/Cỏn con một sợi lông mày. Mà đem cột trái đất này vào anh/ Thơ Trần Mạnh Hảo

VIDEO

HỖ TRỢ

QUẢNG CÁO

LỊCH

LIÊN KẾT

Những bài khác

ĐÀO CÔNG CHÍNH* VỚI BẮC SỨ THI TẬP

Sưu tập, chỉnh lý, nghiên cứu, đánh giá sâu sắc, và đầy đủ con người và tác phẩm của ông trong bối cảnh hiện này là một công việc cần kíp, mang nhiều ý nghĩa.

ĐÀO CÔNG CHÍNH* VỚI BẮC SỨ THI TẬP

HOÀNG VĂN LÂU

Tiến sĩ. Viện Nghiên cứu Hán Nôm

      Tháng 5 năm 1673, có 2 đoàn sứ bộ của triều Lê Trịnh sang tiến cống nhà Thanh và báo tang vua Lê Huyền Tông, trong đó, phái bộ do Hồ Sỹ Dương làm Chánh sứ, có Đào Công Chính, Vũ Công Đạo và Vũ Duy Hài đều làm Phó sứ. Tháng 7 năm 1677, tức là sau khi trở về nước 3 năm. Đào Công Chính viết một bài Khải dâng lên chúa Trịnh Tạc, nói rằng ông vâng mệnh đi sứ, “trên dọc đường, có làm thơ xướng họa, mua vui một thời, nội dung là thưởng ngoạn phong cảnh, tiếp đón quốc khách, vui chơi đàm đạo cùng bè ban. Xét về tình cảm và lời thơ đều vụng về, chẳng thể đem đọc cho người khác nghe, huống chi là dâng lên cho chúa xem. Nhưng vì đã nhận mệnh chúa, đâu dám vì vụng về thô lậu mà chối từ, xin chép lại những lời mộc mạc để trình lên chúa.”

    Kho sách Viện nghiên cứu Hán Nôm hiện có một tập sách viết tay, có tiêu đề Bắc sứ thi tập, Ký hiệu VHv.2166, gồm 72 trang, khổ sách 26x15, bên trong sao chép 2 tập thơ đi sứ: Thơ đi sứ của Đào Công Chính làm trong dịp đi sứ năm 1672, và thơ đi sứ của Nguyễn Công Hãng làm trong dịp đi sứ năm 1718.

      Phần thơ đi sứ của Đào Công Chính có 19 tờ, 38 trang, sưu tập 90 bài thơ, trong đó có độ 20 bài là thơ họa của các ông: Chánh sứ Hồ Sỹ Dương, Phó sứ Vũ Công Đạo và Vũ Duy Hài cùng một vài danh nhân Trung Quốc như quan Bạn tống Trần Diệp Mộng, Nho học Kỳ Giám, Tham quân Lâm Hữu Thanh…
 .


       Hẳn là toàn bộ sáng tác thơ văn của Đoà Công Chính không chỉ có thế! Nhưng qua 70 bài thơ đi sứ còn giữ lại được, cũng có thể nói ông là một nhà thơ với những bài thơ giầu chất thơ, chất nghệ thuật.

       Ngay khi bước chân tới đất phủ Thái Bình của Trung Quốc, ông đã có thơ “vịnh cảnh” rất nên thơ:

Phiên âm: (Bài 1)

Thiên triều cước đạp tổng xuận sinh,

Tài đáo vu kim đổ Thái Bình.

Thượng giải vũ sâm phô Hán thị,

Hạ nguyên phái dẫn nhiễu kim thành.

Dịch nghĩa:

Sứ trình mỗi bước một xuân sinh,

Vừa tới hôm nay thấy Thái Bình.

San sát lầu trên phô chơ Hán,

Quanh co nguồn dưới lượn thành vàng.

Nhiều bài thơ vịnh di tích và nhân vật lịch sử, sau những câu tả thực rất đẹp, là những suy ngẫm hàm chứa triết lý nhân sinh. Khi qua đền Khổng Tử tác giả viết:

Phiên âm: (Bài 2)

Vũ mạo nguy nhiên cao đống cán,

Văn bi ngật nhĩ đối thương khung.

Thế thời điệt dị đạo hành nhất,

Phong vực tuy thù giáp kỵ đồng.

Dịch nghĩa:

Đền miếu nguy nga, rường cột vững,

Văn bia sừng sững, giữa trời xanh.

Thời thế đổi thay, Đạo vẫn một,

Phong cương tuy khác, dạy là chung.

Thơ xướng họa, thường là qua đối tượng xướng hoạ để gửi gắm tình cảm và lý tưởng của nhà thơ. Như khi vịnh cây tùng mùa đông, có câu:

Phiên âm: (Bài 17)

Bắc phong cầm cổ quần thanh hứng,

Đông lĩnh danh cao vạn cổ hương.

Tá vấn trượng phu hà sở dụng,

Ư thân vi đống dữ vi lương.

Dịch nghĩa:

Gió bấc, nhạc đàn vi vút nổi,

Non đông, tên đẹp ngạt ngào hương.

Hỏi bậc trượng phu đường xử thế,

Lấy thân làm cột với làm rường.

