/Cỏn con một sợi lông mày. Mà đem cột trái đất này vào anh/ Thơ Trần Mạnh Hảo

VIDEO

HỖ TRỢ

QUẢNG CÁO

LỊCH

LIÊN KẾT

LÝ LUẬN PHÊ BÌNH

CÁNH CHIM CHƯA BIẾT MỎI

Một trái tim chỉ quen đập nhịp mòn trong lồng ngực hẹp, chớ có trường ca. Cũng không thể cất lên từ một giọng nghèo dư chấn.

CÁNH CHIM CHƯA BIẾT MỎI

 

Nhân đọc tập Bút ký “Những tiếng vỗ cánh”

của KHIẾU QUANG BẢO – Nxb Lao động 2015

 

PHẠM THỊ THU HOÀI

-------------------------------------------------------------------------------------------------

 

      Tâm lý kỳ lạ ở những người viết văn là tuổi càng cao khát khao đi và miệt mài viết càng lớn và khẩn trương, cứ như sợ thời gian không chờ đợi mình. Có được tâm can ấy là một diễm phúc. Đó là diễm phúc cho Nhà văn - nhà báo Khiếu Quang Bảo, khi năm 2015 này quý I ông ra mắt cuốn tiểu thuyết “Sống trong Bí tích”, liền quý II ông ra tiếp tập bút ký “Những tiếng vỗ cánh”.

      Trong tâm trạng “gấp gáp tối đa” những miền đất ông qua những con người ông gặp dọc dài đất nước với ông vẫn vừa lạ vừa quen dẫu lần đầu hay nhiều hơn thế. Thực tế trước mắt hay cảm nhận từ lịch sử trăm năm nhớ nhớ quên quên nhưng ấn tượng và đáng yêu vô cùng tựa như “Những tiếng vỗ cánh” trong sâu thẳm, để rồi chong đèn trải lòng trên trang viết như những gì trong tập bút ký này. Đó là vốn sống trải nghiệm sau hơn bốn chục năm làm nghề báo để rồi ông nuôi nghiệp văn. Một cánh chim chưa biết mỏi.

      Cánh chim ấy đã bay xuyên Việt từ cực Bắc đến cựcNamđất nước, được thể hiện trong 25 bút ký, một cuộc du khảo văn chương.

      Căn cứ vào cuộc hành trình được ghi thì cái năm Khiếu Quang Bảo “xuyên Việt” là vào cuối năm kia, 38 năm sau ngày đất nước thống nhất, bởi vậy, dẫu là dọc Trường Sơn đại ngàn đến Tây Nguyên non xanh, hay một dải miền Trung đất hẹp đến đồng bằng sông Cửu Long rộng mở tới tận đất mũi Cà Mau đều là những nét tươi đẹp của đất nước hôm nay, nhưng lại được khắc họa trên cái nền tái sinh từ cuộc chiến tranh một thời máu lửa, thậm chí lùi xa hơn nữa.

 

      Mỗi vùng đất Khiếu Quang Bảo đi qua, ông thâm nhập sâu kỹ, từ cảnh quan địa lý đến truyền thống lịch sử, từ đời sống văn hóa đến những tập tục khác biệt. Như một sở trường, ông viết cái hiện tại thường cũng hồi tưởng cái đã qua, liên tưởng và so sánh chúng ngồn ngộn tư liệu sống động. Trong “Tứ giác Long Xuyên chuyện cổ tích kể tiếp” ông liên tưởng Kênh T5 Võ Văn Kiệt ngày nay với kênh Vĩnh Tế thời Thoại Ngọc Hầu nhà Nguyễn, hai con người sống cách nhau 200 năm có chung ý tưởng, đã tạo thành hệ thống thủy lợi cùng mục đích đem lại một vùng kinh tế trù phú cho đồng đất nhiễm phèn này. Ông cũng là tác giả giỏi săn chi tiết, khi viết “Lãng đãng hồn Chăm” ở Thánh địa Mỹ Sơn hay Tháp Bà Po Naga ông liên tưởng tới nghệ thuật phồn thực qua vũ nữ Apsara và tục thờ sinh thực khí Yoni và Linga, với ca sĩ Tùng Dương hát như lên đồng tác phẩm “Mưa bay Tháp cổ”.

      Hình như Nhà văn – Nhà báo Khiếu Quang Bảo viết bút ký là để in sách, bởi ông viết với dung lượng lớn giàu tư liệu bổ ích cho nghiên cứu. Trong “Về Thới Sơn nghe đờn ca tài tử” ông đem lại cho người đọc lịch sử hình thành cải lương từ nghệ thuật hát bội. Rồi “Đêm cồng chiêng trên cao nguyên Lâm Viên” ông lại cho người đọc hiểu về lịch sử âm nhạc Tây nguyên từ bộ gõ - bộ hơi đến tục lệ lễ hội cùng đời sống âm nhạc đời thường.

