/Cỏn con một sợi lông mày. Mà đem cột trái đất này vào anh/ Thơ Trần Mạnh Hảo

VIDEO

HỖ TRỢ

QUẢNG CÁO

LỊCH

LIÊN KẾT

LÝ LUẬN PHÊ BÌNH

NƠI MIỀN THƠ THAO THỨC

Song Miền quê thao thức hay Miền thơ mà Vũ Thành Chung hằng thao thức, trở trăn kia đã để lại dư vị ngọt ngào, ấm áp,

Kim Chuông

NƠI MIỀN THƠ THAO THỨC

.

Cách đây gần 30 năm, trong cuộc thi sáng tác văn học về đề tài 27/7 do Hội Nhà Văn Việt Nam và Bộ Lao Động Thương binh Xã hội tổ chức, Vũ Thành Chung đã đoạt giải chính thức với chùm thơ viết về người lính.

Ngày ấy, với những bài thơ in thưa thoáng trên báo, Vũ Thành Chung vừa yêu say, vừa hoài nghi chính mình rằng, cái "vỉa lòng" anh đang săn tìm, khai quật kia, với thơ, liệu có gặp được chút óng ánh nào chăng?

Tôi kết thân với Vũ Thành Chung ở tình đồng hương, đồng ngũ và tình yêu "Nàng Thơ" trong xanh, mê đắm tự thuở ban đầu. Rồi từ thuở ấy và dọc đường thơ ấy, thơ Vũ Thành Chung vẫn nao nức chảy êm trên một không gian rộng. Không gian của sự hăm hở ra đi, gặp gỡ, ngắm nhìn và viết. Với thơ anh, đối thoại đóng vai trò khởi nguồn cho mọi va đập, phát sáng. Những bài thơ mô tả về người lính, chiến tranh, trận mạc là vệt tìm những gì sôi động thuộc về phía bên ngoài mà một thời Vũ Thành Chung luôn ý thức, quan tâm.

Chiến tranh kết thúc, Vũ Thành Chung là người lính được cử đi đào tạo, nghiên cứu sử học và luật học tại Liên Xô, rồi công tác tại nước bạn. Xa quê hương xứ sở, nơi chôn nhau cắt rốn thân yêu của mình gần 20 năm trời, cái in sâu và luôn mang theo trong trái tim thơ anh là tư tưởng, tình cảm hạnh phúc có được qua bao nhiêu gian khổ hy sinh, qua máu xương, mất mát của Quê hương - Đất nước với những ngày chiến tranh ác liệt. Bởi vậy, ở bài thơ nào, hình ảnh nào thơ Vũ Thành Chung cũng có những liên tưởng dội về từ ký ức của tháng năm đạn bom, áo lính.

Sau "Thơ những ngày xa", tập thơ in chung với Hà Cừ, Kim Chuông, "Miền quê thao thức" là tập thơ được Vũ Thành Chung tập hợp những bài mới sáng tác. Và, vẫn là mạch nguồn tác giả hằng khơi mở, "Miền quê thao thức" vẫn đi từ cái rộng - để những mong, thơ sẽ mở tới cái rộng có được nào đó.

Bởi vậy đối thoại để có được độc thoại riêng mình là hướng tìm, là khả năng đặt ra cho người viết sức bao trùm, phản ánh cái thế giới sinh động bên ngoài, ở "Miền quê thao thức" Vũ Thành Chung không bám vào cái hẹp, ví như chỉ một tia nắng, chùm mây, cánh lá, hay chỉ một phút gặp gỡ, chia tay thôi để mở ra cái rộng, cái sâu của tư duy, phát hiện. Vũ Thành Chung ngắm nhìn: "Trước tượng Bác ở Mátxcơva, Qua Bạch Đằng giang, Gửi tặng sông quê, Hạ Long trong tôi, Chợ Cô Sầu rồi Bạn quê, Dòng sông bây giờ, Bà tôi, Huyền thoại sông Đà, v.v...”. Tất cả những gì là ngoại giới này, người viết sẽ đánh thức tâm tình, nghĩ suy qua những chóp lóe của nội lực.

