/Cỏn con một sợi lông mày. Mà đem cột trái đất này vào anh/ Thơ Trần Mạnh Hảo

VIDEO

HỖ TRỢ

QUẢNG CÁO

LỊCH

LIÊN KẾT

TIN TỨC

RAXUL GAMZATOP - SỰ THẬT LÒNG DŨNG CẢM

Người ta nói: Lòng dũng cảm không phải hỏi vách đá thấp hay cao.

RAXUL GAMZATOP - SỰ THẬT LÒNG DŨNG CẢM


      Raxul Gamzatop (1923-2003) với tác phẩm Đanghextan của tôi nổi tiếng qua bản chuyển ngữ từ nguyên tác tiếng Nga của dịch giả Phan Hồng Giang được đọc rất nhiều ở Việt Nam, nhất là với những người yêu thơ, các nhà thơ. Chúng tôi xin trích in lại đây một chương có lẽ là rất gần gũi với chúng ta khi đề cập đến phẩm chất nhà thơ.

Những người Avar kể chuyện. Đời này sang đời khác, Sự Thật và Giả Dối luôn đi cạnh nhau. Đời này sang đời khác, chúng tranh cãi nhau xem ai cần hơn, có ích hơn, mạnh hơn. Giả Dối nói - Ta, Sự Thật cũng nói - Ta. cuộc tranh cãi vẫn chưa chấm dứt.

Một lần, cả hai quyết định đi khắp thế gian nhờ mọi người phân xử. Giả Dối chạy lên trước theo những con đường nhỏ ngoằn ngoèo, gặp khe nào cũng dòm, gặp lỗ nào cũng ghé mũi ngửi, hang hốc nào cũng chui vào. Sự Thật hiên ngang ngẩng cao đầu, chỉ đi theo những con đường rộng thẳng. Giả Dối luôn miệng cười hô hố, còn Sự Thật thì ra chiều tư lự, đăm chiêu.

Cả hai đã đi qua nhiều con đường, nhiều thành phố làng mạc, gặp gỡ vua chúa, nhà thơ, quan toà, thương nhân, gặp các người coi tử vi, gặp thường dân. Ở đâu có Giả Dối xuất hiện, ở đấy nhiều người cảm thấy dễ chịu, thoải mái. Họ nhìn vào mắt nhau, cười cười, nói nói, nhưng chính lúc đó họ đang lừa nhau. Và họ cũng biết là họ lừa nhau. Nhưng không sao, họ đều cảm thấy thế là thường tình, và họ chẳng dè dặt gì khi lừa nhau và nói dối.

Đến khi Sự Thật xuất hiện thì nhiều người mặt mày bỗng ủ ê, họ tránh nhìn vào mắt nhau, cúi gầm mặt xuống. Họ cầm lấy dao găm (vì để giành Sự Thật về phía mình), người bị lăng mạ xông tới đánh kẻ lăng mạ, người mua đánh người bán, bần dân đánh lãnh chúa, lãnh chúa đánh đế vương, chồng đánh chết vợ và nhân tình của cô ta. Máu chảy khắp nơi.

Bởi vậy đa số người nói với Giả Dối:

- Đừng bỏ chúng tôi! Anh là bạn tốt nhất của chúng tôi. Với anh, chúng tôi cảm thấy dễ sống hơn bao nhiêu! Còn anh, Sự Thật, anh chỉ làm chúng tôi lo lắng. Anh bắt chúng tôi phải nghĩ, phải đau đớn, phải đấu tranh. Chẳng lẽ số chiến sĩ trẻ trung, số nhà thơ, hiệp sĩ chết vì anh còn quá ít sao?

- Anh thấy chưa, - Giả Dối nói với Sự Thật, - tôi cần hơn, hữu ích hơn đối với mọi người. Chúng ta đã đi qua bao nhà mà đâu đâu người ta cũng đón tôi chứ không phải anh.

