/Cỏn con một sợi lông mày. Mà đem cột trái đất này vào anh/ Thơ Trần Mạnh Hảo

VIDEO

HỖ TRỢ

QUẢNG CÁO

LỊCH

LIÊN KẾT

LÝ LUẬN PHÊ BÌNH

HÀNH TRÌNH TÌM CHÂN PHƯỚC

Và với cách tư duy khoa học triết luận sâu sắc trong hành văn, “Sống trong Bí tích” đem lại cho người đọc không chỉ cảm hứng đọc, sẵn lòng cảm thông chia sẻ, mà còn cho ta cảm nhận tinh tế về chân phước tôn giáo không chỉ là của Thiên Chúa giáo.

HÀNH TRÌNH TÌM CHÂN PHƯỚC

     Nhân đọc cuốn tiểu thuyết “Sống trong Bí tích” của KHIẾU QUANG BẢO – Nxb Hà Nội 2015

     PHẠM THỊ THU HOÀI

 

         Tôi được đọc cuốn tiểu thuyết này chậm và kỹ. Bởi đề tài công giáo là khu vực hạn hẹp. Đọc xong, alô chúc mừng tác giả và nói vui: “Sang thu rồi mà cỏ vẫn xanh”, lại là xanh ngắt. Bởi Khiếu Quang Bảo đã viết “Hồi còn trẻ cứ nghĩ mình là gió. Va vấp rồi được đời dạy khôn mới nhận ra ta nên là cỏ”.  7 năm in liền 7 cuốn sách, lại ở cái tuổi không còn trẻ.

      Tựa vào các Phép bí tích của Thiên Chúa giáo, nhà văn Khiếu Quang Bảo đã phục dựng một bối cảnh Công giáo Việt Nam với hai nhân vật chính, một Nhà báo có đạo và một Thạc sĩ thần học ngoại đạo, họ chênh nhau nửa thế hệ, và với những quan niệm về chân phước giáo, họ làm sáng tỏ chân-thiện-mỹ trong những tín điều. Cùng một hệ thống nhân vật bao quanh họ mang những số phận có cả chung lẫn cá biệt, phần lớn đa đoan day dứt, có đặc trưng trung thành với giáo lý cũ, cùng lớp mới tư duy khoa học có lý trí hơn, họ vật vã lý giải những tín điều của đạo Chúa trên chặng đường tiến hóa của nhân loại nói chung và sự phát triển của dân tộc Việt nói riêng.

      Bằng sự thông hiểu và trải nghiệm trong nghề báo chuyên nghiệp gần hết cuộc đời của nhà báo Đỗ Hoàng, cùng với tri thức thần học triết luận của nhà khoa học trẻ Nghiêm Đa Nguyên luôn trong tâm thế phản biện, cộng với một thế hệ linh mục được đào tạo hậu Công đồng Vatican II mà khởi xướng là Giáo hoàng Giăng Pôn II chủ trương gắn đạo với đời, lấy đạo dạy đời và lấy đời nuôi đạo, nên các điều răn và phép bí tích của đạo Chúa đã được cởi mở dần cho phù hợp với tiến bộ nhân loại nếu không muốn Giáo hội Thiên Chúa tụt hậu ít nhất cũng nửa thế kỷ.

      Viết về Công giáo ViệtNamlà một đề tài khó. Rất ít nhà văn am tường. Hoặc giả quan trọng hơn nó vốn là vấn đề nhạy cảm.
.
 

      Được truyền vào ViệtNamtừ đầu thế kỷ XVII, Công giáo có một chiều dài ngắn ngủi so với Phật giáo. Nhưng trong ba thế kỷ tồn tại ở một đất nước đa số dân chúng ít nhiều theo Phật giáo hoặc chịu ảnh hưởng sâu sắc từ Phật giáo, thì sự tồn tại bền bỉ của Công giáo không tránh khỏi tạo ra ấn tượng tương tranh tương khắc với môi trường văn hóa bản địa. Không ít người Việt kể cả trí thức  khi nhắc tới Công giáo là nghĩ tới thời kỳ người Pháp truyền bá Công giáo song song với thôn tính và đô hộ. Những ấn tượng đó có lẽ vẫn còn là vết thương chưa lành miệng. Nhưng chưa lành có thể còn vì lý do chung hơn, đó là sự không thông hiểu dẫn tới không thông cảm giữa người với người trong và ngoài Công giáo. Lại có số ít chức sắc Công giáo chưa thực sự sống trong lòng dân tộc. Vì thế dễ mang tâm lý phán xét, quy tội, xây cao thêm các rào cản.

