/Cỏn con một sợi lông mày. Mà đem cột trái đất này vào anh/ Thơ Trần Mạnh Hảo

VIDEO

HỖ TRỢ

QUẢNG CÁO

LỊCH

LIÊN KẾT

LÝ LUẬN PHÊ BÌNH

TỪ MÊ CỔ VẬT ĐẾN MÊ VĂN

Nhưng văn chương là con đường dài, mới khoảng chục năm cầm bút với hai tập truyện ngắn chưa thể nói gì nhiều về một tác giả...

                                    TỪ MÊ CỔ VẬT ĐẾN MÊ VĂN

  (Về Phạm Xuân Hiếu và tập truyện ngắn “Cây đèn gia bảo”-nxb Hội nhà văn, 2014)

 

                                                                                                CAO NĂM

 

       Mới xuất hiện mươi năm nay, nhưng Phạm Xuân Hiếu mau chóng nằm trong số ít tác giả văn xuôi Hải Phòng viết nhiều, viết khỏe, có dạo liên tục có truyện ngắn đăng báo. Điều đáng nói nữa là ngay từ khi cầm bút, Phạm Xuân Hiếu đã chọn “mảnh đất” quen thuộc với mình là đồ cổ, và hầu như có dạo anh chỉ viết về đồ cổ và người chơi đồ cổ. Bởi đồ cổ cũng là văn hóa, người mê sưu tầm, lưu giữ cổ vật cũng là bảo tồn, giữ gìn văn hóa. Những gì Phạm Xuân Hiếu viết ra cũng là những điều anh từng ấp ủ, từng long đong lận đận nơi này nơi kia dò tìm đồ cổ, chiêm ngưỡng đồ cổ, và đôi khi cả mua (bán) đồ cổ.

            Thế nên, những sáng tác của Phạm Xuân Hiếu về đồ cổ và người chơi đồ cổ có lẽ cũng là chắt ra từ hiểu biết, từng trải của anh về cổ vật. Có truyện anh viết mà người đọc có cảm tưởng như đang nghe câu chuyện của một người buôn (bán) đồ vật kể lại chuyến đi tìm mua đồ cổ ở đâu mới về. Chẳng hạn truyện ngắn “Đồng đô-la cổ”. Nếu gạt sang một bên đoạn tác giả thuật lại lúc thám tử Long đón ông Sâm ở sân bay, đưa thẳng về nhà Long nghỉ, mà chỉ đọc khi ông Sâm xuống sân bay tay xách chiếc ca táp bước vội ra xe Long chờ sẵn, cũng dễ nghĩ ngay đến một nhà doanh nghiệp đi săn lùng đồ cổ. Rồi sau khi giao việc cho thám tử Long đi tìm người “giàu nhất Việt Nam”, theo lời đồn sang tới Mỹ, đang giữ đồng đô-la cổ đáng giá triệu đô-la, thì người đọc hiểu ra ông Sâm thực chất chỉ là một người “máu tham hễ thấy hơi đồng thì mê”, chứ cũng không hẳn là người thực sự mê cổ vật. Dẫu cuối cùng Long vẫn dò ra cái người biết về “đồng đô-la cổ” và dẫn ông Việt kiều đi; rồi câu chuyện không kém phần li kỳ về đồng xu nhỏ, không có mệnh giá, được phao tin là đồng xu Mỹ làm từ thế kỷ 18, nhưng lại được chính quyền phường đóng dấu đỏ chứng nhận bản quyền sở hữu hẳn hoi, thì người đọc bỗng cười thầm cho ông Sâm hám tiền, không bị lừa mà đau hơn bị lừa, vì chuyến đi từ Mỹ sang Việt Nam chỉ để tìm “đồng đô-la cổ” lại hóa ra đồng xu gỉ. Qua đây, người đọc càng hiểu việc chơi đồ cổ không chỉ bằng ý thích, lại càng không thể bằng lợi nhuận, mà cái chính là từ cái tâm, lòng trân trọng và yêu mến đồ cổ vật cùng người lưu giữ đồ cổ cho mình được chiêm ngưỡng. Muốn thế, ít nhiều phải có hiểu biết về đồ cổ, mà đồ cổ thì có nhiều loại, nhiều đời, từ sản xuất đến lưu giữ đều đòi hỏi người viết không những có kiến thức, mà còn cần cả hiểu biết thực tế về đồ cổ mới có thể chuyển tải tới người đọc tình yêu cổ vật được. Đọc truyện ngắn Phạm Xuân Hiếu viết về cổ vật dù dầy mỏng, xa gần khác nhau nhưng tựu trung đều thấy nhắm tới cái đích ấy. Nếu đọc truyện ngắn “Chiếc chậu gỗ” rất dễ nhận ra sự đam mê không thể nửa vời, mà dù giàu có hay túng thiếu cũng phải theo đuổi sự đam mê đến cùng thì mới thấy kết quả. Hai vợ chồng người trí thức nọ mỗi người có một sở thích riêng, chồng thích đọc sách, vợ thích chơi cổ vật. Một lần đi chơi gặp một người bán chiếc chậu gỗ đẹp, chị vợ về nhà giấu chồng lấy hai cây vàng đi mua chậu, vì ít nhiều chị cũng nhận ra đó là cái chậu quý hiếm. Nhưng anh chồng vốn không thích những thứ đó, nên một mực bắt vợ bán cái chậu gỗ đi. Rồi một hôm gặp người đi lùng mua đồ cổ, sau hồi lâu lời qua tiếng lại, vợ chồng đồng ý bán chậu với giá 48.900 đô-la. Mấy tháng sau, vợ chồng đang xem ti-vi thấy người ta mang chiếc chậu gỗ giống y chiếc chậu nhà mình mới bán ra đấu giá 1 triệu đô-la, vì nó là chiếc chậu tắm bằng gỗ Tử đàn của vua Thiệu Trị. Hai vợ chồng chỉ còn biết ngồi “chết lặng”.