- Phải rồi, chúng ta đã đi qua nhiều nơi có người ở. Bây giờ hãy cùng đi lên đỉnh núi! Chúng ta hãy hỏi những nguồn nước trong mát, hỏi những đoá hoa mọc trên triền núi cao, hỏi những làn tuyết trắng tinh đã lấp lánh bao đời nay.

Đỉnh núi là nơi trú ngụ của Vĩnh cửu. Ở đây là nơi nương náu của những sự nghiệp công bằng bất tử của những người anh hùng, những tráng sĩ, các nhà thơ, nhà thông thái, các vị thần, là nơi để lại những ý nghĩ, bài ca và di huấn của họ. Đỉnh núi là nơi trú ngụ của những gì cao cả, những gì không biết sợ sự tất bật, nhỏ nhen của cõi trần.

- Không, tôi không đến đấy đâu, - Giả Dối trả lời.

- Sao, anh sợ đỉnh cao ư? Chỉ có lũ quạ mới chui rúc dưới thấp, còn chim ưng bao giờ cũng bay cao hơn đỉnh núi. Chẳng lẽ anh cho rằng làm quạ xứng đáng hơn là chim ưng sao? Phải, tôi cũng biết rằng,chẳng qua là anh run sợ. Nói chung anh là một kẻ nhát gan! anh sẵn sàng tranh cãi nhau bàn tiệc cưới, nơi người ta rót rượu vào cốc anh, nhưng anh lại sợ ra ngoài sân, nơi tiếng lanh canh phát ra không phải là do cốc chén chạm nhau mà tiếng dao kiếm chạm nhau.

- Không, tôi không sợ những đỉnh cao của anh. Nhưng tôi không biết làm gì ở đấy, ở đấy không có người. Vương quốc của tôi ở dưới này, nơi có người ở. Tôi là chúa tể của mọi người. Mọi người đều phải phục tùng tôi. Chỉ có ít người táo bạo chống lại tôi và đi theo con đường của anh. Nhưng những người như vậy ít ỏi thôi.

- Phải rồi, có thể là ít ỏi. Nhưng người ta lại gọi họ là những anh hùng. Và các nhà thơ đã sáng tác về họ những bài thơ hay nhất của mình.

Câu chuyện về nhà thơ duy nhất. Câu chuyện này Abutalíp kể cho tôi. Ở một vương quốc nọ có rất nhiều nhà thơ. Họ lang thang từ làng này qua làng khác hát các bài ca của mình. Người kéo đàn viôlông, người gõ trống, người kéo nhị, người thổi kèn zurna. Quốc vương thích nghe hát vào những lúc công việc rỗi rãi hay không bận bịu vì một lô các bà vợ của mình.

Có lần quốc vương nghe một bài hát nói về sự tàn nhẫn của y, về sự bất công tham lam của y. Quốc vương nổi trận lôi đình. Y ra lệnh tìm bằng được nhà thơ đã làm bài hát nổi loạn đó để đưa vào cung.

Kết quả là không tìm được người làm bài hát đó. Quốc vương bèn ra lệnh các vị đại thần, cho quân hầu cận phải bắt hết các nhà thơ lại. Giống như những con chó săn, quan quân của quốc vương chạy bổ đi khắp làng mạc, đồi núi. Chúng bắt được tất cả những người làm thơ và hát rong rồi tống vào nhà ngục cạnh hoàng cung. Sáng sớm, quốc vương cho gọi các nhà thơ vừa bị bắt và nói:

- Bây giờ mỗi người hãy hát cho ta nghe một bài do mình làm.

Các nhà thơ lần lượt hát những bài ca ngợi quốc vương, ca ngợi trí tuệ minh mẫn, trái tim phúc hậu của y, ca ngợi những người vợ tuyệt đẹp, sức mạnh vô địch, sự vĩ đại và vinh quang của quốc vương. Họ hát rằng chưa từng bao giờ trên trái đất này có một quốc vương vĩ đại đến thế, anh minh đến thế.

