/Cỏn con một sợi lông mày. Mà đem cột trái đất này vào anh/ Thơ Trần Mạnh Hảo

VIDEO

HỖ TRỢ

QUẢNG CÁO

LỊCH

LIÊN KẾT

LÝ LUẬN PHÊ BÌNH

Đến với một bài thơ "Thu về đây với biển"

Mùa thu và trăng thu thật đẹp, thật say đắm, được nhìn bằng con mắt của người thơ yêu công việc, yêu nghề,
Phúc Nguyên
 
 
 Đến với một bài thơ "Thu về đây với biển"
 
 
Hè qua không ngoái lại
Để mơ xanh lạnh lùng
Hoàng hôn chìm trong mộng
Ánh ngà vây vây quanh
 
Nắng đi xéo vào vườn
Rộm rám vàng trái bưởi
Ngày vẫn oi oi nồng
Quất vào vòm đêm tối
 
Mùa thu vàng se sẽ
Chợt đến tự bao giờ
Trăng mải mê phết nhũ
Mây lạc đường bơ vơ
 
Gió gầy đang thao thiết
Gom dòng lệ nhạt nhòa
Để nối trời và đất
Sợi tơ tình phôi pha
 
Thu về đây với biển
Xốn xang lòng tơ vương
Mặn nồng lời ước hẹn
Dạt dào niềm yêu thương.
 
                          Tô Ngọc Thạch
 
 
Đây là mùa thu đặc trưng của làng quê vùng đồng bằng Bắc bộ Việt Nam
Nắng đi xéo vào vườn
Rộm rám vàng trái bưởi
Ngày vẫn oi oi nồng
Quất vào vòm đêm tối
Trong cái thời tiết oi ả cuối hạ “Tháng tám nắng rám trái bưởi” vậy mà khi trời chiều dần buông “Nắng đi xéo vào vườn” không khí se lạnh sương thu đã len vào ống tay áo, thấm vào da thịt con người.
Còn đây là mùa thu rất riêng của tác giả:
Mùa thu vàng se sẽ
Chợt đến tự bao giờ
Trăng mải mê phết nhũ
Mây lạc đường bơ vơ
          Mùa thu và trăng thu thật đẹp, thật say đắm, được nhìn bằng con mắt của người  thơ yêu công việc, yêu nghề, đến nỗi nhìn trăng mà cứ ngỡ người thân đang làm việc. Tôi thích nhất hai câu thơ này:
Trăng mải mê phết nhũ
Mây lạc đường bơ vơ
Vừa thực vừa ảo, rất lãng mạn nhưng cũng rất đời. Có lẽ đây là câu thơ viết bằng tâm thức tiến tới vô thức.
          Mùa thu thường rất gợi (nhất là đối với người làm thơ). Khi heo may về, trời se se lạnh nên “gió gầy đang thao thiết” đánh thức bao nỗi niềm, lay động những “sợi tơ tình” tưởng đã “phôi pha” theo năm tháng, làm đồng điệu giữa con người với “trời và đất”.
          Bài thơ đã khắc họa được những nét đặc trưng của mùa thu làng quê Việt Nam có những nét riêng của mình. Nếu được đòi hỏi cái gì đây đối với tác giả, thì đó chính là tỷ trọng thơ cho “Biển” của anh còn hơi ít (Kể cả trong tập thơ Giọt nhớ cũng vậy). Tôi muốn nhấn mạnh về một nét đặc biệt của hồn thơ Tô Ngọc Thạch:
/Hoàng hôn chìm trong mộng
Ánh ngà vây vây quanh/
Ánh ngà là ánh sáng trắng đục hoặc ngả sang màu vàng nhẹ (ngà) xuất hiện lúc hoàng hôn ở ta rất hiếm thấy (Hoàng hôn thường đỏ rực – đỏ như bát tiết – hoặc vàng úa). Có thể vì tác giả đã có nhiều năm sống ở vùng đài nguyên phương Bắc khi có băng tuyết mới nhìn thấy hoàng hôn như vậy. Những câu thơ này dường như là ảnh ảo, đẹp và lạ.
Trong tập “Giọt nhớ” của Tô Ngọc Thạch, thể thơ 5 chữ theo lối cổ phong vẫn là thế mạnh của anh (11/42 bài) mà bài “Thu về đây với biển” là bài thơ tiêu biểu. Ở một người đã đi xuyên lục địa Á Âu, cảm nhận về mùa thu Việt Nam theo cách riêng khó trộn với ai được.
 
Mùa thu 2001
Phúc Nguyên