/Cỏn con một sợi lông mày. Mà đem cột trái đất này vào anh/ Thơ Trần Mạnh Hảo

VIDEO

HỖ TRỢ

QUẢNG CÁO

LỊCH

LIÊN KẾT

Những bài khác

Nhà phê bình Nguyễn Hòa: Phản biện không phải là để thỏa mãn nhu cầu riêng

Phản biện chính sách mới về một lĩnh vực xã hội nào đó mà lại hiểu sơ sài, ngay cả thuật ngữ trong lĩnh vực đó...

Nhà phê bình Nguyễn Hòa: Phản biện không phải là để thỏa mãn nhu cầu riêng 

 

 

        Trước nhiều vấn đề phát sinh trong đời sống văn hóa - xã hội những năm gần đây, người ta không nhìn thấy những tiếng nói khoa học, kịp thời của các hội xã hội - nghề nghiệp. Trong không khí "hội hè miên man” của các hội văn nghệ, giữa một ngày mùa đông Hà Nội, nhà phê bình Nguyễn Hòa đã trò chuyện với Đại Đoàn Kết xoay quanh câu chuyện tiếng nói phản biện của các hội văn học nghệ thuật hiện nay.


 
Khu vực dự kiến xây dựng Trung tâm thông tin văn hóa Hồ Gươm
  
PV: Những ngày cuối năm này chúng ta đang thấy các hội văn học, nghệ thuật tổ chức Đại hội nhiệm kỳ. "Hội hè miên man”, vui - tất nhiên rồi. Nhưng soi rọi vào đời sống văn hóa - xã hội có cảm giác các hội nghệ thuật dường như chưa thực sự "nhập thế”. Ông nhìn nhận như thế nào về vấn đề này?

 
Nhà phê bình Nguyễn Hoà: Về tôn chỉ, mục đích thì các hội nghệ thuật ở Việt Nam là tổ chức "chính trị - xã hội - nghề nghiệp” của các nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật nào đó. Và tôi nghĩ, tinh thần "nhập thế” của họ trước hết thể hiện qua tác phẩm. Làm báo nhiều năm nên tôi được dự đại hội của một số hội nghệ thuật khác nhau, và đúng là rất vui. Xét về nghề nghiệp thì đại hội là cơ hội để nghệ sĩ trong lĩnh vực nghệ thuật nào đó ở khắp ba miền được bàn thảo, trao đổi, hoàn thiện tổ chức hội để nâng cao chất lượng nghề nghiệp, rồi gặp gỡ bạn bè. Tuy nhiên, có đại hội lại loáng thoáng xì xào chuyện bầu bán, nghe mà thấy buồn. Làm chủ tịch một hội nghệ thuật nào đó là có xe đưa đón, thậm chí có thư ký xách cặp chạy theo, họp hành ở đâu cũng ở phòng "xịn”,… Oách như thế nếu trong đại hội mà nghệ sĩ quan tâm nhiều đến bầu cử thì công việc chuyên môn liệu có được xếp lên hàng đầu?  Nhớ lại cảnh tôi đã gặp ở một hai đại hội, thấy một vài nghệ sĩ chạy chỗ này chỗ khác thì thà thì thào, có người tưởng tôi là hội viên nên "gợi ý” tôi bỏ phiếu cho người này người khác, mà chán. Ai đó coi là cực đoan thì tôi vẫn xin nói thẳng là tôi không tin vào tinh thần "nhập thế” của các nghệ sĩ kiểu như thế.   

 
Những năm 90 của thế kỷ trước, chúng ta từng chứng kiến sự sắc sảo của Hội Kiến trúc sư Việt Nam khi phản biện việc xây Khách sạn vàng, hay nhà hàm cá mập tại Hà Nội. Vậy nhưng, đến nay khi các bất cập của kiến trúc xảy ra không chỉ ở các đô thị lớn mà còn làm biến dạng, méo mó kiến trúc làng thì những tiếng nói của hội này lại thiếu và yếu. Thậm chí, người ta trông chờ tiếng nói chính thức của Hội Kiến trúc sư trong việc xây dựng Trung tâm thông tin Văn hóa Hồ Gươm, quy hoạch tượng đài đến 2030 ngay giữa Thủ đô cũng không thấy?
 
