/Cỏn con một sợi lông mày. Mà đem cột trái đất này vào anh/ Thơ Trần Mạnh Hảo

VIDEO

HỖ TRỢ

QUẢNG CÁO

LỊCH

LIÊN KẾT

TIN TỨC

Muốn thành công cần phải có niềm đam mê

Lâm Quang Mỹ cùng kết nạp một đợt vào Hội Nhà văn VN với TNT. Hiện anh sống và viết tại Ba Lan...
Tiến sỹ, nhà thơ Việt kiều Lâm Quang Mỹ:

Muốn thành công cần phải có niềm đam mê


Lâm Quang Mỹ tên thật là Nguyễn Đình Dũng, sinh năm 1944 tại làng Cổ Đan, xã Phúc Thọ, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Anh tốt nghiệp khoa Điện tử trường Đại học Bách khoa Gdansk, Ba Lan năm 1971. Là Tiến sĩ Vật lý. Sau nhiều năm làm việc tại Viện Khoa học Việt Nam, anh được mời sang công tác tại viện Hàn lâm khoa học Ba Lan. Hiện giờ anh sinh sống tại thành phố Warszawa, Ba Lan, anh là công dân danh dự của Krasne, quê hương đại thi hào Ba Lan Zygmunt Krasinsk. Ngoài chuyên môn nghề nghiệp của mình, anh còn có một niềm đam mê cháy bỏng và niềm đam mê ấy theo anh trong suốt cuộc đời và càng ngày càng mãnh liệt hơn, đó là thơ ca. Nhà thơ Lâm Quang Mỹ là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam và hội viên Hội Nhà văn Ba Lan.

Vừa đi nghỉ Noel cùng gia đình ở miền Nam nước Pháp về, tôi nhận được một tin nhắn trong điện thoại: “Anh Lâm Quang Mỹ đây, anh vừa sang Paris, có gì liên hệ lại cho anh theo số này nhé!” Đương nhiên là tôi gọi lại cho anh ngay.

Tiếng là cùng sống ở châu Âu, và anh có con gái hiện đang sinh sống và lập nghiệp tại Paris và thường xuyên ghé Paris, nhưng không phải lúc nào cũng gặp được nhau. Lần cuối cùng tôi gặp anh diễn ra từ ngày cùng về Hà Nội dự Hội nghị quảng bá Văn học Việt Nam ra nước ngoài, và tôi vẫn luôn nhớ về anh, một người đàn ông có vẻ ngoài giản dị khiêm tốn, nhưng khi nói chuyện với anh về quê hương đất nước về văn chương thơ ca thì mới thấy sự dữ dội trong anh, một niềm khao khát, một tình yêu quê hương xứ sở cháy bỏng mà đã qua nhiều năm tháng sống trên xứ người, tình yêu ấy vẫn không hề nguội đi, và anh luôn gửi gắm điều ấy vào trong những ý thơ của mình. Cũng là người xa xứ, nên tôi thấu hiểu tình yêu của anh, nỗi niềm đau đáu trong thơ anh dành cho nơi chôn rau cắt rốn của mình.

Tôi gặp lại anh trong một chiều cuối năm lành lạnh tại Paris. Bao nhiêu là chuyện, thời sự thế giới để rồi lại quay về đề tài muôn thuở là quê nhà và thơ. Tôi muốn anh kể cho nghe kỷ niệm về bài thơ đầu tiên được ghi nhận của anh: “Chuyện diễn ra đã lâu lắm rồi!, - anh kể. Năm 1956, khi đó đang học lớp 5, mình đoạt giải nhất thơ toàn miền Bắc của báo Thiếu niên Tiền phong với chủ đề thơ viết về điện ảnh. Giải thưởng là được đi xem phim một năm không mất tiền và được đọc báo biếu Thiếu niên tiền phong cũng tròn một năm miễn phí. Kỷ niệm ấy quả là khó quên, anh nói thêm. “Cũng trong không khí man mác buồn và thoang thoảng mùi cà phê trên đất Paris, tôi hỏi anh về bí quyết “làm gì được nấy” của anh, bởi xem ra con người này làm gì cũng thành công. Anh tâm sự về hành trình cuộc đời của mình, về những cố gắng để thành công trong nghề nghiệp, để nuôi dưỡng niềm đam mê. Anh đưa ra triết lý “quên để nhớ”. Anh nói: “Khoa học tự nhiên và văn chương có tính lô-gich khác nhau. Khi nghiên cứu khoa học, nhất là khoa học vật lý, cần một sự chính xác, do vậy mình buộc phải quên đi tất cả những thứ khác. Và sau này làm công tác dịch thuật cũng vậy. Khi dịch, phải tạm quên đi những ý tưởng của chính mình, và muốn sáng tác, lại phải nhanh chóng quên hết các bản dịch. Để làm được điều này thực không đơn giản, anh nói thêm, tôi đã mất nhiều năm, thậm chí hàng chục năm để tập thiền…”. Anh tâm sự: “Tôi lập thân bằng khoa học, sống bằng công việc khác. Nhưng thơ lại là lĩnh vực mang đến cho tôi sự hài lòng nhất, đôi khi nó cho tôi những niềm vui tuy có thể nhỏ nhoi nhưng vô cùng ý nghĩa”. Với anh thơ là tình yêu, là quê hương xứ sở, là niềm say mê cả đời anh: “Nếu như ai đó yêu thơ và chỉ việc “sống với thơ” thôi, thì tôi phải vượt qua rất nhiều thứ. Vì tôi làm khoa học”, và để dành chỗ cho thơ trong thế giới khoa học, trong công việc hằng ngày, anh nói phải trả giá cũng nhiều. Có người gọi con đường thơ của anh là “hành trình đầy chông gai” là vì vậy.