       Tập thơ có nhiều thơ tặng, thơ mừng, thường là bày tỏ sự cảm ơn đối với các nhân vật của đất nước Trung Hoa. Nhưng mỗi một đối tượng có cung điệu tình cảm khác nhau, cách diễn đạt cũng khác nhau.

Thơ mừng quan bạn tống họ Trương, làm Bả tổng (chức quan võ) có câu:

Phiên âm:

            Luận quí ủy hiền phu chúng ngưỡng,

            Kim Trương công diệc tạc Trương công.

Dịch:

            Trao chức xét tài, dân thỏa nguyện,

            Ông Trương nay chính ông Trương xưa. (Bài 85)

(Ông Trương xưa: Chỉ Trương phi, bậc nghĩa hiệp thời Tam quốc).

Thơ mừng ông quan văn Lam Hữu Thành có câu:

Phiên âm: (Bài 82)

Văn chương cơ trục Đường Hàn Dũ,

Đạo lý uyên nguyên Hán Trọng Thư.

Dịch nghĩa:

Cốt cách văn chương: Đường, Hàn Dũ,

Ngọn nguồn đạo lý: Hán, Trọng Thư.

       Là một nhà nho đỗ đại khoa, mang trọng trách lớn của một bậc quốc sỹ, nhưng Đào Công Chính cũng rất người. Trước ánh mắt đưa tình của người đẹp, nhà thơ họ Đào cũng thực sự rung động. Trong bài thơ Người đẹp ngó sứ giả (Quốc sắc khuy sứ giả thi), tác giả viết:

Phiên âm:

Ỷ hộ trù mâu tình đốn dị,

Thông tiêu tư tưởng mộng tuyền gia.

Thiền quyên hy nhập anh hùng thủ,

Ân ái hà hiềm vạn lý xa.

Dịch:

Tựa cửa bâng khuâng, tình bỗng khác,

Thâu đêm tơ tưởng mộng vờn ta.

Người đẹp mong vào tay tuấn kiệt,

Ân ái đầu nề vạn dăm xa. (Bài 32)

       Thơ ông viết trên đường đi sứ, có tả cảnh, xướng họa, mừng tặng… nhằm xây dựng mối quan hệ hữu nghị, bè bạn với chính khác nước làng giềng. Nhưng mối quan tâm sâu sắc của ông là nhân dân, là cuộc sống yên bình của đất nước. Vì thế, có lúc, ông không ngần ngại dùng bút pháp hiện thực để viết lên cảnh tượng đau lòng củâ người dân bị lưu đầy. Một lần, ông gặp hai mẹ con ngời dân đất Hoa Phong (nay thuộc tỉnh Quảng Ninh) của nước ta bị cướp sang Trung Quốc. Hai me con đói khát khốn khổ. Ông làm bài thơ Dân lưu đầy than thở (Lưu dân tự thán thi), xin cho họ được về nước. Bài thơ ấy như sau:

Phiên âm:

Vương hữu Nghiêu quân đức trạch tuyên,

Nhẫn linh tàn mẫu chí điên liên.

Y tư già thể vô ma bố,

Thực dục sung nhi khiếm chúc chiên.

Uất uất dư niên thê Bắc địa,

Huyền huyền thôn niệm tại Nam thiên.

Tứ hồi hạnh kiến gia phu tử,

Chi đức chi công vĩnh vạn niên.

Dịch nghĩa:

Vương có vua Nghiêu đức trạch ban,

Nỡ làm bà mẹ phải lầm than.

Áo muốn che thân không tấc vải,

Ăn mong lưng bụng chẳng thìa cơm.

Năm đói rầu rầ lưu đất Bắc,

Chút lòng đau đáu ngóng trời Nam.

Cho về mau gặp chồng con sớm,

Đức ấy, công kia mãi vạn năm.

Câu thơ cuối “Đức ấy, công kia mãi vạn năm” thực là mỉa mai !

      Thế kỷ XVII, sau những cuộc chiến liên miên giữa các tập đoàn phong kiến, đất nước điêu tàn, nhân dân xơ xác lầm than. Vào những năm nửa cuối thế kỷ 17, do nhưng cố gắng của triều đình Lê - Trịnh và sức sống mạnh mẽ của dân tộc, cuộc phục hồi kinh tế và văn hóa đã khả quan. Tầng lớp trí thức tiêu biểu cho bộ mặt tinh thần dân tộc khi ấy, như Phạm Công Trứ, Đào Công Chính, Hồ Sỹ Dương… cố gắng trước thuật, nhằm chấn hưng nền văn hóa dân tộc. Nhưng do những biến động lịch sử, do điều kiện bảo quan khó khăn, sáng tác của họ còn lại không nhiều. Trong tình hình ấy, những tác phẩm của Đào Công Chính để lại dù đã mất mát nhiều như Bắc sứ thi tập cũng rất có ý nghĩa. Sưu tập, chỉnh lý, nghiên cứu, đánh giá sâu sắc, và đầy đủ con người và tác phẩm của ông trong bối cảnh hiện này là một công việc cần kíp, mang nhiều ý nghĩa.
__________
* Danh sĩ thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVII), quê ở xã Cao Minh, Vĩnh Bảo, Hải Phòng, cùng với Hải Thượng Lãn Ông và Tuệ Tĩnh đã làm nên nền Y học cổ truyền Việt Nam.
Theo viện Hán Nôm