      Tiểu thuyết “Sống trong Bí tích” của nhà văn Khiếu Quang Bảo đã đem lại cho người đọc sự thông hiểu về Công giáo Việt Nam tồn tại như một bộ phận không tách rời khỏi cộng đồng xã hội. Đó là những giáo hữu và các hàng giáo phẩm đã cùng dân tộc tham gia kháng chiến chống ngoại xâm và xây dựng quê hương. Đó là các linh mục thế hệ mới năng động và sáng tạo xử lý tinh tế giữa lề luật Hội Thánh và thực tế cuộc sống giáo dân “đạo mà rất đời”, vừa khai phá vừa khai hóa những tín điều cổ hủ. “Sống trong Bí tích” cho người ta thấu hiểu kể cả những người làm quản lý văn hóa có cách nhìn rộng hơn, một cái nhìn khác, đó là cùng với đức tin thì cộng đồng người Công giáo ở Việt Nam đã tạo ra bản sắc văn hóa riêng cho cộng đồng mình trong bản sắc chung của Văn hóa Việt Nam đương đại. Để từ đó tôn trọng nhau hơn, khoan dung hơn trong mọi ứng xử, có thái độ đúng trong việc bảo tồn các di sản. Theo tâm sự, thì Khiếu Quang Bảo ấp ủ đề tài này nhiều năm. Cho tới cuối năm kia khi Giáo hoàng Francis có Sứ điệp với Tông huấn Ngài mong muốn “Giáo hội cần bầm dập tổn thương và bụi bặm trên đường phố, còn hơn là một Giáo hội không khỏe khoắn do nằm trong vỏ ốc và khư khư giữ lấy sự bình an cho bản thân”. Tông huấn ấy làm tác giả nhớ tới bài số 8 trong tập thơ “Lời dâng” của nhà thơ Tago: “Mặc áo Hoàng tử đeo ngọc quý quanh cổ / Con sẽ mất hết hứng thú lúc chơi đùa / Áo làm vướng vít từng bước chân đi”. Và ông quyết tâm viết “Sống trong Bí tích”.

      Hình như cuộc đời làm báo chuyên nghiệp của Khiếu Quang Bảo đã có sẵn những nhân vật gần như nguyên mẫu, với những sự kiện có thật, sống và hoạt động trong không gian lịch sử của từng giai đoạn, nên ông ít phải hư cấu. Đấy là cảm nhận. Dẫu sao nó vẫn là những điển hình.

      Hình như ông am tường Công giáo như một tín đồ Công giáo toàn tòng.

      Và hình như quan điểm của ông về Công giáo đồng điệu với Thạc sĩ thần học Nghiêm Đa Nguyên khi ông cho anh ta tuyên ngôn “Chúa Giesu là một nhà cách mạng ái hữu. Nhưng ở thời loài người còn mông muội Giesu phải tô vẽ màu sắc thần quyền cho học thuyết của mình. Con không tin là có Thiên Đàng cực lạc. Nhưng nó lại là cõi mộng mơ cho loài người nỗ lực hoàn thiện nhân cách sống”. Và, “Nếu Adam-Eva không mắc tội ăn trái cấm để rồi phải phạt xuống trần gian, thì bây giờ loài người sống trên Thiên Đàng vẫn là loài động vật ngu si đần độn chỉ biết ăn bám ăn sẵn sản vật Chúa Trời ban, chẳng tự làm ra một thứ gì dù chỉ là bé tí tẹo như cái tăm”.

      Với việc xây dựng những nhân vật đầy cá tính và bản lĩnh, va đập nhau khi âm thầm lúc công khai, ứng xử có tiểu xảo đại xảo vừa kín vừa lộ. Với những tình tiết truyện tưởng đời thường nhưng bất thường, xen lẫn cổ xưa và hiện đại, vừa tức cười lại cũng muốn khóc, làm người ta suy tư và day dứt. Và với cách tư duy khoa học triết luận sâu sắc trong hành văn, “Sống trong Bí tích” đem lại cho người đọc không chỉ cảm hứng đọc, sẵn lòng cảm thông chia sẻ, mà còn cho ta cảm nhận tinh tế về chân phước tôn giáo không chỉ là của Thiên Chúa giáo.     
PTTH