/Cỏn con một sợi lông mày. Mà đem cột trái đất này vào anh/ Thơ Trần Mạnh Hảo

VIDEO

HỖ TRỢ

QUẢNG CÁO

LỊCH

LIÊN KẾT

Những bài khác

Ngôn tình Trung Quốc đã bão hoà?

Nhưng có những cái, có những thời điểm còn có thứ quý giá hơn cả lợi nhuận, buộc chúng ta phải cân nhắc chín chắn và lựa chọn.

Ngôn tình Trung Quốc đã bão hoà?

 
        Trước những diễn biến phức tạp trên biển Đông, khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trên vùng biển Việt Nam, và âm mưu xây căn cứ quân sự trên biển đảo Việt Nam, nhiều chuyên gia trong và ngoài nước đã đưa ra nhận định rằng ít nhiều sẽ có những “tác động”, ở các lĩnh vực như kinh tế, xã hội… Vậy còn văn học thì sao, nhất là những tác phẩm ngôn tình đã và đang làm mưa gió trên thị trường xuất bản Việt Nam liệu rằng sẽ có sự thay đổi nào chăng?

Truyện ngôn tình hay còn gọi là tiểu thuyết tình cảm dành cho giới trẻ, có độ tuổi từ 15 - 20, đặc biệt được nữ giới hâm mộ, chọn lựa. Trong khi truyện ngôn tình của các tác giả trong nước còn quá ít thì ngay lập tức ngôn tình Trung Quốc trở thành một thị trường lớn, đáp ứng được độc giả. Có thể kể đến các đơn vị làm dòng sách này như Quảng Văn, Đinh Tị, Bách Việt, Văn Việt…

Ngôn tình là thể loại văn học giải trí và không được giới chuyên môn đánh giá cao. Họ cho rằng, đây là văn học nhất thời, “mì ăn liền”, thậm chí chưa thể gọi là “văn học” theo đúng nghĩa. Và vì sự nhất thời với mô típ na ná nhau, lại xa rời cuộc sống thực tế nên nhiều dự đoán được đưa ra; trong tương lai gần sẽ thoái trào, sẽ bão hoà, sẽ không là lựa chọn lâu dài và hấp dẫn giới trẻ.

Câu hỏi đặt ra là, liệu rằng ngôn tình Trung Quốc đã thực sự bão hoà ở Việt Nam hiện nay chưa?

Không nằm ngoài dự đoán về sự bão hoà, công ty sách Quảng Văn đã giảm hẳn số đầu sách xuất bản ngôn tình Trung Quốc năm 2014 so với năm 2013 và 2012. Song song với đó, Quảng Văn chú trọng phát triển dòng sách này từ các tác giả trong nước.

Trong danh mục sách xuất bản của công ty Bách Việt, tính từ năm 2010 đến 6/2014 thì sách văn học Trung Quốc chiếm lượng xuất bản lớn nhất. Nếu văn học Việt Nam từ năm 2010 đến nay là 26 đầu sách thì riêng văn học Trung Quốc năm 2011 là 35 cuốn, năm 2012 là 40 cuốn, năm 2013 là 46 cuốn. Điều này có nghĩa là, văn học Việt Nam hơn ba năm xuất bản nhưng lượng đầu sách không bằng một năm xuất bản dành cho văn học Trung Quốc, và trong số đó phần nhiều là ngôn tình. Riêng năm 2014, tính đến nay đã là nửa chặng đường về thời gian xuất bản của một năm có “dấu hiệu” chững lại khi mới chỉ có 11 đầu sách. Nhưng liệu rằng, trong 6 tháng cuối năm số đầu sách ngôn tình Trung Quốc sẽ tăng tốc bằng hoặc vượt năm trước hay thực sự chững lại?

Công ty sách Văn Việt cũng dành nhiều ưu tiên cho mảng sách Trung Quốc. Ngôn tình Trung Quốc chiếm phần lớn đầu sách xuất bản so với văn học phương Tây và văn học Việt Nam. Tuy nhiên, số đầu sách cũng đang có xu hướng giảm dần, năm 2011 có 20 đầu sách, năm 2012 là 18 đầu sách, năm 2013 xuất bản 14 đầu sách và năm 2014 tính đến nay mới chỉ có 5 đầu sách.

Bên cạnh Quảng Văn giảm đầu sách ngôn tình Trung Quốc, Bách Việt, Văn Việt có dấu hiệu chững lại, thì công ty sách Đinh Tị khẳng định, trong kế hoạch xuất bản năm 2014 số đầu sách ngôn tình Trung Quốc vẫn tăng so với các năm trước. Và sách ngôn tình vẫn là một trong những đầu sách bán chạy nhất của công ty hiện nay.