            Phần nhiều truyện ngắn viết về cổ vật của Phạm Xuân Hiếu là như thế. Khi thì khuyên nhủ người ta nên biết say mê, quý trọng đồ cổ, khi thì như “thuyết trình” về xuất xứ của đồ cổ vật ấy, để như “hy vọng” qua đó mang đến cho người đọc một ý thức bảo vệ, lưu giữ cổ vật. Truyện “Cây đèn gia bảo” là một ví dụ. Thám tử Hà qua môi giới nhận với một người nước ngoài vào Việt Nam tìm mua một đồ cổ mà người đó biết chắc là đang ở Việt Nam. Hà bỏ công đi tìm, quả nhiên biết đạo diễn Lê Hòa đang sử dụng cây đèn mà ông người Pháp Răng-xoa đang bỏ công đi tìm. Đây là cây đèn Lê Hòa rất thích, vì mỗi khi đốt lên ngọn đèn tỏa sáng lung linh muôn màu sắc; không những thế, cây đèn còn như có phép ma mị, chỉ đốt ở phòng đọc sách mới sáng đẹp như thế, còn không, đốt ở bất cứ đâu cũng không sáng. “Bí mật” ấy Lê Hòa nghĩ mãi không ra, nên anh cũng chỉ đốt cây đèn ở phòng sách. Cho đến khi ông người Pháp đến nhà xem cây đèn và nhận ra đúng là cây đèn của bà cụ nội mình, rồi giảng giải ngọn ngành mọi người mới biết. Thì ra, đó không chỉ là cây đèn của cô tiểu thư Me-dia, con gái yêu của dòng họ Mông-ten quyền quý, mê đọc sách, ước có cây đèn để trong phòng riêng, mà còn là kết tinh tình yêu của anh thợ kim hoàn người da đen ở xưởng chế tác mỹ phẩm của dòng tộc với tiểu thư. Anh thợ da đen đã bỏ ra 8 tháng 4 ngày miệt mài làm việc để hoàn thành cây đèn. Và cây đèn được đặt chính giữa phòng sách, tự tay tiểu thư đốt lửa. Ánh sáng mát dịu tỏa ra từ cây đèn phản chiếu 17 viên kim cương lánh lánh, tượng trưng cho 17 tuổi xuân của tiểu thư. Từ đó, tiểu thư Me-dia mê cây đèn, và mê luôn người làm ra cây đèn kỳ lạ. Nhưng có lẽ anh da đen cũng cảm nhận được số phận của mình khó có thể chung sống với cô tiểu thư quyền quý, nên đã chọn con đường lìa khỏi cõi đời. Còn tiểu thư cũng từ đó như “biệt lập” khỏi mọi người, và kỳ lạ thay, bà sống đến năm 84 tuổi, vừa trùng con số thời gian anh thợ da đen làm cây đèn 8 tháng 4 ngày. Truyện như nhắc người đời đứng trước mỗi vật quý, cổ vật, nên tìm hiểu ngọn ngành, vì mỗi cổ vật, mỗi đồ vật đều mang những hoàn cảnh, số phận của nó, chứ không trần trụi, giản đơn. Cũng qua truyện, người đọc còn có thể hiểu về bàn tay tài nghệ của người thợ, và cả về sự chung thủy của tình yêu và về tình cảm của cháu con trân trọng, giữ gìn những gì thiêng liêng của người đi trước.

