/Cỏn con một sợi lông mày. Mà đem cột trái đất này vào anh/ Thơ Trần Mạnh Hảo

VIDEO

HỖ TRỢ

QUẢNG CÁO

LỊCH

LIÊN KẾT

Những bài khác

Tôi đã để bác Nguyên Hồng ngồi lại bên đường

Hãy trân trọng nâng niu những gì hiện hữu lúc này, sống trọn vẹn từng phút giây mà mình được cuộc sống ban tặng.

Tôi đã để bác Nguyên Hồng ngồi lại bên đường


Đó là năm 1967, tôi vừa tốt nghiệp trường Mỹ thuật, bước sang tuổi 21. Mẹ và các em tôi sơ tán ở huyện Tân Yên trên quả đồi có tên là "Non tứa". Đi qua quả đồi gia đình tôi sơ tán khoảng mười mấy cây số đường đất đỏ nữa là đến ấp Cầu Đen, Nhã Nam, nơi gia đình bác Nguyên Hồng đang ở - cũng là quả đồi xưa thời kháng chiến chống Pháp, gia đình tôi cùng các bác Nguyên Hồng, Ngô Tất Tố, Trần Văn Cẩn, Tạ Thúc Bình... ở, đó là nơi tụ hội các nhà văn, nhà thơ, nhạc sỹ, họa sỹ qua lại sống ở đây, được gọi là đồi "văn nghệ" tấp nập, thân thiết, yêu thương, tin tưởng một thời.

Vừa ra trường xong, trong lúc đợi đi làm, tôi và em tôi về Hà Nội thăm bố tôi ít ngày, đồng thời cũng là để đỡ nhớ Hà Nội những ngày tháng đi sơ tán.

Bác Nguyên Hồng và các bạn văn của bố tôi thường hay đến chơi với bố, nhớ lại hôm đó chuẩn bị trở về đồi "Non tứa" nơi mẹ và các em tôi sơ tán, chúng tôi đang rục rịch chuẩn bị đi thì bác Nguyên Hồng đến, đầu đội mũ lá, quần áo nâu sồng, đôi dép cao su, tay dắt chiếc xe đạp thiếu nhi Liên Xô, ở ghi đông xe có đeo một bị cói như một lão nông tất tả đi vào nhà. Trông thấy chúng tôi, bác nói: "Các cháu chuẩn bị lên Tân Yên à?". Chúng tôi nói vâng, bác vội bảo, thế đợi bác vào gặp bố có chút việc rồi 3 bác cháu mình cùng đi cho vui. Chúng tôi vâng ạ và quay vào nhà đợi bác.

Nói chuyện trao đổi với bố tôi (nhà văn Kim Lân) về công việc của trường viết văn trẻ và một số việc khác xong, bác đứng dậy tất tả đi ra gọi: "Hiền, Chương đâu, bác cháu mình đi nào". Chúng tôi vội vã theo bác dắt xe đạp ra cùng đi. Tôi và Chương (họa sĩ Thành Chương) đều là thanh niên - Chương mới 19 tuổi, sức vóc khỏe mạnh, đang tuổi năng động, đèo tôi ngồi đằng sau, tôi người nhỏ bé gầy còm, chưa đủ 40kg, vừa đi vừa trò chuyện với bác Hồng, vừa hứng chí hát vang, phóng xe đi vùn vụt. Bác Hồng mới đầu cũng lây khí thế của chúng tôi, trên chiếc xe thiếu nhi Liên Xô, bộ quần áo nâu sồng mở phanh cúc áo, quần sắn móng lợn ống thấp ống cao gò lưng phóng vun vút hát theo chúng tôi. Được một đoạn bác thở phì phò gọi: "Hiền ơi, Chương ơi ngồi nghỉ một tí".

 

 
Nhà văn Nguyên Hồng (thứ 3 từ trái qua) uống rượu cùng nhà văn Kim Lân (ngoài cùng bên trái) và họa sĩ Nguyễn Thị Hiền.

