/Cỏn con một sợi lông mày. Mà đem cột trái đất này vào anh/ Thơ Trần Mạnh Hảo

VIDEO

HỖ TRỢ

QUẢNG CÁO

LỊCH

LIÊN KẾT

Những bài khác

THƠ MỘT CÂU, THƠ MỘT CHỮ

Thơ một câu, Thơ một chữ- xưa nay hiếm, nó chỉ có thể đọc và cảm nhận tùy theo cái TÂM và cái tầm TRÍ THỨC của người đọc mà thôi!

THƠ MỘT CÂU, THƠ MỘT CHỮ
(Tặng : PGS, TS. Đỗ Lai Thúy)
                         

  Thơ là nỗi lòng (tiếng lòng) được cất lên thành lời (ngôi lời) bằng hình tượng thơ sống động với một thứ chữ (ngôn ngữ) tinh luyện, mang trọn một (những) tứ thơ (ý kết thành tứ) bao hàm cả Tình- Cảnh- Sự (mà trong đó TÌNH là Người, CẢNH là Trời, SỰ là sự việc hợp cả Trời Đất mà quán thông...tất cả nhằm "thông điệp" (gửi đến) bạn đọc một ý tưởng nào đấy.

  Trong Thơ thì chữ đẻ ra nghĩa vì "ngôn ngữ là ngôi nhà của tồn tại. Ngôn ngữ là tồn tại. Một tồn tại Người".

 Theo Nhà n/c Đ.L.T thì các Nhà thơ cách tân coi "Thơ như là mỹ học của cái khác", "Khác" đây là khác với lối thơ truyền thống. Câu chữ trong Thơ được dồn nén, được luyện kỹ càng, với công phu của các "phu chữ" (Lê Đạt),"công tác chữ" (Trần Dần) coi Ngôn từ như là vật liệu của Thơ - với cách làm đó, họ đã cho ra Lò những bài Thơ một câu, Thơ một chữ, bài thơ ngoài lời...khá đọc đáo, nếu chịu khó "thẩm"- giải mã, suy ngẫm thì thấy khá thú vị với những " ý tại ngôn ngoại" triết lý sâu sắc.

  *1- NGOẢNH LẠI NGƯỜI XƯA :

  Người xưa (kể cả Trung Hoa & Việt Nam) thì từ buổi sơ khai (chưa có chữ viết) các bậc huynh trường đã dùng Thơ Ca dạy bảo con em để chúng trở thành người chính trực ôn nhu, rộng lượng kiên nghị, cứng cỏi mà không thô bạo, giản dị mà không ngạo mạn. Thơ để nói Chí, Ca dùng để ngân dài lời Thơ. Thơ ở trong lòng là Chí, phát ra lời là Thơ (Chí có nghĩa là "dừng" ở trong lòng nên nó được gắn với hai chữ TÌNH và Ý).

  Toàn Đường Thi gồm 42.863 bài thơ của 2520 Thi sĩ đời nhà Đường. Tuy nhiên, có vài Nhà Thơ chỉ có "một câu" để đời...như Nhà thơ một câu Thôi Tín Minh, ông sáng tác hàng trăm bài thơ nhưng chỉ có một câu được người đời ca ngợi, truyền tụng đó là  "Phong lạc Ngô giang lãnh"- lá Phong rụng làm sông Ngô lạnh, quả là tuyệt tác.

  Ở  ta, Tuyển tập thơ Việt Nam thế ký 20 (nxb Giáo dục) có 477 Nhà thơ; Tuyển tập thơ Việt Nam 10 năm đầu Thế kỷ  21 có 155 Nhà thơ...trong đó đáng mặt Thi sĩ có vài chục Người- trong số ấy thì "Nhà thơ một câu" đồng thời là "Nhà thơ một chữ" tiêu biểu có Khương Hữu Dụng  :

               "Một tiếng chim kêu SÁNG cả rừng"

                                          - Từ đêm 19.

