/Cỏn con một sợi lông mày. Mà đem cột trái đất này vào anh/ Thơ Trần Mạnh Hảo

VIDEO

HỖ TRỢ

QUẢNG CÁO

LỊCH

LIÊN KẾT

TIN TỨC

Nobel văn học - giấc mơ miên viễn ở Việt Nam

Tuy nhiên, câu chuyện chính, không phải là tác phẩm của nhà văn ta ít được quảng bá, giới thiệu ra nước ngoài,...

Nobel văn học - giấc mơ miên viễn ở Việt Nam

 
Từ năm 1986 đến nay, dưới ánh sáng của đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng, văn học Việt Nam có nhiều bước chuyển quan trọng. Biên giới của sự sáng tạo giờ đây không còn bị bó hẹp trong phạm vi quốc gia, khu vực mà mở raquan hệ đa phương với các nước trên thế giới. Văn học Việt Nam đã và đang hội nhập vào văn học thế giới, trở thành một bộ phận cấu thành của nó. Trước bối cảnh đó, một giấc mơ “trở thành công dân toàn cầu”, về những sáng tác đỉnh cao, vượt lên trên các bờ cõi, giới hạn hiện tại có thể trở lại với bất cứ nhà văn nào. Đó là một nhu cầu chính đáng, một hoài bão lớn, một giấc mơ đẹp. Giải Nobel văn học, như mọi người đều biết, là giải thưởng lớn nhất thế giới. Giải thưởng đó không chỉ là sự ghi nhận, tôn vinh đóng góp của  một cá nhân, khuynh hướng văn học nào đó, mà hơn tất cả, là một sự ghi nhận, vinh danh một dân tộc, cho thấy vị trí của nhà văn, nền văn học ấy trên bản đồ văn học, văn hóa thế giới.

 Giấc mơ của nhà văn Hộ - những ám ảnh dai dẳng

Giấc mơ, khao khát đoạt giải Nobel văn học ở nhà văn, không phải lúc nào cũng được phát biểu trực tiếp, nhiều khi được thể hiện kín đáo trong sáng tác của họ, nhất là khi họ có chủ ý dựng lên một nhân vật bàn về nghề văn, về cuộc phiêu lưu của cái viết. Nói theo Freud, sáng tác văn học chính là nơi biểu lộ những giấc mơ của người nghệ sĩ mà vì lý do nào đó nó bị che giấu đi. Trường hợp truyện ngắn Đời thừa (1943) của Nam Cao chẳng hạn. Hộ là một nhà văn có khát khao đẹp đẽ, một nhà văn của thời đại toàn cầu hóa văn hóa hồi đầu thế kỉ XX. Theo Hộ, giấc mơ Nobel sẽ trở lên xa vời, nếu sáng tác của nhà văn chỉ có giá trị địa phương. Giải Nobel văn chương được trao cho những nhà văn có tầm vóc quốc tế, sáng tác của họ có giá trị toàn cầu, giá trị nhân loại, đánh dấu những bước tiến quan trọng về nghệ thuật, về quan niệm nhân sinh, đôi khi còn là quan điểm chính trị. Muốn được thừa nhận giá trị đó, sáng tác của họ phải được dịch ra các ngôn ngữ khác, trước hết là tiếng Anh. Hộ phát biểu quan niệm về thứ tác phẩm “chung cho cả loài người” của mình như sau: “Một tác phẩm thật giá trị, phải vượt lên bên trên tất cả các bờ cõi và giới hạn, phải là một tác phẩm chung cho cả loài người. Nó phải chứa đựng được một cái gì lớn lao, mạnh mẽ, vừa đau đớn lại vừa phấn khởi. Nó ca tụng lòng thương, tình bác ái, sự công bình… Nó làm cho người gần người hơn… Cả đời tôi, tôi sẽ chỉ viết một quyển thôi, nhưng quyển ấy sẽ ăn giải Nobel và dịch ra đủ mọi thứ tiếng trên hoàn cầu”. Có hoài bão cao đẹp vậy, nhưng rốt cuộc Hộ vẫn phải viết vội vã cẩu thả, viết “những cái vô vị, nhạt phèo, gợi những tình cảm rất nhẹ, rất nông, diễn đạt trong một thứ văn bằng phẳng và quá ư dễ dãi”, anh ta  thường xuyên vướng vào “những bận rộn tẹp nhẹp, vô nghĩa lý”. Giấc mơ, hoài bão của Hộ cũng chính là giấc mơ thầm kín bấy lâu nay của nhà văn Việt Nam. Bi kịch của Hộ cũng là một phần trong tình cảnh vỡ mộng của nhà văn Việt Nam.

Cho đến nay, truyện ngắn Đời thừa của Nam Cao vẫn là tác phẩm viết sâu sắc nhất về giấc mơ hướng đến giải Nobel văn học của nhà văn Việt Nam, phơi bày và cắt nghĩa sâu sắc nhất tình cảnh vỡ mộng của người viết, vị thế khuất lấp, nhỏ bé của nền văn học dân tộc. Tính đến nay, hầu hết các giải thưởng Nobel văn chương đều được trao cho thứ văn chương viết bằng tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức, khẳng định vị trí của nền văn hóa lớn, nền văn hóa trung tâm…

 Tác giả người Anh Doris Lessing trở thành người đoạt giải Nobel Văn học cao tuổi nhất.

