/Cỏn con một sợi lông mày. Mà đem cột trái đất này vào anh/ Thơ Trần Mạnh Hảo

VIDEO

HỖ TRỢ

QUẢNG CÁO

LỊCH

LIÊN KẾT

LÝ LUẬN PHÊ BÌNH

NGHĨ QUA BÓNG NGÀY BIẾN CẢI

Nhưng “Trong bóng ngày đi” là tập truyện ngắn với một đóng góp riêng và quý của Kim Chuông, một thi sĩ trên lĩnh vực văn xuôi.

            LÊ THU THỜI

 

NGHĨ QUA BÓNG NGÀY BIẾN CẢI 

   Đọc “Trong bóng ngày đi” – Tập Truyện ngắn của Kim Chuông –

NXB Hội Nhà văn, quý  I/ 2018

 

       Năm 2005, tôi đã hào hứng đọc và giới thiệu trên Tạp chí Văn nghệ Công nhânNguyệt san Báo Thái Bình cuốn Tiểu thuyết “Nửa khuất mặt người” của Kim Chuông. Tiểu  thuyết hấp dẫn ở tình tiết, sự kiện. Ở nhân vật được xây dựng khá điển hình. Ở vấn đề nhà văn đặt ra thật bao trùm, khái quát trước đời sống xã hội đang hết sức quan tâm.

Đầu năm 2018, sau hơn chục năm, tôi lại được cầm trên tay tập truyện ngắn "Trong bóng ngày đi" của Kim Chuông và thực sự nể phục trước sức lao động của một người cầm bút. 

Với 31 tập sách đã xuất bản, Kim Chuông có 10 tập văn xuôi, (trong đó có hai tập truyện ngắn), khẳng định cảm hứng sáng tạo được tác giả liên tục đắp dầy. Khẳng định sự trường sức ở bước đi và năng lượng kết đọng trên trang viết, sáng tạo.

        "Trong bóng ngày đi," là tập truyên ngắn. Là sự ngắm nhìn, khám phá ba cõi Trời, Đất và Người, mà “cõi Người” là cái lõi được người viết soi nhìn qua “bóng ngày,” qua tháng năm biến cải.         

         Điều đáng nói trước tiên ở tập truyện ngắn này là yếu tố hấp dẫn. Hầu như, ở phần lớn các truyện, Kim Chuông luôn tạo được sức cuốn hút. Là nhà thơ, Kim Chuông đã tựa vào thế mạnh của ngôn từ giàu cảm xúc. Cốt truyện được xây dựng đa tuyến, giàu hiện thực, trải nghiệm.

       Với trên 200 trang sách, Kim Chuông luôn có cách dẫn dắt, vận động linh hoạt, sinh động.

     Truyện ông Kéng trong “Nẻo khuất” là nhân vật lạ, một thời thường gặp ở vùng quê nào đó. Ông Kéng chuyên nghề vó chũm. Ban ngày dấu mình, vẻ lầm lì, ít nói. NhưngHôm nào cũng vậy, khi màn đêm buông xuống, buông vội bát cơm ông Kéng đã vội vã ra đi. Vẫn cái nón lá đội đầu, chiếc quần đùi và đoạn rợ thắt ngang lưng. Trên vai quẩy một túm rọ, chiếc gậy tre cầm tay làm gậy chống, ông Kéng lầm lũi như bóng ma đi khắp xứ đồng. Hình như, những đêm như thế, ông Kéng bỗng tinh nhanh, hoạt bát lạ thường. Thế giới sương sa, khuya khoắt mới là đời sống mê say, hoà nhập của ông...”

