/Cỏn con một sợi lông mày. Mà đem cột trái đất này vào anh/ Thơ Trần Mạnh Hảo

VIDEO

HỖ TRỢ

QUẢNG CÁO

LỊCH

LIÊN KẾT

LÝ LUẬN PHÊ BÌNH

MỘT TIỂU THUYẾT ĐÁNG ĐỌC

Sự hấp dẫn ở đây khác với sự hấp dẫn ở những tác phẩm đề tài khác, nên có thể nói Cao Năm đã vượt qua được thử thách về sự hấp dẫn.

MỘT TIỂU THUYẾT ĐÁNG ĐỌC

(Về “HAI NGÀY VÀ MÃI MÃI” của Cao Năm, Nxb Hội Nhà văn, 2014)

 

                                                       LƯU VĂN KHUÊ

 

    Chúng ta đều biết, năm 1946 Chủ tịch Hồ Chí Minh sang Pháp với tư cách  thượng khách của Chính phủ Pháp. Người gặp gỡ các chính khách và tiếp xúc với kiều bào ta, đồng thời theo dõi và chỉ đạo công việc của phái đoàn do Phạm Văn Đồng dẫn đầu dự Hội nghị Phôngtennơblô (Fontainebleau). Hội nghị diễn ra căng thẳng, hai bên  không đạt được thỏa thuận nào và phải ngừng. Trước tình hình đó Hồ Chủ tịch đã gửi công hàm cho Chính phủ Pháp đề nghị hai bên trở lại đàm phán, nhưng phía Pháp không đồng ý. Chiến tranh là điều không thể tránh khỏi, để thêm thời gian hòa hoãn, chuẩn bị cho cuộc kháng chiến, ngày 14/9 Hồ Chủ tịch đã ký Tạm ước với Chính phủ Pháp, sau đó rời Pari đi Tulông, để ngày 18/9 theo chiến hạm Đuymông Đuyếcvin (Dumont d'Urville) về nước. Theo Bác về nước chuyến đó còn có một số trí thức kiều bào như bác sĩ Trần Hữu Tước, kỹ sư Phạm Quang Lễ (Trần Đại Nghĩa)... Ngày 20/10 Bác về đến bến Ngự, Hải Phòng và lưu lại đây hai ngày.

     Cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh là nguồn cảm hứng dường như vô tận của văn học nghệ thuật, đã nhiều tác phẩm về Người nhưng các sự kiện cùng sử liệu liên quan và gắn bó với hoạt động của Người vẫn còn chờ đợi các văn nghệ sĩ khám phá và sáng tạo. Nhà thơ Chế Lan Viên có lý khi viết: "Với đất nước sinh ra mình, Bác vẫn là điều bí mật/ Một thế hệ, vài thế hệ, chúng ta chưa đủ hiểu hết Người". Chưa tác phẩm văn học nghệ thuật nào về những ngày Bác vất vả theo tàu Latútsơ Tơrêvin (Amiral Latouche Tréville) cập các cảng châu Phi, những năm Bác bươn trải ở Pháp để tìm đường cứu nước, những năm tháng vui buồn ở Liên Xô, lúc trải qua các nhà giam ở Quảng Tây, Trung Quốc, khi hoạt động ở Xiêm... Và mùa Thu năm 1946 Bác ngày đêm theo dõi Hội nghị Phôngtennơblô, ngoài những thước phim tài liệu do Mai Trung Thứ quay tại Pari ([1]), chưa tác phẩm nào về sự kiện này, cũng chưa tác phẩm nào nói tới hai ngày Bác lưu lại Hải Phòng trước khi về Hà Nội. Thế nên thật trân trọng khi nhà văn Cao Năm đã góp phần bù đắp được ít nhiều "khoảng trống" đó qua tiểu thuyết Hai  ngày và mãi mãi.

