/Cỏn con một sợi lông mày. Mà đem cột trái đất này vào anh/ Thơ Trần Mạnh Hảo

VIDEO

HỖ TRỢ

QUẢNG CÁO

LỊCH

LIÊN KẾT

Văn xuôi

LÀNG AM THỨ MƯỜI TÁM VÀ CHÙA SONG MAI TRUNG AM

Qua những chứng tích trên, ta có thể khảng định làng Am thứ mười tám Mai Am là có thật

AM THỨ MƯỜI TÁM VÀ CHÙA SONG MAI

.

          Khi viết về làng cổ Trung Am và khu di tích Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm được xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt, tôi có bài lục bát và câu kết viết:

Ai giăng rơm rạ tháng mười

Để tôi gỡ rối nửa đời chưa xong.

          Thật đúng như vậy, việc đi tìm làng Am thứ mười bảy và thứ mười tám tiêu tốn khá nhiều thời gian và sức lực, nhưng “Bỏ thì thương, vương thì tội, tôi đành phải cố gắng hơn để tìm ra lời giải đáp.

      Từ thời Lê trung hưng ở lục tổng huyện Vĩnh Lại, phủ Hạ Hồng (nay là khu dưới huyện Vĩnh Bảo) đã có câu ca: “Thập bát trang Am, sang Nam mất một. Đây là câu ca có thật và hiểu hết ngữ nghĩa của nó thì phía triền Tả sông Hóa (bờ Bắc) có mười bảy làng Am và bên triền Hữu sông Hóa (bờ Nam) có một làng. 

          Lúc tìm được làng Am thứ mười bảy là Vạn Am rồi, chúng tôi đồ rằng: Chỉ có Cổ Am mới đủ khả năng về quyền lực và kinh tế để “thôn tính” được làng Am thứ mười tám còn lại, hoặc vì một lý do đặc biệt nào đó, làng Am kia mới bị mất tên. Cách đây không lâu, một nhà giáo có chức sắc quê Vĩnh Bảo, không biết đùa hay thật nói với tôi rằng: 

-         “Cụ Trạng” nói có mười chín làng Am bác nhé?

-         Cảm ơn anh, tôi sẽ cố gắng tìm?  

           Cuộc tìm kiếm làng Am thứ mười tám còn khó khăn gấp bội việc tìm ra làng Am thứ mười bảy. Trong quá trình xem xét, nghiên cứu, đọc các tài liệu cổ viết về phủ Hạ Hồng, chúng tôi phát hiện ra chùa Mai có từ trước thời Mạc, nằm ở vị trí bìa làng Mai. Đây là một địa danh cạnh với giáp Bắc của làng Trình và làng này mới có hai giáp: Giáp Bắc và giáp Chính. Trước đó làng này thuộc trang Úm Mạt (Cổ Am) và giáp Trung thuộc bên làng Cổ, nên gọi giáp Chính cho đỡ nhầm lẫn, còn thực chất giáp Trung hay giáp Chính đều là một. Đến thời Lê trung hưng làng Trung Am đủ cơ số dân phát triển thành xã và đình Trung Am mới được xây dựng ở phía Bắc của giáp Chính, nhưng được gọi là giáp Đình vì giáp Bắc gần sông Hàn đã bị lở gần như hầu hết.

        Theo Đại Nam Nhất thống chí tập III có ghi: “Ở xã Trung Am, huyện Vĩnh Lại khi Nguyễn Bỉnh Khiêm về trí sỹ làm nhà ở bến Tuyết Giang, biển đề “Quán Trung Tân“, có bài minh và tựa (xem Hoàng liệt văn tuyển) đại lược nói: Trông sang phía đông là biển, trông sang phía Tây là kênh, liếc nhìn về Liêm Khê ở phía Nam thì động biếc Trung Am, thấp cao liên tiếp, cúi vốc nước Tuyết Giang ở phía Bắc thì ánh trăng Hàn Thị (bến Tiền Am hay bến Hàn), tả hữu long lanh, một đường cái nằm ngang ở giữa, tấp nập ngựa xe không biết mấy ngàn dặm“.

