/Cỏn con một sợi lông mày. Mà đem cột trái đất này vào anh/ Thơ Trần Mạnh Hảo

VIDEO

HỖ TRỢ

QUẢNG CÁO

LỊCH

LIÊN KẾT

Tiếng nói Nhà văn

THƯA ÔNG HOÀNG GIÁP VÀ BẠN ĐỌC

Mà sai lầm của nó, nếu có, sẽ rất khó sửa chữa, nếu không nói là hoàn toàn  không có khả năng sửa chữa, như đã xảy ra. ./.

`CÙNG TRAO ĐỔI

THƯA ÔNG HOÀNG GIÁP VÀ BẠN ĐỌC

                                                                                 TRẦN NHUẬN MINH

 

         Trước hết cảm ơn ông Hoàng Giáp đã có bài hồi âm: “ Trao đổi cùng ông Trần Nhuận Minh ” (Báo Hạ Long số 648, ngày 20/3/ 2022)  cho bài viết của tôi “ Một số sai và sót đáng tiếc của bộ sách Di sản Hán Nôm tỉnh Quảng Ninh từ 8 tháng trước, đăng báo Hạ Long số  631 ngày 5/ 7 /2021. Trong đó có điều ông nhận ra  là  sót  và  sai, hoặc có thể sai,  đã cảm ơn tác giả, xin tiếp thu và hi vọng được chỉnh sửa,  nhưng điều đó tôi e không xảy ra, vì xưa nay những bộ sách rất tốn kém thường không có điều kiện tái bản.

         Trong bài, ông nêu lên 8 điều, trong đó,  2 điều 7 và 8 là  “phàm lệ” , liên quan đến việc làm sách  của ông.  Phần thần tich thần sắc, có bài, có đoạn ông viết thêm, viết mới,  đáng lẽ phải có chú thích rõ ràng, ông đã không làm. Ông coi đó là một thiếu sót. Như vậy là rất chân thành. Còn 6 điều khác,  ông muốn được làm rõ,  và tôi rất vui được làm rõ, để không những ông mà nhiều bạn đọc khác, cùng quan tâm. Vì đây là những  điều mà ở Quảng Ninh luôn có tính thời sự.

      1 – Về bài thơ “Đăng Kì sơn lưu đề”, tôi phân biệt rất rõ ràng, đó là thơ Phạm Sư  Mạnh đời Trần,  ông viết rất đúng ở trang  785 tập  III.  Nhưng cũng tập này, trang 115 – 116, ông dịch, lại đề “khuyết danh”. Vì ông dịch lại từ văn bản gốc, sách “An Nam chí” thời Lê, trong đó ghi rõ “ Triều Lê có thơ vịnh ” và bài vịnh ở  “ Triều Lê ” đó, chính lại là bài thơ  vịnh của Phạm Sư Mạnh  ở triều Trần.  Văn bản này  “ khuyết danh”, nên ông dịch thơ mà không đề tên tác giả (  tức là “ khuyết danh”).  Với tư cách dịch giả, ông làm thế không sai. Nhưng với trách nhiệm biên soạn mà ông cứ để như thế in ra, liệu có ổn không? Ngay sau câu này là lời lưu ý của tôi. Đây là câu quan trọng nhất thì ông lại bỏ sót: “Nếu ông sử dụng nguồn, thấy nguồn sai, thì ông phải chú giải là sai chứ”. Vậy tôi chỉ trách ông không chú giải cái nguồn  văn bản “An Nam chí ” thời Lê chép bài thơ  của triều Trần lại ghi  là thơ của triều Lê, và bài thơ có danh,  lại  không ghi tên tác giả. Hai cái sai  của văn bản gốc. Ông không sai trong tư cách dịch, nhưng không chu đáo trong trách nhiệm  biên soạn, làm người đọc, đọc bài thơ này,  hiểu sai  cả tác giả  và triều đại. Vậy ông có thấy mình phải chịu một phần trách nhiệm trong việc này không?