     Nói về bộ phim Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông (biên kịch: Hữu Mai; đạo diễn: Nguyễn Khắc Lợi, Viên Thế Kỷ) một bài báo viết: "Những người làm phim đứng trước thử thách cực kỳ lớn là vừa phải đảm bảo chính xác, chân thực, nghiêm túc, vừa phải hấp dẫn". Đấy cũng là vấn đề đặt ra với bất kỳ tác phẩm văn học nghệ thuật nào về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nếu phụ thuộc vào tư liệu, không mạnh dạn sáng tạo sẽ chỉ cho ra đời những tác phẩm minh họa, ở văn học may chăng có được truyện ký chứ khó có nổi tiểu thuyết. Nhưng thoát ly quá xa sự thật và tư liệu, tưởng tượng thiếu căn cứ, tác phẩm sẽ thiếu tính trung thực. Đấy là chưa nói đến sức hấp dẫn, điều không thể thiếu của văn học nghệ thuật. Nghĩa là ở đây sẽ gặp phải vấn đề hư cấu ở tác phẩm về đề tài lịch sử, lại là lịch sử chưa xa, được nhiều người chứng kiến, báo chí không ít lần đề cập đến. Dĩ nhiên trong từng trường hợp, từng tác phẩm cụ thể mức độ thử thách có khác nhau. Sơn Tùng viết Búp sen xanh hay Hồ Phương viết Cha và con được rộng cửa hơn trong hư cấu, do các ông viết về thời thơ ấu của Bác mà nhiều chuyện có thể nói ít nhiều đã mang tính huyền thoại; cũng Sơn Tùng khi viết kịch bản phim Hẹn gặp lại Sài Gòn (đạo diễn: Long Vân), hay với những người làm phim Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông "cánh cửa" có hẹp đôi chút, song vẫn còn khá rộng cho trí tưởng tượng được bay bổng; hẹp hơn nữa là với Hoài Giao khi viết vở kịch Lịch sử và nhân chứng và chính Cao Năm với Hai ngày và mãi mãi do sự kiện dường như chưa xa, đã trở thành bài học lớn và không bao giờ cũ trong việc chèo lái con thuyền đất nước những lúc nguy nan. Riêng Cao Năm còn gặp phải thử thách nữa do tự anh lựa chọn khi mục đích viết về hai ngày Bác lưu lại Hải Phòng, thời gian ấy quá ngắn, sự kiện không nhiều, khó cho tác giả khi dựng thành tiểu thuyết.

     Mừng là Cao Năm biết cách vượt qua thử thách, bằng công phu trong tìm tòi, khai thác, sử dụng và thể hiện tư liệu, kết hợp hài hòa giữa sự thật và hư cấu;  bằng cách thức dựng truyện với những liên tưởng nhuần nhuyễn, xen kẽ hợp lý chuyện về Bác và chuyện của quần chúng những ngày chuẩn bị đón Bác và hai ngày Bác lưu lại cùng nhân dân miền biển.

     Chuyện hai ngày tháng 10/1946, nhưng không hẳn là chuyện quá khứ, mà là chuyện hôm nay và mãi mãi. Điều đó không chỉ ở ý nghĩa của tác phẩm mà ở chính nội dung, ở cách tác giả đưa quá khứ về với hiện tại: Mở đầu là đứa cháu đi học về khoe với ông năm học này được ngồi ở căn phòng ngày xưa Bác Hồ đã nghỉ. Phần chính là những gì người ông kể cho cháu về Chủ tịch Hồ Chí Minh và xung quanh sự kiện Bác trở về Tổ quốc năm 1946. Kết thúc trở lại chuyện giữa hai ông cháu, đứa cháu kể với ông được đọc ở ga tấm biển ghi lại nơi Bác rời Hải Phòng để về Thủ đô bằng xe lửa, ngày 21/10/1946.  

     Ghi nhận đầu tiên ở Cao Năm là sự thận trọng, tính nghiêm túc và cầu thị trong tiếp cận tư liệu. Từng có nhiều bài viết về "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", đã hai lần, năm 2012 và 2014, được giải thưởng cuộc thi viết của báo Nhân Dân về chủ đề này, năm 2005 xuất bản tập Lời Bác sáng lòng ta gồm hơn 30 bài, nghĩa là đã có sự hiểu biết khá sâu rộng, nhưng để viết tiểu thuyết Hai ngày và mãi mãi Cao Năm vẫn tìm đến các nhà sử học để được cung cấp thêm tư liệu, trong đó quý nhất là báo Dân Chủ những năm 1945, 1946. Nhờ vậy tác giả đã đưa được vào tác phẩm những sự kiện, những con người ít được chúng ta biết tới và do đó, đảm bảo được sự chân thực về bản chất, cùng với hư cấu đã làm những gì tưởng chừng khô khan, thuần chính trị, trở nên khá sinh động.

     Về hư cấu, tác giả phân định và áp dụng hợp lý ba cấp độ. Các sự kiện và nhân vật lịch sử như Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đácgiăngliơ, Moóclie gần với sự thực hơn cả. Những nhân vật như Vũ Quốc Uy, Trần Thành Ngọ, Nguyễn Xuân Nguyên, Thi Sơn, Nguyễn Sơn Hà, Lê Đại Thanh do được coi là nhân vật lịch sử của Hải Phòng ([2]) nên hư cấu chủ yếu qua công việc của họ. Với cô Thanh, vợ chồng Muôn - Lếnh, bà Gừng... giàu hư cấu hơn cả nên ít nhiều đã trở thành nhân vật có tính cách.

