/Cỏn con một sợi lông mày. Mà đem cột trái đất này vào anh/ Thơ Trần Mạnh Hảo

VIDEO

HỖ TRỢ

QUẢNG CÁO

LỊCH

LIÊN KẾT

LÝ LUẬN PHÊ BÌNH

Thơ Nguyễn Hoa – tụ gom thành nhị và lặng lẽ tỏa hương

Nguyễn Hoa xứng đáng được “tự hào” và nhận được “điều an ủi lớn nhất” đó...

Thơ Nguyễn Hoa – tụ gom thành nhị và lặng lẽ tỏa hương

TS. Mai Bá Ấn
 

Một bông hoa đẹp với đúng thực chất của từ ĐẸP viết hoa, bông hoa đó phải vừa khoe sắc vừa rộ hương. Một áng thơ hay phải là áng thơ có cả hương lẫn sắc - là sự hòa quyện bất phân giữa nội dung thơ và nghệ thuật thơ. Đọc thơ Nguyễn Hoa, tôi có cảm giác anh chú tâm về hương mà ít chú tâm về sắc. Anh viết rất tự do, tự nhiên, bất luận thơ ngắn, thơ dài; kể cả trường ca, anh cũng chẳng quan tâm phân biệt rạch ròi để tách nó khỏi thơ, cứ gọi chung là thơ mà chẳng cần tranh luận. Nói anh không chú tâm về sắc thì cũng chưa thật sự chính xác, mà phải nói rằng: thơ Nguyễn Hoa không chú tâm đến màu sắc của những cánh hoa mà anh chỉ chú tâm đến cái nhị hoa khuất sau những cánh hoa khoe sắc- nơi tụ gom tinh túy hoa để lặng lẽ tỏa hương dịu dàng trong gió.

Chính vì lẽ đó mà trong quá trình sáng tác, Nguyễn Hoa luôn đi tìm những “giọt thơ ứa ra như mật ong” tinh khiết: Cứ ứa ra từng giọt/ Như mật ong giữa đời (Người trong tôi), “thơm ngon quánh ngọt” lại:  Em thơm ngon/ Xuân quánh ngọt (Xuân quánh ngọt) như “dãi yến” quý hiếm tích tụ trên những vách đá cheo leo đối diện cùng trời biển rộng: Dãi yến/ Tổ quý./ Dãi người! (Dãi yến), như loài Hoa Ưu Điềm “hiếm lạ” mấy nghìn năm mới nở một lần: Ước bài thơ Hoa Ưu Điềm/ Trắng tinh khiết/ Vía hồn/ Trổ bông (Hoa ưu điềm). Và cũng chính vì lẽ đó mà anh luôn khổ công đi tìm những hiểm-huyệt-thơ cho dù có phải lặn lội giữa rừng xanh trong mùa nắng cháy sém mây hay giữa bạt ngàn đồi sim nhấp nhô hoặc phải lên thác xuống ghềnh trong long đong chín phách ba hồn của kiếp nhân sinh… Anh cố công đi tìm cho ra “huyệt nước”, “huyệt mộ phát tích” (người đời thường gọi là Mộ kết) và cả “huyệt tình”:

Mùa khô rang rang nắng sém mây

Đi giữa rừng xanh tìm huyệt nước

Nhấp nhô đồi sim mua tím bay

Tìm huyệt mộ cho người phát tích

Bộn ghềnh thác kiếp người: hồn, phách

Tìm huyệt tình xanh thắm non cao! (Tìm).

