/Cỏn con một sợi lông mày. Mà đem cột trái đất này vào anh/ Thơ Trần Mạnh Hảo

VIDEO

HỖ TRỢ

QUẢNG CÁO

LỊCH

LIÊN KẾT

LÝ LUẬN PHÊ BÌNH

NGUYỄN THANH TUYÊN VỚI HÀNH TRÌNH THƠ

Hành trình thơ của Nguyễn Thanh Tuyên được chiêm nghiệm trong những năm tháng dài đằng đẵng bằng cả mồ hôi và nước mắt, đôi khi còn trả bằng máu nữa.

NGỌC TÔ

NGUYỄN THANH TUYÊN VỚI HÀNH TRÌNH THƠ

  

          Cách đây mấy tháng khi được tin Nguyễn Thanh Tuyên bị K phổi giai đoạn cuối, tôi rất bàng hoàng bởi “Ông trời ăn ở bất công” (Ca dao) người bác sỹ hiền lành, tốt bụng mà sao lại vướng vào căn bệnh oái ăm vậy. Trong tôi nảy ra một ý nghĩ: Phải động viên bạn cho ra “đứa con tinh thần” ngay vì đã từng chứng kiến nhiều tác giả chưa kịp nhìn thấy “đứa con” của mình thì đã “bỏ về trời”. Tôi liền bàn với Nguyễn Thanh Tuyên về chuyện này, nhưng chàng thầy thuốc sống khép mình này tỏ thái độ ngập ngừng vì còn nhiều căn nguyên khác. Sau đó tôi có gọi điện cho mấy anh em nhà văn thân thiết để động viên Nguyễn Thanh Tuyên ra tập sách cho hoành tráng một chút. Dù có trái tim sắt đá đến đâu, khi dính vào căn bệnh nan y, thì ai mà chẳng sốc. Đối với Nguyễn Thanh Tuyên cũng không phải là trường hợp ngoại lệ.

      Sau được nhiều người động viên, giúp đỡ và đặc biệt là khi gửi cho Tuyên bài thơ “Tạm biệt” của Esenin, trong đó có câu “Trên đời này, chết là điều chẳng mới. Nhưng sống, thực tình cũng chẳng mới gì hơn” do tôi dịch nguyên bản từ tiếng Nga, thì “cảm hứng” nung nấu cho ra “đứa con tinh thần” của Nguyễn Thanh Tuyên lại “bùng nổ”. Cách đây dăm hôm Tuyên có gọi điện cho tôi và nói: Ông giúp tôi giấy phép xuất bản nhé? Tôi liền ủng hộ cả hai tay và hỏi: Thế tuyển tập tên gì? Tuyên vẫn với giọng rỉ rả, khiêm nhường và bảo: Lấy cái tên thật dung dị thôi. Bàn đi tính lại, rồi hai anh em tôi thống nhất tên sách, khổ, số trang, số lượng in, nhà in để đăng ký với Nhà xuất bản và tập sách gồm bốn phần chính: Thơ – Văn xuôi – Bình luận văn học – Bạn bè với Nguyễn Thanh Tuyên.
.

Nguyễn Thanh Tuyên (Ngoài cùng bên trái) với đoàn ĐB Chính phủ do PTT Nguyễn Khánh (Người đứng giữa, hàng đầu) đến thăm Cát Bà năm 1996  

          Lần ngược theo bánh xe thời gian, vào đầu năm 90 của thế kỷ trước, khi từ xứ sở Bạch Dương về nước, tôi được chị y tá ở Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp giới thiệu cho một bác sỹ chuyên khoa ở Ban Bảo vệ Sức khỏe cán bộ thành phố đến nhà khám và điều trị về căn bệnh dạ dày. Lần đầu gặp Tuyên, trông dáng người đậm chắc, gương mặt sáng, ăn nói cẩn trọng và tôi có cảm tình ngay. Sau bữa đó tôi còn phải đến nhà anh tại khu tập thể gần Bệnh viện Y học dân tộc thành phố một vài lần nữa để tiếp tục lấy thuốc.

      Bẵng đi một thời gian, được biết tại Hải Phòng xuất hiện nhóm thơ “Hoa muống biển” gồm Phạm Xuân Trường, Nguyễn Thanh Tuyên, Nguyễn Đình Di, Nguyễn Đình Kiên và Lưu Đình Hùng, là những cây bút sung sức trong phong trào thơ công chúng của thành phố. Từ đó trở đi tôi và Tuyên đến với nhau không phải là bệnh nhân với thày thuốc nữa mà còn cùng một nghiệp chướng “kiếp Giời đày”. Tuyên lúc này đã chuyển nhà về ở trong ngõ 11 Nguyễn Công Trứ và sau khi nghỉ hưu về làm tại Phòng khám số 7 Lạch Tray gần nhà tôi, nên nhiều hôm rỗi việc là chúng tôi lại hẹn hò nhau để hàn huyên thơ phú.

     Rồi qua những buổi sinh hoạt ở Chi hội Văn học, nay là Hội Nhà văn Hải Phòng thì tình bạn giữa tôi và Tuyên ngày càng được bồi đắp. Đặc biệt là Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Hải Phòng có 7 hội viên thuộc phòng khám của Ban Bảo vệ sức khỏe cán bộ thành phố gồm: Bão Vũ, Phạm Ngà, Hồ Anh Tuấn, Lưu Văn Khuê, Tô Ngọc Thạch, Kim Chuông và Thi Hoàng, mà khi còn công tác Nguyễn Thanh Tuyên lại là bác sỹ trực tiếp khám ở đó, nên tình cảm giữa chúng tôi ngày càng sâu đậm.

