/Cỏn con một sợi lông mày. Mà đem cột trái đất này vào anh/ Thơ Trần Mạnh Hảo

VIDEO

HỖ TRỢ

QUẢNG CÁO

LỊCH

LIÊN KẾT

LÝ LUẬN PHÊ BÌNH

NGƯỜI “LẠC LỐI CA DAO”

Tôi thật sự nâng niu và quý yêu người thơ - Người tri kỷ này - Một hồn thơ mang mạch nguồn mát tươi và loang thấm.

 

                 NGƯỜI “LẠC LỐI CA DAO”            

                                                          KIM CHUÔNG

                            

                 

HẢI ĐĂNG -
(Nguyễn Lự)

 

       - Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Thái Bình

       - Hội viên Hội Nhà Báo Việt Nam

 

   Sinh năm 1944 - Tại Làng Vải, Hòa Tiến, Hưng Hà, Thái Bình

   Cử nhân Kinh tế (1966-1970)  

   Trưởng ban Thư ký Tòa soạn

   Trưởng ban Phóng viên

   Trưởng ban Nguyệt San Báo Thái Bình

   Hiện sống và viết tại T/p Thái Bình

                                   ĐT : 0915.443.286

 

          TÁC PHẨM CHÍNH :

 

-         Lạc lối ca dao

Tập thơ – NXB - Hội Nhà văn Việt Nam -  2015

 

         Gần bốn mươi năm sống, gắn bó với Thái Bình, tôi gặp, quý yêu và kết thân với Nguyễn Lự - Hải Đăng, người trai của đất Hưng Hà. Đất Long Hưng - Đất nhà Trần dựng nghiệp. Đất “thiên hạ vô tri vấn Bảng Đôn.”

          Kỷ niệm thường khó quên. Bởi, kỷ niệm ghim sâu nơi mỗi trái tim người.

         Còn nhớ. Vào đầu “thập kỷ bảy mươi” của thế kỷ trước, tuổi hai lăm, hai sáu, Nguyễn Lự - Hải Đăng vừa tốt nghiệp Đại học. Vừa khoác áo lính, xông pha trong mưa bom bão đạn rồi trở về làm Phóng viên của một tờ Báo Đảng.

         Quả tình, “nhất sinh y thực an bài định.” Nút buộc từ cái Duyên, cái Nghiệp ở đời đã kết gắn Hải Đăng và tôi trong niềm yêu, niềm mê đắm văn chương.

         Hải Đăng làm báo, nhưng trong anh luôn sẵn chứa một vỉa tầng mang vía hồn thi ca, luôn cảm rung, run rẩy. Hải Đăng luôn ngưỡng vọng những áng văn tuyệt tác. Luôn đặt lên nhỡn tiền những quả núi thi ca mà ngắm nhìn. Mà tụng ca. Mà đắn đo, e dè. Mà khiêm nhường, dấu bóng.

         Bởi vậy. Hải Đăng vẫn lặng thầm nghĩ suy. Lặng thầm sáng tác. Những vần thơ anh viết, chứa chan bao ký thác. Những khoảng trống hồn anh vang lên bao trở trăn, để rồi, nơi chính anh, nơi tự anh lại cần được lấp đầy.

        Nhưng, gần bốn mươi năm xa kia, Hải Đăng làm Bá Nha - Tử Kỳ với tôi, ở cái tình cao đẹp. Anh là người luôn khơi nguồn, đốt lửa. Anh thuộc nhiều thơ tôi. Anh luôn “kích” tôi viết và đọc thơ bằng cái chất mê say, chất đa tình, lãng tử. Tôi viết được nhiều hơn cũng có từ tảng đá là anh, đem đến sức va đập ấy …

 

         Tôi nể Hải Đăng ở tình yêu bạn bầu. Ở trang văn nơi cùng anh từng sẻ chia, cảm nhận. Ở một biên tập viên thật quý và hiếm trong một vùng đất, trong một cơ quan báo chí.

          Hải Đăng thẩm thơ khá Sành - Tinh. Rất nhiều năm làm biên tập và Phụ trách trang Nguyệt San của Báo, Hải Đăng vui và tự hào, bởi anh thật nhiệt tâm, nhiệt thành, chọn, giới thiệu được khá nhiều tác giả, tác phẩm hay trên những trang Văn nghệ.

         Hải Đăng đã đóng góp không nhỏ sức mình, trong phát hiện, trong gieo trồng, thử thách cho rất nhiều cây bút ở Thái Bình, đặng làm nên sắc hương, mùa màng trên cánh đồng văn chương, chữ nghĩa.

          Hải Đăng với ý thứctự thức là vậy. Trước “mâm cỗ văn chương” cao sang, đa sắc màu, đa vị…Anh biết. Hoa huệ trắng thơm. Hoa hồng rực rỡ. Nhưng, cái dịu nhẹ của bông nhài thì Cúc đại đóa và cái sắc nhọn của Xương rồng, đâu có được cái  riêng của cái cá thể kia? Ai là muối, mặn mòi vị biển? Ai là hạt phù sa, mát ngọt bãi bồi? Ai là biển, dạt dào sóng vỗ. Ai lặng xanh như mặt nước ao thu?...

           Tôi biết. Bởi, đi từ cái nghĩ như thế, mà Hải Đăng ? Mà, “Lạc lối ca dao” ?…Lẽ ra, đã có mặt trên thi đàn sớm hơn, có thể, từ đôi ba chục năm trước đó. Song, Hải Đăng mải bạc đầu ngóng trông. Bạc đầu chầm chậm đến mình. Bạc đầu khai sáng hồn thơ, gom nhặt gia tài thơ cho mình, trong niềm riêng tri kỷ.