“Yếu huyệt” tinh túy của thơ anh chính là ở đó. Tìm vào những “yếu huyệt” thơ Nguyễn Hoa, ta dễ dàng nhận ra sự tụ gom những nhị thơ tinh túy và… từ đó, thơ lặng lẽ tỏa hương…

 

1. Những vần thơ tụ gom thành nhị

Đọc thơ Nguyễn Hoa, bất luận là thơ ngắn hay thơ dài, ta vẫn dễ dàng nhận ra được những nhị-hoa-thơ mà bản thân nó có thể trở thành một đơn vị thơ độc lập, ẩn chứa những thông tin thẩm mỹ đầy khơi gợi. “Dưới mặt trời” là một bài thơ dài đến trên 100 câu được anh chia ra cả phần A và B khiến người đọc dễ có cảm giác về sự dàn trãi; thế nhưng, tất cả những dàn trãi lan man ấy là để tụ gom về những “huyệt thơ” uẩn súc. Đó là những chân lý được chiêm nghiệm: Nếu chết là điều đáng sợ/ Thì cô đơn càng đáng sợ hơn, những biểu tượng lấp lánh tài hoa: Đêm trăng như thấy/ Những giọt nước mắt vàng đang chảy (Dưới mặt trời) sáng lên “dưới ánh mặt trời”, lặn vào màu áo mẹ, lắng trong lòng đất mẹ: Qua nghìn trận giáo gươm, dông bão/ áo mẹ bạc màu/ đất nâu sẫm lại! (Đất nâu). Nghĩa là màu nâu của đất là sự lắng lại của những “trận giáo gươm, dông bão”, cũng như “mặt trời lặn xuống” không phải là đã tắt ánh ngày mà nó hóa sinh trong ngọn lửa, thức cùng người, ủ nóng lòng người trong suốt đêm thâu:

Mặt trời lặn xuống đây

thức suốt đêm trong ngọn lửa (Những người đi về phía mặt trời).

Đất nước đi qua bao cuộc chiến tranh, Nguyễn Hoa cũng đã từng dầm mình trong chặng đường chiến tranh gian khó ấy. Chiến tranh đi qua, giữa thời bình, người chiến thắng lại gửi thơ tâm sự cùng người cha của những kẻ chiến bại rằng: Phải chặn ngay những bàn tay đang cầm lửa để chơi/ ngôi nhà Trái đất!(Thơ gửi những người cha nước Mỹ). “Ngôi nhà Trái đất” đã, đang và sẽ còn bị đe dọa. Hãy hành động vì một thế giới hòa bình. Đó là nguyện ước chung của tất thảy mọi người. “Chơi với lửa” là một trò chơi nguy hiểm, tự hại mình. Người Việt Nam sẵn sàng dâng máu xương cho cuộc chiến tranh bảo vệ đất nước mình, bảo vệ chân lý, ngăn chặn những kẻ “đùa với lửa” cũng chỉ muốn báo động với toàn nhân loại rằng: Máu chảy đỏ thành rạng đông gào thét/ Máu chảy đỏ nóng rạng đông báo động!/ cho loài người trên trái đất xanh (Với những người ngã xuống mùa xuân: tháng hai ngày 17).

Bên cạnh những chiêm nghiệm thơ để tụ gom thành những nhị thơ mang ý nghĩa triết lý, Nguyễn Hoa cũng có những nhị thơ đầy sức sáng tạo, lãng mạn, nhẹ nhàng, bay bổng, diệu kỳ: Mảnh liềm trăng bỏ không trên cánh đồng không gặt (Mùa xuân về). Những bài thơ ngắn của Nguyễn Hoa thông thường có sức gom tụ nhị hàm súc hơn và cũng thấm thía hơn: Tít lầu cao phố sao mà nhớ/ Tiếng bò gọi bạn xoáy vào tim… (Tiếng quen). Cái tiếng bò gọi bạn được nhớ lại giữa một không gian phố thị chật hẹp, đông đúc ấy cứ nhói trong ta sự ám ảnh về những thân phận lạc lòi, cô độc, lang thang giữa phố xá phồn hoa; nhói cả tim ta về một quá vãng đã đi qua - một quá vãng buồn mà đẹp gấp vạn lần thực tại. Cái bông hoa Ưu Điềm nhuốm màu linh thiêng của triết lý nhà Phật, ba ngàn năm mới trổ hoa một lần như sự “trổ bông” của những điềm lành, Phật mang đến ban cho cõi ta bà ô trọc được Nguyễn Hoa tài tình cô đúc trong ba câu thơ ngắn đến mức không còn chữ để mà ngắn hơn: Trắng tinh khiết/ Vía hồn/ Trổ bông (Hoa ưu điềm). Lặn lội đến tận chót Mũi Cà Mau giữa cái nắng trưa, anh mở cửa lòng mình đón gió biển nơi tận cùng Tổ quốc rồi gom tụ lại để bật lên một câu thơ khá bất ngờ:

Tôi khi ấy làm sao mà phân biệt

Bóng mình tròn trưa ở Cà Mau (Ở Cà Mau).

Mũi Cà Mau gợi cho ta cảm giác nhọn như Xuân Diệu từng liên tưởng: Tổ quốc tôi như một con tàu/ Mũi thuyền xé sóng - Mũi Cà Mau. Đem cái bóng tròn của mình (theo cách nói dân gian “Trưa tròn bóng”) đối sánh với cái mũi nhọn Cà Mau (mà thực ra ở đây là hòa lẫn) đến mức làm nhòa “bóng mình” vào “bóng nước non” khiến câu thơ ngắn này mở ra cho người đọc rất nhiều trường liên tưởng.

Tôi đã từng gắn bó với vùng biển Sa Huỳnh, Quảng Ngãi, cứ sáng mồng ba Tết hàng năm là diễn ra Lễ hội ra quân đánh bắt hải sản, cờ hoa ngập đầy cả một làng biển, phấp phới, rực rỡ trên những đoàn tàu giong khơi hòa cùng tiếng sóng xuân reo vui nên khi đọc hai câu thơ ngắn này của Nguyễn Hoa, tôi thật sự giật mình về sức gom tụ từ hồn thơ rộng mở của anh: Xuân rì rào reo/ Giong khơi biển thắm! (Ý nghĩ rời). Nguyễn Hoa tự đem đối lập đỏ - xanh giữa “bông hoa gạo” và “cái niềm tôi” để cuối cùng tụ về thành đồng nhất: đỏ cái này (khách thể) để thắp xanh cái kia (bản thể): Đỏ ròng lửa nóng/ Tươi mầu ráng trời/ Gạo hoa nở mọng/ Thắp xanh niềm tôi! (Thắp xanh niềm tôi). Bốn câu thơ bốn chữ mà dẫn dắt từ đối lập đến đồng nhất, nghĩa là Nguyễn Hoa đã rút ngắn được cả một quá trình dài mà không cần quá nhiều lập thuyết.

Những người làm thơ, ai chẳng đã từng nằm trăn trở và nghe tiếng mọt cưa trong đêm vắng. Giữa đêm vắng, nằm nghe tiếng mọt cưa cây, ngoài trời trăng suông đang tỏa sáng để thốt lên rằng: Mọt ăn đêm ruỗng trăng thơ… (Nghe mọt ăn đêm) thì đúng là Nguyễn Hoa đã gom tụ giúp chúng ta một câu thơ đầy ám ảnh và có sức lay động. Viết thơ cho mình thì dễ, viết thơ để mọi người cùng đồng cảm với mình để mà buồn, mà đau, mà trăn trở cùng mình mới chính là điều khó. Tôi là tôi? hay tôi tự bỏ tôi để thành người khác? Tôi hay bóng tôi? Tôi lẫn vào tôi hay đêm tối lẫn vào đêm tối để tìm tôi? Thế nào là “những câu thơ đẹp”?... Vân vân những câu hỏi liên tưởng mà người đọc có thể tự đặt ra với chính mình khi đọc Nguyễn Hoa: Không viết được/ “Những câu thơ thật đẹp”/ Tôi bỏ tôi/ Như tối đêm lẫn vào/ Đêm tối/ Để không thấy/ Bóng mình (Tôi bỏ tôi). Có cảm giác, mỗi bài thơ ngắn của Nguyễn Hoa trổ được lá xanh là cả một quá trình gom tụ của muôn nỗi đau từ những số phận người: Mỗi bài thơ ngắn/ Xòe lá lá xanh/ Mỗi cây thân phận/ Buốt đau nảy cành… (Mùa lành). Đó là những “chút hương cuối rễ” của cây thơ - những “yếu huyệt thơ” đã tụ gom thành nhị: May chút hương cuối rễ/ Thoảng trời mây vẩn vơ! (Cuối mùa). Những bài thơ ngắn, đoạn thơ ngắn mang dáng dấp Hai-ku của Nguyễn Hoa, mỗi lần đọc thường phát hiện những điều thú vị. Cái ẩn mật, sâu xa, kín đáo của nhị hoa chính là ở đó.