Chữ SÁNG, NK xin mạn phép "thử" : nếu suy  lối thơ cách tân theo "Made in Trần Dần"  thì cũng đủ là một bài thơ :

                    KHƯƠNG HỮU DỤNG

                          thơ một chữ

                      Nhan đề : ĐẢNG

                      Nội dung : SÁNG

                      Bình luận  : NGUYỄN KHÔI

lấy từ thơ A ra gông (Tố Hữu-dịch) : "Đảng đã cho ta sáng mắt sáng lòng".

                      Minh họa :      ?
                                  *

Một số câu thơ, đủ "đứng" là một bài thơ :

- Trăng thanh nguyệt bạc khách lên lầu - Ức Trai.

-Người lên ngựa, kẻ chia bào- Tố Như.

-Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm- Đồ Chiểu.

-Bác Dương thôi đã thôi rồi- Yên Đổ.

-Hà Nam danh giá nhất ông Cò- Tú Xương.

-Ngọc nát còn hơn giữ ngói lành- Hoàng Văn Thụ.

- Dùng cán bút làm đòn xoay chế độ - Trườn Chinh.

-Trái tim anh chia ba phần tươi đỏ- Tố Hữu.

-Ô hay, buồn vương cây Ngô đồng- Bích Khê.

-Hỡi xuân hồng ta muốn cắn vào ngươi- Xuân Diệu.

- Mùa thu dừng lại ở Long Biên- Vĩnh Mai.

- Người ra đi đầu không ngoảnh lại - Nguyễn Đình Thi.

-Đêm mơ Hà Nội dáng Kiều thơm - Quang Dũng...
                                *

*2- HOÀNG CẦM - NHỮNG CÂU THƠ CẦN ĐƯỢC GIẢI MÃ :

Theo Đ.L.T. thì Ông đi từ Lãng mạn chuyển  sang thơ tự do, tư duy thơ đứt đoạn,

nhiều ẩn dụ, lối viết tự động, văn bản thơ nhiều khoảng trống/ trắng/ lặng...với tập "Về Kinh Bắc" là thơ Siêu Thực, tuy rằng ngôn ngữ thơ còn nhiều dấu ấn lãng mạn. Chỗ Hoàng Cầm dừng lạị này lại là nơi xuất phát của Trần Dần, Lê Đạt dẫn đến cuộc cách mạng ngôn ngữ thơ, đưa thơ Việt vào chủ nghĩa hiện đại.

   Hoàng Cầm không làm Thơ một câu, nhưng có những câu nếu đứng một mình cũng đủ thành một bài thơ (theo môtyp thơ Trần Dần) nhưng là những câu thơ đầy tính ẩn dụ (bí hiểm) cần được giải mã . Ví dụ :

-Bưởi Nga Mi sao mẹ bắt đèo bòng.

-Về Kinh Bắc phải đâu con nghẹn khóc -(đêm Kim)

-Về Kinh Bắc phải đâu con há miệng- (đêm Mộc)

-Về Kinh Bắc phải đâu con nhắm mắt -(đêm Thủy)

-Về Kinh Bắc tìm chơi đàn kiến lửa- (đêm Hỏa)

-Váy Đình Bảng buông chùng cửa Võng -(Lá Diêu Bông)

Riêng câu thơ này , NK quê xóm Đình- Đình Bảng xin "giải mã" bằng 8 câu lục bát :

  Người đi tìm Lá Diêu Bông

Mình về nhặt những lá Hồng xếp chơi

  Còn duyên buôn Quế bán Hồi

Hết duyên lá Bưởi nhóm phơi ngoài đồng

  Bao giờ thấy Lá Diêu Bông

Để cho Váy Lụa buông chùng...mà hay

  Mình như một kẻ lạc loài

Xóm Đình chả "dạm", dạm ngoài Kiến An.
                      *


*3- TRẦN DẦN : THƠ MỘT CÂU RẤT TRỮ TÌNH

Với hình tượng thơ đẹp, ngôn ngữ thơ tinh luyện. Ông quan niệm "làm thơ là làm với chữ, bằng chữ,nhưng là những con chữ đã được tẩy sạch nghĩa tiêu dùng để rồi phục sinh chữ bằng những nghĩa mới mẻ, trinh nguyên " :

-Mắt dài như phố vắng

-Lòng sầu thăm thẳm ? mộng như chim ?