            Biết tài thơ được ông trời phú cho ai kia là ở mỗi trái tim thi sĩ. Hải Đăng biết mình. Biết sở trường, sở đoản. Biết bám chặt vào tạng thơ mình, vào cái gốc của thơ. Để cái Tâm. Cái “Tâm hình chi quân/ Thần minh chi chủ.” Vâng. Cái chính Nó làm sáng dậy mọi hình hài, thi tứ…

           Và. Đi từ dòng chảy ấy, ở “Lạc lối ca dao,” Hải Đăng chọn bài thơ này làm tên sách. Làm tư tưởng chủ đạo. Anh đắm đuối cùng vía hồn dân tộc. Anh đề cao chất trữ tình, chất thi sĩ trong thơ. Anh không cầu kỳ, không độc đáo trong những lát cắt ở sự vật, hiện tượng. Ở cách nhìn, ở phát kiến, lý giải. Thơ Hải Đăng là bờ bến mát lành. Là khoảng xanh. Là vùng trầm xa, nhẹ lắng. Thơ đi từ sức rung. Từ vị ngọt hồn mình mà cất lên khúc hát.

            Viết về Mẹ, về vợ con, về “Lục bát - Lời ru,” về Chiều cuối năm, về Điện Biên, về quê hương Kinh Bắc…Những tự sự, giãi bày, những tái tạo, sáng tạo để có được thế giới thứ hai, trước thế giới hiện thực ngắm nhìn…Hải Đăng thường lấy sự bộn bề để gánh gồng, giải tỏa cái trực giác đầy nặng. Lấy thi ảnh, thi liệu để trưng cất, để bộc bạch niềm mê đắm, suy tư. Lấy cái “Sự,” để “sự sinh ra cảnh. Cảnh sinh tình.” Tình sinh ra bao nhiêu liên tưởng khác.

       Ví như :

       “Trập trùng núi, trập trùng mây/ Tóc em hòa lẫn tóc mây bềnh bồng/… Hoặc : Đồng khoai tây củ hồng lên mặt luống/ Vùng ngô đông bắp vàng lên sắc nắng/ Bèo dâu xanh dẫn lối lúa vào đòng…”

       Đấy là, chút thi vị hóa, nó có từ cái đẹp của cõi hồn thi sĩ. Còn đây, là chiều sâu, có từ độc thoại. Mặc dù, ở “Lạc lối ca dao,” Hải Đăng luôn mải mê phác họa cái bên ngoài, cái bức tranh thế sự. Nhưng, phía loang động chiều sâu, đôi khi cũng lắng thấm thế này :

         Câu quan họ đưa tôi về Kinh Bắc

         Để một đời thổn thức nửa vầng trăng

 

         Hoặc:

         Tóc bạc trắng quầng thâm đôi mắt

         Chỉ nụ cười, trẻ hơn mười năm qua

 

         Có thể thấy, ở “Lạc lối ca dao,” thơ Hải Đăng luôn chảy trên một dòng. Luôn  đồng hiện trên đường băng ở tuyến, chiều sẵn mở. Luôn tựa vào cái gốc của cảm xúc. (Cảm xúc và tự tình là cái Đế nâng dậy mọi hiệu quả, hiệu ứng, nơi chân trời thơ vươn tới).

        Ở “Lạc lối ca dao.” Để biến đổi khác mình. Để thơ kia thực sự là mình khi tuổi đời đã ở vào buổi ứ đầy những sâu xa, trải nghiệm. Hải Đăng viết nhiều. Tự cắt nghĩa nhiều, cái làm cho cuộc đời ta thêm những lần mở mắt. Hải Đăng, nghĩ về Biển, về Rễ, về Phép luân hồi, về Thị Màu, Thị Kính, về Hai phía, về Một mình…Để rồi, anh có những câu thơ tia nắng. Thơ thắp lên cái ý thức trước khoảng tối mung lung của vô thức gọi về :

          Ví như : 

                         Tháng Ba hoa gạo đỏ làng

                         Cuốc kêu cuối Hạ đã khan giọng tình

                       

           Hoặc :

                         Hình như thăm thẳm đất dày

                         Nhỏ nhoi cái kiến mà lay động trời

 

           Hoặc :  

                         Còn đâu chín hẹn, mười chờ

                         Thoắt ban mai, đã bây giờ hoàng hôn

 

            Hoặc :

                          Đời là thế. Và muôn đời vẫn thế

                          Vạn vật sinh tồn với vạn nẻo đi riêng

   

            Và, :

                         Tình đời dâu bể, đa đoan

                         Oan nào so được nỗi oan Thị Màu

                                                            ( vân vân và v.v… )

        Ở “Lạc lối ca dao,” dẫu người đồng hành còn muốn tìm thấy nhiều hơn nữa. Ở, Hải Đăng. Ở, Cái riêng. Ở, giọng điệu. Ở, cách khai thác. Ở, tứ thơ. Ở, những câu thơ thật khái quát, điển hình, thật ám ảnh khi người viết đẩy về tận cùng chớp sáng...

       Song, một Hải Đăng, trong chắt chiu. Trong êm xanh. Trong se sẽ đắp bồi…

      Tôi thật sự nâng niu và quý yêu người thơ - Người tri kỷ này -  Một hồn thơ mang mạch nguồn mát tươi và loang thấm.

 

                   Vĩnh Bảo, Quê Trạng Trình – Tháng Quý Xuân - Ất Mùi, 2015.

                                                                               

                                                                                       K.C