      Nhà văn – Nhà báo Khiếu Quang Bảo đã không ngần ngại đồ vào các bút ký những câu chuyện lịch sử, chi tiết lịch sử đáng nhớ một thời phong kiến. Như khi ông viết về  huyện Phú Bài Thừa Thiên - Huế có cảng Tư Hiền, khi xưa Bùi Viện đi Mỹ, Nguyễn Trường Tộ đi Pháp cùng với đoàn sứ thần đều từ Huế đi ra theo sông Hương, đến đầm Cầu Hai rồi qua cửa biển Tư Hiền. Khi trở về Nguyễn Trường Tộ có tâu với vua Tự Đức rằng ở bên Pháp có cái nhà biết đi có cái đèn thắp ngược cùng nhiều điều kỳ lạ ông gặp. Ông trình bày nhà vua là để xin được cải cách khoa học kỹ thuật, nhưng Tự Đức là con người dốt nát không nghe theo, nên các đề án và chương trình của Nguyễn Trường Tộ đã không được chấp nhận. Thời nhà Trần mỗi khi cất quân đánh Chiêm Thành thủy quân từ Bắc đi đến cửa biển Tư Hiền các chiến thuyền đều quay đầu vào cửa biển này hội quân ở đầm Cầu Hai cho quân sĩ nghỉ ngơi sửa chữa tàu bè súng ống chỉnh đốn đội ngũ, rồi mới từ đây khởi binh ra cửa biển Tư Hiền vào Chiêm Thành đánh nhau. Rồi vào năm 1304, Trần Nhân Tông có vào tận Đà Nẵng, lúc bấy giờ là đất của Chiêm Thành để giảng Phật pháp tại Ngũ Hành Sơn. Và tại kinh thành Chiêm Thành Thái thượng hoàng Trần Nhân Tông đã hứa gả Công chúa Huyền Trân cho vua Chiêm Thành lúc bấy giờ là Chế Mân. Việc Công chúa Huyền Trân vào làm dâu Chiêm Thành, đã khiến Chế Mân dâng lễ hai châu, là châu Ô và châu Rí cho Đại Việt. Châu Ô và châu Rí chính là đất Thừa Thiên - Huế bây giờ, mà ngày xưa gọi là đất Thuận Hóa. Rồi Khiếu Quang Bảo bình: Xưa, Chế Mân đổi đất lấy gái đẹp. Giờ, Bí thư Nguyễn Bá Thanh đổi đất lấy cơ sở hạ tầng để xây dựng nên thành phố Đà Nẵng đẹp đẽ như ngày nay. Hay khi viết về Quảng Ngãi, Khiếu Quang Bảo có nhắc câu chuyện Sứ bộ Phan Thanh Gỉản - Phạm Phú Thứ sau khi đi Pháp thương thuyết xin chuộc lại ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ không thành, qua Ai Cập, Phạm Phú Thứ đã vẽ lại cái tét guồng nước đưa nước lên ruộng cao do trâu kéo, để rồi sau đó Quảng Ngãi là nơi thực hiện chương trình dẫn thủy nhập điền do Phó sứ Phạm Phú Thứ đã “cop-py” từ Ai Cập.

      Triết luận cũng là một nét độc đáo hay gặp trong các bút ký của Khiếu Quang Bảo. Như khi ông viết về Tòa thánh Cao Đài ở Tây Ninh: Có nhiều lối lên Thiên Đường cùng nhiều cách đi. Bởi vậy mới sinh ra các giáo. Các Giáo như Đạo Phật, Đạo Tiên, Đạo Thánh, Đạo Do Thái, Đạo Hồi… đều chia giáo lý ra làm hai phân khúc. Một phân khúc hữu hình minh minh, bạch bạch để dạy bậc hạ thừa. Một phân khúc vô hình huyền huyền, bí bí để mật truyền cho bậc thượng thừa. Đạo là vô vi. Đời là hữu hình. Vô vi và hữu hình buộc phải hiệp nhau làm một mới được. Có đạo tức có đời. Có đời tức có đạo. Người ta làm cái cửa chứ không làm cái khoảng trống ấy, tức là vô vi. Mà hễ làm cái cửa thì cái khoảng trống ấy tự nhiên phải có.

      Những tiếng vỗ cánh vẫn đều và điệu cho cuộc đời này. Cánh chim ấy chưa biết mỏi luôn nguyện cầu mỗi ngày để được cống hiến.

      Có một câu viết của Nhà văn - Nhà báo Khiếu Quang Bảo làm tôi lưu tâm: Một ăng-ten không nhạy với sóng âm lịch sử ngay giữa đời thường khó mà trường ca. Một trái tim chỉ quen đập nhịp mòn trong lồng ngực hẹp, chớ có trường ca. Cũng không thể cất lên từ một giọng nghèo dư chấn.

PTTH