- Phản biện của nghệ sĩ trong lĩnh vực chuyên môn riêng là rất cần thiết, dù thế nào nghệ sĩ vẫn là người am hiểu về lĩnh vực cụ thể, ý kiến của họ tin cậy hơn. Qua báo chí tôi biết, tại hội thảo đề án "Quy hoạch hệ thống tượng đài thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”, nhiều kiến trúc sư không đồng tình với quy hoạch, nhưng ý kiến của họ liệu có ý nghĩa gì khi ông Giám đốc trung tâm Kiến trúc quy hoạch Hà Nội - đơn vị tư vấn và xây dựng đề án cho rằng, "số lượng tượng đài tại TP. Hà Nội còn thiếu, chưa xứng tầm với vai trò, vị thế, truyền thống văn hóa lịch sử của Thủ đô, nhất là sau khi mở rộng địa giới hành chính năm 2008”; và điều gì sẽ xảy ra khi nhà chức trách coi quy hoạch này là "hết sức ý nghĩa và cần thiết”, còn các chuyên gia kiến trúc lại coi đó là "phiêu lưu”. 
 
Trong các trường hợp như thế, dù dư luận không đồng tình, song nhà chức trách cứ tiến hành thì chẳng ai muốn phản biện nữa, đó là sự thật và hình như không phải hiếm. Về phần mình, tôi thấy buồn vì cái ý nghĩ coi "tầm” của Thủ đô thể hiện qua số tượng đài. Hàng nghìn năm qua ở Thăng Long đâu có nhiều tượng đài, song không vì thế mà Thăng Long không trở thành niềm kiêu hãnh trong lịch sử văn hóa dân tộc. Còn về Trung tâm thông tin văn hóa Hồ Gươm thì thiết nghĩ, hãy làm thế nào để Bảo tàng Hà Nội phong phú hiện vật, hấp dẫn người xem, trở thành một địa chỉ văn hóa mà du khách không thể không đến, rồi hãy tính đến những việc khác.
 
Thưa ông, sự "khép mình” lại còn nhìn thấy ở nhiều lĩnh vực khác, như hội họa, văn chương, đặc biệt là âm nhạc. Trước các bài hát chất lượng thấp, các game show truyền hình (có liên quan đến âm nhạc) đang làm méo mó đời sống âm nhạc, thậm chí như nghi án Sơn Tùng M-TP đạo nhạc cũng không thấy tiếng nói chuyên môn kịp thời từ phía Hội Nhạc sĩ Việt Nam?

 
- Đạo nhạc, ca khúc có ca từ nhảm nhí, rồi sách ngôn tình, tiểu thuyết "ba xu” không phải sản phẩm do Hội Nhạc sĩ, Hội Nhà văn làm ra mà là sản phẩm âm nhạc thị trường, của ngành xuất bản - nơi mà dường như các "ông bầu”, "đầu nậu”, công ty tổ chức biểu diễn, nhà sách tư nhân,… đang giữ vai trò chi phối. Dư luận, trong đó có nhạc sĩ và nhà văn đã lên tiếng nhiều nhưng xem ra ít tác dụng, mà tình trạng như trầm trọng hơn. Bởi vậy, nếu có trách nhiệm thì khi cơ quan chức năng chưa xử lý kịp thời, đúng mức thì các hội nghề nghiệp nên kiến nghị. Hình như việc làm như thế chưa xảy ra, hay có kiến nghị rồi mà tôi không biết? Vả lại, muốn đánh giá một tác phẩm âm nhạc thì phải nghe kỹ, phải đọc kỹ văn bản và muốn đánh giá một ấn phẩm xuất bản cũng vậy, phải đọc kỹ rồi phân tích chỉ rõ điều không đồng tình, không phải nghe, đọc loáng thoáng là sẽ phản biện được ngay. Còn nghi vấn đạo nhạc, theo tôi Hội Nhạc sĩ là nơi đủ năng lực để tiến hành việc này, vậy mà không thấy họ đả động, hay là do người bị nghi vấn đạo nhạc không phải là hội viên nên hội không có trách nhiệm?
 
Ở trên ông vừa nói, ý kiến của nghệ sĩ trong từng lĩnh vực chuyên môn sẽ được xã hội tin cậy hơn. Vậy chẳng lẽ một hội nghề nghiệp lớn như Hội Nhà văn Việt Nam với hơn 1.000 hội viên cũng không đủ lực để "chuyển dòng”?

 
- Hàng nghìn hội viên cũng không làm được điều gì nếu họ ít đọc, thậm chí không đọc. Đó là chưa nói sau khi "Sợi xích” ra đời, lại thấy có nhà văn tiếng tăm sản xuất ngay… "Dại tình”!  

