/Cỏn con một sợi lông mày. Mà đem cột trái đất này vào anh/ Thơ Trần Mạnh Hảo

VIDEO

HỖ TRỢ

QUẢNG CÁO

LỊCH

LIÊN KẾT

LÝ LUẬN PHÊ BÌNH

“Thềm nhà người” và lời bình của Đỗ Tiến Bảng

Mười hai câu thơ, tám lần nhắc chữ “Người” (viết hoa), bốn lần cụm từ “thềm nhà Người”, ba lần lặp câu “Tôi đã đến bên thềm nhà Người”

“Thềm nhà người” và lời bình của Đỗ Tiến Bảng

 

Tôi đã đến bên thềm nhà Người

Tôi biết Người đang nhìn ra và Người đã trông thấy…

Dù cửa chính, cửa sổ đều đóng

 

Tôi đã đến bên thềm nhà Người

 

Chẳng ai đón tiếp, tôi ngồi với những cái cây

Chúng đã mọc ở đây, trước tôi, một vài thế kỷ

Vậy mà rễ và lá của chúng vẫn đang bền bỉ

Nhích lại gần, gần hơn nữa đến Người

 

Tôi đã đến bên thềm Người, ngồi xuống, và giờ phải đứng dậy về thôi

Con đường tôi đi xuyên qua xóm làng, tiến ra đường lớn

Tôi bỗng thấy thềm nhà Người trải ra bất tận

Tôi vẫn đi trong ngôi nhà lớn của Người.

ĐỖ DOÃN PHƯƠNG                                                                  

(Văn nghệ số 17/ 26.4.2014)

 

Lời bình của Đỗ Tiến Bảng

Mười hai câu thơ, tám lần nhắc chữ “Người” (viết hoa), bốn lần cụm từ “thềm nhà Người”, ba lần lặp câu “Tôi đã đến bên thềm nhà Người”( lần ba có bớt từ “nhà”). Điệp khúc chữ cứ ngân nga, luyến láy đầy hàm ý. “Người” ở đây là ai? Là “Đấng tối cao”, là “Chúa trời”, “Trời”( Thiên), “Thánh thần”, …nói chung là Đấng sáng tạo, là Thế giới Tự nhiên vĩ đại. Người có quyền năng vô hạn kia đều thấy tất cả chúng ta. “Người đang nhìn ra và Người trông thấy…/ Dù cửa chính, cửa sổ đều đóng”. Đến “nhà Người” mà chỉ có những “cái cây” - “những cái cây”- thế giới thiên nhiên – là có trước con người “Chúng đã mọc ở đây, trước tôi, một vài thế kỷ”; sự sống của chúng “rễ và lá của chúng vẫn đang bền bỉ/ Nhích lại gần, gần hơn nữa đến Người”. Hình ảnh khái quát mối quan hệ Con người và Thiên nhiên, thiên nhiên có qui luật phát sinh phát triển âm thầm, bền bỉ, hài hòa. Con người xã hội cần học cách chung sống với tự nhiên. Thơ cổ thường nói “thiên” (trời), “thảo” (cỏ), “mộc”(cây) …Âu cũng là kế tục truyền thống. Con người đến và đi, ra đi và trở về, sự tuần hoàn của đời sống. Con người làm cuộc hành trình trên thế gian, từ làng xóm ra đến đất nước và thế giới, “Con đường tôi đi xuyên qua xóm làng, tiến ra đường lớn”. Và ở đâu cũng là trái đất này, vũ trụ này mà chủ thể sáng tạo là…Đấng Tối Cao. Đó nhận thức như một phát hiện về sinh tồn, về thế giới: Tôi bỗng thấy thềm nhà Người trải ra bất tận/ Tôi vẫn đi trong ngôi nhà lớn của Người. Ý  thức về tồn tại và bản thể luôn ở trong tâm thức nhà thơ trẻ này. Trong tập “Hoan ca”( 2011), thức nhận đời sống, ý niệm hiện sinh ẩn chứa ở nhiều bài thơ, nhưng còn đa ngôn. Bài “Quà tặng” ý thức về sống – chết: “Mỗi lần nhớ là mỗi lần tôi bứt ra khỏi sự Chết/ Bởi tôi chính là món quà mà Người tặng cho tôi”. Hoặc như bài “Thằng bé đẹp xinh”: “Nó là con chúng tôi/ Nhưng chính Người mới sinh ra nó/ Từ chỗ không của chúng tôi, chính Người đã làm nên Có”. Một thi sĩ Xứ Đoài từng “phát hiện” Đỗ Doãn Phương, là Thế Mạc, có cùng ý niệm: “Ta là quả của Người vừa mới nứt/ Một hạt u linh vừa vứt xuống trần gian” (bài “Dốc Lễ Khê”, tập “Hồ”). Bài “Thềm nhà Người” này là sự kiệm lời, một diễn ngôn có nhịp điệu, tiết tấu. Câu thơ co giãn trong khuôn khổ và vẫn “vượt rào”. Lối “nói” với cú pháp văn xuôi, ý tứ  mạch lạc. Chất thơ là sự “cảm” trong nghĩ suy, là phát triển “tứ” quanh những hình ảnh cụ thể hay tượng trưng. Hiện đại mà vẫn truyền thống. Bất chợt nhớ về bài “Thơ về những ân sủng” của J. Luis Borger (1899 – 1986, nhà thơ Arghentina) “Từ thành phố sách này Người chỉ lối/ cho những con mắt không ánh sáng…”. Hay “Thơ dâng” của R. Tagor “Người đã cho tôi một chỗ ngồi trong những ngôi nhà không phải của tôi

 

(Tôi chưa biết văn bản in báo có thay đổi gì không. Ở văn bản bài thơ Đỗ Doãn Phương gửi cho tôi thì cấu trúc khác đôi chút: cả bài có 3 khổ (3-5-4); ở bản in báo là 4 khổ (3-1-4-4). Và không có dấu chấm cuối câu 12. Xin ghi nhận sự khác biệt này!)