/Cỏn con một sợi lông mày. Mà đem cột trái đất này vào anh/ Thơ Trần Mạnh Hảo

VIDEO

HỖ TRỢ

QUẢNG CÁO

LỊCH

LIÊN KẾT

THƠ VĂN BẠN BÈ

TIẾNG NÓI NHÀ VĂN- XIN ĐỪNG LÀM MÉO MÓ HÌNH ẢNH NGƯỜI DÂN TỘC

Hai là trong sáng tác văn học nghệ thuật nói chung về dân tộc và miền núi thì phải phản ảnh đúng với bản chất văn hóa của người dân tộc.

TIẾNG NÓI NHÀ VĂN- XIN ĐỪNG LÀM MÉO MÓ HÌNH ẢNH NGƯỜI DÂN TỘC

(Tóm lược tham luận tại Hội thảo các Nhà văn Sông Chảy tại Hà Giang) Nguyễn Văn Cự - Lào Cai

                                                                                                  Ảnh minh họa- nguồn: Internet

Đã từ rất lâu rồi, tôi cũng không thể đoán định được thời gian, hễ cứ thấy trên báo, đài, phim, sân khấu có mục nói về người dân tộc thì bao giờ cũng kèm theo các câu nói ề à (ây dà... giàng ơi... cái cán bộ, rồi mày, tao v.v...), hình ảnh ngây ngô với khuôn mặt thuồn thuộn, động tác vụng về. Khi đọc, nghe và xem những tình tiết này thì người ở các vùng ngoài dân tộc, miền núi thấy lạ và thích thú; người dân tộc và người Kinh từng sống ở vùng dân tộc thì thấy khó chịu, cho rằng đó chỉ là sự thiếu hiểu biết của tác giả, đạo diễn và diễn viên thôi. Trong một chừng mực nhất định thì người dân tộc còn thấy mình như bị sỉ nhục. Là người Kinh gốc Hà Nam, từng sinh sống và công tác ở vùng dân tộc gần 50 năm rồi, nên tôi cũng có thể gọi là người có hiểu biết về văn hóa dân tộc. Tôi xin kể một số mẩu chuyện có thực, chính tôi là người mắt thấy tai nghe để mọi người cùng suy ngẫm.

Trước hết nói về sự thật thà, tôi xin kể hai câu chuyện thế này. Câu chuyện thứ nhất: Cuối năm 1979, có một ông là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Liên Sơn đi chỉ đạo làm phòng tuyến đối phó với tình hình phức tạp ở biên giới. Ông cần 60 lao động để kéo phà qua sông trong mùa nước cạn. Nhưng khi đến nơi thì chỉ thấy 60 mươi đứa trẻ con. Ở vùng này vào tháng 4, 5 dương lịch thì mọi người đều lên rừng chuẩn bị cho vụ trồng lúa nương. Ông Phó Chủ tịch tỉnh và những người có trách nhiệm trong đoàn vô cùng khó xử, vì việc quân nên không thể chậm chễ. Ông cho gọi chủ tịch xã đến hỏi, còn có ý mạt sát “Tôi bảo địa phương chuẩn bị cho 60 người, sao bây giờ lại toàn là trẻ con thế này?”. Ông chủ tịch xã là người dân tộc Dao mặt đỏ căng, vẻ thật thà vội lấy trong cái túi “Mán” đeo bên hông ra một tờ giấy đánh máy cũng có ý giận dữ nói lại “Thì trong công văn này nói là huy động 60 người đây thôi. Trẻ con nó không phải là người thì là con chó à?”.  Câu chuyện thứ hai: Một lần tôi được dự một cuộc họp quan trọng ở một xã vùng cao, phải có nghi thức chào cờ. Nhưng khi người được phân công hô “Chào cờ.... chào” thì bên dưới có tiếng xì xào “Cờ đâu nhỉ”; “Làm gì có cờ mà chào”. Người điều khiển chương trình quay xuống dưới nhìn mọi người “Xin lỗi nhá! Xã ta không có cờ! Chào Bác Hồ cũng được mà!”. Đấy! Qua hai mẩu chuyện này thì thấy cái sự thật thà của người dân tộc nó là như vậy đấy! Làm gì có giọng nói ề à; làm gì có nét mặt thuồn thuột.