Quốc vương lần lượt thả các nhà thơ. Cuối cùng trong tù chỉ còn lại ba nhà thơ không chịu hát một bài nào. Người ta khoá trái xà lim giam họ và ai cũng tưởng là quốc vương đã quên.

Tuy nhiên, ba tháng sau, quốc vương gặp họ và nói:

- Nào bây giờ có ai hát cho ta nghe bài nào không?

Một trong ba người đó bèn lập tưc shát ngày một bài ca ngợi quốc vương, ca ngợi trí tuệ minh mẫn, trái tim phúc hậu của y, ca ngợi những người vợ tuyệt đẹp, sức mạnh vô địch, sự vĩ đại và vinh quang của quốc vương. Anh ta hát rằng chưa bao giờ trên trái đất này có một quốc vương vĩ đại đến thế, anh minh đến thế.

Nhà thơ này liền được tha. Hai người không chịu hát bị dẫn đến bên đống lửa được chuẩn bị từ trước ngoài quảng trường.

- Bây giờ chúng mày sẽ bị hoả thiêu, - quốc vương nói. - Lần cuối cùng ta nói: hãy hát cho ta nghe một bài nào đó.

Một trong hai người không chịu nổi bèn cất tiếng hát ca ngợi quốc vương, ca ngợi trí tuệ minh mẫn, trái tim phúc hậu của y, ca ngợi những người vợ tuyệt đẹp, sức mạnh vô địch, sự vĩ đại và vinh quang của quốc vương. Anh ta hát rằng chưa từng bao giờ trên trái đất lại có một quốc vương vĩ đại đến thế, anh minh đến thế.

Nhà thơ đó liền được tha luôn. Chỉ còn một nhà thơ cuối cùng vẫn không chịu hát.

- Trói nó vào cột, nổi lửa thiêu nó ngay! - quốc vương ra lệnh.

Bỗng nhà thơ bị trói vào cột kia cất tiếng hát bài hát nói về sự tàn bạo, tham lam, bất công của quốc vương, bài hát đã dẫn đến câu chuyện này.

- Cởi trói anh ta mau lên, gạt lửa ra, gạt ngay ra! - quốc vương thét lên. - Ta không muốn mất đi nhà thơ duy nhất còn trên đất nước ta!

- Tất nhiên là khó có nơi nào vị quốc vương lại khôn ngoan, cao thượng biết phục thiện như thế, - Abutalíp kết thúc câu chuyện của mình, - và quả thật cũng ít có những nhà thơ như thế!

Bố tôi kể. Có lần, những người thân cận hỏi đức vua Samin:

- Xin bệ hạ giải thích dùm cho vì sao bệ hạ lại cấm mọi người làm thơ và hát các bài đó?

Samin trả lời:

- Ta muốn chỉ còn lại toàn là nhà thơ chân chính mà thôi. Vì những nhà thơ chân chính vẫn sẽ làm thơ. Còn những kẻ vô lại, lừa dối, giả đạo đức tự gọi mình là nhà thơ tất nhiên sẽ sợ hãi lệnh cấm của ta, hèn nhát mà im lặng không dám làm thơ nữa.

- Xin bệ hạ giải thích thêm điều này nữa, vì sao bệ hạ ném thơ của Xaít Arakanxki xuống sông?

- Những bài thơ chân chính không thể nào ném xuống sông được, chúng sống trong lòng mọi người. Còn nếu bài thơ nào chỉ có giá trị ngang với tờ giấy ghi lại nó, cũng đáng ném xuống sông. Xaít Arkanxki nên làm một việc gì khác có ích hơn là làm ra những bài thơ nhạt thếch mà dòng sông có thể cuốn đi được.