        2 -   Cũng tương tự như thế là về đền thờ Trần Hưng Đạo, tôi viết : “ Trước nay ta vẫn nói đền này đã có và thờ Trần Hưng Đao từ thời Trần”, “nhờ công sưu tầm và dịch bia đá  của ông , mới biết là đền này mới có từ năm 1934 , đến năm 1942 thì lập bia”. Ta đây không phải ông, cũng không phải tôi,  mà là ngôn ngữ dân gian phản ảnh qua báo chí, có nhiều cái sai , ví dụ  như  đền Cửa Ông,  mới thờ Trần Quốc Tảng từ năm 1916, đền Xã Tắc Móng Cái  mới phối thờ Trần Quốc Tảng năm 1917… vậy mà sách báo đều ghi 2 ngôi đền này được xây và thờ  từ thời Trần…Ngay ngôi đến này, dân gian cũng nói là từ thời Trần. Ở đây tôi biểu dương ông, với các tư liệu ông cấp cho bạn đọc là “ vô cùng quí giá”, “có một không hai, trực tiếp làm sáng tỏ nhiều điều” . “Hy vọng từ  những đóng góp rât đáng quí  và rất đáng tin cậy này của ông, ta nói và viết không tùy ý ta muốn như trước nữa .”  Cũng bài này, đăng Thời báo Văn học nghệ thuật Việt Nam, số 36 ra ngày 9 /9/2021, tôi còn viết  thêm một câu: “ Cái công này của ông với tỉnh Quảng Ninh không hề nhỏ “. Nguyên văn như vậy là  tôi  ghi nhận và biểu dương công lao của ông với tỉnh Quảng Ninh, chứ tôi có nói ông viết đền thờ Trần Hưng Đạo ở Bến Rừng là có từ thời Trần đâu, mà ông phải thanh minh, rằng từ thời Trần, thờ Trần Hưng Đạo chỉ có  3 nơi là Kiếp Bạc ( Hải Dương) A Sào ( Thái Bình)  và Tức Mặc ( Nam Định). Tôi luôn có cảm giác là ông đọc không kĩ.

      3 – Về quê hương của nhà Trần, ông viết: “ “Đại Việt sử kí toàn thư” ( ĐVSKTT ) của Ngô Sĩ Liên…  chép: “ Vua họ Trần, húy Cảnh…Ông tổ đời thứ tư tên là Kinh  đến hương Tức Mặc phủ Thiên Trường, sinh ra Hấp, Hấp sinh là Lý, Lý sinh ra Thừa,  đời đời làm nghề đánh cá”. Có mấy dòng cực kì quan trọng này của quốc sử,  ông cũng chép sai.  Không có câu “ Ông tổ đời thứ tư tên là Kinh”.  Đây tôi dẫn nguyên văn  ĐVSKTT,  bộ quốc sử cổ nhất và đáng tin cậy nhất của cả dân tộc, nguồn đầu tiên của các nguồn sử học quốc gia Việt Nam. Tại tập II, Quyển V, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1971, trang 5, nguyên văn ghi như sau:  “ Vua họ Trần húy Cảnh…Đời trước của vua là người đất Mân, ( có người nói là người Quế Lâm ) có người tên là Kinh đến ở hương Tức Mặc, phủ Thiên Trường…”  Như vậy là từ Trung Quốc, Trần Kinh đến Tức Mặc luôn chứ.  Ông viết : “ Ở đây, chũng tôi  không thể tự sửa dòng dõi hoàng tộc  ( của nhà vua – TNM ghi thêm)  ở Đông Triều được”. Ô hay, tôi có ý kiến đó đâu, có yêu cầu đó đâu… Việc ông không ghi như ông thanh minh là đúng. Điều đó làm tôi thêm trân trọng và  thêm kính nể ông. Tôi nhớ tôi đã được mời dự một hội thảo hẹp khoảng 30 người ở Uông Bí, do Chủ tịch Hội Sử học VN Phan Huy Lê và Bí thư tỉnh ủy  Hà Văn Hiền, chủ trì,  trong đó có GS Trần Quốc Vượng. GS Lê nói: “ Đông Triều không phải là quê gốc của nhà Trần” . Rồi cũng 1 lần xem và nghe trực tiếp GS Lê nói trên VTV1 và màn hình hiện lên dòng chữ : “ Đông Triều không phải là quê gốc của nhà Trần”.

