erdal cũng đã ra tự truyện về thời gian viết thuê cho NXB Naim Attallah ở London. Càng kể, họ càng gây tò mò về các chuyên gia viết thuê, những người đứng giữa các ngôi sao và công chúng.

Cuốn sách về thời trang của Victoria Beckham do Hadley Freeman chấp bút

 

Cuộc sống trói chặt trong lồng son

Ví dụ Freeman cho biết cô phải ký hợp đồng không được tiết lộ những bí mật của gia đình Beckham cho bất cứ ai, trừ những nội dung được đưa vào sách. Tuy nhiên không ai cấm cô thoải mái tiết lộ cảm nghĩ của mình khi là một người viết thuê và cô mô tả việc đó với duy nhất một từ: nhàm chán.

Freeman kể lại rằng trong thời gian thực hiện công việc, gia đình Beckham rất tử tế với cô, đặc biệt thông cảm cho sự “ngu dốt” của cô về bóng đá. Sau khi sách hoàn thành, họ mời cô ăn tối cùng với vài người bạn của David - đều là các cầu thủ bóng đá nổi tiếng thế giới. Đây sẽ là kỷ niệm tuyệt vời đối với một người hâm mộ bóng đá nhưng Freeman thì khác, bởi cô không biết tên một ai trong số đó.

“Zinedine Zidane có vẻ bị xúc phạm khi tôi hỏi anh ấy làm gì để kiếm sống” - Freeman kể. Nhưng biết làm sao được, khi cuốn sách mà cô chấp bút không viết về David, mà là về gu thời trang của Victoria.

“Trong thời gian viết sách, bạn sống với những người nổi tiếng, và cuộc sống của họ rất nhàm chán. Họ bị nhốt kín trong danh tiếng của chính mình, không thể đi đâu mà không gặp khó khăn. Ngày nay người nổi tiếng bị quan sát với mức độ sát sao chưa từng có” - cô chia sẻ.

“Danh tiếng đã trở thành một loại tiền tệ cơ bản của thời đại chúng ta. Danh tiếng trở thành phần thưởng trong các chương trình truyền hình thay vì tiền, cũng vì thế nó trở nên nhàm chán chưa từng thấy. Những người đang khao khát dõi theo X-Factor nên dành một ngày ở bên các ngôi sao để hiểu thế nào là điều họ đang cố gắng đạt được”.

Còn Crofts, một chuyên gia viết thuê kỳ cựu hơn Freeman nhiều, cảm nhận ra sao về danh tiếng? “Tôi có thể trò chuyện với các vị vua và nhà tỷ phú dễ dàng như với những người vô gia cư và gái điếm. Tôi ngồi ở hậu trường cùng các ngôi sao nhạc rock và diễn viên. Tôi nhúng mũi vào chuyện của tất cả mọi người, hỏi những câu xấc xược nhất. Nhưng vì không nổi tiếng nên tôi có thể sống một cuộc đời thoải mái” - ông viết trong tự truyện của mình.

Chuyên tạo danh tiếng cho kẻ khác

Với cuốn tự truyện Confessions Of A Ghostwriter, Crofts từ người vô hình bước ra khỏi bóng tối. Sự xuất hiện này cũng cho thấy một phần nội dung đáng kể trong những cuốn sách bán chạy ngày nay hoàn toàn không phải do vị tác giả được ghi tên trên bìa sách viết ra. Tuy nhiên Crofts chỉ là trường hợp đặc biệt, rất nhiều các cây bút viết thuê khác vẫn che giấu thân phận.

Câu hỏi đặt ra là tại sao người viết thuê lại nhiều đến vậy? Đáp án rất đơn giản, đây là thời của sách phi hư cấu - những câu chuyện được gắn mác có thật, kể về cuộc đời của một con người có số phận ly kỳ, nổi tiếng thì càng tốt. Các cuốn sách như thế bán đắt như tôm tươi. Vấn đề là không phải người nổi tiếng nào cũng có khả năng viết lách.

Người viết thuê, vì thế, đã giúp mang danh tiếng tới cho kẻ khác. Bản thân họ thích sống bình yên không danh tiếng, nhờ vậy họ mới viết được nhiều sách hơn, kiếm được nhiều tiền hơn. “Bạn nhận nhiệm vụ, bám theo cuộc phiêu lưu, từ cung điện cho đến nhà thổ" - là lời chiêm nghiệm của Andrew Crofts - "Nhưng cuối cùng, bạn vẫn quay về ngôi nhà bình yên của chính mình".

Nghề viết thuê có lịch sử gần trăm năm

Nghề viết thuê có lịch sử kéo dài gần một thế kỷ. Từ “người viết thuê” xuất hiện ở Mỹ hồi năm 1921. Các cá nhân như Andrew Crofts đã có 40 năm làm nghề. Ông kể rằng đã khởi nghiệp nhờ tự đăng quảng cáo viết thuê lên báo. Ngày nay, nhờ cách mạng Internet, Crofts có khoảng 3 đến 4 lời đề nghị viết thuê mỗi ngày. “Lúc nào tôi cũng viết” - ông chia sẻ.

 

Mi Ly
Thể thao & Văn hóa