 

2. Những vần thơ lặng lẽ tỏa hương

Trong quá trình làm thơ, so với thơ dài, ai cũng thừa biết rằng, làm thơ ngắn khó hơn nhiều. Và thông thường, những người làm được thơ ngắn hay, tất họ đã phải trải qua một quá trình liên tưởng, chiêm nghiệm dài cả một đời người. Chính trường liên tưởng rộng này đã đưa đến cho Nguyễn Hoa những bài thơ ngắn, những đoạn thơ, câu thơ đạt đến độ tinh túy. Tôi gọi trường liên tưởng rộng trong thơ Nguyễn Hoa chính là cái lặng lẽ tỏa hương từ những nhị thơ gom tụ ấy. Thử đọc lời đề từ dài trước và sau bài thơ “Mùa xuân về” của Nguyễn Hoa: Cuối mùa đông. Một đêm gần về sáng. Gió bấc vật vã và lịm dần. Trời đất bỗng rùng mình. Mưa… mưa vừa đủ mát đất và gió ấm nổi lên mạnh dần rạo rực. Mặt trời lên. Mặt trời tỏa sáng. Cỏ cây xanh như lần đầu mới thấy và cỏ cây lên tiếng nói. Tiếng nói ngân nga bên tai các chiến sĩ đang trèo lên đỉnh núi như gần, như xa, như mơ, như thực”… Sau 53 câu thơ được chia làm ba phần A, B, C, Nguyễn Hoa lại có lời đề cuối: Tiếng nói cứ vang dần lên cỏ cây nơi này tiếp cỏ cây nơi khác rạo rực khắp trên mặt đất. Mùa xuân về… Mùa xuân về”…(Mùa xuân về). Đọc những dòng trữ tình nằm trước và sau bài thơ, ta phát hiện ra, còn có một Nguyễn-Hoa-thơ-văn-xuôi, thơ dài bên cạnh những dòng thơ ngắn với một khả năng liên tưởng rộng.

Nhìn những cánh hải âu bay, Nguyễn Hoa đã phát hiện ra đôi cánh hải âu chính là “sợi dây nối đầu tiên” giữa đất liền và hải đảo. Hải âu bay (cánh) là “dây nối”, hải âu đậu (đôi chân) là “neo”, đây là những liên tưởng đầy thi vị: Sợi dây nối đầu tiên/ Giữ đất liền với đảo/ Đấy là những cánh chim hải âu/ Đến đậu/ Trên đá/ Như thả neo vào lòng tôi (Dưới mặt trời). Nhìn mây bay qua đảo, kịp nhận ra tuổi mình đã lớn lên cùng thời gian bám đảo, nhưng không chỉ có đảo và người lính đảo, hương thơ lặng lẽ tỏa về đất liền với những liên tưởng dễ thương về những đứa con thơ: Chợt dải mây bay đến/ Kịp nhận ra mình vào tuổi bốn mươi/ Đứa con gái viết thư ra nói/ Sang năm vào học lớp mười/ Và dòng tái bút:/ Tóc con đã dài gần gấu áo/ Bố đừng gửi vỏ sò, vỏ ốc/ Mà bạn trai cười… (Dưới mặt trời). Ăn hạt gạo để mình lớn lên mà ghi ơn đến cả sự chắt chiu của đất, sự thử thách của nắng dầm mưa dãi, ghi ơn cả bàn tay mẹ - bàn tay cần lao gom cả nắng mặt trời (ngày dài), gom cả những vì sao khuya khoắt (đêm thâu) thì rõ ràng sức liên tưởng đủ để ta tin cái hương thơ lặng lẽ của Nguyễn Hoa:

Tôi ăn hạt gạo của đất chiu chắt

ngọt thơm có nắng mưa dài…

Tôi nhìn bàn tay mẹ tôi

Có mặt trời xuống đậu

có trời sao khuya khoắt xuống đậu

Bàn tay mẹ nuôi lớn cuộc đời tôi (Đất nâu).

Ngồi trên “Máy bay đang bay” mà liên tưởng để nối kết được cả quá khứ “thuở xưa tôi”, “tháng năm cầm súng” với hiện tại “ngồi trên mây lượn” và tương lai “ước mơ bay bổng”, “bay bổng niềm tin”, Nguyễn Hoa đã tạo được sức bền cho những liên tưởng thơ dù là những vần thơ đang “bay bổng”: Người ấy về sẽ kể chuyện được ngồi trên mây lượn/ Với cháu con giống thuở xưa tôi/ Hay ngước mắt lên bầu trời/ Ngước mắt ước mơ bay bổng…/ Bay bổng tháng năm cầm súng/ Bay bổng niềm tin (Máy bay đang bay). Trong cơn khát giữa mùa khô Căm-phu-chia năm 1979, người chiến sĩ tình nguyện quân vẫn lắng nghe được những dòng tin về “những biển nước ngầm”, lắng lòng với những “cơn mưa phùn” đêm lạnh của gió mùa đông bắc tít tận quê xa, đó chính là sức mạnh đầy lan tỏa của thơ Nguyễn Hoa: Chiến sĩ trinh sát khát quá phải nằm/ đồng đội đắp đất dày khỏi héo/ Vẫn kịp nghe tiếng đài đêm bập bùng thông báo/ “Thế giới tìm ra những biển nước ngầm/ dưới sa mạc Ca-dắc-xtan bằng một phần ba Ban Tích”/ Và tít mãi quê hương gió mùa đông bắc/ mưa phùn ướt mẹ trong khuya (Như thế, bắt đầu từ mùa khô 79).

“Nỗi nhớ Sơn Trà” của Nguyễn Hoa kéo dài từ những ngày anh có mặt trong đoàn quân tiến về giải phóng Đà Nẵng (1975) cho đến tận sáu năm sau (1981). Sáu năm (thời gian) cho 18 câu thơ, nhưng hương thơ cứ lặng lẽ tỏa lan, nối kết thành một “hi vọng khôn nguôi” từ “đồng chiêm quê nhà” tác giả đến “khúc ruột miền Trung” (không gian): Đó là hi vọng/ tôi tiếp nhận không nguôi/ của người với người/ giống như bà con ở đồng chiêm quê nhà…/ Bán đảo Sơn Trà/ trên mọi ngả đường vừa giải phóng/ Còn bây giờ là nỗi nhớ Sơn Trà khua như sóng động/ trên trang giấy của tôi khi nhắc tới miền Trung! (Nỗi nhớ Sơn Trà). Không những chỉ liên tưởng từ nội tại bản thân mình, tác giả còn vượt qua cả nửa vòng trái đất, lắng vào tâm trạng của “những người cha nước Mỹ” để giúp họ cùng liên tưởng đến những vùng quê Việt Nam bềnh bồng trăng trên cánh đồng lúa nước mà con họ đã từng “chơi trò đốt lửa” nơi đây: Chúng tôi - những người cha/ Biết là chúng nó, vừa chơi trò chơi đốt lửa/ những ngôi nhà/ những cánh đồng lúa nước/ vầng trăng bồng bềnh/ tuổi thơ mơ ước…/ ở Việt Nam (Thơ gửi những người cha nước Mỹ). Rồi từ đường bay của “máy bay đang bay”, Nguyễn Hoa liên tưởng đến con đường thơ bay mà anh đã nhọc nhằn và “say mê” làm những chuyến-thơ-bay trong suốt chặng đường cầm bút: Tôi say mê đường bay/ Bởi tôi biết/ Đường thơ còn dài/ Không một ai/ Không thở phào nhẹ nhõm…/ Khi cánh cửa máy bay vừa mở/ Ôi! Bầu trời thoáng đãng/ Ôi! Mặt đất gụi gần/ Mặt đất/ Như bước ra từ ước mơ…(Máy bay đang bay).