Nhà văn người Anh, Doris Lessing đoạt giải Nobel Văn học năm 2007 (ảnh: Internet)

Đề cử của nhà thơ thời đại Internet - những phương án không khả thi

Thay vì khẳng định những khát vọng lớn, nuôi dưỡng những ước nguyện văn chương cao đẹp khi nói về một giải Nobel văn học dành cho người Việt, giờ đây người ta chuyển sang kể giai thoại về một ứng cử viên nào đó; rồi từ việc đề cử giả định (một thuật hùng biện) người ta chuyển dần sang thái độ hoài nghi, từ hoài nghi biến thành yêu cầu phải đặt lại “chỗ ngồi xứng đáng, đích thực” cho các tác giả vốn được cho là các nhà văn, nhà thơ lớn ở ta. Giấc mơ Nobel văn học đương thời ở ta thường xuyên được đan dệt, tái thiết bởi các “nhà thơ lãng mạn” của Việt Nam.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều từng cung cấp cho chúng ta một danh sách những ứng cử viên… chưa khả thi. Nam Cao trong sự mường tượng vụng trộm của Tế Hanh, nếu còn sống và tiếp tục sáng tác (điều không thể xảy ra) có thể đó là người mà Việt Nam có quyền trao gửi hy vọng, sẽ giành được giải thưởng danh giá nhất hoàn cầu. Nguyễn Tuân, một nhà văn tiêu biểu cho ý thức dấn thân vào con đường sáng tạo, “điêu luyện trong chữ nghĩa” (điều đã xảy ra) nhưng lại trở nên bé nhỏ vô cùng trước các cây đại thụ khác trong làng văn thế giới. Trần Dần, Lê Đạt những người muốn vượt lên “một thời đại thi ca” rực rỡ ở Việt Nam, rốt cuộc cũng chỉ thích hợp “ngồi ở vị trí bạn đọc” so với các tác giả thế giới cùng thời với họ. Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử, Xuân Diệu cũng đều không xứng đáng. Họ là người của những sáng tạo dang dở, thiếu vắng “cái thế giới của sự khám phá” những tư tưởng, cảm xúc lớn lao. Bảo Ninh và Nguyễn Huy Thiệp, một người chỉ nằm trong đấu trường khu vực, một người không thể đi xa hơn ngoài cuốn tiểu thuyết đã trở thành một thứ định mệnh sáng tạo của người viết. Các tác giả xuất hiện sau 1975 thành công nhất thời về mặt hình thức, một thứ thành công nội bộ, còn nếu so với thế giới thì “chẳng có gì mới mẻ”. Nguyễn Quang Thiều - người xướng lên những cái tên ấy - đang trông chờ vào các nhà thơ thế hệ 7x, 8x, 9x nhưng cũng lo ngại rằng họ sẽ bị mất hút trong sự ồn ào của những danh tiếng.

Trên thực tế, văn học Việt Nam không phải là không được thế giới biết đến. Nhiều nhà văn, nhà thơ xứ ta đã có tác phẩm được dịch ra nhiều thứ tiếng. Nhưng như Hộ mấy chục năm trước, đã thấy rằng người ta dịch, ví dụ như cuốn Đường sống, bởi vì họ “muốn biết phong tục của mọi nơi”, còn thực ra cuốn ấy xoàng. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cũng cho biết, ngày nay “các nhà xuất bản nước ngoài dịch văn học Việt Nam vẫn với mục đích tìm hiểu và nằm trong các các đề án dịch văn học quốc tế của họ”, “hầu hết các tác phẩm văn học Việt Nam dịch ra tiếng nước ngoài mới chỉ như là một loại tư liệu đặc biệt để bạn đọc ngoại quốc tìm hiểu những vấn đề chính trị và xã hội Việt Nam”, “những nhà văn Việt Nam có vấn đề và những tác phẩm có vấn đề được các nhà xuất bản nước ngoài quan tâm”, trong khi đó, các nhà xuất bản Việt Nam “dịch tác phẩm của các nhà văn nước ngoài là do tên tuổi của nhà văn và sự nổi tiếng của các tác phẩm qua dư luận quốc tế”.

Đến giờ giấc mơ, ước nguyện về giải Nobel văn học vẫn không thôi ám ảnh nhà văn Việt Nam, nhất là khi xu hướng trao giải Nobel văn học đang dịch chuyển về khu vực châu Á. Tuy nhiên, câu chuyện chính, không phải là tác phẩm của nhà văn ta ít được quảng bá, giới thiệu ra nước ngoài, cũng không phải nhà văn ta có điều kiện vật chất kém hơn họ nên kém về sáng tạo tinh thần; không phải sáng tác của nhà văn ta xa rời những vấn đề chính trị, xã hội, nguyên nhân cơ bản chính là tài năng, tầm vóc, vị thế của nhà văn ta chưa như mong đợi.

Hải Dương

Theo vanhocquenha