/Cỏn con một sợi lông mày. Mà đem cột trái đất này vào anh/ Thơ Trần Mạnh Hảo

VIDEO

HỖ TRỢ

QUẢNG CÁO

LỊCH

LIÊN KẾT

Những bài khác

Những vần thơ mang nặng nghĩa tình

Các anh và những người còn sống chẳng thể nào quên./.

Những vần thơ mang nặng nghĩa tình



   Trên mặt đất này có hàng ngàn, hàng vạn ngã ba đường, ngã ba sông, thậm chí cũng có ngần ấy ngã tư, ngã năm, ngã bảy… của những con đường và những dòng sông. Nhưng theo tôi, duy chỉ có một ngã ba, trước năm 1968 cũng như bao ngã ba đường khác trên thế gian này, thế rồi vào một ngày nào đó, cái ngày ba này đã viết nên một huyền thoại cho riêng mình, khi nó gắn liền với kỳ tích của 10 cô gái thanh niên xung phong, tuổi đời mới mười tám đôi mươi sẵn sàng nằm lại nơi đây để ngã ba này trở thành bất tử qua tấm gương hy sinh quả cảm của 10 cô gái và qua những vần thơ trĩu nặng nghĩa đời, tình người. Đấy chính là Ngã ba Đồng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, nơi nối những con đường từ Bắc vào Nam trong những ngày đánh Mỹ.

    Trong hàng chục bài thơ viết về Ngã ba Đồng Lộc huyền thoại của nhiều nhà thơ, các cây bút chuyên và không chuyên trên khắp mọi miền đất nước, có những bài thơ thực sự đã gây được ấn tượng mạnh trong lòng công chúng yêu thích thơ ca.

    Trước hết phải kể đến bài thơ Cúc ơi của Yến Thanh. Tác giả có tên thật là Nguyễn Thanh Bình nguyên là cán bộ phụ trách kĩ thuật ngành Giao thông- Vận tải đang làm nhiệm vụ tại chiến trường Đồng Lộc thời ấy. Bài thơ được viết ngay tại miệng hố bom, nơi 10 cô gái đã anh dũng hy sinh để lại niềm tiếc thương vô hạn đối với bao người.

     Có lẽ vì chứng kiến cảnh tượng kinh hoàng khi cùng một lúc cả 10 cô gái xinh đẹp, trẻ trung bỗng dưng bị bom Mỹ giết hại, nhà thơ Yến Thanh không kiềm nén được sự xúc động đã viết ra những dòng thơ hết sức chân thật làm ám ảnh người đọc. Không biết có phải vì quá đau đớn mà trong một bài thơ chừng hơn chục câu, tác giả đã có tới năm lần gọi tên em Cúc.

    Lần thứ nhất gọi về xếp hàng không thấy: Tiểu đội đã xếp một hàng ngang/ Cúc ơi em ở đâu không về tập hợp?… Lần thứ hai vừa bới tìm vừa gọi: Bọn anh đã bới tìm vết cuốc/ Ðất sâu bao nhiêu bọn anh không cần/ Chỉ sợ em đau nên nhát cuốc chùng/Cúc ơi! Em ở đâu? Lần thứ ba, sau khi bới tìm mãi trong sự tuyệt vọng, càng thương cho người con gái bé nhỏ mong manh:Ðất nâu lạnh lắm/ Da em xanh/ Áo em thì mỏng!/ Cúc ơi! Em ở đâu?/ Lần thứ tư thương em đói rét khi: Gối còn thêu dở/ Cơm chiều chưa ăn/ Ở đâu hỡi CúcVà lần thứ năm cũng là lần cuối cùng, khi chỉ còn biết úp bát cơm, găm đôi đũa mà chờ em, mặc dù đồng đội đã gọi đến khản cả cổ: Đồng đội tìm em/Đũa găm, cơm úp/ Gọi em/ Gào em/ Khan cổ cả rồi/ Cúc ơi!

     Bài thơ như một khúc văn điếu văn trước anh linh của người con gái xấu số. Lời thơ bộc trực mà tình thơ da diết, ai người không cảm thương.

27 năm sau (1968-1995), kể từ ngày 10 cô gái vĩnh viễn về với đất mẹ ở Nga ba Đồng Lộc, nhà thơ Vương Trọng trong một lần đến thăm viếng Nghĩa trang này  không thể nào vượt thoát khỏi ám ảnh về sự bi hùng ấy, ông đã viết bài Lời thỉnh cầu ở Nghĩa trang Đồng Lộc. Nhà thơ vừa là người ngoài cuộc, vừa là người trong cuộc đã hóa thân vào các cô gái để nói với những người còn sống rằng canh giữ Ngã ba này đâu phải là trách nhiệm của riêng ai, mà là của tất cả những người con của đất Mẹ Việt Nam anh hùng: Mười bát nhang, hương cắm thế đủ rồi/ Còn hương nữa hãy dành phần cho đất/ Ngã xuống nơi này đâu chỉ có chúng tôi/ Bao xương máu mới làm nên Đồng Lộc.