Chia sẻ những kinh nghiệm để thành công trên xứ người trong khung cảnh trào lưu du học đông đảo hiện nay của các bạn trẻ Việt Nam, anh nói: “Điều quan trọng nhất vẫn là niềm đam mê, phải có đam mê thì mới thành công, và nhất là phải biết rõ mình muốn gì trước khi quyết định theo đuổi, có được hai yếu tố ấy thì đã nắm chắc thành công phân nửa rồi!”. Anh cũng nói về những khó khăn trên bước đường tìm cách thâm nhập vào đời sống văn hóa bản xứ… Quả vậy, cứ nghe anh kể rất say sưa về các công trình khoa học mà anh đã góp phần xây dựng, nhất là nhìn sự thành công của thơ anh trên đất Việt và trên đất Ba Lan thì thấy rõ điều ấy. Không ít các văn sỹ Ba Lan “choáng” trước sự “lên đồng” của Lâm Quang Mỹ khi anh đọc giới thiệu thơ của anh cũng như thơ Việt Nam trước bạn bè yêu thơ Ba Lan. Ngoài những tập thơ của riêng anh thì anh còn có những tập thơ dịch từ tiếng Việt sang tiếng Ba Lan và ngược lại. Trong vòng hai năm trời với sự trợ giúp của một người bạn thơ Ba Lan - Pawel Kubiak, tập “28 tác giả và nhiều trích đoạn Truyện KiềuChinh phụ ngâm được anh chọn dịch sang tiếng Ba Lan đã ra đời. Tập thơ đã gây một tiếng vang lớn trong lòng bạn yêu thơ Ba Lan. Để gặt hái được thành công đó thì phải kể đến sức làm việc kỳ công, sự sáng tạo tài tình và kỳ vĩ của nhà thơ Lâm Quang Mỹ. Tác phẩm được bình bầu là Sự kiện của năm 2010 và anh đã rong ruổi khắp các miền, các xứ sở, tham gia nhiều sự kiện, festival, diễn đàn thơ tại Ba Lan và các nước để giới thiệu tác phẩm mà anh dành rất nhiều tâm huyết để hoàn thành này. Thơ của anh đã được dịch và đăng trên các báo, tạp chí Ba Lan và nhiều nước châu Âu, châu Mỹ. Anh đã được trao giải thưởng Thơ và những hoạt động về Thơ năm 2006 của UNESCO Ba Lan và nhiều giải thưởng khác trong các đợt Liên hoan thơ quốc tế. Cùng với một số bạn văn người nước ngoài ở Ba Lan, anh đã thành lập “Hội những người nước ngoài viết văn ở Ba Lan”. Anh đã cho xuất bản khá nhiều sách với nhiều ngôn ngữ khác nhau: Việt, Ba Lan, Anh, Tiệp... Nhờ những thành quả lao động miệt mài của mình mà anh đã trở thành một văn sỹ vô cùng đặc biệt: nhà thơ Việt Kiều hiếm hoi được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam (năm 2007) và cũng là một trong rất ít công dân nước ngoài được kết nạp vào Hội nhà văn Ba Lan. Thơ của anh được các bạn bè Ba Lan và Việt đánh giá rất cao. Nhà thơ Wieslaw Sokolowski, Chủ tịch hiệp hội nghệ sỹ ZA, Ba Lan nói: “Có một điều gì đó tốt đẹp trong thơ Lâm Quang Mỹ, bởi vì nó thể hiện một cách đầy đủ hơn phong phú hơn, thú vị hơn cuộc sống bị giới hạn đang tồn tại quanh ta. Những bài thơ cho tôi nhiều ấn tượng.” Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo thì cho rằng: “Lâm Quang Mỹ khi làm thơ là lúc anh hướng thẳng vào tâm linh riêng biệt của mình. Thơ như là nơi để anh gửi gắm, giải thoát những cảm xúc và suy nghĩ đã trở thành ẩn ức của đời người. Bạn yêu thơ lặng lẽ đọc thơ Lâm Quang Mỹ và tìm thấy ở đấy nhiều vẻ đẹp, được buồn, được vui, được yêu thương, giận hờn, được chia sẻ. Thơ Lâm Quang Mỹ cũng giống như rượu gạo chốn quê nhà, dù anh sống ở xứ “rượu Tây” ngót nửa cuộc đời”. Còn nhà thơ, nhà văn, nhà phê bình văn học Ba Lan Aleksander Nawrocki thì lại viết: “Trong những buổi gặp gỡ với độc giả, Lâm Quang Mỹ đã diễn đạt thơ của ông thật tuyệt vời, những vần thơ tinh tế và thông minh, mang những câu hỏi về vấn đề cốt lõi của cuộc sống, tình yêu và cái chết, mà ông đã đặt ra cho bản thân mình và người đọc. Ở Ba Lan ông đã có được đông đảo độc giả hâm mộ”. Nhà thơ Pawel Kubiak, người đã hợp tác với anh để dịch trọn tác phẩm thơ cổ điển Việt Nam sang tiếng Ba Lan, nói: “Lâm Quang Mỹ không hổ thẹn khi biểu đạt lòng tin vào con người và vào tư tưởng nhân đạo mà ngày nay không còn mấy thời thượng. Lòng chân thành này có thể gây cảm giác hơi ngây thơ cho một số độc giả Ba lan. Bề rộng của sự khám phá và sáng tạo trong thơ anh không chỉ ở đề tài mà ở cả phương diện cấu trúc thơ đã khơi dậy lòng kính trọng. Những bài thơ này mang đặc tính (phương Đông?) triết lý, khiêm nhường và thiện tâm, tính cách ngôn cô đọng của ý tưởng châu Âu, và sau cùng là chất trữ tình trong sáng, nhạy cảm của nam tính, cháy bỏng những ước mơ và khát vọng. Hầu hết mỗi câu thơ đều thể hiện sự hài hòa giữa lòng nhiệt tình và tính thánh thiện.”