          Hoặc trong bài thơ “Ngụ hứng” của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, ông cũng tả nơi ở của gia đình nhà mình:

Phiên âm:

Bán y thôn thị bán nhân hương
Trung hữu tri viên nhất mẫu cường
Am quán trường nhàn xuân bất lão
Giang sơn nhập hoạ bút sinh hương
Thanh lưu tá hưởng cầm thanh nhuận
Cổ mộc lưu âm khách mộng lương
Thặng hý tư văn thiên vị táng
Chí kim hạnh đắc bộc thu dương.
 

          Dịch thơ (Hữu Thế):

Một bên quê chợ một bên làng
Hơn mẫu vườn ao cũng rảnh rang
Am quán thư nhàn xuân thắm mãi
Giang sơn như hoạ bút sinh hương
Dòng tuôn vang vọng cung cầm được
Bóng cả che râm mộng khách vương
Mừng thấy tư văn trời chẳng bỏ
Đến nay vẫn tắm ánh dương vàng.

       Hoặc trong bài “Trung Tân ngẫu hứng” Nguyễn Bỉnh Khiêm viết:

Nhân thôn quán Tây Nam,
Giang thuỷ quán Tây Bắc.
Trung hữu bán mẫu viên,
Viên tại Vân Am trắc…

Dịch thơ (Ngô Lập Chi): 

Sông ngòi vòng Tây Bắc,
Làng xóm bọc Tây Nam.
Giữa có nửa mẫu vườn,
Vườn ở bên Vân Am.

       Qua những câu thơ trên ta thấy được gia đình Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng bình thường như nhiều gia đình khác thời bấy giờ đang sinh sống ở giáp Bắc làng Trình với năm sào vườn cùng hơn năm sào ao và “Nhà tranh cạnh suối trúc chen nghiêng” (Ngụ hứng).

       Sau này người vợ thứ ba của Trạng Trình là bà Minh Nguyệt (quê ở Đồ Sơn) bỏ cõi hồng trần đã đến chùa Mai kia tu hành. Lúc về trí sỹ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm thường tản bộ tới chùa Mai lễ bái và đã từng trả lời sứ giả Chúa Trịnh với một câu nói nổi tiếng rằng: “Giữ chùa, thờ Phật thì được ăn oản” (ý nói không nên thoán đoạt ngôi Vua nhà Lê)…

       Đoạn sông Thái Bình khi đi qua huyện Vĩnh Lại xưa, nay là đoạn từ qua cầu Đăng tới ngã ba sông Hóa được gọi là sông Hàn hay sông Tuyết, do Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đặt tên. Nước sông Thái Bình từ thượng nguồn đổ về theo hướng Tây Đông, khi qua làng Mai (xã Liên Am ngày nay) chớm vào làng Trình (Lý Học) bên triền Hữu cùng làng Lũ Đăng bên triền Tả (xã Kiến Thiết, Tiên Lãng ngày nay) thì dòng sông bị uốn lượn rẽ ngang gần như một góc vuông chảy về hướng Bắc. Sau đó lại quẹo sang hướng Đông chảy xuống hạ nguồn, khiến cho“Khúc sông bên lở bên bồi. Bên lở thì đục bên bồi thì trong, mà bên lở với tốc độ ghê gớm ở bên triền Hữu sông Hàn (làng Bích, làng Mai và làng Trình, huyện Vĩnh Lại, nay thuộc thôn Bích Động, Bái Khê xã Liên Am và thôn Trung Am xã Lý Học), còn bên bồi là triền Tả (làng Lũ Đăng và Thạch Cốt, tổng Hán Nam, huyện Tân Minh, phủ Nam Sách, nay là thôn Nam Phong và Thạch Hào, xã Kiến Thiết, huyện Tiên Lãng).