     Đối với các em, sự hy sinh âu cũng là lẽ thường tình, tự nhiên như cây cỏ trong thung, như nắng trên đồi. Bởi chúng em hãy còn vô tư trong sáng, nên sự hy sinh của các em để cho nước non này mãi mãi tuổi thanh xuân, như chính tuổi đời của các em vậy, âu cũng là lẽ tự nhiên, dễ hiểu. Các em chỉ là một phần trong hàng trăm, hàng triệu thanh niên Việt Nam trong công cuộc kháng chiến chống  Mỹ cứu nước của dân tộc ta cách đây hơn 50 năm về trước: Và các em còn mãi mãi tuổi xanh/ Hai mươi bảy năm qua chúng tôi không thêm một tuổi nào/ Ba lần chuyển chỗ nằm, lại trở về Đồng Lộc/ Thương chúng tôi, các bạn ơi, đừng khóc.

    Hỡi những người còn sống, hãy biết biến đau thương thành hành động thực tế, chứ khóc thương mãi đâu có ích gì, vì cuộc chiến lúc này còn chưa đến hồi kết. Xin hãy: Về bón chăm cho lúa được mùa hơn để tiếp tục chi viện cho chiến trường miền Nam. Dẫu biết rằng lúc các em ra đi còn bao khó khăn, không có gạo nấu cơm, chỉ có nắm mì luộc chia nhau: Bữa ăn cuối cùng mười chị em không có gạo/ Nắm mì luộc chia nhau rồi vác cuốc ra đường.

    Nhưng có lẽ điều đáng làm cho tất cả chúng ta phải suy nghĩ và hành động nhiều hơn để những người như các em không còn cảnh: Cần gì ư? Lời ai hỏi trong chiều/ Tất cả chưa có chồng và chưa ngỏ lời yêu/ Ngày bom vùi tóc tai bết đất/ Nằm xuống mộ rồi, mái đầu chưa gội được. Ôi nghe sao mà da diết đến nẫu cả ruột  gan là vậy.

    Bài thơ khép lại với mơ ước đời thường như bao cô gái, chàng trai ra trận thuở ấy: Thỉnh cầu đất cằn cỗi nghĩa trang/ Cho mọc dậy vài cây bồ kết/ Hương chia đều trong hư ảo khói nhang. Nhà thơ Vương Trọng không chọn những hình  ảnh độc, chau chuốt ngôn từ  hay cấu tứ mới lạ, nhưng những câu thơ ông viết ra cách thời điểm ấy đã hai mươi bảy năm, mà đến hôm nay vẫn còn xoáy sâu vào tâm khảm mỗi chúng ta, vì sao? Có lẽ sự lý giải giản đơn nhất ấy là, nhà thơ đã đặt mình vào hoàn cảnh các em để nói lên tâm nguyện rất đỗi bình thường như chính cuộc đời của các em vậy.

    Chính sự chân thật từ tấm lòng, sự sẻ chia, đến ngôn ngữ, hình ảnh thơ đã tạo nên sự ám ảnh đối với người đọc, cũng là nguồn cội tạo nên giá trị thẩm mỹ và  nhân văn cũng như sức lan tỏa của bài thơ.

    Một năm sau khi bài Lời thỉnh cầu ở Nghĩa trang Đồng Lộc của nhà thơ Vương Trọng ra đời, nhà thơ Bùi Quang Thanh có bàiHà ơi, tên một cô gái cùng trong tiểu đội thanh niên xung phong thời ấy đã hy sinh tại Ngã ba Đồng Lộc, lại đưa chúng ta đến một góc nhìn khác về sự hy sinh của 10 cô gái ở Ngã ba này, khi biết rằng: Chén rượu trắng chắc em không biết uống/ Khói hương thơm bay hết cả lên trời/ Giọt lệ anh rơi vào lòng đất/ Có ấm chỗ em nằm? Hà ơi! Thế mà đã hai mươi tám năm trời các em đã yên ngủ tại đây. Thông đã lên xanh như tóc em thưở ấy. Bụi sả ai trồng vẫn vươn mình trong nắng cháy, dẫu biết rằng em và đồng đội mình thích mùi hương bồ kết hơn?: Mười chị em ngủ hai tám năm trời/ Ngàn thông xanh như tóc em mười bảy/ Cụm sả ai trồng thơm trong nắng cháy/ Thay hương bồ kết bạn anh mong.

     Nhưng các em hãy cứ yên nằm, đất nước đã hoà bình, không còn cảnh bom rơi đạn nổ, không còn chiến tranh, không còn sự chết chóc, các em đừng sợ bởi sau các em còn bao đồng đội, con có các anh: Hãy yên lòng bên các chị, ngủ đi/ Đừng sợ tiếng quạ kêu/ Đừng sợ bom lại nổMàu hoa đỏ cành bông trang bên mộ/ Nhắc anh không quên được một thời/ Ngã ba này, những mất mát - Hà ơi!

    Sự hy của những người như em, càng nhắc cho các anh, những người còn sống sót cần phải sống cho tốt hơn, đẹp hơn để không phụ công những người đã ngã xuống như các em. Chính các em và bao đồng chí đồng bào mình đã ngã xuống cho nước non này mãi được sống trong hòa bình, độc lập tự do. Các em đã góp một phần máu xương của mình tô thắm thêm những trang sử hào hùng của dân tộc ta trong cuộc kháng chiến chống ngoại xâm. Các anh và những người còn sống chẳng thể nào quên./.    

Đỗ Ngọc Yên
Theo vanhocquenha