            Truyện ngắn Phạm Xuân Hiếu viết về cổ vật phần nhiều tương đối mở, ở truyện này truyện kia ít nhiều tạo cho người đọc có thể cùng tác giả bình phẩm, thêm bớt hoặc mở rộng không gian, làm cho truyện không bị gò bó, cứng nhắc. Nhưng tiếc trong tập “Cây đèn gia bảo” chỉ có ba truyện viết về  đề tài cổ vật, còn lại 11 truyện viết về các khía cạnh khác của đời sống xã hội. Nói tiếc là vì, tác giả là người chơi đồ cổ, và cũng từ mê đồ cổ rồi mới mê văn, và khi đã mê văn thì lại phần nhiều là viết về đồ cổ, nên những trang viết về đồ cổ của Phạm Xuân Hiếu khá đậm nét “Hiếu đồ cổ”, mà không phải người viết nào cũng dễ làm người khác nhận ra mình như thế. Có lẽ cũng do vậy, trong tập truyện “Người đàn bà và chiếc chén bạc” (xuất bản năm 2010) có 18 truyện ngắn, thì có tới 11 truyện viết về đồ cổ, và được viết khá đều tay, đọc tương đối thích. Tuy vậy cũng cần ghi nhận trong tập truyện “Cây đèn gia bảo” những cố gắng của tác giả trong việc mở rộng phạm vi sáng tác (đề tài), không bó hẹp, quẩn quanh với đồ cổ, mà anh đã mạnh dạn chuyển sang viết về nhiều khía cạnh của đời sống xã hội, từ tình mẫu tử (Ngày giáp Tết), tình thầy trò (Nghịch lý đò ngang), quan hệ vợ chồng (Đào điếc), đến cả những đề tài “nóng” như chống tham nhũng (Cẩm nang bình an), mua quan bán chức (Lên quan)… Phần nhiều truyện ngắn ở mảng này mang đậm lòng nhân ái, bao dung, tình yêu thương con người; đan xen vào đó là thái độ và cách nhìn của nhà văn về vấn đề đó với sự thẳng thắn, yêu ghét phân minh. Truyện ngắn Phạm Xuân Hiếu ở mảng này phần nhiều là những nhân vật nghèo túng, cô đơn hoặc hoàn cảnh éo le; khác hẳn những nhân vật trong các truyện anh viết về đề tài cổ vật, thường là người khá giả, Việt kiều về nước. Chẳng hạn truyện ngắn “Ngày giáp Tết” như nét ký họa về cuộc đời mẹ con chị Thực. Còn trẻ đi thanh niên xung phong ở Trường Sơn, hết chiến tranh trở lại nơi xưa bố con từng sống nghề chài lưới bên sông, thì bố đã về miền Cực lạc. Thực không có nơi nhập hộ khẩu, lang thang lên tỉnh lỵ nhập vào cái làng thợ phu hồ, suốt bao năm vẫn không có ai ngõ ngàng tới, cuối cùng chị đành liều xin anh bạn thợ hồ một đứa con. Nhưng ái oăm thay, khi chị sinh ra thằng bé thì lại bị “đao”, vì ảnh hưởng người mẹ bị nhiễm chất độc da cam từ ngày ở chiến trường. Nghèo khó, đơn chiếc nhưng hai mẹ con chị sống ấm áp tình người, vì thằng bé tuy bị “đao” nhưng sáng dạ, chăm chỉ và biết thương mẹ hết mực. Chị Thực mải làm nuôi con, như cố quên đi căn bệnh nguy hiểm, nên đến khi bệnh nặng chị đành nằm bẹp. Tết đến chỉ đành nói vói con: “Mẹ ốm nặng không có tiền lo được mâm cơm, ngũ quả cúng tổ tiên, ông công, ông táo, không mua được manh áo mới cho con. Mẹ có lỗi với các cụ, có lỗi với con”. Nhưng thật không ngờ, chính thằng Ngố đã láu táu bảo mẹ: “Đao kiếm tiền. Kiếm tiền”. Và hôm sau nó lên núi chặt đào xếp vào xe cải tiến xuống chợ bán lấy tiền về đưa mẹ thật. Truyện viết cảm động, ấm áp tình người. Ở mảng truyện này, phần nhiều Phạm Xuân Hiếu viết với bút pháp như thế. Ngay ở truyện ngắn mang đậm chất hài như “Nàng thơ” cũng được anh viết chân thực, ấm áp tình người, dù  đến “phút 89” người đọc mới nhận ra đứa bé là con anh Mộng, chị Mơ, hai người bất chấp tàn tật vẫn gắng “vượt lên chính mình” sống có ích, và cao đẹp hơn họ còn dám mơ tới một cuộc sống thanh bình, hạnh phúc, không mấy ngày không làm thơ cho nhau, mà ở vào hoàn cảnh họ, khó ai dám làm như thế. Nên trước hoàn cảnh đó, nhà doanh nghiệp Nhị không nén được xúc động tỏ ý sẵn lòng cưu mang cháu bé con anh chị Mộng-Mơ suốt đời. Truyện viết bình dị, ấm áp, lại pha chút hài nên dễ tạo được sự đồng cảm với người đọc. Nhưng tiếc là ở mảng truyện này, Phạm Xuân Hiếu chưa khắc họa được đậm nét tính cách, số phận nhân vật, và đôi chỗ lối hành văn cũng còn sơ lược, đơn giản, nặng về kể, nên sức cuốn hút có phần hạn chế. Nhưng văn chương là con đường dài, mới khoảng chục năm cầm bút với hai tập truyện ngắn chưa thể nói gì nhiều về một tác giả, chỉ biết hy vọng ở anh những sáng tác mới thành công hơn./.   

CN