        4 -  Về đất phong cho Trần Liễu bị nhà nước tịch thu sau năm 1251,  ông  bảo tôi viết thế là “sai lầm tội lỗi với đức Thánh Trần và dòng dõi cành vàng lá  ngọc…” Thưa ông, tôi là hậu duệ xa đời của dòng dõi cành vàng lá ngọc ấy đấy. Tôi đâu dám bịa đặt để mắc “sai lầm tội lỗi” với chính đại thượng tổ  của dòng họ mình. Tôi muốn dịp nào ông  qua thăm nhà thờ họ tôi, xây trên đất nhà tôi năm 1718 - Di sản văn hóa và  lịch sử quốc gia, lịch sử Xứ Đông goi là “Họ Trần Điền Trì”, với đôi câu đối cổ:  “Tổ tông công đức trường lưu, Đế, Bá tài bồi tiên Tức Mặc / Tử tôn thừa dực kì hậu, Công, Hầu dật dự khởi Điền Trì” với “gia phả kí sự” viết năm 1764 đã xuất bản thành sách,  cờ biển vua ban, và nguyên vẹn 35 đạo sắc chính hiệu của nhà Lê, phong cho 3 vị đỗ đại khoa và các con cháu xa đời của đức Thánh Trần,  1 tước Công, 5 tước Hầu và 4 tước Bá, 7 đời nối nhau là Tể tướng, Thượng thư,  Tả Hữu Thị lang, Phó Đô ngự sử và tướng lãnh quốc gia từ năm 1670 đến năm 1877. Người cuối cùng các tiên liệt ấy, chính là cụ nội tôi, Trần Tấn, tiểu tướng  Cần Vương của Nguyễn Thiện Thuật, đã hi sinh ở Bãi Sậy khi tham gia chỉ huy chống  Pháp càn ngày 07 tháng 02 ( âm lịch) năm 1877. Vì thế, khi thăm Trung Quốc, tôi đã tìm bằng được căn phòng ( bỏ hoang)  mà cụ Thuật đã sống và chết ở đó khi sang cầu viện nhà Thanh.  Tôi cũng thông báo điều này với lãnh đạo tỉnh Hưng Yên.  Bình thường, tôi chả nói điều đó ra làm gì, bây giờ nhân có lời “mắng yêu”  của ông, tôi thấy buộc phải nói, nếu không thì tôi có “ tội lỗi thật” với hai tầng tiên tổ nhà mình: “ Tiền lưu quang hậu, hậu quang tiền”.  Rất mong được cảm thông. Người thừa kế đất phong của Trần Liễu là Trần Doãn, tước Vương là Vũ Thành Vương Doãn .  Sau khi cha chết  năm 1251, sợ  triều đình trả thù vì tội cùng cha nổi loạn trên sông Cái để cướp ngôi vua, Doãn đem cả gia đình vợ con cháu trốn sang Trung Quốc. Tôi viết là sang Trung Quốc, ông lại viết tôi viết “trốn sang nhà Nguyên”, và ông nghĩ tôi nhầm, nên đã viết tôi nhầm với Trần Ích Tắc. Chao ôi ! Sao tôi lại có thể nhầm “chết người” như thế được?  Doãn không sang nhà Nguyên mà sang nhà Tống, lúc ấy Nguyên chưa diệt được Tống, do đó mới được tha tội chết, chỉ bị xóa tên khỏi dòng họ và toàn bộ đất phong của cha mà Doãn kế thừa đã bị tịch thu. Cho nên, biết 1 rồi, thì còn phải biết 2 nữa,  ông ạ, biển học là vô cùng mà…  Tôi căn cứ vào đâu mà “ dám ” viết thế. Tôi chỉ dẫn ra một công trình nghiên cứu rất kĩ lưỡng công phu  và chuyên sâu về ruộng đất, được viết rất chi tiết, cặn kẽ,  mà tôi rất bái phục,  của GS Trương Hữu Quýnh. Sách có tên “ Chế độ ruộng đất ở Việt Nam thế kỉ XI – XVIII ” 2 tập, Nxb KHXH ấn hành  năm 1982.  Điều tôi nói trên ở tập I, GS Quýnh viết rất tường tận về lịch sử đất phong  của các triều đình  Phong kiến ở VN  từ thời Ngô Quyền ( có khảo cứu thêm ở thời  nhà Tùy và thời  nhà  Đường bên Trung Hoa). Ở thời Trần, GS  Quýnh lấy đất phong cho Liễu làm ví dụ,  tôi chỉ trích có 1 đoạn – vì không thể dài hơn, ở  tập I, trang 102 – 103. Xin ông tìm  đọc toàn bộ sách này. “ Năm 1237, để giải quyết mối bất hòa trong nội bộ dòng họ, Trần Thái Tông đã lấy  các xã An Phụ, An Dưỡng, An Sinh, An Hưng, An Bang cấp cho anh là Trần Liễu làm thang mộc ấp. Nhân tiện phong đất, Trần Liễu được phong luôn là An Sinh vương, nghĩa là lấy luôn tên của một xã  trong thang mộc ấp làm tước hiệu. Những sử liệu của giai đoạn sau. chứng tỏ rằng, An Sinh là xã trung tâm của ấp.  Sau này, đây là nơi  táng Trần Liễu, có miếu thờ,  và có bia thần  đạo ,  bia hiện nay vẫn còn, song đã mòn hết chữ nhỏ. Khi Trần Liễu chết, do người con là Vũ Thành Vương Doãn,  bỏ chạy trốn sang Trung Quốc, và bị bắt, nên các vua nhà Trần  đã lấy lại đất phong”.  Như vậy xã An Sinh, huyện Kinh Môn, châu Đông Triều thời Trần, nơi phong cho Trần Liễu, cũng là nơi an táng Trần Liễu, là An Sinh hiện nay ở huyện  Kinh Môn,  Hải Dương, không phải xã An Sinh ở huyện Đông Triều, Quảng Ninh, vì châu Đông Triều trong đó có huyện Đông Triều và huyện Đông Triều trong châu Đông Triều,  là  2 vùng địa lí khác nhau, sau này một số nhà nghiên cứu trong đó có cả GSTS,  gộp 2  thành  1,  nên có một số nhầm lẫn, ai ở Kinh Môn cũng là ở Đông Triều  cả.  Một số nhà thơ nổi tiếng  như Nguyễn Húc,  người đã đem xác Nguyễn Trãi ngay sau khi bị chém ở Thăng Long, về mai táng ở Kinh Môn, Phạn Nhân Khanh,  có thể có cả Trần Thì Kiến, môn khách của Trần Hưng Đạo, 2  lần bói Dịch cho vua Trần trong cuộc kháng chiến chống Nguyên lần 2 và lần 3,  đều trúng,  nên được trọng dụng, làm quan đến chức Tể tướng, vân vân…. đều được ghi quê ở huyện Đông Triều hiện nay cả. Có 1 dạo tôi cũng nhầm như thế. Cũng như Đông Bắc gồm 10 tỉnh, trong  đó có tỉnh Quảng Ninh, ta cũng nhầm, cứ cho Đông Bắc là  Quảng Ninh cả, nên  Trần Quốc Nghiễn có công đánh giặc ở Lạng Sơn,  Trần Quốc Tảng ở Bắc Ninh, Bắc Giang…cũng đều được ghi luôn là ở Quảng Ninh hiện nay…