Thơ Nguyễn Hoa gom tụ nhị mà vẫn “thoáng đảng”, “nhẹ nhõm” tỏa hương bởi vì lẽ đó.

 

3. Nhị tỏa thành hương, hương gom nên nhị

Dù ở trên, tôi cố ý tách bạch hai nét riêng, nhưng có thể nói, dù thơ ngắn hay thơ dài, ta nhận thấy, thơ Nguyễn Hoa không đơn thuần, hương đi đàng hương, nhị đi đường nhị, mà chính là nhị tỏa thành hương và hương gom nên nhị. Cái nhị-trái-tim thơ của “Người về từ Đông Quan” chính là gom tụ từ những liên tưởng hương của mười năm thao thức ở Đông Quan, thấm mưa rơi ải Bắc, thấm máu rơi hàng nghìn năm của người dân Việt: Người về từ Đông Quan/ Dâng cho người ở Lam Sơn/ Một trái tim/ Mười năm thành Đông Quan thao thức/ Một trái tim/ Thấm mưa rơi ải Bắc/ Thấm máu rơi của người dân chim Lạc/ Mỗi ban mai bị giặc hành hình/ Ba nghìn ban mai thành Đông Quan mưa nắng... (Người về từ Đông Quan). Người lính “trắc thủ” được cái nhị thơ “đa tình” làm cho hương thơ lan tỏa nhẹ nhàng, sâu lắng níu cả “vầng trăng chín tỏ, chín mờ’ quyện theo bước chân “dáng thợ em vất vả giữa chiều hoàng hôn” tạo cho thơ Nguyễn Hoa một sức lay động lớn: Tôi có thể là anh trắc thủ đa tình/ sao không đa tình tôi lại làm trắc thủ/ Và bài thơ em viết tặng rồi. Tôi còn giữ;/ cho em:/ Trong buồng máy/ không có gió thơm hương của lúa/ vầng trăng chín tỏ, chín mờ/ dáng thợ em vất vả/ chiều hoàng hôn… (Bài thơ cây cầu). Cái giây phút  giao ca giữa hai thế hệ lính trẻ - già khiến “đất trời lên tiếng nói” làm “run rẩy ngàn sao” đã dẫn dắt người đọc miên man nghĩ về cả một hành trình gìn giữ nước non, về những người cha, người mẹ, người em nơi vùng quê yêu dấu: Đêm biên giới: đất trời lên tiếng nói/ run rẩy ngàn sao…/ Tổ quốc yên bình được bàn giao/ qua ca gác những người lính trẻ…/ Và đêm ấy tôi cồn cào nhớ mẹ/ thảng thốt gọi cha không còn bóng đi về/ lối ngõ đá gồ ghề quen nữa… (Lời người pháo thủ Điên Biên). Rồi từ “ngôi mộ gió” ở đảo Lý Sơn, Nguyễn Hoa mở ra một liên-tưởng-hương, nối cả hồn người xưa với thế hệ hôm nay. “Xương thịt cây dâu thiêng” thay cho thi hài nối “hồn người” xưa từng hy sinh lặng lẽ giữa biển khơi để cùng thế hệ hôm nay đồng thanh lên tiếng nói: “Có tôi, có tôi, có tôi!” nhằm khẳng định chủ quyền thiêng liêng đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa:

Bao ngôi mộ gió

Hồn người

Từ Lý Sơn gọi

Xương thịt cây dâu thiêng

Đang nói, đang nói, đang nói…

Có tôi, có tôi, có tôi!