Về thiếu từ trong giao tiếp, tôi xin dẫn chứng ba câu chuyện. Câu chuyện thứ nhất: Một hôm tôi đến chia buồn với một gia đình người dân tộc có người qua đời. Khi ra về, thay mặt cơ quan tôi đưa cho bà cụ trên 70 tuổi một chiếc phong bì. Vẻ mặt cụ vô cùng xúc động và có nhiều biểu cảm của sự biết ơn. Cụ có lời đáp lại rất ngắn gọn “Cháu làm thế này, bá cũng thích một tý đấy!”. Khi ra xe, một cán bộ đi cùng tôi nói “Đám hiếu mà thấy phong bì mắt cũng sáng lên; cũng thích một tý đấy!!!”. Tôi chỉnh lại ngay “Con người ta sống trên thế gian này thì điều tối thượng là phải biết làm cho nhau sung sướng, vui vẻ, thích thú; còn làm cho nhau buồn, đau, cô đơn... thì sống với nhau làm gì?”. Theo nghĩa này thì câu nói của cụ già dân tộc kia mới hay làm sao. Với câu chuyện này thì chắc chắn người Kinh sẽ nói dài dòng hơn, chẳng hạn: “Gia đình tôi vô cùng hân hạnh được ông tới chia buồn; trong lúc tang gia bối rối có điều gì sơ suất thì mong được lượng thứ (hai tay đỡ phong bì). Vâng, ông đã đến viếng... lại có... gia đình chúng tôi vô cùng cảm kích. Thay mặt cho....”. Dù cách nói có khác nhau, nhưng suy cho cùng thì dù là người Kinh hay người dân tộc thiểu số cũng đều là “Thích” cả. Chỉ khác nhau là ở chỗ dùng từ ngữ thôi. Câu chuyện thứ hai: Một bà người dân tộc muốn mời tôi đến nhà chơi. Nhưng đường vào nhà bà khó đi quá. Bà phân trần “Đường vào nhà bá nó như cái sống lưng con lợn sề đang nuôi con ấy”. Tôi thầm kêu lên “Trời ơi!... Người dân tộc thiếu từ, nhưng diễn đạt thì hay vô cùng...”. Quả đúng như vậy. Tôi đã từng viết, từng đọc nhiều cuốn sách viết về dân tộc thiểu số, nhưng chưa thấy một áng văn thơ nào tả về cái khó của con đường bằng hình tượng hay đến như vậy. Câu chuyện thứ ba: Trên đường đi công tác, khi xe U-oat của chúng tôi đi qua có một thanh niên người dân tộc Mông vẫy. Vì trên xe còn chỗ nên tôi bảo lái xe dừng lại cho anh bạn trẻ này đi nhờ. Ngầm ý của tôi là khi đi qua phà vào mùa cạn thì sẽ có đông người đẩy phà qua sông. Khi qua sông, tất cả mọi người đều phải cởi quần dài, mặc quần đùi xuống đẩy phà. Tôi là sếp to nhất nên được ưu tiên chỉ huy chung không phải xuống nước. Để ý thì thấy anh bạn trẻ người Mông cứ bám chặt vào thành phà ra sức đẩy. Tôi vỗ vai “Này, phải xuống dưới nước bám vào mới đẩy được chứ, còn đứng trên này mà đẩy thì...”. Không ngờ anh bạn trẻ đỏ mặt, vặc lại tôi “Ô!... Mày tưởng tôi không có b... à?”. Tôi cứ ngẫm nghĩ mãi câu nói của anh bạn trẻ. Thì ra anh bạn này không có quần đùi, nhưng lại không biết gọi nó là gì; bản thân anh ta lại có đầy có đầy đủ các bộ phận của đàn ông nên không thể cởi truồng để lội xuống nước được. Câu chuyện này mà được một đạo diễn là người Kinh dưới xuôi cho diễn thì chắc chắn lại “Ây dà... ây dà... cái cán bộ à... tao không có cái quần đùi mà... cởi quần dài ra thì xấu hổ lắm à...”. Vậy nên người dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa dù có thiếu từ phổ thông để diễn đạt ý của mình, nhưng không bao giờ ngây ngô, dẹt mồm đâu. Diễn đạt vẫn rất đủ ý và hình tượng thì cực hay.

