/Cỏn con một sợi lông mày. Mà đem cột trái đất này vào anh/ Thơ Trần Mạnh Hảo

VIDEO

HỖ TRỢ

QUẢNG CÁO

LỊCH

LIÊN KẾT

LÝ LUẬN PHÊ BÌNH

SỰ CẢ NGHĨ CỦA NGƯỜI CAO TUỔI

Hai khổ thơ ngắn nhưng đạt tình. Làm cho người đọc có niềm tin : đêm đêm ông cụ 85 tuổi vẫn thao thức...

ĐÊM TRƯỜNG

 

Ước gì về lại quê xưa

Đói cơm, thiếu áo nhưng thừa tình thương

Lắng nghe tiếng vạc đẫm sương

Đau từng bắp thịt, khớp xương rã rời.

 

Không quê sao lớn thành người

Chôn nhau, cắt rốn đời đời nhớ thương

Bấy giờ sống cảnh tha hương

Nỗi lòng chan chứa đêm trường vạc kêu.

 (Nguyễn Phi Diếu)

 

                      SỰ CẢ NGHĨ CỦA NGƯỜI CAO TUỔI       

 

                                                       Lời bình : Nguyễn Thanh Tuyên

 

       Ngoại bát tuần rồi, lại sống ở vùng Thiên thời Địa lợi Vũng Tàu mà người thơ vẫn trằn trọc khó ngủ bởi tiếng vạc đẫm sương tận quê xưa vọng lại, thì thật là người cả nghĩ. Thế mới thấu mỗi người ai cũng mang trong lòng những nỗi niềm riêng :

 

Bấy giờ sống cảnh tha hương

Nỗi lòng chan chứa đêm trường vạc kêu.

 

        Tâm trạng trên tin rằng chỉ tồn tại ở những người nặng ân nghĩa, giầu xúc cảm, dễ đồng điệu với cõi đời. Tuổi cao chả dễ gì xê dịch đó đây, nên về quê trở thành sự ao ước chính đáng. Bởi ở đó ăm ắp tình làng nghĩa xóm, đã từng lá lành đùm lá rách, tắt lửa tối đèn có nhau suốt thuở hàn vi đói cơm, thiếu áo. Ai đắm lòng vào hoàn cảnh cơ cực mới thấm thía, và chấp nhận cụm từ “ Thừa tình thương ” và đủ niềm tin rằng tác giả không hề ngoa ngữ

 

Ước gì về lại quê xưa

Đói cơm, thiếu áo nhưng thừa tình thương

 

Giữa đêm đông trường giá lạnh mà bụng đói cật rét càng cám cảnh biết bao khi bất chợt nghe tiếng vạc thảng thốt trong sương. Âm thanh ấy đã hàng chục năm trôi qua mà vẫn văng vẳng theo suốt một đời :

 

Lắng nghe tiếng vạc đẫm sương

Đau từng bắp thịt, khớp xương rã rời.

 

Đây nữa, câu thơ  “Đau từng bắp thịt, khớp xương rã rời.” cũng không hề xáo ngữ, khuếch đại. Nó có cơ sở khoa học để ta tin cậy. Chính thiếu đói làm suy giảm vi lượng nội mô, gây chuột rút, cứng hàm, loãng xương, khô khớp… Nạn đói lịch sử năm 1945 cướp đi 2 triệu mạng người nước Việt đã chứng minh cho câu thơ ấy.

        Đêm trường xưa là thế! Nay dù phồn thực đủ đầy hẳn những tấm lòng nhân ái không ít đêm trường  day dứt nhớ quê :

 

Không quê sao lớn thành người

Chôn nhau, cắt rốn đời đời nhớ thương

 

        Ta thấy tác giả ơn huệ với mảnh đất sinh thành. Tuy xa xôi nhưng tâm hồn ông và con cháu đời sau tin rằng luôn đau đáu hướng về nguồn cội nơi gốc gác cắt rốn chôn rau.

        Bài thơ giản dị. Nghệ thuật không cao xa. Hai khổ thơ ngắn nhưng đạt tình. Làm cho người đọc có niềm tin : đêm đêm ông cụ 85 tuổi vẫn thao thức, bồn chồn thương xót tiếng vạc xưa…

 

                                             Nguyễn Thanh Tuyên – Hải Phòng