/Cỏn con một sợi lông mày. Mà đem cột trái đất này vào anh/ Thơ Trần Mạnh Hảo

VIDEO

HỖ TRỢ

QUẢNG CÁO

LỊCH

LIÊN KẾT

LÝ LUẬN PHÊ BÌNH

Vị thế của nhân vật Sài trong “Thời xa vắng”

Một chiến công âm thầm, lặng lẽ nhưng vẫn tạo được tiếng vang trong lòng người đọc.

Vị thế của nhân vật Sài trong “Thời xa vắng”



 Thời xa vắng là một cách thức phi chính thống, phủ định vai trò thực tại của một vấn đề hệ trọng trong mọi thời đại: thân phận con người. Cái thời ấy như chỉ để bông phèng, chẳng thuộc về ai, chẳng vướng vào ai nhưng rồi người đọc nào cũng thấy phần liên lụy của mình trong đó. Tiểu thuyết mượn xa nói gần, bóng gió mà riết róng để rồi chúng ta nhận ra một Giang Minh Sài cứ bị "chật khấc" với những tiêu chí thời đại, lệch pha với những độ đo cho dù ở vào "vai" nào anh cũng khẳng định mình.        

Bị động dù luôn hành động

Thử lật lại những trang in của cuốn Thời xa vắng của nhà văn Lê Lựu, xuất bản năm 1986, nhân vật Sài tuy được coi là nhân vật trung tâm (tham gia vào hầu hết các sự kiện) nhưng trớ trêu thay anh lại luôn bị động. Nói cách khác, Sài bị đẩy vào mạch truyện một cách bị động không thể cưỡng lại. Khi Sài đang còn là một cậu bé, khi còn đang thuộc về "đi đánh trận giả và học" thì anh đã bị coi là người thiếu một phẩm chất "ý thức được việc đã có vợ". Đứng từ góc nhìn đó quả đúng là cậu bất thường và đáng trách thật. Cái thiếu sót cứ theo cậu như một cái "dớp". Khi đã thực sự hiểu ra cái bổn phận "yêu vợ", thường trực một phản xạ cảnh giác trước sự soi mói của người đời: "Thành ra, bất kể lúc nào, bất kỳ ai có hỏi: "Sài có yêu vợ không?" Sài sẵn sàng nói như cái máy: "Có". Nhưng đêm đêm đi học, đi họp về, có ai cầm dao doạ giết cũng không thể bắt Sài leo lên cái giường ở buồng bên trái nhà. Tương quan với chúng bạn lứa tuổi ấy, phẩm chất "yêu vợ" kia bỗng dưng thành chiếc vòng kim cô cương tỏa cuộc đời cậu vào một cuộc sống giả tạo. Từ tuổi thiếu niên của cậu đã phải sống với chữ vợ: danh hiệu "thiếu niên tháng 8" cũng gắn với mật lệnh yêu vợ. Thứ khuyết điểm duy nhất mà chúng bạn tìm thấy ở Sài thay vì chăm học, ngoan ngoãn, tham gia hoạt động đội lại là thứ tưởng như chả ăn nhập gì với tuổi thơ: dám chê vợ.

Từ sự ràng buộc đó, đến tuổi thanh niên cậu bị tước bỏ quyền được yêu, cậu trở thành thứ lạc điệu giữa những người cùng trang lứa. Hành trình tìm lại chính quỹ đạo của mình được nhìn dưới nhiều góc độ khác nhau mà định danh thành một thứ "bệnh".  Đó là "bệnh tâm thần" theo cách nghĩ của vị chính ủy khi ông suy luận khi đọc những dòng nhật kí của Sài. Là bệnh "tư sản viển vông" theo cách nghĩ của chính trị viên. Còn bản thân anh, là nỗ lực thoát ra khỏi mặc cảm đã có vợ (thằng bé nhà quê đã có vợ). Thành người chồng lạc lõng giữa mô hình gia đình phố thị của một thời không còn bom đạn, đang dần đi vào quy tắc với những ứng xử của dân công chức. Nhưng liệu rằng đằng sau những chuỗi hành động của một nhân vật bị động ấy là gì? Một kiểu tiểu thuyết hoạt kê mà Giang Minh Sài là nhân vật trung tâm hay chỉ là một sự giễu nhại chính thước đo đã chỉ ra sự lệch chuẩn của anh?          