Chúng tôi dừng lại - bác Hồng tựa xe vào gốc cây, ngồi xuống vệ đường, mở bị lấy ra cút rượu và nắm lạc rang gói trong giấy báo, rót rượu vào chén nhỏ, hóa ra bác chuẩn bị cả chén uống rượu chứ không tu rượu, chậm rãi, thong dong, nhấp một ngụm, cho một hạt lạc nhâm nhi, mắt đau đáu hướng về phía xa trước mắt như thể lạc vào thế giới riêng của mình, quên cả chúng tôi. Nhâm nhi một lúc hết chén rượu, đậy nút lại, gói lạc, chén uống rượu cho vào bị, bác Hồng đứng lên nói: "Đi nào các cháu". Được lời như cởi tấm lòng, Chương leo tót lên xe giục tôi ngồi ngay ngắn phía sau, lại đạp xe lao vun vút, bác Nguyên Hồng phóng xe thiếu nhi vù vù đuổi theo sau chúng tôi. Không khí rất là say sưa hứng khởi, gió đồng thổi vi vu mát rượi, hai bên đường lúa mọc xanh mướt. Đang phóng vun vút, bỗng nghe tiếng bác Hồng gọi Hiền, Chương ơi, nghỉ một tý. Chúng tôi lại đỗ xe đợi bác, bác lại ngồi xuống vệ đường, lại giở bị cói, lại giở cút rượu, lại lấy gói lạc, lại lấy chén ra rót một chén rượu, lại ngồi trầm ngâm mắt nhìn đau đáu xa xăm, lại như quên hết xung quanh để một mình lạc vào thế giới riêng của bác. Tôi và Chương lại ngồi bên cạnh đợi, bác vừa uống rượu vừa bậm môi, nhăn trán, mắt dõi ra xa chẳng hiểu bác đang viết đến đoạn văn nào trong đầu của bác đây. Uống xong chén rượu, nhâm nhi mấy củ lạc, bác lại xếp gọn gàng, cho vào bị đứng lên nói: "Đi nào các cháu". Chúng tôi lại lập tức lên đường, trời bắt đầu nắng lên, bác vắt khăn mặt lên vai, đôi lúc lại chậm mồ hôi rơi lã chã trên trán, bác đã thấm mệt. Đi được một lúc, bác lại gọi Hiền, Chương ơi, nghỉ một tí, bác lại dắt xe sang vệ đường, dựa chiếc xe thiếu nhi Liên Xô vào gốc cây, ngồi xuống, lại lấy rượu, lạc từ bị ra chuẩn bị làm một chén.

Đến lúc này thì chúng tôi không ngồi cùng bác nữa mà cứ dắt xe đứng chờ. Chương bồn chồn đi lại, có vẻ sốt ruột lắm rồi. Nhìn chúng tôi đi lại bồn chồn bác nói: "Các cháu đừng đợi bác nữa, đợi ông già này thì chẳng biết bao giờ mới về đến nhà, các cháu sốt ruột cứ đi trước đi, bác ngồi nghỉ, khỏe bác lại đi tiếp, bác quen thế này rồi, cứ thủng thẳng sẽ về đến nhà thôi. Các cháu đi trước đi đừng đợi bác". Chúng tôi vâng ạ và lập tức lên xe phóng vun vút đi, ngồi đằng sau xe ngoái nhìn lại dưới gốc cây bên vệ đường thấy bác vẫn ngồi đấy, khăn mặt vắt vai, quần áo nâu sồng bên chiếc xe đạp thiếu nhi Liên Xô có đeo chiếc bị đựng bản thảo của bác mà lúc nào bác cũng luôn mang bên mình, lòng tôi thấy thương bác vô cùng, ít ai qua đường biết rằng lão nông ngồi dưới gốc cây bên vệ đường kia là nhà văn Nguyên Hồng, tác giả của bao nhiêu tiểu thuyết, hồi ký: "Bỉ vỏ", "Thời thơ ấu", "Sóng gầm"... để lại cho đời, một đóng góp to lớn cho nền văn học nước nhà, một tâm hồn đôn hậu, nhiệt thành, chân tình và trong sáng.