        Nhân đây xin nói thêm về một chi tiết lịch sử rất quan trọng khác mà nhiều người nhầm, trong đó có cả GS. TS mà tôi không tiện nêu tên. Ấy là Trần Tung, anh ruột Trần Quốc Tuấn được phong vương là Hưng Ninh vương Tung, ai cũng cho là ông được phong năm 1289, 1 năm sau trận  thắng Bạch Đằng để thưởng công các tướng lĩnh, trong đó có ông, người đã có công tổ chức đánh du kích ở Đông Triều  khiến đạo quân kị của Hữu Thừa tướng nhà Nguyên là Trình Bằng ( Phi)  phài tự rút lui ngày 3/3 ( âm lịch ) năm 1288, cùng em là Hưng Đạo đại vương Tuấn, với 4  con trai ( Hưng Vũ vương  Nghiễn,  Minh Hiến vương Uất,  Hưng Nhượng vương Tảng, Hưng Trí vương Hiện ). Nhưng không. Trần Tung được phong vương trong tang lễ cha ông là Trần Liễu,  năm 1251, Thượng hoàng Thái Tông  đến dự tang, thấy rất thương Tung, nên phong  vương cho ông. Chỉ đơn giản vậy thôi.  Lấy tư liệu đó ở đâu? Ngay trong “ Tuệ Trung  Thượng sĩ hành trạng”  của Trần Nhân Tông , sách chủ yếu dùng trong nhà chùa.