Người ta kể: Khi nhà thơ vĩ đại Makhơmút chết, bố ông trong cơn buồn cùng cực đã cầm cả va li đựng bản thảo thơ của Makhơmút ném vào lửa.

- Cháy hết đi, cháy hết đi, cái thứ giấy đáng nguyền rủa này, vì mày mà con trai tao phải chết sớm.

Bản thảo cháy hết nhưng thơ của Makhơmút thì còn lại mãi. Không một chữ nào trong các bài thơ của ông bị lãng quên. Những bài thơ đó đã sống trong trái tim mọi người, cả lửa và nước đều bất lực không sao huỷ được những bài thơ ấy, vì đó là những bài thơ thật.

Bố tôi cười:

những kẻ sợ mắt kém, nên lên đường bí mật vào đêm khuya;

những kẻ nhét đầy đá vào túi, để mọi người tưởng nhầm là túi đựng bánh mì;

những người đi săn mang về nhà thịt quạ, chứ không phải gà rừng

Abutalíp kể cho tôi: Có một anh chàng nghèo rớt mồng tơi nhưng lại muốn mọi người nhầm tưởng rằng mình giàu có. Ngày nào anh ta cũng ra đình làng với vẻ mặt tươi cười, thoả mãn, ria mép bóng nhẫy mỡ cứ y như là vừa ăn thịt cừu non. Anh chàng nghèo rớt khoe khoang:

- Con cừu non tôi mổ ăn ban trưa thật tuyệt! Thịt nó đậm thật, ngon ghê!

- Anh ta kiếm cừu non ở đâu ra mà ngày nào cũng thịt nhỉ, - dân làng ngạc nhiên hỏi nhau. - Phải dò la mới được.

Mấy chàng trai nhanh nhẹn trèo lên mái nhà và nhìn xuống dưới qua ống khói. Họ thấy anh ta đang hầm mấy cái xương cừu, vớt váng mỡ nổi bên trên để bôi lên ria. Sau đó anh ta ăn ít rau dền luộc, đó là tấtcả những gì có thể ăn được trong nhà.

Mấy chàng trai nhanh nhẹn tụt xuống đất đi vào nhà:

- Chào anh! Đi mãi, đi mãi, cuối cùng quyết định ghé vào thăm nhà người giàu có đây!

- Các anh đến hơi muộn, tôi vừa ăn hết thịt cừu ngon mất rồi. Bây giờ tôi sửa soạn đi đây.

- Tốt hơn hết anh nên kể lại anh đã hai được ở đâu thứ rau dền thơm ngon đến thế?

Anh chàng kia hiểu rằng mọi người đều đã biết sự thật. Anh cúi đầu buồn rầu. Từ đó bộ ria anh ta không bao giờ bóng nhẫy mỡ nữa.

Hồi ức. Có lần hồi nhỏ, bố tôi đánh tôi một trận rất đau. Cảm giác đau tôi quên đã lâu nhưng lý do bị đòn tôi vẫn nhớ như in.

Buổi sáng tôi ra khỏi nhà làm như đi đến trường, nhưng thực ra tôi rẽ sang một lối khác và cả ngày hôm đó không đến trường. Cùng với trẻ con trong làng, suốt ngày hôm đó tôi đánh bài. Bố tôi cho tôi một ít tiền để mua sách; có số tiền đó, tôi quên hết mọi thứ trên đời. Tất nhiên là ít phút sau, tiền tôi hết nhẵn, tôi bắt đầu nghĩ cách làm sao kiếm lại. Khi chơi bài và ném vào đồng xu cuối cùng, ta dễ có cảm tưởng chỉ cần có thêm 5 xu là ta sẽ gỡ, sẽ thu lại hết tiền đã thua. Tôi cũng có cảm tưởng như vậy.

Tôi bèn vay tiền bọn trẻ con cùng chơi. Nhưng không đứa nào muốn đưa. Bởi vì ai cũng tin là nếu khi đang chơi mà cho người thua vay tiền thì chính mình sẽ bị thua.