Tôi lại nhớ một hôm đang ngồi với bố tôi ở Hạ Hồi thì bác Nguyên Hồng và bác Nguyễn Đình Thi đến gặp bố tôi để bàn về con đường học tập của tôi. Bác Nguyễn Đình Thi nói Đài BBC có nói về hội họa nữ giới trong Nam có họa sỹ Bé Ký, ngoài Bắc có họa sỹ Nguyễn Thị Hiền, nghe đài phát thanh nói như vậy, anh Nguyên Hồng có đề nghị tôi đặt vấn đề với Bộ Văn hóa đưa cháu đi học đào tạo ở nước ngoài để làm đối trọng với trong Nam, ý anh thế nào. Thế là sau đề xuất của bác Nguyên Hồng và bác Nguyễn Đình Thi, Bộ Văn hóa cho tôi đi học nước ngoài.

Tôi vừa vui, vừa buồn, vui vì được mọi người tin tưởng để mình thực hiện ước mơ, buồn vì phải chấp nhận xa mối tình mới chớm nở giữa tôi và Lưu Quang Vũ, bản thân tôi cũng quyết liệt tìm lối vẽ riêng của mình mà nó không phù hợp lắm với chính kiến thời đó, vì thế tôi đã không làm được điều này và cuối cùng ở lại không đi nước ngoài nữa.

Đã bao nhiêu năm qua đi tôi vẫn không bao giờ quên được chuyện này.

Bây giờ tôi đã đi không biết bao nhiêu nước trên thế giới, đã đi không biết bao nhiêu chặng đường, nghĩ lại sự tin tưởng gửi gấm của bác Thi và bác Hồng mà tôi đã không thực hiện được năm nào, lòng tôi vẫn ghi nhớ để cố gắng nỗ lực hết mình đền đáp tấm lòng thương yêu, tình cảm gửi gấm của các bác đã dành cho tôi.

Và cứ mỗi lần nghĩ đến các chuyến đi, tôi lại nhớ chuyến đi của tôi và em tôi với bác Nguyên Hồng ngày đó, lòng tôi lại dấy lên một nỗi niềm thương yêu khôn tả, và một chút ăn năn thời tuổi trẻ bồng bột đã phóng xe vun vút đi để lại bác ngồi một mình dưới gốc cây bên đường, chẳng biết bao lâu sau bác về đến nhà, trên chiếc xe đạp thiếu nhi Liên Xô bé tý ấy. Chẳng biết suốt những năm bác còn sống đã bao nhiêu lần bác đi đi, về về một mình trên con đường này. Cặm cụi về Hà Nội gặp bạn bè văn chương, chia sẻ với họ những nhân vật mới, những chương mới viết của bác, đọc cho họ nghe sang sảng, cười cười, khóc khóc cùng nhân vật của mình, rồi lại lên đường trên chiếc xe lọc cọc ấy với bị bản thảo lúc nào bác cũng kè kè bên mình cùng cút rượu, gói lạc rang và 1 cái chén uống rượu thanh nhã, nhâm nhi, nghĩ ngợi, nghỉ ngơi lấy sức, để lại từ Hà Nội về ấp Cầu Đen, Nhã Nam, "quả đồi văn nghệ" xưa kia đã cho bác một thời tin yêu và tình bạn trong sáng chân thành, trở về với gia đình và niềm tin của bác.

Tôi đã trở lại quả đồi đất đỏ tuổi thơ của tôi, thăm mộ bác, thắp nén tâm nhang nói với bác rằng: "Cháu đã để bác ngồi lại bên đường một mình và đi, cháu đã không đi học nước ngoài được như điều mong muốn của bác, nhưng cháu hiểu rằng trong cuộc đời nhiều lúc chúng ta vẫn phải để lại bên đường để tiếp tục đi. Nghĩ lại lúc tuổi trẻ nông nổi chưa hiểu hết lẽ đời, nếu được làm lại chắc chắn cháu sẽ ngồi lại bên bác, không uống được rượu cùng bác thì giở chai nước suối uống cùng bác, lại cùng bác ngồi dưới gốc cây bên vệ đường, mắt nhìn xa xa phía trước thả hồn cho những ý tưởng tác phẩm, nhân vật của mình cùng bác, và cháu sẽ đưa bác về đến tận nhà rồi mới chia tay".

Chuyện cũ chẳng thể làm lại được, nhưng đây là một dấu ấn trong lòng tôi, để tôi học thêm được một điều nữa trong cuộc đời: Hãy trân trọng nâng niu những gì hiện hữu lúc này, sống trọn vẹn từng phút giây mà mình được cuộc sống ban tặng.

Nguyễn Thị Hiền
Theo VNCA