        Trải qua gần thiên niên kỷ, ba thôn (Bích Động, Bái Khê và Trung Am) bên triền Hữu bị lở dần, còn bên triền tả (thôn Nam Phong và Thạch Hào) được bồi thêm. Chúng tôi lại một lần nữa sang bên thôn Nam Phong 2 và Thạch Hào, xã Kiến Thiết, huyện Tiên Lãng để xem lại vị trí sông Hàn thời trước ở vị trí nào. Trước mặt chúng tôi là một diện tích khá lớn mà bà con xã Kiến Thiết, quê hương Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Nguyễn Văn Tùng được “trời ban tặng”. Theo dòng lịch sử thì mảnh đất tổng Thượng Am, tổng Hán Nam mới có từ thời nhà Lý, nên đoạn sông Hàn có tuổi đời khoảng một ngàn năm. Nếu tính từ đê hiện nay phía Tả sông Hàn tới đê cổ ngày trước ước chừng trên dưới một cây số, nên vị trí làng Bích, làng Mai và làng Trình thời nhà Mạc chắc còn kéo dài sang triền Tả sông Hàn hiện nay.

        Rồi câu ca “Ba bị chín quai” ở hai địa phương bên triền Hữu cũng như bên triền Tả sông Hàn vẫn được lưu truyền, nghĩa là bên Vĩnh Bảo ba lần bị vỡ đê lũ lụt, còn bên Tiên Lãng chín lần quai đê để nới rộng diện tích, mà thôn dân xã Kiến Thiết gọi vùng đất bồi đó là “diều vịt”, trông giống diều con vịt khi ăn no. Trong khi đó phía bên triền Hữu, cư dân và chính quyền địa phương nơi đây cũng xây dựng hệ thống phòng chống lũ khá chắc chắn bằng đê đất nhiều tầng lớp, nhưng thường xuyên vẫn bị đe dọa. 

       Tôi được biết bên triền Tả của khúc sông Thái Bình ở đoạn trên, khi qua địa phận thôn Kim Đới xã Tiên Thanh (Tiên Lãng), còn bên triền Hữu là thôn Lác, nay là thôn Lạc Hồng xã Vĩnh An (Vĩnh Bảo) cũng có hiện tượng bồi lở tương tự như làng Mai Am bên bờ Hữu và làng Lũ Đăng bên bờ Tả, nhưng tốc độ xoáy lở nhẹ nhàng hơn. Vào những năm kháng chiến chống Pháp, một tàu chiến Pháp bị đánh chìm gần bên triền Tả sông, sau đó đến thời kỳ thu mua sắt vụn, người ta phải đào đất vào sâu trong bãi sông thôn Kim Đới tới mấy chục mét để kiếm tìm vật báu cũng như thu mua sắt vụn.

       Tượng tự như vậy ở khúc sông Luộc, đoạn cua qua đình Cung Chúc (xã Trung Lập) cũng vậy: Có một tàu chiến của Nhật khi qua khúc cua sông này không may bị chìm vào giai đoạn trước cách mạng tháng tám, sau này thôn dân xã Hà Thanh (huyện Tứ Kỳ) bên triền Tả sông cũng phải đào đất ở vị trí vào sâu bãi sông bên triền Tả hơn một trăm mét để lấy sắt vụn. Những minh chứng trên càng cho ta thấy tốc độ lở bồi của những đoạn cua của các con sông dưới hạ nguồn qua huyện Vĩnh Bảo cũng thật khủng khiếp, mà ta cũng có thể ước lượng được ở các khúc cua sông này sau năm trăm năm đã tịnh tiến vào bên lở khoảng bao nhiêu mét?

       Rồi vào một ngày cuối năm Tân Sửu, những cơn gió bấc đua nhau lũ lượt tràn về, bầu trời chỉ còn lại một màu xám xịt:

“Chạp về rét cũng đành hanh 

Găm vào ký ức xa xanh cội nguồn

Hàng cây rụng là bên cồn

Lau thưa ngơ ngác héo mòn ngày xa”...