 
Phải chăng, khi văn học nghệ thuật không làm tròn được vai trò "cứu rỗi” của nó thì tội ác nảy nở ngày càng nhiều hơn, thưa ông? 
- Sự ra đời của cái ác, cái xấu là tập hợp từ nhiều nguyên nhân, nghệ thuật nói chung, văn học nói riêng dù cố gắng cổ vũ cái thiện, phê phán cái ác, cái xấu đến đâu chăng nữa cũng khó có thể "cứu rỗi” cả xã hội. Xã hội đã phát triển đến mức mọi lĩnh vực hoạt động của nó đều có thể tác động là tích cực hoặc là tiêu cực tới con người thì cũng không nên đòi hỏi nhiều ở văn học, nghệ thuật, mà mọi lĩnh vực hoạt động xã hội đều phải được lành mạnh hóa. Tất nhiên với trường hợp cụ thể nào đó, do đọc một bài thơ, một truyện ngắn mà một người đã biết dừng tay trước khi làm điều ác, điều xấu,… Nhưng dù vậy, cũng không nên tuyệt đối hóa vai trò của văn học, nghệ thuật khi mà sự phát triển hay tha hóa của xã hội và con người luôn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố.
 
Vậy theo ông, điều gì khiến ngày nay tính phản biện của các hội nghề nghiệp như mờ nhạt đi? Có phải do cơ chế, hay chức năng tập hợp của các hội nghề nghiệp không còn hấp dẫn? Hoặc do các cá nhân tự họ có thể nói lên tiếng nói riêng, không xuất hiện trên báo chí thì trên mạng xã hội?
 
- Tôi nghĩ, phản biện không phải là một trong các yếu tố quyết định một hội nghệ thuật nào đó ra đời. Nhưng nói như thế không có nghĩa là các hội nghệ thuật không có quyền phản biện và nếu thờ ơ với các hiện tượng tiêu cực xảy ra trong chính lĩnh vực của mình thì tôi coi đó là vô trách nhiệm. Động cơ trong sáng, tinh thần khách quan, thái độ thiện chí và chân thành, lại có "tầm” trí tuệ để phản biện có lý, có tình hướng tới sự phát triển thì chẳng có cơ chế nào ràng buộc. Thêm nữa, sự hấp dẫn của một hội nghệ thuật không phụ thuộc vào việc hội nghệ thuật đó có hăng hái phản biện hay không. Còn việc cá nhân nghệ sĩ tiến hành phản biện mà không cần đến hội nghề nghiệp của mình lại là chuyện khác. Đó là quyền công dân của họ, vấn đề cần quan tâm là ở chỗ họ phản biện như thế nào. Nên lưu ý, nếu chỉ vì bức xúc mà phản biện thì dễ hời hợt, phản biện như để "xả su-pap” hơn là phản biện sau khi suy nghĩ, cân nhắc cẩn trọng… Thường thì phản biện như thế không mấy khi được lắng nghe.            
 
Ở một khía cạnh khác, nhiều chính sách mới được ban hành nhưng tiếng nói phản biện của các hội dường như không thấy. Điều này gây ra những hệ lụy gì, thưa ông?
 
- Mỗi chính sách mới ra đời đều trực tiếp đề cập tới chủ trương, hành động của Nhà nước đối với một lĩnh vực hoạt động nào đó của xã hội như kinh tế - văn hóa - xã hội - môi trường… Như vậy, muốn phản biện một chính sách mới nào đó, trước hết phải có tri thức chuyên biệt làm cơ sở để có thể tìm hiểu, đánh giá một cách hệ thống trong tương quan với thực tiễn. Thành viên một hội nghệ thuật có thể rất giỏi trong lĩnh vực chuyên môn của họ, nhưng không lấy gì bảo đảm họ cũng sẽ rất giỏi khi đi ra ngoài lĩnh vực chuyên môn. Nên khi một chính sách nào đó mới ra đời mà không thấy hội nghệ thuật nào đó lên tiếng phản biện thì cũng là điều bình thường, và hầu như không có hệ lụy gì ghê gớm. Phản biện chính sách mới về một lĩnh vực xã hội nào đó mà lại hiểu sơ sài, ngay cả thuật ngữ trong lĩnh vực đó còn chưa nắm bắt đầy đủ, thì chỉ có thể thỏa mãn nhu cầu tức thời của cá nhân và có thể đẩy tới sự nhiễu loạn trong nhận thức của xã hội, con người.         
 
Trân trọng cảm ơn ông!
 

Nguyễn Thanh Bình (thực hiện)


Theo phongdiep