       Một thân phận người tự đày đọa gió sương, chịu đói, chịu khổ, làm lụng, nuôi vợ, nuôi con, ốm đau không dám uống một đồng xu thuốc. Kiếm được đồng tiền chỉ ki cóp, im lặng dấu vào hốc kín cột nhà. Để khi mất, bà Mẽ, vợ ông phải gào lên, kêu khóc. “Bà nhìn xác ông Kéng nằm đó. Nhìn những đồng tiền mỏng manh, nhàu nát, mà gào lên: “Giời ơi. Đây là những mảnh đời, những tháng năm của chồng tôi dứt ra, rụng rơi khắp chân đê, bờ ruộng. Đấy là những giọt mồ hôi, nước mắt, những mảnh đêm sương sa, gió rét. Những lần ốm gần đất, xa trời. Bà Mẽ nghèo nhưng đâu cần thứ ấy ? Bà thương yêu, một đời chung sống với ông nhưng làm sao hiểu hết. Thì ra, đây là một cuộc chơi. Một kiểu chơi riêng biệt của ông. Của một thân phận người có mặt trên cõi thế. Người giàu tiền của, họ chơi tường hoa, sân gạch, chơi mua quan, bán tước, chơi cờ bạc , rượu chè… Còn ông, cả đời nhịn đói, nhịn khát, thắt lưng, buộc bụng, ông là người thích chơi bằng mồ hôi, nước mắt, chơi bằng khổ đau, gian lao, vất vả đời mình …”

Thật chí lý. Cái chiều sâu của tự thức, của triết lý cuộc đời mà Kim Chuông đã nhìn ra từ đấy, từ một kiểu người trong “Nẻo khuất” đời người..

 Ở "Lão Hỳ mặt nạ," câu truyện là một phát hiện mang chiều sâu ở một góc nhìn khác. Hỳ là dân vô gia cư về ngụ cư bên “gốc đa ông Sắn.” Vào cuối cuộc đời mình, Hỳ đem cả chuỗi ngày buồn vui tẻ nhạt, đi bán mặt nạ, làm trò vui cho thiên hạ, kiếm chút nuôi thân. Biết bao ngày lang thang khắp làng quê, kẻ chợ. “Lần nào cũng vậy, khi đã bán hết gánh mặt nạ trên vai. Tay Hỳ chỉ còn một chiếc gậy chỏng chơ. Như mọi lần, hết mặt nạ. Chẳng ai thân thiện với Hỳ nữa. “Ừ. Hỳ còn gì để  cho đám đông rồng rắn đi theo ?  Còn gì đâu ở cái mặt thật Lão Hỳ. Đời Hỳ buồn, nhạt toẹt. Một khoảng tối hay ít, dở nhiều. Một dòng nước mắt cuả một gã đàn ông. Một thân kiếp lạc đường, đi lang thang, lẻ bóng trên mịt mờ mặt đất…” 

       Hỳ vừa đi vừa nghĩ. “Ừ. Hết mặt nạ rồi. Chỉ còn cái mặt thật của thằng Hỳ thôi đây! Chán quá phải không? Ừ. Chỉ còn thằng Hỳ. Ông Trời sinh ra nó. Từ miền ngược chạy về ngụ cư bên “gốc đa ông Sắn” rồi trốn chạy. Rồi, bây giờ thì lang bạt kỳ hồ với gánh hàng mặt nạ như thế…”

          Buồn quá, hai chân đi như chạy về phía con đê xa tít. Tới “gốc đa ông Sắn” thuở nào, Hỳ đứng lại, ngửa cổ lên trời cười vang. Tiếng cười của Hỳ vọng mãi vào chân đê, bến nước. Nhưng, lạ thay, sau chuỗi cười vừa dứt,  đôi mắt Hỳ bỗng nhòe đi. Hai gò má ướt đầm giọt nước.