Lúc đó tôi lại nghĩ ra một lối thoát. Tôi đi khắp mọi nhà trong làng và nói rằng ngày mai sẽ có đoàn xiếc đến diễn và tôi được giao nhiệm vụ đi thu tiền trước cho họ.

Con chó đói chạy từ cổng nhà này đến nhà kia có thể kiếm được gì? Hoặc là được miếng xương hoặc là bị cây gậy xua đuổi. Tôi cũng vậy, có người từ chối, có người cho. Những người đưa tiền chắc là vì nể tên bố tôi.

Đi suốt lượt các nhà trong làng xong, tôi đếm lại tiền và thấy rằng mình có thể chơi tiếp. Nhưng cả những đồng tiền bất hạnh này tôi cũng không giữ được lâu. Hơn nữa, khi chơi còn phải bò bằng đầu gối. Qua một ngày, quần tôi rách bươm, đầu gối bị trầy da.

Ở nhà, mọi người cũng đã nhớ đến tôi. Mấy người anh tôi đi khắp làng tìm tôi. Một số người trong làng nghe tôi nói về chuyện đoàn xiếc đến cũng tới nhà bố tôi để hỏi kỹ xem. Nói tóm lại là khi tôi bị xách tai kéo về thì mọi người đều đã rõ cả các "thành tích" của tôi.

Thế rồi tôi đứng trước toà án của bố. Trên đời này tôi sợ nhất toà án đó. Bố tôi nhìn tôi từ đầu đến chân. Hai đầu gối trầy da của tôi ló ra ngoài chiếc quần rách bươm trông như cái cốt gối lông chim lòi ra khi áo gối bị thủng.

- Cái gì thế kia? - bố tôi hỏi bằng giọng hình như bình thản.

- Đây là đầu gối ạ, - tôi trả lời, cố lấy tay che chỗ rách quần.

- Phải rồi, đúng là đầu gối rồi, nhưng vì sao nó lại thòi ra ngoài thế kia? Con thử kể xem vì sao lại làm rách quần.

Tôi bắt đầu nhìn xuống quần mình và làm như đến giờ mới nhận thấy nó bị rách. Ở đứa bé nhát gan và dối trá có một tâm lý rất lạ: vừa biết rằng người lớn đã hiểu hết, biết hết mọi chuyện, thanh minh thêm thật vô ích và đáng buồn cười, nhưng tuy vậy vẫn cố tránh những câu trả lời thẳng và ra sức bịa đặt những chuyện ba vạ.

Trong giọng bố tôi bắt đầu có nét đe doạ. Mọi người ở nhà biết rõ tính cách người đứng đầu gia đình, vội vàng nói đỡ cho tôi. Nhưng bố tôi gạt họ ra và lại hỏi:

- Nào, con đã làm rách quần như thế nào?

- Ở trường... con bị vướng vào đinh...

- Nào, nhắc lại đi...

- Con bị vướng đinh.

- Ở đâu?

- Ở trường ạ.

- Bao giờ?

- Hôm nay ạ.

Bố tôi vung tay tát một cái nẩy lửa:

- Bây giờ mày nói đi, mày đã làm rách quần như thế nào?

Tôi im lặng. Ông tát cái nữa vào má bên kia.

- Nói đi xem nào?

Tôi oà khóc.

- Câm ngay! - bố tôi ra lệnh và với tay lấy chiếc roi.

Tôi ngừng khóc. Bố tôi vung roi lên.

- Nếu bây giờ mày không kể thật hết, tao sẽ quất mày một trận.

Tôi đã biết thế nào là chiếc roi phía cuối có nút thắt cứng như đá. Nỗi sợ cái roi còn nhiều hơn nỗi sợ sự thật, và tôi đành lần lượt kể hết những việc làm bậy bạ của mình suốt từ sáng.