Để trả lời câu hỏi có hay không sự bão hoà ngôn tình Trung Quốc hiện nay ở Việt Nam thì những con số và thông tin ở trên chưa khiến chúng ta lạc quan đưa ra câu trả lời chính xác. Vì rằng, có thể đầu sách xuất bản ít nhưng còn số lượng in cho một đầu sách lại tăng lên thì sao, đấy là chưa kể đến chuyện nối bản, tái bản. Hơn nữa, một lượng sách khá lớn từ các năm trước đó chỉ là “sách tồn” về mặt năm xuất bản chứ chúng vẫn là “sách mới” dành cho những ai chưa đọc, và chẳng có lý do gì để không xuất hiện trên kệ của cửa hàng sách.

Điều đáng nói nữa là, dù một số đơn vị làm sách có giảm số đầu bản xuất bản thì lại có những đơn vị làm sách mới xuất hiện hoặc “lấn sân” sang lĩnh vực ngôn tình Trung Quốc như Newstarbooks, Tân Việt, Limbooks, Phương Nam, Sách Việt… vô cùng nhiều mà có lẽ khó thống kê chính xác được.

Hàng tiêu dùng Trung Quốc, hoa quả Trung Quốc… và rất nhiều sản phẩm gắn mác Trung Quốc từ lâu trong và ngoài nước đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về độ độc hại. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, trong đó không thể không kể tới lý do “túi tiền hẻo” mà nhiều người vẫn sử dụng.

Một nhà văn từng tuyên bố, mình đã vứt hết tất cả những gì có trong nhà gắn mác Trung Quốc. Cả những tác phẩm văn học của Trung Quốc cũng mang ra đốt sạch. Một số người cho rằng, nhà văn này thể hiện lòng yêu nước khá mạnh mẽ. Nhưng cũng lại một số người cho rằng nhà văn này hơi cực đoan, rằng văn học Trung Quốc không có lỗi.

Quay trở lại vấn đề ngôn tình Trung Quốc, công ty Đinh Tị cho hay, các sản phẩm khác của Trung Quốc độc hại thì đương nhiên bị tẩy chay, nhưng văn học - ngôn tình Trung Quốc là thứ đã được chọn lọc, nghĩa là không độc hại, nên cho đến giờ phút này ngôn tình Trung Quốc vẫn bán chạy như thường, chưa có biểu hiện gì sụt giảm người mua.

Đúng, văn hoá, văn học và chính trị là hai thứ khác nhau. Trong giai đoạn Pháp đặt nền cai trị, rồi xâm lược Việt Nam cho đến khi chiến thắng thuộc về ta và Pháp rút hết về nước, cả một quá trình dài đó, văn học của chúng ta bị ảnh hưởng văn học Pháp, nhiều công trình của Pháp xây dựng không vì thế mà chúng ta đập bỏ.

Nhưng ngôn tình Trung Quốc thì sao? Liệu đó có phải là một thứ tinh hoa của văn học để có thể vượt qua mọi rào cản không?

Một số đơn vị làm sách cũng suy nghĩ về việc cắt giảm các đầu sách văn học Trung Quốc. Ngay cả độc giả cũng vậy, nhiều lý do, bên cạnh tẩy chay hàng hoá Trung Quốc họ cũng sẽ không đọc sách Trung Quốc nữa mà quay ra chọn lựa ngôn tình của quốc gia khác, tác giả khác. Tất nhiên, đây chỉ là nhận định, nhiều hay ít, đúng hay sai còn phụ thuộc vào câu trả lời của thời gian.

Một chi tiết đáng lưu ý nữa đó là, có khá nhiều bạn trẻ khi đọc ngôn tình xong đã bị ám ảnh, không thoát, không dứt ra được ngay cuộc sống trong trang sách mà sống thiếu thực tế, mơ mộng. Thực tế, sức “đề kháng” của lứa tuổi đọc ngôn tình chưa cao, ít va vấp, nếu không muốn nói còn chông chênh giữa ngưỡng cửa trẻ con - người lớn.

Nếu như tác phẩm văn học độc hại một cách lộ liễu, ngay lập tức thì dễ ngăn chặn. Còn mức độ độc hại được che đậy khéo léo, lồng ghép, “mưa dầm thấm lâu” thì rất khó kiểm soát. Mong rằng, các nhà làm sách nên thận trọng, cảnh giác với các chiêu bài “ngoài văn học” núp sau văn học có xuất phát từ Trung Quốc...

Ngôn tình dù chỉ được coi là văn học giải trí, nhưng nó thực sự là một nhu cầu, thậm chí là nhu cầu cao của giới trẻ. Tuy nhiên, tiếp nhận văn học không chỉ phụ thuộc vào nhu cầu của cá nhân mà còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khách quan, trong đó có tâm lý dân tộc. Lợi nhuận là sự quyết định sống còn của một doanh nghiệp. Nhưng có những cái, có những thời điểm còn có thứ quý giá hơn cả lợi nhuận, buộc chúng ta phải cân nhắc chín chắn và lựa chọn.
Theo vanhocquenha