-Từ buổi tim đau vô kể số...

-GÌ GÌ GÌ GÌ ĐỀU LÁ NHO CHE

-Vén mây mù mới thấy trời xanh

-Phải chịu đau rồi mới hết đau.

-Tôi vẫn đi trong buổi chiều - răng đen

-Không mua những khiêm tốn- trên rốn.

-Mưa rơi không cần phiên dịch.

-Cô gì đêm ấy...bỏ chồng chưa ?

-Viết từ trung tâm đau khổ viết ra.

-Ở trong tôi còn một tia hy vọng mồ côi.

-Tôi khóc những chân  trời không có người bay...
                       *

*4- LÊ ĐẠT :

Nói theo Đ.L.T. thì : sau vụ NVGP,  Lê Đạt mất "sân chơi công cộng" ông quay vào chơi với chính mình (không ai chơi với mình thì mình tự chơi với minh- đây là câu mà NK hồi 1984 về Hà Nội đã được 1 anh bạn Người Hà Nội gốc rỉ tai coi  như một phương châm sống- ứng xử của cái thời "cái gì cũng sợ..." ấy ) mà ông đã chiêm nghiệm "bao cấp dân chủ là tên khác của sự độc đoán" ?  từ đó Ông mở chân trời trong nội tâm mình "đói sân chơi hành khát chân trời".Ngôn ngữ thơ Lê Đạt quay về chính bản thân nó. "Chữ" thành trung tâm chú ý của Lê Đạt ( lấy Chữ làm trung tâm phát "nghĩa"). Cách tân Thơ của Lê Đạt theo hướng Hậu Hiện Đại đã đạt thành tựu đáng nể. Thơ một câu của Lê Đạt rất nhiều triết lý, đầy ắp tính thời sự (có tính phúng dụ sâu sắc), thật đúng là :

                    ĐOẢN NGÔN

         Chữ ngắn-tình dài- nghĩa nặng

-Trong quá trình lịch sử người ta thường hẹn tương lai và chi gấp hiện tại.-(Lịch sử)

-Phần lớn các nhà cách tân đều có một ưu điểm xấu- họ đều vô phép trước kẻng- (Ưu điểm xấu).

Mắt đèn/ núm vú /ngó trinh nguyên -(phong cảnh).

-Tôi tin tưởng mãnh liệt ở sự hoài nghi- (Tin tưởng).

-"Làm tình" : P Louys có một câu rất nổi tiếng "Khi yêu nhau, người ta làm tình. Khi thất tình, người ta làm chữ."

      ĐÔI LỜI KẾT :

Thơ một câu, Thơ một chữ là tinh hoa của Thơ, nó tuyệt tác và kỳ bí...Người viết ra thường là không nghĩ đến (do xuất thần, do vô thức) cứ như là vô nghĩa...Nhưng khi được Nhà Phê Bình phân tích , bình luận đưa ra "ý nghĩa" của câu thơ, con chữ thơ ấy để người đọc "cảm" được cái HAY đó là cái TÂM, cái hồn vượt trên cái TRÍ  (mà Thi ngôn chí là với các Thi nhân sáng tác ra nó), còn với người đọc là"chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài" là thế .

   Thơ một câu, Thơ một chữ- xưa nay hiếm, nó chỉ có thể đọc và cảm nhận tùy theo cái TÂM  và cái tầm TRÍ THỨC của người đọc mà thôi ! NK xin có đôi lời chia sẻ cùng các Bạn Thơ...

         Góc thành nam Hà Nội 28-4-2014
NK