    Bác ở Hải Phòng hai ngày, do hầu hết những nơi thuộc "khu phố Tây" dọc theo bờ nam sông Cấm bị Pháp chiếm đóng, nên Người được bố trí nghỉ tại nơi vốn là trường học (nay là trường Tiểu học Minh Khai, quận Lê Chân), nằm sâu trong khu vực do ta kiểm soát. Tại đây Bác đã làm việc với chính quyền thành phố, gặp gỡ và nói chuyện với nhân dân đến thăm và tới một số nơi trong nội thành. Nhưng câu chuyện trong Hai ngày và mãi mãi không bó hẹp trong hai ngày, tác giả đã mở rộng không gian và thời gian bằng các chiều liên tưởng, nên người đọc còn thấy được quá trình bôn ba tìm đường cứu nước của Bác: Qua ông Mai người cùng làm thủy thủ với Bác trên tàu Latútsơ Tơrêvin nghe tin Bác về đến Hải Phòng đã tới thăm Bác tại nơi Người nghỉ; qua ông Luân người từng ở bên Pháp và được đọc báo Người cùng khổ (Le Paria); qua nhà giáo, nhà thơ Lê Đại Thanh, người có những năm dạy học ở Nước Hai, Cao Bằng nói về báo Việt Nam độc lập và bức vẽ "Việt Nam độc lập thổi kèn loa" độc đáo của Bác... Cũng bằng liên tưởng chuyện những bãi biển đẹp của nước ta, chuyện xây dựng Nhà hát Lớn Hải Phòng, kênh Vành Đai và sông Lấp... Rồi chuyện Nhật đảo chính Pháp, có những người Pháp đã được nhân dân ta cứu giúp, chuyện Trần Thành Ngọ bị mất hai ngón tay trong lần thử lựu đạn ở xưởng quân giới Trại Lẻ, chuyện đội Bấu xấu cứu quốc... đã giúp người đọc hiểu biết thêm về đất nước và thành phố. Tất cả đều được "tiểu thuyết hóa". Đó là những ngày Bác trên tàu Đuymông Đuyếcvin và trên đường về nước tàu ghé qua Cam Ranh, Bác về đến bến Ngự  được nhân dân mừng đón trọng thể, Bác sang đền Nghè thắp hương nữ tướng Lê Chân, Bác căn dặn nhân dân miền bể... Đó là sự lo lắng và bận rộn của những người trong Ủy ban chuẩn bị đón và bảo vệ Bác; sự vui vẻ của vợ chồng Nguyễn Sơn Hà khi nhận lời đồng ý để Tuytan, phái viên của Chính phủ Pháp cùng đi với Bác trên tàu Đuymông Đuyếcvin nghỉ ở nhà mình; là không khí "rất văn nghệ" tại Nhà thông tin khi họa sĩ Lê Việt vẽ chân dung Bác, nhạc sĩ Hoàng Phú hát Cảm tử quân, nhà thơ Lê Đại Thanh đọc thơ ca ngợi Cha già của dân tộc; là chuyện cụ Thi Sơn đại diện cho Hội Phụ lão cứu quốc Hải Phòng lên Hà Nội gặp Hồ Chủ tịch. Đó là chuyện vợ chồng Muôn - Lếnh tất bật và náo nức làm cờ đỏ sao vàng để đón Bác, là những dòng về nỗi xôn xao của Thanh - cô hàng xén ở chợ Sắt, mỗi khi nghĩ và nhắc đến Trần Thành Ngọ người mình cảm mến và thầm yêu trộm nhớ; đặc biệt là chuyện bà Gừng hàng nước từng cứu Tuytan hồi Nhật đảo chính và nuôi  giấu Tuy (bà Gừng gọi thế) trên gác lửng trong nhà tới 5 tháng trời cho tới tận Tổng khởi nghĩa tháng Tám, việc Tuytan lần này trở lại Hải Phòng mang theo cả vợ cốt tìm được bà để cảm ơn... Có thể nói Cao Năm khá khéo trong dựng truyện, hòa quyện nhuần nhuyễn hư với thực, bởi với không biết bao nhiêu sự việc và con người như vậy nếu không biết cách "gắn kết" hợp lý sẽ gây cho người đọc cảm giác về sự "lắp ghép". Chỉ nêu một ví dụ về cái khéo ấy: Chiều hôm trước Bác về đến Hải Phòng, đêm Người khó ngủ, mờ sáng đã nghe thấy tiếng còi đánh thức nhân dân dậy tập thể dục. Bác nói với lãnh đạo thành phố đưa Bác đi thăm phố xá, dọc đường thấy ít người tập, Bác bảo như vậy là hình thức, lại kéo còi sớm quá làm mất giấc ngủ nhiều người. Bác cháu đi dọc dải trung tâm thành phố, và... Cao Năm đã không bỏ lỡ cơ hội mượn lời Vũ Quốc Uy kể với Bác để nói về quá trình hình thành kênh Vành đai và sông Lấp.