      Trong bài hồi âm, đoạn văn này của ông, về mặt trích dẫn tư liệu khoa học là không ổn,  thậm chí là tối kị. Ông viết:  “ Khi đó, “ Hưng Vũ Vương Nghiễn, Minh Hiến Vương Uất, Hưng Nhượng Vương Tảng, Hưng Trí Vương Hiện đốc suất quân các xứ Bàng Hà, Na Sầm,Trà Hương, Yên Sinh,  ( đều là đất được phong cho Trần Liễu) tất cả 20 vạn quân,  đến họp theo sự điều khiển của Hưng Đạo Vương để chống quân Nguyên ” ( Đại Việt Sử kí toàn thư, tr. 51) ”. Tra trong văn bản ĐVSKTT mà ông ghi trên,  thì “ khi đó” là năm 1284 ( như vậy là trong kháng chiến lần 2 ) , đoạn văn trong quốc sử  này ông chép trích lại,  thiếu 3 chữ  họp “ ở Vạn Kiếp”  ( cũng không sao) nhưng lại thừa ra một cái ngoăc đơn cực kì quan trọng, hoàn toàn không có trong văn bản  ĐVSKTT và cũng hoàn toàn không có trong thực tế lịch sử, do ông tự ý thêm vào ( đều là đất được phong cho Trần Liễu). Thưa ông, ĐVSKKTT chỉ ghi Trần Liễu được phong đất có 1 lần, năm 1237,  gồm “ Yên Phụ, Yên Dưỡng, Yên Sinh , Yên Hưng, Yên Bang ”, trong đó trừ An Sinh mà GS Quýnh cho biết  trong công trình nghiên cứu về ruộng đất đã ghi trên là An Sinh Kinh Môn, không phải An Sinh Đông Triều ) còn các nơi khác ông kể tên hoàn toàn không có . Yên Phụ, nơi  có đền thờ Trần Liễu từ xa xưa và  có tượng đài Trần Quốc Tuấn rất hùng vĩ, từ vài chục năm nay, hiện ở Kinh Môn, không có gì phải bàn, còn các nơi khác, cũng nên xem xét thêm, vì tên đất có nhiều thay đổi trong quá trình lịch sử. Thời Trần theo chế độ phân quyền, mỗi vương ở một vùng, trên đất được phong, có quân đội riêng, công an riêng và nhà tù riêng, chế độ thuế và phu phen tạp dịch cũng riêng, cho nên chỉ có thể điều quân ở đất mình được phong, và những đất ấy, theo ĐVSKTT nay đều thuộc Hải Dương,  Bắc Ninh, Bắc Giang, không có nơi nào hiện ở Quảng Ninh cả. Có thể hiểu các đất ấy là đất phong cho các con Trần Liễu, chứ không phải phong cho Trần Liễu. Ông viết phong cho Trần Liễu là sai. Mà cái sai ấy ông lại đổ lỗi cho ĐVSKTT, rất không nên, ông ạ.  Như vậy, các con của Trần Liễu có đất phong, thì không có đất nào ở Quảng Ninh cả. Vậy  mà sách báo ở Quảng Ninh  đã có lần  ghi phong cho Quốc Nghiễn ở Hồng Gai, Quốc Tảng ở Cửa Ông hiện nay. Thế là rõ. Cảm ơn ông, đó là  những đóng góp tích cực.  Ông  ghi, các vương tử - các  con  trai Trần Quốc Tuấn  là đúng, vì đều được phong  vương, còn tước hầu mà ông viết các con Quốc Tuấn được phong thì lại sai, vì không có ai cả. Từ đó xem ra, về môn lịch sử, có một số điểm ông không được rành, hình như đây không phải là sở học, sở trường của ông. Ví dụ như đoạn ông trả lời phỏng vấn của báo Quảng Ninh mà tôi ghi ra nguyên văn ( cũng vẫn về tập sách đồ sộ của ông mà  chúng ta đang cùng trao đổi): “Giáo sư Hoàng Giáp: “ Quảng Ninh có di sản Hán Nôm rất đồ sộ” - Phạm Học thực hiện  ( phỏng vấn ) - QNĐT cập nhật 14.58 ngày Chủ nhật 09/ 11/2014 (GMT+7)

  • Vậy theo GS, chuyện TQT ( Trần Quốc Tảng ) ra Cửa Ông, mất ở đây là không còn gì phải bàn cãi?

+  Đúng thế. Nói TQT ( Trần Quốc Tảng)  không ở đó, không mất ở đó mà chỉ là nhầm lẫn với T Tung... ( Trần Tung)  tôi nghĩ là thiếu cơ sở khoa học, thiếu căn cứ lịch sử… Trong năm nay, tôi sẽ đưa ra một công trình để chứng minh, làm sáng tỏ vấn đề này, với đầy đủ bằng chứng lịch sử ”. (  báo Quảng Ninh  Cuối tuần  số  667 ( 715)  ngày 09/ 11 / 2014 và cập nhật ngay trên QN điện tử lúc 14.58  cùng ngày ). Vậy mà bạn đọc chờ ông mãi, đến tận ngày hôm nay, sau rất nhiều năm, vẫn không hề thấy có một chữ nào của công trình đó cả. Cũng thông cảm với ông,  vì  thực tế và lịch sử, điều ấy hoàn toàn không có. Tôi rất trân trọng ông, tin là ông  nhận ra điều ấy, khi ông hé lộ một phần trong bài hồi âm ( ở đoạn trên của điều 4 ) mà tôi đang thưa lại với ông đây.