Vẫn lấy sự sâu sắc ở phát hiện, kiến giải, ở chiều lặng chìm của giá trị nhận biết, giá trị tư tưởng, Truyện “Trong bóng ngày đi” được lấy làm tên sách là nhân vật Phác, một Bí thư Đảng ủy ở một vùng quê thời các hợp tác xã đang hợp nhất, tiến lên trong công cuộc sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa. Ông Phác hiền lành, đạo đức. Không bè cánh, tham ô. Nhưng, “chiến tích” đáng ghi nhận của đời ông là những ngày chiến tranh, giặc dã. Ông ít học. Trình độ tổ chức, lãnh đạo kém. Ông thương người đến nỗi, đứng ra vơ vào mình cả tội xấu, tội “hủ hóa” nhằm cứu lấy người anh em là cán bộ trẻ, có tài đang bị các phe cánh tìm cách “tiêu diệt.” “Có nhiều ý kiến ra mặt bênh vực. Phải giữ lấy ông Phác. Sẽ chẳng bao giờ còn người tốt như ông Phác trên đời. Nhưng, đa phần lại vặc lại. Phải vất đi. Phải phế bỏ  ông Phác. Ông Phác tốt đấy, nhưng cổ lỗ rồi. Quá khứ là gì? Truyền thống là gì?  Truyền thống tốt đẹp thật. Nhưng không phải bất cứ lúc nào, chỗ nào cũng bê nguyên si cái truyền thống sù sì như thế đặt lên con đường trước mặt. Tai hại thật. Vô tình nó đã hoá thành vật cản của con đường chúng ta đang đi tới…”

          Rồi, “Ông Phác không có tội, nhưng ông bênh vực, bao che cho kẻ có tội, nghĩa là, ông có tội. Nhiêu còn, (Nhân vật đang bị đánh) thì cái xấu, cái ác vẫn còn. Thế đấy, ông hiểu chứ?...”

         Truyện ông Phác còn hay ở chi tiết, ông Phác tuổi cao, “cổ lỗ” rồi. “Nhận tội xong, ông Phác bỏ hội nghị về nhà nằm vật xuống giường. Có tới hai ba ngày ông chỉ ăn chút cơm, người ông sọm lại. Ai hỏi, ông  trả lời buồn thỉu. “Các bố phức tạp bỏ mẹ. Anh em, đồng chí với nhau lại bè phái, âm mưu ăn thịt nhau như thế. Nhiêu còn trẻ, có tài. Để Nhiêu lại. Có phế bỏ thì phế bỏ cái thằng tôi này này. Mà các bố lạ nhỉ. Họ thích nhau, có chửa à ? Tội xấu à ? Tôi nhận. Tôi xin gánh nhận. Chỉ mong cô Thơ đừng chửi tôi. Vì cô Thơ trẻ đẹp. Tôi già xấu. Nếu gọi đó là tội, là tai hoạ, thì tội này, giống như người đi trên máy bay bị tử nạn rơi xuống, chứ không phái kẻ hèn kém lội xuống ao móc bùn mà bị đâm phải cọc tre…”

  Ở các truyện “Gió độc, Người viết lời thơ điếu, Quán chiều, Vợ chồng ông Thếnh, Bóng ngày, Cậu Quýnh lấy vợ” ... Nhân vật quen thuộc của Kim Chuông là người quê kiểng, người của một thời. Về nhân vật, Kim Chuông đã xây dựng được những nét nổi bật, mang tính điển hình, tạo ấn tượng mạnh. Truyện  của Kim Chuông có không gian riêng, đưa người đọc đến cõi tư duy riêng. Đặc biệt ở những đoạn mô tả, nó có được cái đa nghĩa, đa tầng mà gợi. Nhất là, những mảng, hoặc thoáng chợt trong những đoạn ở câu chuyện ái tình, nhưng không rơi vào trụi trần, đôi khi có vẻ hài, dí dỏm mà đẹp.

Cái “Huyệt” ở mỗi truyện, cũng là “cái huyệt” trong cách nhìn, cách nghĩ, cách khám phá vào tầng sâu mang lốc xoáy, mang vệt loang của “những lần Nhà văn cùng Cuộc đời Mở mắt” (Chữ của Kim Chuông) Đó mới là vai trò thứ nhất, cũng là sứ mệnh lớn nhất của người cầm bút mà Kim Chuông đã ý thức khám phá và thắp sáng trên trang viết của mình.

Có thể, còn những hạn chế ở đề tài, kết cấu và những thi pháp khác đòi hỏi ở một thể loại đặt ra của văn chương. Nhưng “Trong bóng ngày đi” là tập truyện ngắn với một đóng góp riêng và quý của Kim Chuông, một thi sĩ trên lĩnh vực văn xuôi.

                                                                            Thái bình, Xuân 2018

                                                                                      L.T.T

 L.T.T

Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật TháiBình