Một điều nữa là khi viết về dân tộc thì phải am hiểu về tập quán và văn hóa đặc thù. Có một câu chuyện thế này. Khi tôi làm bí thư huyện ủy, ở một xã bí thư và chủ tịch mâu thuẫn với nhau tưởng không thể giải quyết được. Hai người này lại là biểu tượng của hai dòng họ lớn của xã. Nên xử lý không tốt thì chắc chắn tình hình mất đoàn kết ở đây không thể yên, vì mâu thuẫn giữa hai dòng họ này đâu đã được giải quyết. Tôi về xã gặp hai đối tượng này và nói “Hôm nay tao về đây là nghiên cứu để xử lý kỉ luật hai đứa chúng mày. Nhưng để khách quan, chúng mày về nhà mổ mỗi đứa một con gà nhỏ rồi mang chân đến đây cho tao xem”. Là Bí Thư huyện ủy, thì nhìn xuống xã có khác gì đứng trên điểm cao nhìn xuống mặt đất, tình hình kinh tế xã hội, tính cách của cán bộ chủ chốt dưới xã đều biết hết, nên khi xem chân gà tôi “phán” đâu ra đấy. Người nào cũng có ưu điểm, khuyết điểm; rồi nguyên nhân khách quan, chủ quan... Hiệu quả thật bất ngờ. Cả hai đều nhận ra khuyết điểm của mình. Tôi làm vài “tiểu xảo” nữa, thế là cả hai cùng nhận khuyết điểm thiếu sót một cách vui vẻ. Họ đều không bị kỉ luật, cùng bắt tay nhau đoàn kết để làm việc. Hiềm khích giữa hai dòng họ vì vậy mà cũng “yên hàn”. Cái này có phải là duy tâm, phù phiếm không? Xin thưa là không. Đó chỉ là “tiểu xảo” của người lãnh đạo. Nhưng tiểu xảo này lại dựa trên chính cái nền tảng là văn hóa, là tập quan đấy ạ.

Trên đây tôi muốn chứng minh vấn đề “Khai thác và phát huy vốn văn hóa dân tộc” trong sáng tác văn học; còn vấn đề bảo tồn thì sao? Cách đây trên mười năm, tôi được đi Nhật dự Hội thảo Quốc tế về “Bảo tồn Văn hóa Lúa nước Ruộng bậc thang”. Ông giáo sư người Nhật phát biểu đề dẫn “Mật ong là thứ tinh túy nhất mà thượng đế ban cho loài người, nhưng cũng không ngon bằng thứ rượu được nấu từ gạo sản xuất ra trên ruộng bậc thang”. Rồi ông nói tiếp đại ý: Mất ruộng bậc thang là mất nông dân; mất nông dân là mất tất cả.... Bởi vậy chúng ta phải cùng nhau bảo vệ ruộng bậc thang. Khi tôi phát biểu tham luận thì một bà người Nhật có ý cắt ngang hỏi “Người dân tộc thiểu số của Việt Nam có khổ không? Văn hóa của họ thế nào?”. Tôi trả lời đại ý: Người dân tộc thiểu số Việt Nam mỗi dân tộc có một bản sắc văn hóa riêng. Mỗi năm có hàng trăm lễ hội... Còn người dân tộc có khổ không thì tôi đọc cho họ nghe một bài cúng của người Dao “Cầu mong thần linh ban cho đầu rắn như đá/ Chân cứng như đồng/ Lợn gà nhiều như sỏi đá/ Hạt lúa to như quả báng”. Không ngờ lại được hội thảo hoan nghênh nhiệt liệt. Vậy đấy. Qua Hội thảo này tôi hiểu: Muốn bảo về văn hóa phi vật thể thì nhất thiết phải bảo vệ văn hóa vật thể trước đã. Và đó chính là mục tiêu của Hội thảo.

Kết thúc bài phát biểu, Tôi nhìn nhà thơ Trần Đăng Khoa kiến nghị hai vấn đề. Một là muốn bảo tồn và phát huy văn hóa phi vật thể của đồng bào dân tộc thì trước hết phải bảo tồn văn hóa vật thể đã gắn bó hàng nghìn đời với họ đã. Hai là trong sáng tác văn học nghệ thuật nói chung về dân tộc và miền núi thì phải phản ảnh đúng với bản chất văn hóa của người dân tộc. Xin đừng vì câu khách mà làm méo mó hình ảnh người dân tộc.

 Theo hoinhanvanvn