           5 – Về sáng tác của Huyền Quang, điều này tôi biểu dương công của ông, xác định  kiến giải của ông là đúng, không hiểu ông đọc thế nào lại bảo là tôi viết ông sai, và ông tự cho mình “ phỏng đoán chưa chính xác, xin được khảo cứu cải chính”. Không có gì phải đính chính cả, thưa ông.  Ngay đại diện Ban Quản lí chùa Côn Sơn cũng  có lần nói  với tôi đại khái như ông viết là Huyền Quang tu chủ yếu ở chùa Côn Sơn  thuộc Yên Tử - Chí Linh,  sáng tác chủ yếu ở đây và mất ở đây.  Tôi biểu dương ông điều này, vì Quảng Ninh, viết về thơ Huyền Quang trước nay,  chỉ nói duy nhất một điều là Huyền Quang làm thơ ở  Yên Tử - Uông Bí và xếp ông là nhà thơ bản địa ( Quảng Ninh).  Có điều này nữa, bạn đọc cũng hay nhầm. Khi nói Yên Tử, ai cũng chỉ nghĩ đến Uông Bí, mà theo khái niệm xưa, Yên Tử là tên chung chỉ vùng núi Phật từ  Phả Lại - Chí Linh, qua Đông Triều, Uông Bí đến Hạ Long, Cái Bầu,  mà đỉnh cao nhất là Yên Tử - Uông Bí, nơi Đệ Nhất tổ Trúc Lâm  giao cho Bảo Sái là người chủ yếu trông coi. Tôi hiểu Bảo Sái là tên hiệu, người giúp việc  thờ  Phật ( Sái) tin cậy và quí trọng nhất ( Bảo). Trần Nhân Tông nhiều lần đến Yên Tử - Uông Bí, nhưng  tu nhiều  năm và mất  ở  Ngọa Vân, thuộc Yên Tử - Đông Triều, ngay GS sử học nổi tiếng Lê Văn Lan trong phim tài liệu lịch sử về Yên Tử ( hiện còn lưu ở Yên Tử - Uông Bí ), cũng đứng trước sân chùa Hoa Yên, chỉ tay xuống Tháp Tổ và khẳng định như đinh đóng cột  rằng “  Trần Nhân Tông mất ở đây”, tức là ở  trước sân chùa Hoa Yên thuộc Yên Tử - Uông Bí, mà quên rằng ĐVSK TT từ  năm 1497, đã viết Trần Nhân Tông mất ở am Ngọa Vân, thuộc Yên Tử - Đông Triều, sau lưng ông hơn 40 km.