     Nổi bật trong tác phẩm là hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, qua những đối đáp với các sĩ quan Pháp; qua cuộc gặp gỡ, tiếp xúc với lãnh đạo và nhân dân, hiện lên hình ảnh người đứng đầu đất nước đầy bản lĩnh trong lúc nguy nan, vị cha già đáng kính, gần gũi, giản di và ân cần. 

     Có những chuyện trong quá khứ lâu nay khá "tù mù" với chúng ta, gần đây nhờ sách báo đã dần được sáng tỏ. Như Hội nghị Phôngtennơblô, ta chỉ hiểu đại khái là bàn về mối quan hệ Việt - Pháp, giờ mới biết mấu chốt của vấn đề là Pháp muốn tách Nam Kỳ khỏi lãnh thổ Việt Nam, lý do ngày trước là xứ thuộc địa chứ không phải bảo hộ. Pháp cũng muốn điều gần như tương tự với Hà Nội và Hải Phòng, hai nơi trước đây vận hành theo "luật Tây". Nhưng chúng ta không đồng ý nên hội nghị không đạt được thỏa thuận nào. Cao Năm góp phần làm sáng điều đó: ngày 31/5 Hồ Chủ tịch đi Pháp thì ngay hôm sau, 1/6 Pháp tuyên bố "Nam kỳ tự trị" và cho ra mắt "Chính phủ Nam Kỳ"! Hoặc chuyện cụ Mai, tác giả dành hẳn nửa trang chú thích: Lâu nay cụ Mai vẫn được hiểu là "ông già Thuyết", trong khi ở Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch (của Trần Dân Tiên) viết là Mai. Tác giả ngờ rằng Thuyết là "tên cúng cơm" của cụ Mai. Cao Năm "muốn dùng tên cụ ngày ở trên tàu là Mai, để có sự kết nối với cuốn sách vừa dẫn (cuốn Những mẩu chuyện...) chứ không có ý gì khác" ([3]). Trong viết lách, đặc biệt ở nghiên cứu phê bình có hiện tượng "ăn theo, nói leo" nghĩa là không từ tài liệu gốc, hoặc không thể có được tài liệu gốc nên thấy người trước nói nghe xuôi tai liền dựa vào đó mà nói, vậy nên từng xảy ra những điều đáng tiếc. Ở đây thấy được sự thận trọng của Cao Năm, đã viết về những nhân vật có thật phải hoàn toàn có sở cứ, còn bán tín bán nghi thì nói rõ băn khăn của mình.

     Cuối cùng, thể nào cũng có người đặt câu hỏi: Hai ngày và mãi mãi rõ ràng là bổ ích nhưng đọc có hấp dẫn không? Như trên đã nói, điều này từng là thử thách đối với những người làm phim Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông với bất kỳ tác giả, tác phẩm nào đề cập đến hình ảnh lãnh tụ Hồ Chí Minh. Điều đó cần được hiểu thấu đáo: Sự hấp dẫn ở đây khác với sự hấp dẫn ở những tác phẩm đề tài khác, nên có thể nói Cao Năm đã vượt qua được thử thách về sự hấp dẫn.

     Hai ngày và mãi mãi là một tiểu thuyết đáng đọc./  

 



([1]) Mai Trung Thứ (1906-1980) người làng Do Nha (nay thuộc xã Tân Tiến), huyện An Dương, thành phố Hải Phòng. Một trong 6 sinh viên khóa I (1925-1930) trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Năm 1936 sang định cư ở Pháp. Đầu năm 1946 gửi về nước bộ phim tài liệu ủng hộ Chính quyền cách mạng "Sức sống của 25.000 kiều bào tại Pháp" do ông quay; mùa thu năm này lại ghi được hình ảnh và hoạt động của Hồ Chủ tịch và phái đoàn Phạm Văn Đồng, tháng 1/1974 ông về thăm Tổ quốc, tặng lại những thước phim quý này cho đất nước.  

([2]) Thư viện Hải Phòng có bộ sách Nhân vật lịch sử Hải Phòng, đã xuất bản 3 tập, những nhân vật kể trên đều có mặt trong bộ sách này, một số nhân vật đã được đặt tên cho đường phố.  

([3]) Về ông Thuyết (Lê Văn Thuyết, Léon Thuyết), xin xem thêm Nhân vật lịch sử Hải Phòng, tập II (Thư viện Hải Phòng tổ chức biên soạn - NXB Hải Phòng, 2001).