     Cách đây mấy hôm, được anh gửi cho tập bản thảo qua Email “Nguyễn Thanh Tuyên - Thơ & Cảm nhận”, tôi liền ngấu nghiến đọc một mạch từ trang đầu tới trang cuối. Điều cảm nhận đầu tiên của tôi đó là niềm say mê văn chương của một chàng bác sỹ hào hoa, vừa làm thơ, vừa viết văn xuôi và bình luận văn học. Nhưng về danh chính ngôn thuận thì Nguyễn Thanh Tuyên là một tác giả thơ. Ở đây ta thấy Nguyễn Thanh Tuyên, một thi nhân dung dị, nghiêm cẩn, nhưng cũng thật lãng mạn. Đến nay anh đã cho ra đời 2 tập thơ in chung (Hoa muống biển, Người miệt biển) và 2 tập thơ riêng (Tiếng vọng – NXB Hải Phòng 2003, Nhịp thầm – NXB Hội Nhà văn 2013).

     Mở đầu phần thơ là một âm hưởng buồn đau thấm đẫm bao phủ lên bài “Đừng để vàng rơi”, như lời nhắn nhủ muốn gửi tới bạn bè, người thân và gia đình “Khi sự sống tính bằng giờ bằng phút” với một xúc cảm lặng thầm, chân thành: “Giờ tất bật với nợ nần rất thật. Eo hẹp sức tàn, tích tắc chẳng dừng trôi...”. Lần theo lộ trình với 80 bài thơ trong tập thì có tới 43 bài lục bát, 2 bài thơ 6 chữ, còn lại 35 bài là thơ tự do. Mỗi cái cảm, cái nghĩ được Nguyễn Thanh Tuyên khai khẩn trên cánh đồng thơ với một biên độ mở làm cho dư âm thơ được loang xa tới bạn đọc. Tiêu biểu ở các thi phẩm: Gạo lứt, Khói thuốc lào, Bên biển biếc nhớ đồi sim, Sinh tồn, Lời cỏ sương, Vẩn vơ trên giường bệnh, Dặn con...

     Với những câu lục bát dung dị, nhưng khá tinh tế làm nên những cung bậc cảm xúc bất ngờ: “Mai em về phía sum vầy. Hương vườn quả mọng đơm đầy tiếng chim”(Gạo lứt), hay Tra mồi châm lửa đợi say. Nhẹ tênh mươi kiếp lưu đày nhân gian” (Khói thuốc lào), hay “Ban thờ nhang khói phân vân. Chuông đồng day dứt đường trần nghiêng nghiêng” (Vẩn vơ trên giường bệnh). Khi đọc bài “Sinh tồn” ta thấy một sự sáng tạo, tái tạo giữa “cái thực” là đảo Sinh Tồn ở Trường Sa và “cái mơ” có thật về sự sống khi một sinh linh bé nhỏ ra đời, nhằm kế tục thành quả của công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc. Với câu thơ hồn nhiên, kết cấu chặt chẽ, dễ gần, dễ nhớ thể hiện những xúc cảm của nội tâm khi hình thi, tứ thi và tâm thi được lóe sáng: “Nghẹn ngào đón vừng dương rạng rỡ. Lấp ló ngực tôi. Mặt trời nhỏ. Sinh tồn…”. Hoặc lúc Nguyễn Thanh Tuyên qua chiến trường xưa thì những ngôn ngữ giàu sức biểu cảm được thể hiện qua không gian vừa được giới hạn trong cái vô hạn ở Cổ Thành: “Quảng Trị ơi? Quảng Trị! Ngả mũ nghiêng mình. Trước rưng rưng sắc cỏ. Trước nghẹn ngào cờ đỏ. Dưới trời nằng nặc xanh…” (Quảng Trị). Hay khi đi tìm đồng đội ở chiến trường xưa trong bài “Di vật tình yêu”, với những quặn thắt như tháo từng khúc ruột mình ra mà viết: “AK  kề vai hoen rỉ mất rồi. Vẫn vẹn nguyên túi nilon óng mượt tóc dài. Mấy mươi năm chưa sợi phai sợi bạc. Rừng tái sinh bàng hoàng. Âng ấng sương ngơ ngác”. Nếu được chọn một câu thơ ngắn hay nhất của Nguyễn Thanh Tuyên trong tập thì chắc chắn tôi chọn câu “Âng ấng sương ngơ ngác” vừa hiện đại, vừa giàu hình ảnh và đầy thi hứng...

          Hành trình thơ của Nguyễn Thanh Tuyên được chiêm nghiệm trong những năm tháng dài đằng đẵng bằng cả mồ hôi và nước mắt, đôi khi còn trả bằng máu nữa. Bao con chữ được ra đời đã ôm chứa nhiều tâm trạng với những kết cấu mộc mạc, giản dị mà sinh động. Song cái biên độ cảm xúc của Nguyễn Thanh Tuyên luôn được phát triển cả về bề rộng lẫn chiều sâu, đó cũng chính là kim chỉ nam xuyên suốt con đường sáng tác của anh.

    Tôi quý Nguyễn Thanh Tuyên bởi cái tình, cái đam mê văn chương. Dù đến lúc “cưỡi hạc về Giời” thì Nguyễn Thanh Tuyên vẫn làm thơ, viết văn, nên tôi có đôi dòng lục bát tặng anh: “Hai ta sinh kiếp Giời đày. Xác đêm ăm ắp, xác ngày lưa thưa. Muốn tìm cảm xúc trong mơ. Xây lầu hạnh phúc bên bờ dương gian. Lang bang dọc cánh đồng hoang. Nhặt từng bóng chữ miên man xa vời. Lửa thiêu, ngoảnh mặt vẫn cười. Cháy mình theo gió lên trời... làm thơ...”

                                          Hải Phòng, ngày 09/XII/2016

                                                    N.T