/Cỏn con một sợi lông mày. Mà đem cột trái đất này vào anh/ Thơ Trần Mạnh Hảo

VIDEO

HỖ TRỢ

QUẢNG CÁO

LỊCH

LIÊN KẾT

TIN TỨC

THẾ KỶ VIII CÓ MỘT NGƯỜI NHẬT BẢN ĐẾN VIỆT NAM

Abe Nonakamaru (701(1) - 770) là tên của người Nhật Bản đã theo sứ giả Nhật Bản đến nhà Đường (Trung Quốc) vào niên hiệu Khai Nguyên thứ 5 thời vua Huyền Tông, năm 717.

Tư liệu: THẾ KỶ VIII CÓ MỘT NGƯỜI NHẬT BẢN ĐẾN VIỆT NAM

Việt Anh
Viện Nghiên cứu Hán Nôm
 
     Abe Nonakamaru (701(1) - 770) là tên của người Nhật Bản đã theo sứ giả Nhật Bản đến nhà Đường (Trung Quốc) vào niên hiệu Khai Nguyên thứ 5 thời vua Huyền Tông, năm 717. Chàng trai chưa đầy 20 tuổi ấy, vì mến mộ văn hóa đã không về nước, tình nguyện ở lại du học trong nhà Thái học tại kinh đô Trường An. Giữa rất nhiều nhân tài Trung Quốc, Abe nổi lên nhờ thành tích xuất sắc. Có tư liệu cho biết, Abe được Đường Huyền Tông trọng tài, ban tên chữ Hán là Triều Hành (tư liệu của Trung Quốc thường viết là 晁 衡, tư liệu của Nhật Bản thường viết là 朝 衡). Triều Hành tên tự là 巨 卿Cự Khanh, đậu Tiến sĩ, làm quan với triều Đường qua các vị trí: Tư Kinh cục Hiệu thư, Tả Cáp di, Tả Bổ khuyết, Bí thư giám kiêm Vệ uý khanh. Ông trau dồi thi văn, kết bạn thân với các tác giả lớn thời Đường là Vương Duy, Trừ Quang Hy, Lý Bạch. Mười sáu năm sau, Triều Hành tỏ ý xin về Nhật Bản nhưng Huyền Tông vì quyến luyến nên không cho. Niên hiệu Thiên Bảo 12 (753), ông được cho phép theo thuyền của sứ giả Nhật Bản trở về. Vương Duy đã viết tặng bài thơ 送 秘 書晁 監 還 日 本Tống Bí thư Triều Giám hoàn Nhật Bản. Nhưng trận bão lớn giữa hành trình trên biển lại đưa ông trôi dạt đến địa phận An Nam(2). Triều Hành ở đây 2 năm. Trong thời gian này, tin đồn ông gặp nạn chết trên biển lan truyền ở Trung Quốc. Lý Bạch đã làm bài thơ bốn câu bảy chữ Khốc Triều Khanh thi 哭 晁 卿 詩viếng bạn.
 
     Năm 755, Triều Hành trở lại Trường An, tiếp tục được trọng dụng dưới thời Đường Túc Tông, Đường Đại Tông. Ông làm quan tới Tả Tán kỵ Thường thị, An Nam Đô hộ(3), Quang Lộc đại phu, Ngự sử Trung thừa, Bắc Hải quận Khai Quốc công, hưởng thực ấp ba ngàn hộ. Triều Hành hưởng thọ 70 tuổi, qua đời ở Trường An.
 
Trước nay, ở vị trí là một tác giả văn học Trung Quốc thời Đường, Triều Hành chỉ có một bài thơ được chép trong Toàn Đường thi là 銜 命 還 國 作Hàm mệnh hoàn quốc tác. Sau này, Toàn Đường thi ngoại biên có sưu tập thêm được hai bài thơ khác của ông là Vọng hương và Tư quy. Trong 古今 和 歌 集Cổ kim hòa ca tập là bộ sưu tập văn học sớm hàng đầu của Nhật Bản, gồm 20 quyển, có chép được một số sáng tác của Triều Hành; hai bài thơ với tiêu đề nhớ quê hương nói trên đều có mặt ở đó. Về thời gian Triều Hành tạm trú và nhậm chức Đô hộ ở nước ta, tiếc là chưa tìm được chút ít nào ghi chép của ông.
 
     Dưới đây, xin được giới thiệu nguyên văn, phiên âm và bản tạm dịch ba bài thơ của Abe Nonakamaru - tác giả người Nhật Bản, sống vào thời Đường (Trung Quốc), người đã có thời gian ngắn cư ngụ trên đất Việt Nam, và từng là viên quan cai trị nước ta trong giai đoạn thuộc Đường nhiều sự kiện.
 
