/Cỏn con một sợi lông mày. Mà đem cột trái đất này vào anh/ Thơ Trần Mạnh Hảo

VIDEO

HỖ TRỢ

QUẢNG CÁO

LỊCH

LIÊN KẾT

Những bài khác

Văn học Triều Tiên với thể loại khoa học viễn tưởng

Vì còn thiếu những yếu tố quan trọng này nên các tác phẩm khoa học viễn tưởng của Triều Tiên...

Văn học Triều Tiên với thể loại khoa học viễn tưởng

Benoit Berthelier
 

Trong các thể loại của tiểu thuyết, khoa học viễn tưởng từ lâu đã được đánh giá rất cao. Từ thế kỷ XIX, thể loại này đã trở nên phổ biến trên thị trường và chiếm được đông đảo trái tim người đọc. Nó được xem là một thể loại tiểu thuyết liên kết trực tiếp với các yếu tố kinh tế, tài chính, đối lập với sự lãng mạn và trái ngược hoàn toàn với thuyết “nghệ thuật vị nghệ thuật”. Làm thế nào thể loại này có thể bước chân vào Triều Tiên và phát triển tại đó?

Nếu tiểu thuyết khoa học viễn tưởng đã từng được đặc trưng về tính tài chính thì khi đến với Bắc Triều Tiên, nó hoàn toàn độc lập với vấn đề kinh tế và trở nên vô cùng mới lạ, sáng tạo.

Thể loại khoa học viễn tưởng xuất hiện lần đầu tiên tại Triều Tiên và vào giữa những năm 1950 với hai bản dịch truyện ngắn của hai nhà văn Liên Xô. Dựa vào những mô hình khoa học viễn tưởng từ các nhà văn hàng đầu của châu Âu như H.G. Wells (Anh) và Jules Vernes (Pháp), các nhà văn Triều Tiên bắt đầu tạo ra những tác phẩm khoa học viễn tưởng đầu tiên vào giữa những năm 1960. Bắt đầu từ khoảng thời gian này, những câu chuyện khoa học viễn tưởng bắt đầu xuất hiện và liên tục có mặt trên các trang tạp chí thanh thiếu niên trong suốt hơn hai mươi năm tiếp theo. Tuy nhiên, khoa học viễn tưởng chỉ thật sự cất cánh vào cuối những năm 1980.

Sau bài phát biểu của vị lãnh tụ tối cao Kim Chính Nhật vào tháng 10 năm 1988, kêu gọi phát triển khoa học viễn tưởng trên một quy mô lớn hơn, số lượng các tác phẩm khoa học viễn tưởng đã tăng lên một cách đáng kể. Những câu chuyện đi từ vũ trụ đến sự bất tử, hoặc thăm dò dưới nước, thậm chí là cả một loạt các đối tượng được thiết lập trong bối cảnh vượt biên. Robot trở thành một kiểu nhân vật phổ biến. Chúng có thể là một robot hiền từ trong Y thuật huyền bí (Mysterious Medicine) của Lee Geum-cheol, cũng có thể là một kẻ đáng lo ngại, liên quan đến vụ sát hại một nhà khoa học trong phòng thí nghiệm không gian như trong tác phẩm Thuốc Nổ (Explosive Report) của Lee Cheol Man. Bên cạnh đó, người ngoài hành tinh, nhân vật thường xuyên xuất hiện trong các tác phẩm viễn tưởng phương Tây hay Liên Xô, thì hoàn toàn vắng bóng. Tác giả nổi tiếng về thể loại khoa học viễn tưởng của Triều Tiên Hwang Jeong-sang nói rằng, có điều này là vì “thiếu các bằng chứng khoa học về một cuộc sống ngoài hành tinh.”

Thể loại khoa học viễn tưởng ở Bắc Triều Tiên chủ yếu phát triển trên các chủ đề như là vũ trụ và không tưởng, rất ít có những phát triển tiềm năng của khoa học ứng dụng và công nghệ. Nó cũng đặc biệt quan tâm đến quá trình khám phá khoa học và các điều kiện đổi mới có thể. Về cơ bản, các nhân vật trong những chủ đề về khoa học và đổi mới đều là những người có đóng góp nào đó cho xã hội. Những câu chuyện khoa học viễn tưởng thường xoay quanh các quá trình lý thuyết hóa, nghiên cứu và thử nghiệm hàng ngày của các nhà khoa học. Vấn đề thường xuyên được nhắc đến là tinh thần đồng đội, các cuộc tranh luật lý thuyết, hợp tác quốc tế hoặc là liên ngành. Thêm vào đó, tự kiêu, chủ nghĩa cá nhân và tham vọng thường xuyên là nguyên nhân của sự thất bại trong các dự án khoa học. Thành công luôn luôn là kết quả của một quá trình hợp tác chứ không phải là từ một cá nhân thiên tài.