Trong buổi mừng sinh nhật lần thứ 70 của anh, ngài Pawel Koeakowski, Chủ tịch Krasne đã phát biểu: “Sự hiện diện của anh luôn đem lại cho chúng tôi nhiều ấn tượng tốt đẹp. Chúng tôi tự hào về anh, một con người có tâm hồn lớn, nhưng khiêm tốn vô cùng. Anh là thành viên của cộng đồng chúng tôi, và đã cùng chúng tôi tạo ra một giai đoạn lịch sử sống động của vùng Krasne...”

Cũng nhân dịp này, ngài Marek Wawrzkiewicz Chủ tịch Hội Nhà văn Ba Lan viết mừng anh: “Hai tâm hồn trong một nhà thơ, tâm hồn Việt và tâm hồn Ba Lan - Anh thật là giầu có!. Anh đã trưởng thành mạnh mẽ trong môi trường văn học Ba Lan, và anh thực sự tô điểm thêm cho nó. Bằng những áng thơ của mình, trung thành với truyền thống ngàn năm văn học Việt Nam, anh đã đưa vào thi ca hiện đại những nét mới lạ và những giai điệu sống động, góp phần làm phong phú thêm cuộc sống văn hóa của chúng ta. Chúng tôi coi trọng và tôn kính anh không chỉ qua tác phẩm của anh. Anh đã có công rất lớn trong việc quảng bá thi ca Ba Lan khi anh chuyển ngữ sang tiếng Việt. Anh còn có những tác phẩm dịch từ tiếng Việt sang tiếng Ba Lan quan trọng và đầy ý nghĩa. Anh thực sự là nhịp cầu nối hai nền văn học Ba Lan - Việt Nam.

Ngồi nghe anh kể chuyện mà tôi không còn cảm nhận được thời gian trôi đi. Niềm đam mê, tình cảm tình yêu anh dành cho quê hương được bộc lộ qua những vần thơ anh đọc cho nghe. Tháng giêng năm nay anh sẽ được nhận huy chương Vì Sự nghiệp Văn hóa Ba Lan do Bộ Văn hóa Ba Lan trao tặng nên anh chưa thể hồi hương được. Tết này anh không về Việt Nam. Và anh cũng cho biết thêm rằng, tháng 11 vừa rồi anh cũng được nhận Giải thưởng mang tên nhà thơ Ba Lan Klamens Janicki do một Quỹ châu Âu trao tặng về toàn bộ tác phẩm văn học và thành tích đóng góp vào nền văn hóa Ba Lan và châu Âu. Cùng được nhận giải này còn có dịch giả tiếng Ba Lan Nguyễn Chí Thuật, Giáo sư dạy ở khoa tiếng Việt trường Đại học tổng hợp Ba Lan. Sau đó anh lẩm nhẩm đọc bài thơ của anh có tên: Đêm Giao thừa “Chớp xé đêm đen - tiếng pháo/ Xua hết lạnh ra ngoài trời/ Khói hương kéo tuổi thơ trở lại/ Ngọn lửa bập bùng hai tiếng: “Mẹ ơi!”

Chào tạm biệt anh ra về, tôi thầm mong anh luôn mạnh khỏe để tiếp sức cho niềm đam mê thơ ca nhưng cũng là niềm đam mê muốn giới thiệu văn học Việt Nam ra với chúng bạn năm châu của anh.

Hiệu Constant

(Đại đoàn kết)