Tự chủ trong sự xô bồ

Nếu thay bằng một góc nhìn khác, Giang Minh Sài chính là một đại diện đầy đủ nhất cho con người luôn sống có chính kiến và tự chủ ở mọi thời đại. Là nhân vật trung tâm của mọi mối quan hệ, nhưng anh luôn tìm cách sống đúng với con người mình từ khi còn  tự phát cho đến lúc  tự giác. Phản xạ "không yêu vợ" rất trẻ con nhưng đã đủ đánh thức sự thức tỉnh của cái nhìn tiến bộ bằng sự giễu nhại về sự vô lí. Chẳng thế mà những lời lẽ đến vô lí của người lớn như: "Tý tuổi đầu đã mất đoàn kết với vợ con. Hỉ mũi chưa sạch đã lên mặt làm chồng đánh chửi con người ta". Thậm chí cái lí lẽ ngụy biện trói buộc anh (đánh vợ giữa thời nam nữ bình quyền) càng bộc lộ sự trơ trẽn trong chuyện cướp đi tuổi thơ đích thực bằng một cuộc hôn nhân tảo hôn. Rơi vào hoàn cảnh éo le ấy thì anh "yêu vợ" bằng vai diễn với nhiều lớp: khi là tránh điều tiếng của chúng bạn về một liên đội trưởng nhận danh hiệu "sao tháng 8", khi là anh rể tốt với bố mẹ vợ khi vẫn thấy anh và Tuyết "đĩa xôi, đĩa thịt, bát canh bí" đến biếu họ ngày rằm tháng Bảy. Nhưng sự quyết liệt lớn nhất của anh chính là những phản kháng bằng cái quyền được sống, được yêu rất chính đáng ở anh. Anh vượt ra khỏi mặc cảm "thằng bé nhà quê đã có vợ" kia bằng ước mơ cùng Hương ngắm ánh trăng khuya mà quả quyết như đòi lại quyền sống. Người lính quyết biến nội dung cuốn sổ công tác bằng cuốn nhật kí tuổi trẻ ngay trong những ngày tháng ác liệt.

Sự quyết liệt để được tự chủ cuộc đời mình của Sài luôn đặt trong sự xô bồ của những thời khác nhau. Anh vẫn thành thật đứng đợi Châu "kha khá" lâu trong khi "không bao giờ họ đến đúng giờ trong những buổi hẹn hò khi anh chưa khiến tình yêu trong họ thành lửa khói mù mịt". Với cuộc hôn nhân tương xứng với cô dâu có bằng đại học đẹp như tranh vẽ, Sài đã sống nốt con người đạo lí khi biết vợ không chung thủy. Để rồi cuối cùng, từ bỏ cuộc sống, địa vị ở thành thị, anh trở về thực hiện nốt cái bổn phận một ông chủ nhiệm.

Hành trình giữ lấy sự tự chủ trong mọi xô bồ ấy đã giúp anh giữ được vị thế trong lòng người đọc. Dẫu có lúc phải gắng gượng giữ lấy thể diện  hay ở chiều ngược lại,  khi anh mạnh mẽ từ bỏ những gì đang có thì điều đọng lại là một nhân cách sống. Con người luôn ý thức mạnh mẽ được quyền sống, dám sống, biết sống đúng với nhân cách của mình vẫn sáng lên đằng sau những trớ trêu, chua chát ấy. Đọc Thời xa vắng, ai đó sẽ tưởng như Giang Minh Sài thất bại, nhưng ngẫm cho cùng sự nghiệt ngã của số phận ấy trước ngoại cảnh lại chính là sự chiến thắng bản thân mình. Một chiến công âm thầm, lặng lẽ nhưng vẫn tạo được tiếng vang trong lòng người đọc.

Việt Phương
theo toquoc