       Tôi và nhà Hán Nôm Hoàng Vũ về thăm con sông Hàn thơ mộng nhưng cũng đầy dữ dội này và mảnh đất Bái Khê trải qua bao thác ghềnh. Gặp lại nhà nho Lã Đức Quảng đã xấp xỉ U90, nhưng ông vẫn minh mẫn, mà mọi người đoán trẻ hơn gần chục tuổi. Được biết ông là hậu duệ họ Lã Vĩnh An Quận công đời thứ 10 sinh sống tại mảnh đất Bái Khê này. Nhâm nhi chén trà xong, ông dẫn chúng tôi ra đình, chùa làng, mộ phu nhân Dĩnh quận công và sông Hàn tham quan. Khi ra đến đê với dáng vẻ đăm chiêu ông kể: “Theo như bố tôi nói lại thì ngày trước mỗi mùa lũ về thì nước xoáy siết khủng khiếp, từ năm 1936 Pháp cho đào con sông Mới nối từ sông Thái Bình sang sông Văn Úc qua xã Tự Cường và xã Tiên Tiến, Tiên Lãng thì nước về sông Hàn này chỉ còn một nửa, bởi thế mới có câu sấm Trạng:

Bao giờ Tiên Lãng chia đôi

Sông Hàn nối lại thì tôi lại về.

       Con đê chúng ta đang đứng đây là đê trong của bên lở được đắp mới vào năm 1944, lúc ấy tôi đã lớn và biết rõ được tường tận mọi việc. Muốn ra sông Hàn còn qua một bãi, một đê quai và bãi ngoài nữa mới ra được mép nước. Ngày ấy bên lở cũng đã giảm so với thời trước nhiều rồi, nhưng chính quyền Nhà nước phong kiến vẫn cho đắp con đê này cách sông một đoạn khá xa khoảng 250 mét. Rồi từ khi Thủy điện Hòa Bình chính thức đi vào hoạt động (1994) thì không còn lũ về như trước nữa, nên không còn hiện tượng bồi lở như xưa. Bây giờ từ đê Bái Khê ra mép sông chỉ còn chưa tới 50 mét đó các ông xem. Dịch sang phía Đông vài trăm mét là đê Trung Am, lúc nãy các ông vừa qua thì khoảng cách từ chân đê ra mép sông vào khoảng 150 mét mà thôi. Nếu không có Thủy điện Hòa Bình thì đê này đã phải tịnh tiến vào sâu bên trong từ lâu rồi”.

       Đứng trên đê Bái Khê, ông Quảng chỉ tay sang bên triền Tả sông Hàn là thôn Nam Phong xã Kiến Thiết và nói:

-         Có lẽ địa giới làng Mai ngày trước ở mãi bên kia cơ?

-         Đúng quá rồi bác, làng của bác ngày ấy mang tên Mai, sau cụ Trạng về trí sỹ thì

được đặt là Mai Am. Đây cũng là làng Am thứ mười tám mà anh em tôi tìm mất không biết bao nhiêu thời gian nay mới có lời giải đáp.

-         Thế mà tôi không biết, xin cảm ơn hai anh em ông.

-         Có lẽ quán Trung Tân, Bạch Vân Am và khuôn viên nhà cụ Trạng cũng ở bên triền Tả bên kia bác ạ.

-         Chắc là vậy. Nhà nho Lã Đức Quảng gật gù tâm đắc! 

       Đứng trước khúc “sông lạnh” này giữa bên lở bên bồi, bao cảm xúc trong tôi cứ trào dâng và mấy vần lục bát ra đời:

Bến xanh đang héo dần trôi 

Chát chua bên lở bên bồi thưa mau 

Nỗi buồn nấp ở xa sâu

Ai gom nước mắt tô màu tái tê

Đắng lòng bao cuộc chia ly

Đớn đau làng lại nhâm nhi chính làng

Sóng xô bên lở miên man

Ba lần dông bão làm tan nát lòng

Bên bồi nắng tỏa vàng ong

Chín lần nới rộng mênh mông ruộng vườn

Cùng chung một khúc sông thương

Bên bồi bên lở tình trường oái oăm?...

       (còn nữa)