含 命 還 國 作
銜 命 將 辭 國
非 才 忝 侍 臣
天 中 戀 明 主
海 外 憶 慈 親
伏 奏 違 金 闕
騑 驂 去 玉 津
蓬 萊 鄉 路 遠
若 木 故 園 林
西 望 懷 恩 日
東 歸 感 義 辰
平 生 一 寶 劍
留 贈 結 交 人
 
HÀM MỆNH HOÀN QUỐC TÁC
Hàm mệnh tương từ quốc
Phi tài thiểm thị thần
Thiên trung luyến minh chủ
Hải ngoại ức từ thân
Phục tấu vi kim khuyết
Phi tham khứ Ngọc tân(4)
Bồng Lai hương lộ viễn
Nhược Mộc(5) cố viên lâm
Tây vọng hoài ân nhật
Đông quy cảm nghĩa thần
Bình sinh nhất bảo kiếm
Lưu tặng kết giao nhân.
 
Tạm dịch:
LÀM KHI VÂNG MỆNH VỀ NƯỚC
Vâng mệnh sắp về nước
Không tài, thẹn tôi thần
Trong trời nhớ minh chúa
Ngoài biển thương hai thân
Cúi lạy rời cung báu
Ruổi rong mãi bến Ngân
Bồng Lai quê tít tắp
Nhược Mộc nhà xa xăm
Tây ngó, ghi ơn khắp
Đông về, cảm nghĩa gần
Đời nay một kiếm báu
Trao tặng bạn tri âm.
 
思 歸
慕 義 名 空 在
輸 忠 孝 不 全
報 恩 無 有 日
歸 國 定 何 年
 
TƯ DUY
Mộ nghĩa danh không tại
Thâu trung hiếu bất tuyền
Báo ân vô hữu nhật
Quy quốc định hà niên.
 
Tạm dịch:
 
NHỚ NHÀ
Chuộng nghĩa, danh suông đó
Ham trung, lỗi đạo con
Báo ơn không có dịp
Về nước tính sao tròn.
 
望 鄉
回 首 舉 目望 蒼 穹
明 月 皓 潔 挂 中 空
遙 思 故 國 春日 野
三 笠 山 月 亦 相 同
 
VỌNG HƯƠNG
 
Hồi thủ cử mục vọng thương khung
Minh nguyệt hạo khiết quải trung không
Dao tư cố quốc xuân nhật dã
Tam Lạp(6) sơn nguyệt diệc tương đồng.
 
Tạm dịch:
NGÓNG QUÊ
Ngước mắt quay đầu ngó mông lung
Trăng sáng trong vắt giữa bầu không
Xa nhớ quê cũ xuân khắp nẻo
Trăng núi Tam Lạp vẻ như cùng.
 
Chú thích:
1. Về năm sinh của Triều Hành, tư liệu của Trung Quốc thường chép là năm 698; ở đây xin theo tư liệu của Nhật Bản, là năm 701.
2. Sách Nhật Bản Hán văn học đại sự điển (Minh Trị thư viện phát hành năm 1985) chú thích:nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
3. Cựu Đường thư chép là Trấn Nam Đô hộ, ở đây xin theo Tân Đường thư  Nhật Bản Hán văn học đại sự điển.
4. Ngọc Tân 玉 津: có nhiều nghĩa khác nhau, ở đây có lẽ chỉ dòng Ngân hà trên trời.
5. Nhược mộc 若 木: trong thần thoại Trung Quốc, nhược mộc là loài cây lớn lên ở nơi mặt trời lặn. Sách Sơn hải kinhĐại hoang bắc kinh chép: 大 荒 之 中, 有 衡 石 山, 九 陰 山, 洞 野 之 山 ,上 有 赤 樹,青 葉赤 華,名 曰 若 木- Đại Hoang chi trung, hữu Hành Thạch sơn, Cửu Âm sơn, Động Dã chi sơn, thượng hữu xích thụ, thanh diệp xích hoa, danh viết Nhược Mộc (nghĩa là: trong miền Đại Hoang, có núi Hành Thạch, núi Cửu Âm, núi Động Dã, trên đó có loài cây đỏ, lá xanh hoa đỏ, tên là Nhược Mộc).
Triều Hành quê Nhật Bản, tên gọi đất nước nằm ở phía đông này vốn cũng có nghĩa là nơi mặt trời lên xuống. Vì vậy, trong thơ của ông, có thể Nhược Mộc cũng có ý chỉ quê hương.
6. Tam Lạp 三 笠: núi ở quê hương Nhật Bản của Triều Hành./.
 
Thông báo Hán Nôm học 2005 (tr. 43-47).