Ở bài Bà tôi, đây là nét quan sát từ hiện thực nhuần thấm trong máu thịt:

Tôi là đứa trẻ lên ba

Gầy như dải yếm của bà vắt vai

Hạt cơm cõng mấy củ khoai

Bà nuôi tôi những năm dài tuổi thơ

Hoặc:

Bà như bóng vạc cuối trời...

Để rồi:

Đến khi tôi biết thương bà

Giật mình bà chỉ còn là...cỏ xanh!

Vũ Thành Chung cứ trực giác, trực tả như thế để phát hiện tình cảm của mình:

Biết nhau từ thuở hàn vi

Biết nhau từ thuở chân đi không giầy

Rồi, lứa "Bạn quê" ấy vụt lớn lên, mỗi đứa, đi về một phương trời với mỗi cuộc đời, mỗi số phận khác nhau:

Chiến trường Vũ giỏi làm thơ

Thức thành dũng sĩ bên bờ Suối Hai

Quý sang du học nước ngoài

Đình ra đất mỏ Đèo Nai tìm vàng

Rõ ràng, tìm giữa không gian rộng với rất nhiều cái gặp này để sau đó người viết thao thức trước một điều ngẫm ngợi:

Đi từ quê kiểng bạn ơi

Cuối đời ta lại về nơi xuất hành

Hoặc:

Giờ thuyền rách, bến phiêu diêu

Mái chèo chẻ củi trong chiều bếp hun

(DÒNG SÔNG BÂY GIỜ)

Phải nói, trên dòng trôi của tự sự, Vũ Thành Chung thường bám vào hiện thực bề bộn, bám vào cái thật để gợi, để ảo hóa những hình ảnh, hình tượng:

Cánh diều thả gió lên trời

Tôi chiêm bao với dòng trôi đến giờ

Tôi đi giăng lưới thả lờ

Trăng suông sàng quá đêm mơ mộng nhiều

(DÒNG SÔNG BÂY GIỜ)

Cùng hướng tìm trên, ở bài "Dáng cau" anh có những câu thơ đẹp:

Đốt tròn đếm tháng năm qua

Giữa cao xanh vẫn nở hoa trắng trời

Hoặc:

Nắng mưa chẳng sợ héo mòn

Dăm tàu lá biếc vo tròn gió mây

Và bài thơ "Lời mẹ", những câu thơ giản dị mà xúc động:

Mẹ giờ cạn kiệt lời ru

Chân đi lẫm chẫm, lưng gù trước sân

Hoặc:

Hẳn là mộ của em đây

Hồn thiêng hoá cánh bướm bay dẫn đường!

(TÌM EM)

Ở "Miền quê thao thức" Vũ Thành Chung cũng có những câu thơ được "cá thể hóa" gây ấn tượng, đáng nhớ:

Thôi mà mình đã thương nhau

Trời cao dẫu có trên đầu cũng không

(THƯƠNG NHỚ DƯỜNG NÀY)

Hoặc:

Trời cao cánh bướm vờn bay

Mình anh ôm chút bóng ngày về không

(CẢM NHẬN)

"Miền quê thao thức" chưa quan tâm nhiều đến cấu trúc, những tứ thơ lạ, những cách nhìn, cách lý giải, cắt nghĩa sự vật lung linh, riêng biệt. Trước những lượng thông tin bề bộn của thế giới mà thơ muốn ôm trùm, còn cần phải có sự vận động mạnh mẽ nhiều nữa của năng lượng tâm hồn nghệ sĩ sáng tạo.

       Dẫu bên cạnh giá trị phản ánh đã vươn tới nhưng phía sau ấy là tầng chìm sâu của ý nghĩa cần phải được dội vang hơn... Song "Miền quê thao thức" hay "Miền thơ" mà Vũ Thành Chung hằng thao thức, trở trăn kia đã để lại dư vị ngọt ngào, ấm áp, và thi vị của một tâm hồn với những rung cảm đẹp, với cách nhìn đẹp trước thế giới quanh mình.

Thị xã Thái Bình, Tháng Xuân - 2004

KC