Phiên toà kết thúc. Ba ngày liền tôi như đứa mất hồn. Cuộc sống ở nhà và ở trường vẫn tuần tự diễn ra. Nhưng tâm trí tôi luôn bị ám ảnh nặng nề. Tôi cảm thấy rằng thế nào bố tôi sẽ còn nói lại lần nữa chuyện của tôi. Trong thâm tâm, tôi rất mong, rất khao khát được nghe bố tôi nói. Điều làm tôi khổ sở nhất trong những ngày ấy là bố tôi không muốn nói chuyện với tôi.

Đến ngày thứ ba, bố tôi gọi tôi đến. Ông đặt tôi ngồi cạnh, lấy tay xoa đầu, rồi hỏi han kỹ lưỡng về chuyện học hành ở trường của tôi - xem tôi đang học những gì, điểm kiểm tra thế nào... Sau đó, ông bất ngờ hỏi:

- Con có biết vì sao bố đánh con không?

- Con biết.

- Theo con thì vì sao?

- Vì con đánh bài ăn tiền.

- Không, không phải vì thế. Hồi bé có ai lại không chơi bài ăn tiền? Bố cũng chơi, các anh con cũng chơi.

- Vì con làm rách quần.

- Không, không phải vì thế. Ai lại không làm rách quần, rách áo hồi còn bé? Cũng may là đầu thì vẫn lành lặn. Con có phải là đứa con gái lúc nào cũng ru rú xó nhà đâu.

- Vì con không đến trường.

- Đúng, đó là một lỗi lầm lớn của con: mọi chuyện tầm bậy của con hôm đó bắt đầu từ đấy. Vì lỗi đó cần phải mắng con, như mắng con làm rách quần, chơi bài ăn tiền. Nhưng nhiều lắm thì chỉ đến mức bố véo tai con thôi. Còn bố đánh con, là vì con nói dối đấy con ạ. Nói dối không phải là lỗi lầm là chuyện ngẫu nhiên, đó là một tính nết có thể ăn sâu vào người con. Đó là một cây cỏ dại trong tâm hồn con. Nếu con không kịp thời nhổ nó đi, nó sẽ mọc dầy đến mức không còn chỗ cho hạt giống tốt lành. Trên đời này không có gì kinh khủng hơn sự dối trá. Không thể đuổi nó, đánh nó được đâu. Nếu con nói dối bố một lần nữa, bố sẽ giết chết. Con phải gọi cái móng ngựa cong là cái móng ngựa cong, cái quai bình cong là cái quai bình cong. Con hiểu chưa?

- Con hiểu rồi ạ.

- Thế thì đi chơi đi.

Tôi đi ra khỏi buồng bố tôi, tự thề rằng không bao giờ nói dối nữa. Ngoài ra tôi còn biết thêm rằng nếu tôi nói dối, bố tôi sẽ giữ đúng lời mà giết tôi, cho dù ông quý tôi đến đâu.

Rất lâu sau, tôi kể lại chuyện này cho bạn bè nghe.

- Sao, sao? - một người bạn thốt lên. - Chẳng lẽ đến giờ anh vẫn chưa quên cái chuyện nói dối vặt vãnh, nhỏ xíu này của mình sao?

Tôi trả lời:

- Nói dối là nói dối, nói thật là nói thật. Không làm gì có chuyện to nhỏ ở đây cả. Hoặc là sống, hoặc là chết, khi cái chết đến thì hết sống, khi còn sống tức là chưa chết. Hai cái đó không thể song song tồn tại. Cái này loại bỏ cái kia. Giả dối và chân thật cũng vậy.

Giả dối là bẩn thỉu, nhục nhã, là hố rác. Chân thật là cái đẹp trắng tinh, là trời trong. Giả dối là hèn nhát, chân thật là dũng cảm. Hoặc là thế này, hoặc là thế khác, không thể có chuyện lưng chừng.