         6 – Về bài thơ núi Mèo mà ông viết là: “ Nhiều học giả cho là thơ ngự đề của Phật hoàng Trần Nhân Tông”. Thưa ông, tôi  hoàn toàn không tin. Bởi không có “học giả” nào dám cả gan khẳng định thế, để chứng tỏ rằng trình độ học vấn của mình còn ở mức học sinh cấp 2 - phổ thông trung học cơ sở. Bằng chứng gần nhất là tháng 12 năm 2021,  tại Uông Bí, đã có  Hội thảo quốc gia về Thiên Long uyển xã Yên Đức,  trong đó có núi Mèo gần Thiên Long uyển, cùng 1 xã, trong cùng  một nội dung nghiên cứu, tôi không đếm được là có mấy chục nhà khoa học, gồm các GSTS, PGSTS, TS, ThS vân vân… ( ghi tên trong  các tham luận của tập “Kỉ yếu khoa học” mà tôi đang có trong tay) . Tất cả các vị đều đào sâu, lật từng mét đất, nhìn ra xa cả một triền sông, mà sát đó đã là núi Mèo… để xem có hay không các vua Trần đã về đây,  “có lẽ” đã đóng quân ở đây… Những điều ấy sẽ bàn ở một dịp khác. Nhưng điều tôi rất trân trọng ở các nhà khoa học này, là, tuyệt không có một ai nói vua Trần đã đề thơ ở núi Mèo, dù núi Mèo luôn được nhắc đến, và sự có mặt của vua Trần, dù ở bất cứ mức độ nào, là sự tìm kiếm  khát khao và quan trọng nhất, đặt ra hàng đầu của hội thảo này. Vậy mà hàng chục “ học giả ” để mắt đến núi Mèo, mà bài thơ khắc trên đá  ấy, không ai nói đến, dù  chỉ 1 chữ. Tuyệt đối không ông ạ. Như vậy, đủ thấy ông nói các “ học giả” xác nhận thế, nói thế,  là ông nói lấy được mà thôi. Vì nó không có cơ sở khoa học nào cả. Bây giờ, các nguyên thủ quốc gia gặp nhau, miệng đeo khẩu trang, hai khủyu tay chạm vào nhau thay cho cái bắt tay, cứ xem ảnh chụp hay màn hình có hình ảnh ấy, không cần phải thuyết giải, ta  đã biết ngay về thời gian từ dịch covid – 19, nghĩa là từ năm 2019 trở về sau, không cần phải bàn.  Các tín hiệu tương tự như thế ở bài thơ núi Mèo, rõ đến mức chỉ liếc mắt qua là đã thấy ngay. Ấy là chữ TÔN trong tên vua Nhân Tông,  biết ngay là văn bản thời  Nguyễn viết từ năm 1841 đến năm 1945, kiêng húy vua Thiệu Trị  nhà Nguyễn  là Nguyễn Phúc  Miên TÔNG mà chữ TÔNG phải viết thành TÔN, ấy là đường riềm long li, trong đó hình chân con rồng 100 %  thời Nguyễn. Những chứng cớ “ chết người” đó, bày sẵn ra trước mắt. Nếu có học, sẽ nhận ra  ngay cấu trúc niêm luật thơ Nôm đường luật  của bài thơ rất chặt chẽ, các cặp đối chuẩn, 4 câu thực và luận phân minh, điều mà chỉ có ở thơ cuối thời  Nguyễn. Điều này hình như ông cũng không rành. Thời ông và tôi đi học, niêm luật thể thơ Nôm luật đường, chỉ dạy ở Khoa Văn Trường Đại học Tổng hợp, trường Đại học Sư phạm và toàn bộ hệ thống phổ thông không dạy, nên nhiều ông giáo dạy giỏi văn cấp 3 còn không biết. Nay thì dạy và học trong chương trình  ngữ văn cấp 2, cấp trung học cơ sở. Là người làm thơ, tôi rất chú ý đến các cặp đối và  4 câu giữa bài, 2 câu thực và 2 câu luận,  xem có “ phân minh” hay không,  để nhận ra tài năng của  từng tác giả. Cự phách đến như Nguyễn Khuyến mà nhiều bài cũng không phân minh được thực và luận. Ví dụ bài “ Mùa thu câu cá ” học trong trường phổ thông:

                      Sóng biếc theo làn hơi gợn tí

                      Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo

                      Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt

                      Ngõ trúc quanh co khách vắng teo

           Cả 4 câu đều tả cảnh,  chỉ có thực, không có luận

           Thơ Bà Huyện Thanh Quan  các cặp đối rất chuẩn, thực luận rất phân minh. Một tài năng lớn, dù bà để lại chỉ khoảng dăm bảy bài

                     Lom khom dưới núi tiều vài chú

                     Lác đác bên sông rợ mấy nhà

                     Nhớ nước đau lòng con cuốc cuốc

                    Thương nhà mỏi miệng cái gia gia

          Bài thơ  núi Mèo cũng thế, các cặp đối rất chuẩn, nhịp  cắt 4/3,   thực với luận rất phân minh. Chưa kể câu đầu, hai chữ “Đứng thốc” rất đột biến, rất hiện đại. Toàn bộ bài thơ chứng tỏ tác giả là một tài năng, có chí lớn. Với lối thơ hoàn hảo đến như thế này, chỉ có ở cuối thời Nguyễn, theo khảo sát của tôi là khoảng từ  những năm 1920 đến 1940, tức là phải sau thời bà Huyện và ông Nguyễn Khuyến.   Không thể có được ở thời Trần. Văn học sử từ nhiều chục năm nay, đã xác nhận thơ Nôm thời Trần, được mở đầu từ Nguyễn Thuyên ( Hàn Thuyên)  đều thất lạc hết, không còn 1 bài nào. Những bài như “Ngạc ngư kia hỡi mày có hay,”  giả làm “Văn tế cá sấu” rồi gán cho Hàn Thuyên, bài “ Một gánh càn khôn quẩy xuống ngàn”, gán cho Trần Khánh Dư,  đều là thơ thời Nguyễn. Bài thơ núi Mèo cũng thế, thơ thời Nguyễn gán cho Trần Nhân Tông. Nhưng hai bài trên còn đăng báo rồi bị giới học thuật bác bỏ, riêng bài núi Mèo này thì không có báo nào đăng, “Toàn tập thơ Trần Nhân Tông”,  in nhiều bản khác nhau của các soạn giả , cũng không hề có bài này.  Chỉ có bài “Cư trần lạc đạo phú”, rất điêu luyện của Phật hoàng Trần Nhân Tông  là một áng văn xuôi kiệt xuất về Phật giáo, lưu trong sách nhà chùa, mà còn lại đến nay. Do đó ta không có gì để đối sánh. Gần nhất là  Nguyễn Trãi và Lê Thánh Tông, sauTrần Nhân Tông khoảng  200 năm, mà thơ Nôm luật đường  của 2 nhà thơ thiên tài  này, vẫn chưa hoàn chỉnh, câu 6 xen vào câu 7, nhịp cắt 3/3 và 4/3, câu chữ còn chất phác,  thực luận không rõ ràng, nhất là bài của Nguyễn Trãi :