Trong giai đoạn đầu tiên, khoa học viễn tưởng ở Triều Tiên là thể loại dành cho trẻ em. Nó thường xuyên xuất hiện trong các tạp chí thanh thiếu niên như Adong Munhak, hoặc là được ấn hành bởi nhà xuất bản dành cho trẻ em. Đến cuối những năm 1960, thể loại này mới được tính toán đến nhằm hướng vào độc giả người lớn, và chỉ thật sự bước ra ngoài lĩnh vực trẻ em vào đầu những năm 1990. Các nhà văn khoa học viễn tưởng bắt đầu kết hợp câu chuyện với các yếu tố bí ẩn, và dần dần nâng cao với những âm mưu, hướng tới sự hồi hộp, xoắn bện các sự kiện và bước vào kiểu loại trinh thám phức tạp. Hầu hết các câu chuyện đều bắt đầu bằng một sự kiện đáng kinh ngạc nào đó như là máy bay bị cài bom trong Đổi hướng (Change of Course) của Lee Keum-cheol, hay là phát hiện một vật thể bay bí ẩn trong Thuốc nổ (Explosive Reporti) của Lee Cheol-man, hoặc là sự việc một chính trị gia cấp cao tống tiền một gia đình anh hùng trong Lối thoát (Way Out) của Eom Ho Sam. Và tiếp sau đó là một loạt các câu chuyện liên quan đến gián điệp, côn đồ, âm mưu đế quốc và công cụ khoa học. Tạo nên một bối cảnh quốc tế và ngoài thực tế giúp cho các nhà văn tự do hơn trong việc miêu tả tội phạm, bạo lực, giết người, buôn bán ma túy, lạm dụng tình dục, hoặc là chiến tranh internet. Điều này cũng cho phép sự xuất hiện của một loạt những nhân vật phản diện như hải tặc, tin tặc và những nhân vật chưa từng có mặt trong các tác phẩm truyền thống. Nó nhấn mạnh sự tàn ác của kẻ thù và để lại những thông điệp chính trị rộng lớn qua mỗi câu chuyện.

Có ba đặc trưng lớn trong thể loại khoa học viễn tưởng của Bắc Triều Tiên. Thứ nhất, tôn vinh những thành tựu khoa học và công nghệ. Con người tạo nên và quyết định mọi thứ, họ thực hiện các hoạt động sáng tạo để biến đổi tự nhiên và xã hội. Bắt đầu kể từ năm 1972 trở đi, khái niệm này đã trở thành trung tâm của hệ tư tưởng. Thứ hai, khoa học viễn tưởng góp phần vào việc phát triển công nghệ tại Bắc Hàn bằng cách thu hút người trẻ tuổi đến với khoa học và cung cấp nguồn cảm hứng cho các nhà khoa học. Cuối cùng, khoa học viễn tưởng mang đến những chỉ trích, phê bình ẩn dụ tới chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa tư bản, và giáo dục người dân bằng cách phơi bày một số chiến lược mà đế quốc đã sử dụng để chống lại Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên.

Các nhà văn xuất sắc của Triều Tiên nhận được sự khen ngợi và công nhận của nhà nước. Họ có được cơ hội để công bố, xuất hiện trên những tạp chí uy tín như Choseon Munhak, Tongil Munhak, Cheollima, xuất bản tiểu thuyết, tuyển tập truyện ngắn, tạo danh tiếng qua các giải thưởng văn học, huy chương quốc gia và vị trí trong Hội Nhà văn. Trong những năm gần đây, khoa học viễn tưởng tại Bắc Hàn phát triển tích cực và thường xuyên xuất hiện trên trang tạp chí văn học lớn nhất Choseon Munhak.

Tại Triều Tiên, các tác phẩm khoa học viễn tưởng chỉ xoay quanh, hướng đến những vấn đề tương lai. Các chủ đề về lịch sử, thể chế chính trị vẫn còn nằm ngoài tầm với của nó. Mặc dù phát triển khá mạnh nhưng thể loại khoa học viễn tưởng của Bắc Hàn vẫn còn khá đơn điệu và chỉ có duy nhất một giá trị nội dung, đó là chính trị. Cho dù nội dung chính trị là cần thiết, nhưng một mình nó chưa đủ để tạo nên một tác phẩm nghệ thuật. Do đó, các công trình khoa học viễn tưởng của họ, có thể nói, là vẫn chưa hoàn chỉnh và sức thu hút cũng không cao. Giá trị của văn học không chỉ ở đối tượng mà còn ở cả cách hành văn, sử dụng biện pháp tu từ, cú pháp, từ vựng,… Vì còn thiếu những yếu tố quan trọng này nên các tác phẩm khoa học viễn tưởng của Triều Tiên vẫn chưa đạt được sự công nhận từ bên ngoài.                               

Thi Vũ (Lược dịch theo Sinonk.com)

(Nguồn: Văn nghệ số 20/2014)