Ngày nay, khi tôi thỉnh thoảng phải đọc những tác phẩm giả dối của các nhà văn giả dối, tôi liền nhớ lại cái roi của bố. Cái roi đó thật cần thiết biết bao! Thật là cần có người bố nghiêm khắc, công bằng, đe doạ vào lúc ấy: "Nếu mày nói dối, tao giết".

Đâu phải chỉ có chuyện giả dối không bị trừng phạt! Chẳng phải đã có lúc người ta trừng phạt nhầm sự chân thật sao? Liệu có phải trong lịch sử còn quá ít trường hợp con người bị khổ sở vì nói thật, bị vung roi đánh đòn vì nói thật sao?!

Hồi còn nhỏ, tôi đã phải lấy hết can đảm trút bỏ lời nói dối, để chuyển sang nói thật. Nhưng sau đó thì tôi thấy nhẹ lòng.

Cần phải dũng cảm nhiều hơn để không từ bỏ lời nói thật. Nếu anh từ bỏ nó, anh sẽ cảm thấy không phải là sự nhẹ lòng mà là nỗi đau kinh khủng nhất - nỗi dằn vặt của lương tâm.

Những người cũng cảm không thay đổi chính kiến của mình. Họ biết rằng Trái đất quay. Họ biết rằng không phải Mặt trời quay quanh Trái đất mà là Trái đất quay chung quanh Mặt trời. Họ biết rằng sớm mai nhất định phải đến thay đêm tối, sau đó là ngày, rồi hết ngày lại là đêm. Hết đông là tới xuân, hết xuân sang hè...

Và cuối cùng ngọn roi của lương tâm, ngọn roi của lòng trung thực, của sự thật sẽ quất lên đầu bọn giả dối, bọn giả đạo đức và không bao giờ sự giả dối có thể giành được thắng lợi cuối cùng đối với sự thật.

Vài câu nói chuyện nghe được ở đình làng.

- Khoảng cách giữa chân thật và giả dối là bao nhiêu?

- Vừa bằng ngón tay giữa.

- Sao vậy?

- Vì từ tai đến mắt dài vừa vặn một ngón tay. Cái gì mắt nhìn thấy là thật. Cái gì chỉ nghe thấy là chưa thật.

Không phải bao giờ cũng đúng thế. Tất nhiên trăm nghe không bằng một thấy. Còn nhà văn phải chắt lọc sự thật bằng mọi cách: bằng mắt nhìn, tai nghe, bằng đọc sách, bằng những gì tự mình nếm trải.

Liệu nhà văn có thể chỉ trông cậy vào mắt không? Anh ta nhìn đời bằng mắt, nhưng nghe nhạc bằng tai, và lịch sử của đất nước mình thì đọc. Một số nhà văn đặt lên hàng đầu không phải là mắt nhìn, tai nghe mà là mũi đánh hơi.

Nhà văn cần có đôi tay thật khoẻ, làm được mọi việc, cần có đôi chân dẻo dai và hàm răng thật chắc. Và để phân biệt được cái giả cái thật, phân biệt được vàng thau, hạt thóc và hạt cỏ trong những gì nhìn thấy, nghe thấy, đọc được, nhà văn cần phải có trí tuệ, có kiến thức. Không có trí tuệ, không có kiến thức, con người không thể tin cậy ngay cả đôi mắt của chính mình.

Có mấy người dân miền núi cả đời chỉ được nghe, chưa trông thấy vàng bao giờ, một hôm nhặt được một cái rương nặng. Họ nghĩ rằng: "Nếu nặng thế này thì chắc là vàng". Họ tranh giành nhau, đánh nhau vì cái rương. Hoá ra cái rương bằng đồng.

Tài năng là lửa. Nhưng lửa trong tay kẻ ngu độn có thể gây nên đám cháy. Trí tuệ điều khiển tài năng. Trí tuệ điều khiển cả cái đẹp như nhà kỵ sĩ dày kinh nghiệm điều khiển con ngựa bất kham.