Ba trăm năm không mỏi! (Hoàng Sa).

Nhị tỏa thành hương, Nguyễn Hoa cũng đồng thời thâu góp hương thơ tụ gom thành nhị. Hãy trở lại những gì trước năm 79/ Căm-phu-chia… bạn ơi!/ Những hố chôn người rải kín rừng Xiêm Riệp/ Phnôm-pênh âm u oan hồn trắng mây chiều… (Như thế, bắt đầu từ mùa khô 79). Dắt người đọc trở về với quá khứ đớn đau của nhân dân Căm-phu-chia trước mùa khô năm 1979 để mở rộng những liên tưởng, đủ thấm vào lòng thơ nỗi đau chung, gom lại thành những “oan hồn trắng mây chiều”. Từ trường liên tưởng rộng về cả không gian (đất rộng đất, trời cao trời) và liên tưởng dài cả về thời gian (cuộc đời khẩu súng, cuộc đời người lính), Nguyễn Hoa gom lại để mọi người cảm nhận được “nơi bắt đầu Tổ quốc”, đó chính là “cột mốc” biên cương: Đất rộng với đất, trời cao với trời/ khẩu súng sống cuộc đời khẩu súng/ chúng con sống cuộc đời người lính/ đến đứng làm cột mốc biên cương/ CỘT MỐC - Nơi bắt đầu Tổ quốc! (Nơi bắt đầu Tổ quốc). Bài thơ “Hồ Kim Đồng” vẻn vẹn có năm câu mà gợi lên cả một sự “biến cải” dữ dội của thời buổi đô thị hóa, nối dài liên tưởng với “Sông lấp” của Tú Xương. Tưởng chỉ có thế! Nhưng không, anh lại gom về và bật lên cái nhị thơ cốt lõi làm “hồi hộp” cả người đọc về một khái niệm thơ ở hai câu cuối: Dân làng gọi thành tên hồ/ Thôn làng giờ thành tên phố/ Liễu sang xuân đang mướt lá…/ Mong có câu thơ thành cá/ Hồi hộp nỗi niềm người câu!. Năm câu thơ mà nối cả Tú Xương xưa đến Thanh Thảo nay: “Hơn ai hết, người làm thơ phải là người bình tĩnh khi buông dây câu về vô định mong giật được con -cá - bặt - tăm... Nghĩa là khi làm thơ, nhà thơ biết mình sống trong lòng sự sáng tạo. Đó là niềm tự hào và điều an ủi lớn nhất đối với một nhà thơ” (Hướng tới Nobel hay Nobell?)(1).

Nguyễn Hoa xứng đáng được “tự hào” và nhận được “điều an ủi lớn nhất” đó. Thơ Nguyễn Hoa dễ đọc và cũng dễ tìm thấy những nhị thơ gom tụ, nhưng để giải mã cho hết ý tứ của cái-nhị-thơ ấy thường lại đòi hỏi người đọc có “ngưỡng tiếp nhận” cao, vì hầu hết những nhị-thơ này đều là “ý tại ngôn ngoại”, hay nói như Bùi Giáng, đó là những “huyền ngoại chi âm” (âm nằm ngoài đàn), “ngôn tại thử nhi ý tại bỉ” (lời đây mà ý nằm nơi khác)(2). Có lẽ thế chăng, mà nhìn chung, thơ Nguyễn Hoa dễ đọc nhưng lại kén kẻ tri âm!

                                                            Quảng Ngãi, sau siêu bão số 10, tháng 10/2013.

 

------------

CHÚ THÍCH:

(1) Thanh Thảo, “Thơ Việt Nam đầu thế kỉ XXI - Hướng tới Nobel hay No-Bell?”, Tạp chí Văn nghệ Quảng Ngãi (Số Xuân Nhâm Ngọ-2002), tr. 90.

(2) Theo Giao Hưởng, “Cái nhìn Bùi Giáng về Kim Dung”, Báo Thanh niên số ra ngày 26/9/2013