/Cỏn con một sợi lông mày. Mà đem cột trái đất này vào anh/ Thơ Trần Mạnh Hảo

VIDEO

HỖ TRỢ

QUẢNG CÁO

LỊCH

LIÊN KẾT

Những bài khác

Về một bài thơ tiếng Pháp của nhà văn Phù Thăng

Rõ ràng ông vẫn đam mê ngay cả khi đã đi xa, cho trang văn đẹp những câu nhân tình...

Về một bài thơ tiếng Pháp của nhà văn Phù Thăng


Năm 1980, nhà văn Phù Thăng cầm sổ hưu, rời Xưởng phim truyện Việt Nam về sống ở quê nhà, xã Cộng Lạc (Tứ Kỳ, Hải Dương). Ông làm ruộng như một người nông dân thực thụ, không liên hệ với bất kỳ cơ quan báo chí, văn nghệ nào cả. Hội Văn học Nghệ thuật Hải Hưng (hai tỉnh Hải Dương, Hưng Yên hợp nhất) đã từng về thăm hỏi và có ý mời ông tham gia hoạt động cùng anh chị em văn nghệ sĩ quê hương. Thuyết phục mãi, cuối cùng ông nhận lời.

Đó là vào năm 1994. Ông được Hội mời lên dự một cuộc họp có đông đủ hội viên, nhân đó giới thiệu tác giả "Phá vây", "Con nuôi trung đoàn", "Hoa vạn thọ"... nhiều người chỉ biết tên chứ chưa được gặp mặt. Tôi thì rất mừng, vì lần này mới được gặp lại ông, sau nhiều năm xa cách, kể từ lần cùng nhận giải thưởng của Tạp chí Văn nghệ Quân đội những năm 1958-1960.

 Tại cuộc họp đó, Phù Thăng như cũng cảm động. Trong lời phát biểu chân tình, ông rất khiêm tốn, không nói về mình, mà chỉ động viên anh em trẻ, làm sao có nhiều tác phẩm xứng đáng với sự kỳ vọng của nhân dân. Cuối cùng, ông thân mật, "xin được đọc một bài thơ". Cả hội nghị vỗ tay hoan nghênh và chăm chú theo dõi nhà văn đàn anh, lâu lắm mới có dịp "dốc bầu tâm sự". Càng hào hứng hơn, khi ông nói "bài thơ viết bằng tiếng Pháp". Hội trường rộ lên tiếng cười vui, hào hứng. Nhà văn 56 tuổi, người gầy gò nhỏ thó, đeo mục kỉnh, rồi rút trong túi áo ra một mảnh giấy gấp tư. Ngồi bên ông, tôi bảo: "Tý nữa tôi dịch sang thơ Việt", ông gật đầu. Và ông đọc:

Si nous voulons être forts
Si nous voulons marcher droit jusqu'au bout
Nous suivrons nos lois
Avec passion au coeurs
Avec amour de nos yeux
Vous - des jeunes et moi, un vieux
Nous unions notre efforts
Sur le chemin des tourments
Pourtant
Nous irons vers le mieux

Bài thơ chỉ có mươi dòng, không có nhan đề, nhưng nội dung thì rất rõ. Đó là lời khuyên mọi người, cả trẻ và già đều cần rèn luyện, vượt qua mọi khó khăn để có những cái tốt đẹp cho cuộc đời.

 

Nhà văn Phù Thăng - (1928-2008).

Tất cả anh em chúng tôi đều vỗ tay hoan hô nhiệt liệt. Tất nhiên, các bạn trẻ không biết ngoại ngữ thì chỉ "cảm" là chính, cảm cái hồn cốt mà nhà văn muốn gửi gắm trong bài thơ.

Tôi cầm tờ giấy của nhà văn Phù Thăng, lẩm nhẩm dịch. Cũng chỉ là một cách dịch thoát ý, sang thơ lục bát. Rồi tôi đứng lên, xin phép đọc bài thơ để mọi người cùng chia sẻ. Tất cả anh chị em đều tán thưởng.

Bài thơ của nhà văn Phù Thăng có nghĩa như sau:

Muốn cho khỏe mạnh, tiến nhanh,
Kỷ cương nền nếp đã đành phải theo
Đam mê một trái tim yêu
Long lanh ánh mắt cháy điều thân thương
Đầu xanh bên mái tóc sương
Đôi ta trụ vững trên đường dài lâu
Làm sao qua mọi khổ đau
Cho trang văn đẹp những câu nhân tình

Phù Thăng bắt tay tôi:

- Très bien, merci! (rất tốt, cảm ơn).

Rồi ông hỏi:

- Sao không dịch nốt tên tác giả?

Tôi cười... Bởi vì dưới bài thơ, ông ký tên là "Fou", tiếng Pháp, đọc theo âm Việt là "Phu", chính tên khai sinh của ông. Ông tên là Nguyễn Trọng Phu, anh em văn nghệ hay đùa là "Thằng Phu", nói lái thành Phù Thăng. Không ngờ đó là một cái tên thành danh trong sự nghiệp văn học của ông. Nhà báo Trần Minh Tân cùng quê huyện Tứ Kỳ, công tác ở Báo Nhân dân, từng "sáng tác" thơ tự trào tếu táo giữa hai ông: "Đầu huyện có ông Minh Tân/Cuối huyện có một văn nhân họ Phù/Hai thằng vừa "dốt" vừa "ngu"/Minh Tân thứ nhất, thằng Phu thứ nhì". Vậy nếu phát âm theo tiếng Pháp là Phu thì không có vấn đề gì. Nhưng theo từ điển Pháp - Việt, Fou lại có nghĩa là... điên. Nhà văn của chúng ta không bao giờ điên, kể cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Nhà văn Phù Thăng đã được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2012.

Nhà văn Phù Thăng ra đi đúng vào ngày rằm tháng Giêng năm Mậu Tý (21/2/2008), cách nay vừa bảy mùa xuân. Nhưng với chúng ta, ông vẫn đang hiện diện. Mới đây nhất, vào cuối năm 2014, Nhà xuất bản Hội Nhà văn vừa công bố tiểu thuyết "Tấn công" của ông, một tác phẩm được coi là tập 2 của tiểu thuyết "Phá vây". Có điều đặc biệt là ông viết "Tấn công" trên giấy học trò, được khâu lại cẩn thận, cất vào chum, lót lá chuối khô, khi tìm được đã mủn rách, may mà chỉ mất có 2 trang. Đọc ông, ta càng xúc động. Rõ ràng ông vẫn đam mê ngay cả khi đã đi xa, "cho trang văn đẹp những câu nhân tình"...

Nguyễn Hữu Phách

Theo CAND