Người miền núi thường hỏi nhau: anh thích chọn khuôn mặt đẹp hay sự khôn ngoan của người già?

Kẻ ngu xuẩn chọn gương mặt đẹp nhưng ngu vẫn hoàn ngu. Vợ mới cưới bỏ người chồng bảnh trai mà ngu xuẩn. Người thông minh chọn sự khôn ngoan và nhờ đó giữ được vợ. Trong một truyện cổ tích có kể rằng: người đặt được cô gái đẹp lên yên con hải mã là người biết chọn sự khôn ngoan. Trong nhiều truyện cổ tích còn nói đến ba anh em, ba con đường và ba lời khuyên thông minh. Ai nghe theo lời khuyên ấy thì trở về được làng, còn ai không nghe thì để nắm xương tàn nơi đất khách quê người.

Hỡi con cá vàng của tôi, hãy cho tôi tài năng, hãy cho tôi lòng kiên nhẫn, cho tôi trái tim sôi nổi chân thành của chàng trai và trí tuệ tỉnh táo của ông già! Hãy giúp tôi tìm ra con đường đúng!

Dù con đường đó có lởm chởm, cheo leo, dốc ngược nguy hiểm, tôi cũng sẵn sàng đón nhận. Nhưng tôi không muốn trườn ngoằn ngoèo trên đó như một con rắn. "Tại sao rắn lại cong?" - người miền núi hỏi nhau và tự trả lời: "Bởi vì những hang hốc nó chui có hình cong queo". Tôi là người, không phải rắn. Tôi yêu những tầm cao, yêu sự tinh khiết, yêu những con đường thẳng.

Hãy tránh cho tôi khỏi bệnh tật, khỏi sợ hãi, khỏi sự vinh quang nặng nề và những ý nghĩ nhẹ bỗng!

Hãy tránh cho tôi khỏi bị ngấm men say, vì khi đó con người nhìn mọi cái đẹp đẹp gấp trăm lần!

Hãy tránh cho tôi khỏi sự tỉnh táo quá mức, vì khi đó con người nhìn mọi cái xấu xấu đi trăm lần!

Hãy cho tôi cảm giác về chân lý để tôi có thể gọi cong là cong, thẳng là thẳng!

- Thế giới chả ra gì, trật tự cũng không! -

Nhà thơ thở than và lìa xa thế giới.

- Thế giới thật tuyệt vời! - Một nhà thơ khác nói.

Và cũng lìa đời khi tuổi đang xuân.

 

Người thứ ba chia tay với một thời dữ dội

Anh đã sống hết mình, cái chết chịu thua anh!

Anh vĩ đại và tận cùng trung thực,

Vạch cái xấu rồi vun cái tốt, phân minh.[1]

Có một người miền núi đeo hoa tai vào tai con bò để dễ nhận ra bò mình giữa đám bò khác. Có người đeo trống vào cổ ngựa để khỏi nhầm ngựa mình với ngựa hàng xóm. Thật là một chàng kỵ sĩ tồi nếu trong đêm tối anh không nhận ra con ngựa quý của mình từ xa.

Đây cuốn sách của tôi đây. Tôi không muốn đeo lên nó hoa tai, trống hay một đồ trang sức nào khác. Tôi vẫn không nhận lầm nó với các cuốn sách của người khác hay các cuốn sách khác của chính mình. Xin mọi người cũng đừng nhầm. Tôi mong sao cho những ai đã đọc cuốn sách này có thể nhận ra nó, cho dù nó bị mất bìa, có thể nhận ra rằng cuốn sách này là của Raxun, con trai ông Gamzát ở làng Xađa.

Người ta nói: Lòng dũng cảm không phải hỏi vách đá thấp hay cao.

(Nguồn: Tạp chí Thơ HNV) Phan Hồng Giang dịch