                       Góc thành Nam / lều một gian

                        Lo nước uống  / thiếu cơm ăn

                       Con đòi trốn / dường ai quyến

                       Bà ngựa gầy / thiếu kẻ chăn

                        Ao bởi hẹp hòi/ khôn thả cá

                       Nhà quen thú thứa / ngại nuôi vằn

                       Triều quan chẳng phải / ẩn chẳng phải

                      Góc thành Nam/ lều một gian

       Thơ Lê Thánh Tông, sau Nguyễn Trãi 60 năm:

                     Lòng vì thiên hạ / những lo âu

                     Thay việc trời / dám trễ đâu

                     Trống dời canh/ còn đọc sách

                     Chiêng xế bóng / chửa thôi chầu

                     Nhân khi cơ biến / xem người biết

                   Chứa thủa kinh quyền / xét nhẽ màu

                  Mựa bảo áo vàng/ chăng có việc

                   Để muôn sự / trước vào tâu

Và đây, “Trần triều Nhân Tôn hoàng đế ngự đề, 1292 ” tôi chép từ 1962:

 

                       Đứng thốc trên sông / một đọi đèo

                       Vặn hình ra thể / dáng con Mèo

                       Đá xương đất thịt/  da không mốc

                       Cỏ vện hoa vằn/  dạ chẳng meo

                      Cáo thỏ  kinh hơi/  rừng vắng ngắt

                      Kinh nghê tăm bặt / nước trong veo

                     Xanh trì vũ trụ /chân nghoèo vững

                    Ắt hẳn nghìn năm / kín chẳng nghèo

          Bài thơ này viết  trước Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông khoảng 200 năm. Các bạn đọc lại và đối sánh, để xem tôi nói như trên có đúng không?

         Với một bài thơ đặc Nguyễn như thế,  vậy mà trong bộ sách 3 tập có nhiều giá trị của mình, ông Hoàng Giáp khẳng định đến 4 lần “ đã có ở thời Trần”, tức là của vua Trần  Nhân Tông viết lúc sinh  thời ( ! ), lần 1 ở  tập  I, trang 19, lần 2 ở tập II, trang 19 và lần 3 ở tập III, trang 20 và trang 285. Trong bài vừa  hồi âm, ông viết : “ Nhiều học giả cho là thơ ngự đề của Phật hoàng Trần Nhân Tông”.  Chắc ông không có trong tay tập “ Kỷ yếu hội thảo quốc gia” vừa họp ở Uông Bí, bàn về Thiên Long uyển, trong đó có núi Mèo. Với 22 tham luận, 284 trang in khổ lớn của hàng chục học giả, có tham luận là công trình của 6 người, tuyệt không một ai viết 1 chữ, nói 1 câu về bài thơ này, chứng tỏ “ nhiều học giả” là  ông tự nghĩ ra và nói lấy được. Việc một bài thơ của ai, viết vào bao giờ, nếu sai sót hay nhầm lẫn, cũng là thường, có gì mà phải bàn lắm mất thì giờ. Nhưng trường hợp này thì khác, vì các nhà doanh nghiệp muốn căn cứ vào đây ( và các bằng cứ đang cố gắng tìm kiếm khác) về vua Trần,  để xây dựng  ở đây một khu du lịch lịch sử văn hóa và tâm linh.  Một lần nữa, tôi rất hoan nghênh các dự án này, nhưng những việc liên quan đến các  vua Trần thì phải thật cẩn trọng, cho đến khi đạt được các giá trị khoa học chân chính. Bởi sai lầm ở trường hợp này là vô cùng nguy hại, hậu quả khôn lường, trong việc giáo dục lòng yêu nước và sự trung thực cho các thế hệ hôm nay và nhiều đời sau. Mà sai lầm của nó, nếu có, sẽ rất khó sửa chữa, nếu không nói là hoàn toàn  không có khả năng sửa chữa, như đã xảy ra. ./.

T.N.M